Mức độ an toàn thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp

“Mức độ an toàn thông tin (ATTT) của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang tương đối thấp. Việt Nam đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng nhận thức và đầu tư chưa tươ

Ngày 1/12/2017, Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017 với chủ đề “An toàn thông tin trong thế giới kết nối mới” do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thông tin, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (Bộ TT&TT) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Quốc phòng) tổ chức.

Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực An ninh mạng và An toàn thông tin nhận định: Mức độ ATTT của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp. Ông Bùi Quang Minh, CEO Security Box cho biết: Xét về mặt bằng chung so với thế giới và trong khu vực, mức độ ATTT của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vẫn đang tương đối thấp. Việt Nam đang hướng tới cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng nhận thức và đầu tư chưa tương xứng cho vấn đề ATTT.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Phạm Hồng Hải phát biểu tại Hội thảo

Bằng chứng là năm 2017, chỉ số ATTT cầu GCI của Việt Nam đứng thứ 101, tức là giảm 25 bậc so với năm 2016 và đứng thấp hơn rất nhiều nước trong khu vực như Singapore (đứng số 1), Malaysia (số 3), Thái Lan (thứ 20), Lào (đứng thứ 77).

Bên cạnh đó, thống kê từ các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT cũng cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017, đã ghi nhận gần 10.000 cuộc tấn công tập trung vào 3 khía cạnh: mã độc, tấn công website, lừa đảo.

Còn theo thống kê của Microsoft trong 3 tháng đầu năm 2017, tỉ lệ các máy tính ở Việt Nam nhiễm mã độc khoảng 23%, trong khi đó tỉ lệ này trên thế giới chỉ có gần 8%.

Một số ví dụ điển hình như thống kê của Kaspersky Lab quý I/2017, Việt Nam đứng đầu trong danh sách các nước có hệ thống bị tấn công trong hệ thống giám sát của ICS (71%).

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế Ngày An toàn thông tin Việt Nam 2017

Trong quý II/2017, Việt Nam đứng thứ 14 trong danh sách các nước có nguy cơ bị tấn công online nhiều nhất (khoảng 22% người dùng bị mã độc tấn công) và đứng thứ 8 trong các nước có tỉ lệ tấn công từ nội bộ với 46% lượng người dùng bị tấn công.

Điều này cho thấy, mặc dù các phương pháp tấn công không hề mới nhưng người dùng và các doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa có nhận thức rõ ràng về nguy cơ an toàn, an ninh mạng và chủ động phòng chống.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải nhận định, thời gian gần đây, các cuộc tấn công mạng đang có sự gia tăng cả về số lượng và quy mô, diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp: nhiều cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào các cơ quan Chính phủ, các hệ thống thông tin quan trọng trong nhiều lĩnh vực.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái IoT bên cạnh những lợi ích to lớn về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin mọi lúc, mọi nơi, trên mọi thiết bị cũng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro trong việc đảm bảo ATTT và được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp trong thời gian tới và Việt Nam không phải là ngoại lệ.

Cũng theo khẳng định của Thứ trưởng Phạm Hồng Hải, cộng đồng tội phạm mạng hoạt động ngày càng chuyên nghiệp, các công cụ, vũ khí tấn công mạng được xây dựng bởi những lực lượng có chuyên môn rất cao, đầu tư lớn và bài bản, thậm chí đã được cung cấp như một dịch vụ CNTT trên mọi thiết bị ở quy mô xuyên quốc gia.

Chính vì vậy, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân làm việc trong lĩnh vực CNTT cần nhanh chóng chuyển mình, thích nghi và có những bước đi thông minh và phù hợp để ứng phó với tình hình hiện nay, hướng tới một xã hội thông tin an toàn, lành mạnh.


Hạ Vũ