Mục tiêu đến năm 2030, xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 12 tỷ USD

Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Theo đề án, mục tiêu đến năm 2030 của ngành tôm nước lợ Việt Nam là giữ ổn định diện tích nuôi tôm là 750.000 ha với sản lượng tôm nuôi đạt trên 1.300.000 tấn, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 600.000 ha, sản lượng 550.000 tấn, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 150.000 ha, sản lượng đạt trên 750.000 tấn. 

Ngành tôm nước lợ Việt Nam sẽ chủ động gia hoá, chọn tạo và sản xuất đạt 100% số tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ phục vụ sản xuất trong nước. Phấn đấu đến năm 2030, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt trên 12 tỷ USD.

Mục tiêu của Đề án là phát triển ngành tôm nước lợ thành ngành công nghiệp hiện đại, đồng bộ và hiệu quả thông qua việc thu hút đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị thương mại của các sản phẩm tôm, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030.

Đề án tập trung đầu tư phát triển hai loài tôm sú (Penaeus monodon)và tôm thẻ chân trắng (litopenaeusvannamei) tại các tỉnh, thành phố ven biển có nguồn nước lợ tự nhiên phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nước lợ.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án thông qua các chương trình, dự án giai đoạn 2018 - 2030 khoảng 11.980 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 2.800 tỷ đồng, còn lại là các nguồn khác.

Thanh Xuân