Hàng Việt chiếm ưu thế lớn

Thông tin từ các Sở Công Thương cho thấy, năm nay, lượng hàng hóa các địa phương chuẩn bị cho Tết chủ yếu là hàng Việt. Riêng 2 thành phố lớn nhất, số tiền chi cho hàng hóa phục vụ Tết đã lên đến hơn 60.000 tỷ đồng. Các nhà cung cấp chủ yếu là các nhà sản xuất Việt ở các tỉnh thành lân cận Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt các mặt hàng nông sản đặc sản. 

Các đại siêu thị cũng đã chuẩn bị số lượng lớn hàng Việt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết. Đại diện Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C cho biết, năm nay, Big C đã hoạch định số lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Canh Tý 2020 tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng các loại bánh kẹo đóng hộp phục vụ Tết thì hàng Việt là chủ đạo, chiếm trên 95% (các thương hiệu như Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hương Việt, Hải Hà, Vinabico… ). Mỗi nhà cung cấp đều có nguồn hàng rất phong phú, kể cả hàng cao cấp. Dự kiến, riêng bánh kẹo Việt, số lượng Big C dự kiến chuẩn bị khoảng 2.200 tấn. 

Đặc biệt, năm nay, Big C mở rộng diện tích trưng bày các sản phẩm Tết như bánh, kẹo , mứt, hạt, thạch, khô các loại …, các đặc sản vùng miền đến từ các địa phương trên cả nước cho khách hàng sự lựa chọn phong phú. Bên cạnh đó, Big C sẽ áp dụng chương trình Khóa Giá trong suốt 40 ngày ngay trước Tết đối với hơn 10.000 sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (không áp dụng cho mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa). Như vậy, khoảng 6 tuần trước Tết, Big C sẽ giữ giá cố định như đã niêm yết đối với hơn 10.000 sản phẩm này.

hang hoa tet
Số lượng hàng Việt trên các kệ tại siêu thị đã chiếm đến 90%

Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op cũng nhấn mạnh đến các thương hiệu Việt trong quá trình chuẩn bị hàng Tết cho Saigon Co.op. Điểm lại một loạt các thương hiệu Việt chuẩn bị cho dịp Tết Canh Tý từ hàng thực phẩm, gia dụng đến các mặt hàng thiết yếu, ông Đức khẳng định, mỗi năm, vào dịp Tết, số lượng hàng Việt mà Saigon Co.op chuẩn bị đều tăng ổn định, trên 20%, năm nay cá biệt có mặt hàng chuẩn bị tăng đến 40%, kể cả các nhãn hàng riêng của Saigon Co.op. 

Số lượng hàng Việt trên các kệ tại siêu thị đã chiếm đến 90% nên mỗi dịp Tết khối lượng hàng Việt bán ra đều tăng đáng kể. Đặc biệt hàng Việt đã là sự lựa chọn của đông đảo người tiêu dùng vì nguồn gốc xuất xứ đảm bảo, đều của các nhà sản xuất đã khẳng định được tên tuổi, uy tín và thương hiệu của mình. 

Vì sao hàng Việt chiếm vị thế?

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến hàng Việt luôn là ưu tiên lựa chọn đầu tiên của người tiêu dùng là do chất lượng và mẫu mã các sản phẩm đều tăng đáng kể, các nhà sản xuất đã chú trọng hơn đến nhu cầu người tiêu dùng và nghiên cứu, chế biến các sản phẩm phù hợp với thị hiếu, khẩu vị người Việt.

Nguyên nhân thứ 2 là bắt đầu từ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Ông Phú đánh giá, cuộc vận động này chính là tiền đề để hàng Việt dần lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt các mặt hàng lương thực, thực phẩm.  

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết, hàng Việt luôn nhận được chính sách bình ổn giá trong mỗi dịp Tết nên giá cả các mặt hàng không tăng cũng là nguyên nhân khiến cho hàng Việt lên ngôi vào mỗi dịp Tết. Bà Hậu lý giải, thường vào dịp Tết, hàng hóa nhập ngoại sẽ bị đẩy giá cao hơn do chi phí vận chuyển vào dịp Tết thường cao hơn. Bên cạnh đó, thói quen lựa chọn hàng Việt đã hình thành ở mỗi người tiêu dùng nên hàng Việt có cơ hội cạnh tranh tốt hơn với hàng hóa ngoại nhập. 

Ngoài ra, theo bà Hậu, còn một nguyên nhân khác khiến hàng Việt được yêu thích mỗi dịp Tết là do các nhà sản xuất rất biết cách chiều theo thị hiếu của người Việt, luôn có những mẫu mã rất phù hợp với không khí Tết nên càng làm cho người tiêu dùng thấy thích thú và lựa chọn hàng Việt nhiều hơn.

hang tet
Số lượng người lựa chọn hàng Việt và ưu tiên lựa chọn hàng Việt đã tăng lên đến 70-80%

Theo kết quả của nhiều cuộc khảo sát, số lượng người lựa chọn hàng Việt và ưu tiên lựa chọn hàng Việt đã tăng lên đến 70-80%. Đây chính là tiền đề để hàng Việt vươn lên và khẳng định vị thế của mình ở thị trường trong nước, đặc biệt mỗi dịp Tết. Ngoài ra, chính cách lan tỏa hàng Việt ở khắp nơi, từ các đô thị, thành phố lớn đến các vùng nông thôn trên khắp Việt Nam cũng khiến cho hàng Việt trở nên phổ biến và quen thuộc với người tiêu dùng. 

Ông Phú đánh giá, hàng Việt chắc chắn đã có một vị thế vững chắc đối với người tiêu dùng trong nước, vấn đề còn lại là các nhà sản xuất phải cố gắng giữ ổn định chất lượng, nếu ngày càng giảm được giá thành thì không có gì phải nghi ngờ về việc hàng Việt chiếm lĩnh lại được “sân nhà mình”. Tuy nhiên, có một khó khăn mà các ngành chức năng phải quyết liệt thay đổi để hàng Việt đến tay người tiêu dùng với mức chi phí tốt nhất. Đó chính là khâu phân phối. 

Theo ông Phú, hiện nay, các kênh phân phối trung gian đã giảm bớt, gián tiếp hạ giá thành sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng nhưng hàng Việt vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận thị trường, đặc biệt là các sản phẩm, thương hiệu mới, đáng kể phải nhắc đến là các sản phẩm nông sản chế biến. Ông Phú khẳng định, nếu làm tốt khâu phân phối, hàng Việt sẽ “sống khỏe” trên sân nhà và dần dần tiếp cận với thị trường quốc tế.