Mỹ xuất khẩu dầu, thế cờ đã đổi

Liệu người Mỹ có đang muốn dùng dầu để vẽ lại bản đồ năng lượng và tạo ra cục diện mới trong nền kinh tế thế giới?
Chỉ cách đây vài tháng, người ta vẫn nói về hình ảnh trái ngược giữa Mỹ và các nước xuất khẩu dầu mỏ: Trong khi nhiều nước tiếp tục múc dầu lên để bán với giá rẻ, người Mỹ lại chôn dầu xuống đất để dành. Chính vì thế, việc Mỹ cho phép xuất khẩu dầu trở lại sau lệnh cấm ban hành từ năm 1975 đang khiến cả thế giới phải xôn xao.

Vì lý do gì và bởi động cơ nào, lệnh cấm này được dỡ bỏ sau suốt 40 năm duy trì? Liệu người Mỹ có đang muốn dùng dầu để tạo ra sức mạnh cho mình trong các vấn đề địa chính trị, vẽ lại bản đồ năng lượng và tạo ra cục diện mới trong nền kinh tế thế giới?

Với lý do dễ được “cảm thông” nhất, nước Mỹ cần nguồn thu từ xuất khẩu dầu để bù đắp cho ngân khố luôn mấp mé tình trạng “rỗng kho”. Dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu nằm trong gói dự luật chi tiêu và giảm thuế trị giá 1.800 tỷ USD, vừa được Thượng viện Mỹ phê chuẩn sáng ngày 19/12/2015. Người Mỹ cần những khoản chi công, chi phí năng lượng thấp và nhiều việc làm hơn.

Tổng thống Mỹ Obama kí thông qua gói chi tiêu ngân sách 1,8 nghìn tỷ USD (mã hiệu H.R. 2029), chấm dứt lệnh cấm XK dầu đã kéo dài 40 năm qua.

 Phát ngôn viên Nhà Trắng - Josh Earnest: “Việc thông qua gói tài chính, nhân sự H.R. 2029 là một thành công của chính phủ Mỹ”.


Nguồn cung dồi dào, kho chứa quá tải và áp lực từ các công ty khai thác dầu cũng là một lý do quan trọng. Kỹ thuật khai thác dầu đá phiến đã giúp sản lượng khai thác của Mỹ từ chỗ chỉ đạt khoảng 5 triệu thùng/ngày trong năm 2008 nhảy vọt lên 9 triệu thùng/ngày như hiện nay. Áp lực từ những công ty khai thác lớn như Exxon Mobil và thậm chí công ty nhỏ hơn như Continental Resources về dỡ bỏ lệnh cấm cũng tác động không nhỏ đến các chính trị gia Hoa Kỳ.

Tham vọng hơn, nhiều chính trị gia mong muốn giá dầu có thể tạo ra sức mạnh mới cho Hoa Kỳ. “Chúng tôi có công nghệ tốt nhất, dầu tốt nhất và theo thời gian, chúng tôi sẽ dẫn dắt thị trường dầu mỏ. Điều này sẽ đặt Hoa Kỳ vào vị trí dẫn dắt chính sách năng lượng trên toàn thế giới. Đó là một chiến thắng lớn”. Joe Barton đại diện Đảng Cộng hòa tại Texas cho biết.

Năm 2015, thế giới tiêu thụ 1,8 triệu thùng/ngày chủ yếu bởi Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ và Châu Âu. Chính sách năng lượng mới của Mỹ sẽ tác động mạnh đến các nước có nguồn thu ngân sách phụ thuộc lớn vào dầu mỏ, trong đó có Nga - đối trọng của Mỹ và OPEC, đối thủ cạnh tranh lớn nhất trên thị trường dầu mỏ của Mỹ. Những nhà hoạt động vì môi trường vừa hoan hỉ với chiến thắng đạt được tại hội nghị chống biến đổi khí hậu tại Paris cũng sẽ đau đầu với chính sách này, bởi nó đồng nghĩa với việc, loại năng lượng giá rẻ và gây ô nhiễm này sẽ được sử dụng nhiều hơn… Về phía các nước nhập ròng, những người hưởng lợi, liệu họ có coi đây là một tin mừng thực sự?

Trong báo cáo mới nhất công bố vào tháng 12/2015, IEA dự báo nhu cầu dầu thế giới trong năm 2016 sẽ vào khoảng 1,2 triệu thùng/ngày, giảm 0,6 triệu thùng/ngày so với năm 2015. Trong khi đó, báo cáo của IEA cho thấy sản lượng dầu thô của OPEC nhích lên đến 31,73 triệu thùng/ngày do nguồn cung tại I-rắc và Cô-oét tăng lên, bù đắp cho sự sụt giảm của các nước thành viên châu Phi. Tồn kho toàn cầu có thể cung ứng dầu tới cuối năm 2016. Hoạt động xây mới có thể làm tăng khả năng dự trữ thêm 300 triệu thùng. Nguồn cung dầu dồi dào sẽ khiến giá dầu giảm sâu hơn nữa và làm giảm động lực chuyển từ dầu sang nguồn năng lượng sạch.

OPEC: Không đạt được tiếng nói chung

Chủ tịch Cơ quan năng lượng quốc tế IEA - Fatih Birol: “OPEC sẽ không giảm sản lượng nhằm bảo vệ thị phần trước nguồn cung dầu gia tăng từ các nước ngoài OPEC”
Tổng thư ký OPEC - Abdallah Salem el-Badri: “Chúng tôi đang muốn đàm phán với các nước sản xuất dầu ngoài OPEC để thống nhất về một nỗ lực chung”

Là các nhà cung ứng dầu, rõ ràng OPEC không hề mong muốn giá dầu giảm, nhưng họ không thể ngừng khai thác bởi lo sợ đánh mất thị phần vào tay các nước ngoài khối như Hoa Kỳ hay Nga. Tổng Thư ký OPEC Abdallah Salem el-Badri đã nhiều lần bày tỏ mong muốn các nước sản xuất dầu ngoài OPEC sẽ hợp tác với khối để đi tới thống nhất về một mức sản lượng hợp lý hơn.

Tuy nhiên, từng thành viên của OPEC lại chưa đạt được tiếng nói chung. Trong khi ông Amir Hosseein Zamaninia, một quan chức cấp cao trong Bộ Năng lượng Iran khẳng định:“Tình hình dư cung hiện tại của thị trường năng lượng thế giới sẽ không thể cản trở việc Iran tiếp tục bán mạnh dầu ra thị trường”, thì I-rắc, một thành viên khác của OPEC lại cho rằng giá dầu đã quá thấp và ảnh hưởng lớn đến các nước xuất khẩu. Theo ông Abdul Mahdi - Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ của I-rắc: “Giá dầu sẽ sớm tăng trở lại. Giá dầu hiện nay quá thấp và tác động xấu đến các nước sản xuất dầu. Trong khi đó các yếu tố kinh tế và các nền tảng khác đều đang mạnh”.

Nếu bản thân OPEC chưa có sự thống nhất trong nội bộ, họ sẽ đàm phán như thế nào với các nước sản xuất dầu ngoài OPEC và nỗ lực chung có thể đạt được khi các nước không thể bứt ra khỏi cuộc chiến giành thị phần?

Nga: Điều chỉnh chính sách vĩ mô theo kịch bản mới

Trong cuộc chiến giành thị phần giữa các nhà sản xuất dầu mỏ, Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ ba trên thế giới, với nguồn dầu và khí đốt dồi dào đã liên tục tăng sản lượng và đẩy giá dầu giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

“Ngành công nghiệp dầu lửa đang thay đổi về mặt cơ cấu, và rất có thể kinh tế toàn cầu sẽ không cần tới nhiều dầu đến vậy. Giá dầu sẽ dao động trong khoảng từ 40-60 USD/thùng trong vòng 7 năm tới. Chúng tôi sẽ phải hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô của mình dựa trên những mức giá này” - Maxim Oreshkin, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nga cho biết.

Nhưng sau một thời gian dài sụt giảm, giá dầu đang gây áp lực lớn lên Nga. “Ở mức giá 40 USD/thùng, một nửa số cơ sở khai thác dầu của Nga sẽ phải ngừng hoạt động vì thua lỗ” - Chủ tịch Hội đồng quản trị Russneft OJS - Nga nhận định. Với mức giá đó, dự báo thâm hụt ngân sách của Nga trong tài khóa năm 2016 vào khoảng 21,7 tỷ USD. Nga dự kiến vay nội địa khoảng 20 tỷ USD và huy động từ nước ngoài thêm khoảng 2 tỷ USD để đảm bảo chi công. Tuy nhiên, đây là áp lực lớn, đòi hỏi Chính phủ Nga phải nhanh chóng điều chỉnh các chính sách vĩ mô theo hướng giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ. Mới đây, việc Tây Âu tuyên bố sẽ duy trì trừng phạt kinh tế Nga thêm 6 tháng vì các vấn đề chưa thể giải quyết ở Ukraina, có thể khiến Nga phải cân nhắc nhiều hơn nữa các nguồn lực để duy trì tăng trưởng kinh tế dương và tránh tình trạng các dự án đầu tư bị đình trệ hàng loạt.

EU: Giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu

Giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu dầu mỏ và khí đốt là điều kiện để EU giữ thế chủ động của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Cuối tháng 11/2015, Ủy ban châu Âu đã thông qua 195 dự án cải thiện cơ sở hạ tầng để cải thiện ngành năng lượng châu Âu, đang dạng hóa nguồn cung ứng và phục vụ các mục tiêu về môi trường. Nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay cho dầu mỏ và khí đốt là đích hướng tới của EU. Do đó, thế giới sẽ không nhận được sự tán thành nồng nhiệt của EU khi giá dầu tiếp tục giảm sâu, mặc dù họ cần giảm chi phí năng lượng cho sự phục hồi của các nền kinh tế thành viên sau khủng hoảng nợ công.

“Công cuộc chuyển đổi cơ cấu năng lượng tại châu Âu cần sự đầu tư hàng tỷ Euro cho cơ sở hạ tầng chiến lược. Các dự án sẽ giúp châu Âu phát triển nguồn năng lượng tái tạo, giảm khí thải carbon, chấm dứt tình trạng cát cứ năng lượng của các quốc gia thành viên…” - theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Jean-Claude Juncker

Trung Quốc: Có cổ vũ cho giá dầu giảm?

Là một trong những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới. Giá dầu thế giới giảm mạnh đã tạo ra hàng chục lần giảm giá xăng dầu ở Trung Quốc, giúp các doanh nghiệp nước này giảm chi phí, giá thành.

Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) lại quan ngại giá xăng dầu giảm sẽ gây ra tiêu dùng lãng phí và làm trầm trọng hơn tình trạng ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh và nhiều thành phố công nghiệp của Trung Quốc.

Trung Quốc còn một lý do khác để mong muốn giá dầu không giảm sâu. Đó là hàng loạt dự án khai thác dầu của họ tại châu Phi đang bị đình trệ vì thua lỗ. Sức ép từ các tập đoàn lớn có thể khiến Bắc Kinh phải cân nhắc về những lợi - hại của họ trước xu hướng vận động của thị trường năng lượng quốc tế.

Nhật Bản: Nỗ lực khôi phục tầm ảnh hưởng

Sớm thúc đẩy các chương trình phát triển năng lượng tái tạo, Nhật Bản mong muốn giảm bớt sự bị động trước những thay đổi trên thị trường dầu mỏ, mặc dù đợt suy giảm giá dầu kéo dài đã khiến nhiều công ty dầu mỏ của nước này lao đao. Tuy nhiên, nếu dầu mỏ giúp Mỹ gia tăng tầm ảnh hưởng của họ thì có thể lại là mối bận tâm của Nhật Bản.

Ông Kishida Fumio, Ngoại trưởng Nhật Bản: "Cho dù tình hình tài chính khá khó khăn, chính quyền Nhật Bản vẫn phải quan tâm tới nhiều vấn đề khác nhau”

“Nhiều vấn đề khác nhau” mà ông Kishida Fumio nhắc tới cũng bao gồm việc duy trì tầm ảnh hưởng của Nhật Bản trên thế giới. Sau một giai đoạn đầy khó khăn và phải cắt giảm ODA do thu ngân sách hạn hẹp, kinh tế Nhật Bản đang hồi phục ở mức trung bình. Trong khi Quỹ dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thì Nhật Bản vẫn duy trì chính sách tiền tệ lỏng để đưa nền kinh tế quay trở lại đà tăng trưởng thực sự. Trong ngắn hạn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cam kết sẽ giữ nguyên lãi suất và duy trì kế hoạch bơm khoảng 80.000 tỷ yên (674 tỷ USD) vào nền kinh tế. Có thể thấy mong muốn lớn của người Nhật trong việc đưa nền kinh tế quay trở lại vị thế “siêu cường” trước đây. Những quan ngại của Nhật Bản liên quan đến việc phân chia tầm ảnh hưởng với Mỹ và Trung Quốc đã thể hiện rõ qua việc lần đầu tiên sau 17 năm, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất tăng ngân sách cho ODA.

…Và tác động đến kinh tế Việt Nam năm 2016

Trong khi mỗi bên liên quan có những suy tính khác nhau về thị trường năng lượng và lợi ích của mình trong cuộc chiến giá dầu, một thực tế không thể phủ nhận là nguồn cung sẽ tiếp tục dư thừa nếu OPEC không đạt được các thỏa thuận cắt giảm sản lượng và Mỹ đẩy mạnh xuất khẩu dầu. Hơn nữa, dự báo sản lượng dầu của Iran ra thị trường sẽ tăng mạnh khi chính phủ các nước phương Tây gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Iran từ năm 2016. Như vậy sẽ có thêm yếu tố khiến giá dầu giảm. Golman Sachs dự báo giá dầu có thể xuống còn 20USD/thùng nếu cuộc chiến giành thị phần không chấm dứt.

Trong bối cảnh đó, nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Giống như nhiều nước xuất khẩu dầu mỏ khác, Việt Nam cần tái cơ cấu nguồn thu ngân sách và tận dụng những yếu tố có lợi từ giá xăng dầu giảm (nhiên liệu và nguyên vật liệu đầu vào rẻ hơn) để tạo ra động lực tăng trưởng cho nền kinh tế, bù đắp cho những thiệt hại từ xuất khẩu dầu thô.
Bảo Linh