Hàng giả, hàng nhái phổ biến trên sàn TMĐT

Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng nhanh và mạnh. TMĐT tạo ra một phương thức kinh doanh và làm việc mới phù hợp với cuộc sống công nghiệp hiện đại, tạo ra một sân chơi mới cho các doanh nghiệp buộc họ phải đổi mới, sáng tạo để đưa ra chiến lược kinh doanh và dịch vụ riêng cho sản phẩm dịch vụ từ đó góp phần phát triển cho các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế tổng thể nói chung...

Tuy nhiên, song hành với tốc độ phát triển của TMĐT, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng trở nên tinh vi trên môi trường internet, thương mại số.

thương mại điện tử
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm... không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới 

Thông tin về vấn đề này tại Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” diễn ra sáng nay 18/4/2019, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho rằng TMĐT tại Việt Nam đang có sự bứt phá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25-30%.

Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng đạt mức 30%, với tổng mức doanh thu bán lẻ TMĐT đạt trên 8 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ  hiện ngày càng nhiều trên các gian hàng trực tuyến, các vi phạm cũng ngày càng tinh vi.

Để chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, từ nhiều năm nay Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia rất quyết liệt trong công tác chỉ đạo. Từ năm 2015 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.224.000 vụ vi phạm, tổng số tiền xử lý vi phạm lên tới 92.000 tỷ đồng.

Con số đó cho thấy sự quyết liệt của Ban chỉ đạo 389 trong việc xử lý vi phạm. Số xử lý vụ vi phạm càng nhiều càng cho thấy công tác đấu tranh đối với hành giả ngày càng cấp thiết, Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhận định.

Đặc biệt, việc lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ở Việt Nam mà còn diễn ra khắp nơi trên thế giới và trên cả những sản thương mại điện tử lớn gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Vì thế mà Jack Ma - nhà sáng lập và điều hành Tập đoàn Alibaba đã nhận định, vấn nạn hàng giả như là căn bệnh “ung thư” của các website thương mại điện tử. Do đó, việc chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử gian nan hơn rất nhiều so với việc kiểm tra, xử lý ở các cửa hàng, đại lý, Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ.

thương mại điện tử
Ông Trần Hữu Linh cũng cho rằng, TMĐT trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của nhiều đối tượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng

Cùng quan điểm, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, hiện nay TMĐT trở thành kênh tiêu thụ hiệu quả hàng giả, hàng gian, hàng cấm của nhiều đối tượng, làm mất lòng tin của người tiêu dùng.

Năm 2018, riêng Cục QLTT Hà Nội xử phạt gần nửa tỷ đồng, điển hình là mới đây, Đội QLTT Nam Từ Liêm đã phát hiện, xử phạt website cá nhân bán các sản phẩm kích dục với giá trị lên tới gần 2 tỷ đồng.

Theo Tổng cục QLTT, các trường hợp vi phạm chủ yếu là không đăng ký, tập trung vào các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ. Hầu hết các trang web này đều đăng hình ảnh hàng hóa thật để thu hút người tiêu dùng, giá rất rẻ do là hàng nhái, giả... nhất là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, rượu, pháo... nhưng nguồn gốc, chất lượng là vấn đề đáng bàn.

Hơn nữa, hàng hóa luân chuyển đến các công ty chuyển phát hầu hết không có hóa đơn chứng từ và hàng hóa được thanh toán qua trung gian, các cơ quan chuyển phát đã vô hình chung trở thành vận chuyển hàng giả, hàng gian... gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường. Đặc biệt với thanh toán điện tử để lần tìm vết người bán người mua hết sức khó khăn do các quy định của ngân hàng; sàn thương mại điện tử chưa có công cụ kiểm soát hiệu quả.

Ông Trần Hữu Linh kiến nghị, với đặc điểm của internet được khởi tạo nhanh và gỡ đi cũng nhanh nên cần chế tài xử lý mạnh hơn. Cùng với đó, xây dựng một Nghị định quản lý mới có chương riêng về xử lý vi phạm hành chính trong TMĐT phải mạnh hơn xử lý vi phạm ngoài đời thực, dừng cấp tên miền, gắn trách nhiệm của các sàn thương mại điện tử và nhất là sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với các cơ quan tài chính, thuế...

Riêng lực lượng quản lý thị trường sẽ đẩy mạnh tập huấn nâng cao trình độ đấu tranh với hàng giả, hàng gian, liên kết giữa các doanh nghiệp sàn thương mại điện tử và người tiêu dùng để nhận biết các sàn thương mại uy tín, ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.

Năm sàn thương mại điện tử nói không với hàng giả

Tâm điểm của Hội thảo là Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” với sự tham gia ký kết của 5 sàn thương mại điện tử lớn của Việt Nam gồm: Adayroi.com, Lazada.vn, Sendo.vn, Shopee.vn, Tiki.vn.

thương mại điện tử
Do đó, để đẩy lùi nạn hàng giả, đại diện 5 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam đã ký cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc; không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả

Các doanh nghiệp đại diện tham gia Lễ ký cam kết thể hiện rõ trách nhiệm và quyết tâm mạnh mẽ trong việc chung tay đẩy lùi nạn hàng giả, cam kết bán hàng hóa bảo đảm chất lượng, nguồn gốc; không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hướng tới phát triển thương mại điện tử bền vững.

Là một trong những doanh nghiệp tham gia ký kết, đại diện sàn TMĐT Sendo cũng chia sẻ rằng, là sàn thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam, Sendo liên tục giới thiệu nhiều chính sách tối ưu cho cả người bán và người mua. Từ đầu tháng 4/2019, sàn TMĐT Sendo công bố chính sách miễn phí thanh toán cho tất cả nhà bán hàng trên sàn.

Theo đó, ưu đãi được áp dụng cho mọi phương thức thu hộ tiền mặt (COD), thanh toán qua thẻ và ví điện tử SenPay. Trong bối cảnh hàng loạt sàn TMĐT khác bắt đầu thu phí người bán, từ 1-2% trên tổng giá trị đơn hàng thanh toán thành công, chính sách của Sendo được đánh giá là thiết thực, góp phần tạo thêm niềm tin cho nhà bán hàng, đại diện sàn TMĐT Sendo chia sẻ.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp và đẩy mạnh công tác thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra về thương mại điện tử, chiều cùng ngày, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ chủ trì buổi tập huấn về “Thực thi pháp luật trong thương mại điện tử” cho đối tượng là các cán bộ thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các Cục quản lý thị trường địa phương,...

Hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử” và Lễ ký cam kết “Nói không với hàng giả trong thương mại điện tử” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức nhằm:

- Tăng cường công tác phối hợp và thực thi giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan về công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường internet.

- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp sở hữu các website thương mại điện tử trong việc bảo vệ người tiêu dùng; cam kết bán hàng hàng hóa đảm bảo chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không tiếp tay cho các đối tượng lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.