Nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp bằng các công cụ marketing trên nền tảng internet

ThS. NGUYỄN THỊ KIM NGÂN (Khoa Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Với tốc độ công nghệ internet bùng nổ nhanh chóng như hiện nay thì việc lựa chọn hình thức marketing online thực sự là một sự lựa chọn đúng đắn và hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bài viết phân tích và đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bằng các công cụ marketing trên nền tảng internet.

Từ khóa: Internet, công cụ marketing, hiệu quả kinh doanh, marketing online.

1. Đặt vấn đề

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp nào cũng tạo ra những sản phẩm có chất lượng, giá cả tương tự nhau. Tuy nhiên, để có thể tồn tại và phát triển được trên thị trường, các doanh nghiệp cần phải trang bị cho mình chiến lược marketing hợp lý.

Việc xây dựng chiến lược marketing sẽ giúp cho doanh nghiệp trả lời các câu hỏi: nhu cầu thị trường là sản phẩm như thế nào? Lượng cầu là bao nhiêu? Khả năng chi trả của khách hàng ở mức nào? Làm thế nào để sản phẩm đến được tay khách hàng một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất?... Những câu trả lời này đã gắn kết hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp với thị trường, góp phần đảm bảo cho sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ra có thể tiêu thụ được, phát triển hoạt động doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lựa chọn được phương châm hành động của mình.

Với tốc độ công nghệ internet bùng nổ nhanh chóng như hiện nay thì việc lựa chọn hình thức marketing online thực sự là một sự lựa chọn đúng đắn và hiệu quả cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Marketing online giúp doanh nghiệp thu hẹp khoảng cách với khách hàng và đối tác, mở rộng phạm vi tiếp thị sản phẩm, dịch vụ đến nhiều người dùng, tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa chi phí marketing.

2. Lý thuyết công cụ marketing online

Marketing là tiến trình doanh nghiệp tạo ra giá trị cho khách hàng và xây dựng mạnh mẽ mối quan hệ với khách hàng nhằm đạt được những giá trị từ những phản ứng của khách hàng (Philip Koler, 2007).

Marketing online là quá trình tạo lập kế hoạch về sản phẩm, giá, phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ và ý tưởng để đáp ứng nhu cầu của tổ chức và cá nhân dựa trên những phương tiện điện tử và internet (Philip Kotler, 2007).

2.1. Các công cụ marketing online thông dụng

Khi lựa chọn marketing online, doanh nghiệp có cơ hội lựa chọn rất nhiều công cụ khác nhau để quảng bá sản phẩm/dịch vụ và xây dựng thương hiệu của mình. Mỗi công cụ sẽ mang lại giá trị hiệu quả khác nhau trong việc tiếp cận khách hàng tiềm năng và thương hiệu của doanh nghiệp.

SEM (Search Engine Marketing): là một hình thức quảng cáo có trả phí nhằm tăng khả năng hiển thị website của doanh nghiệp trên các trang kết quả của công cụ tìm kiếm nhưng Google, Yahoo và Bing,…

SEO (Search Engine Optimization): là tổng hợp các giải pháp nhằm nâng cao thứ hạng từ khóa và website của một doanh nghiệp trong trang kết quả tìm kiếm tự nhiên của các công cụ tìm kiếm.

Email Marketing: là một trong những cách marketing online hướng đến các khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp, có khả năng chốt sale cao nhất. Thông qua việc nắm bắt các thông tin và nghiên cứu nhu cầu của khách hàng, các doanh nghiệp sẽ sử dụng phương thức email marketing để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đến địa chỉ email của khách hàng và kêu gọi họ đầu tư. 

Social Marketing: là hình thức đăng tải quảng cáo, viral thương hiệu dưới nhiều dạng khác nhau, như: Video, hình ảnh, bài đăng nội dung hấp dẫn, kêu gọi sự tương tác của người dùng,... trên các mạng xã hội như Facebook, Youtube, Instagram,… để tiếp cận với khách hàng tiềm năng. Theo báo cáo State of Social 2019 của Buffer, Facebook đang là kênh marketing được các doanh nghiệp lựa chọn với 81%, YouTube xếp thứ 2 với 62% và Instagram xếp thứ 3 với 57%.

Mobile Marketing: bao gồm việc tối ưu hóa trang web để hiện thị tốt hơn, quảng cáo push và banner trong các ứng dụng hay trò chơi để khuyến khích người dùng cài đặt ứng dụng hoặc sử dụng SMS để gửi cho khách hàng thông tin sản phẩm, chương trình khuyến mại,…

2.2. Đo lường hiệu quả của marketing online

Với người làm marketing, điều được quan tâm hàng đầu là cam kết của nhà cung cấp dịch vụ như thế nào? Thước đo nào đánh giá chiến dịch thành công hay không?

Tất cả đều được thể hiện qua các chỉ số (KPIs - Key Performance Indicators) đánh giá hiệu quả của một chiến dịch truyền thông trực tuyến theo từng kênh triển khai sau đây:

Quảng cáo Google Adwords

Bản chất của quảng cáo Google Adwords là tính chi phí theo lượng click vào quảng cáo và khách hàng chỉ phải trả tiền cho những click hợp lệ. Vì vậy cam kết số lượng click tối thiểu đạt được tương ứng với từng lĩnh vực/thời gian/ngân sách quảng cáo là bắt buộc. Ngoài ra, cần quan tâm các chỉ số quan trọng khác: Lượt hiển thị quảng cáo; Vị trí trung bình của quảng cáo; Tỷ lệ click/số lần hiển thị - CTK; Giá trung bình/click.

SEO website

Các chỉ số cần quan tâm: Vị trí website trên trang kết quả tìm kiếm tự nhiên của Google với từ khóa tương ứng; Từ khóa SEO được lựa chọn có bao nhiêu lượng tìm kiếm/tháng; Lượng traffic từ Google về website ứng với từ khóa SEO là bao nhiêu/ngày/tháng; Thứ hạng Alexa website thay đổi như thể nào so với thời điểm trước khi làm SEO; Page rank website thay đổi như thế nào so với thời điểm trước khi làm SEO; Website đã được tối ưu những gì; Website có bao nhiêu back link, back link đó ở những đâu.

 Email Marketing

Các chỉ số cần quan tâm: Số lượng email gửi đi thành công hoặc số lượng email mở; Số lượng click vào link email; Số lượng người từ chối nhận email; Tỷ lệ email vào inbox hoặc vào spam.

Social Media - Truyền thông mạng xã hội

Các chỉ số cần quan tâm: Số comment; Số lượt view topic; Số comment tiêu cực; Số comment của các thành viên uy tín; Tần suất tương tác/phản hồi trong ngày của topic.

Mobile - Telephone Marketing

Số lượng khách hàng quan tâm sản phẩm, dịch vụ; Bao nhiêu khách hàng đồng ý cung cấp thông tin liên lạc cá nhân; Bao nhiêu khách hàng không có nhu cầu; Chất lượng database khách hàng như thế nào.

3. Giải pháp giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh bằng các công cụ marketing trên nền tảng internet

Theo số liệu thống kê của Internet World Stats đến quý I/2020, số người dùng internet Việt Nam đứng thứ 14 trong số các nước có lượng người dùng internet nhiều nhất thế giới, khoảng 68,5 triệu người, đây là một con số vô cùng lớn. Vì vậy, việc tiếp cận khách hàng bằng internet mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam.

3.1. Nâng cấp website

Website chính là nền tảng giúp các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động bán hàng trên Internet và thu hút khách hàng. Website cần có giao diện đẹp mắt, thân thiện, bố cục hợp lý, tính năng đầy đủ, thân thiện với người dùng. Bên cạnh đó, website còn phải cung cấp thông tin cụ thể và đầy đủ, tốc độ tải trang nhanh, tối ưu hóa cho công cụ tìm kiếm và hiển thị tốt trên mọi màn hình thiết bị, trong đó có các thiết bị di động. Website cần cung cấp càng nhiều thông tin hấp dẫn về sản phẩm, phản hồi của khách hàng, cũng như cập nhật thường xuyên các chương trình khuyến mãi,… Nhờ đó, khi khách hàng truy cập vào website nhận được nhiều thiện cảm và tin tưởng tăng thêm khả năng ra quyết định mua hàng.

Một website hiệu quả phải kết nối được với các kênh thông tin khác của doanh nghiệp như facebook, instagram, email,… để phối hợp ưu điểm của tất cả các kênh này, giúp thỏa mãn tối đa nhu cầu tìm kiếm thông tin của khách hàng và bán hàng hiệu quả.

Nhằm tạo sự hấp dẫn mạnh mẽ hơn đối với người xem cho từng chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp có thể sử dụng Landing page - một trang web đơn lẻ với đa dạng các hình thức giao diện - để xây dựng phễu bán hàng và có thể sử dụng để quảng bá trên tất cả các công cụ marketing online.

Trường hợp doanh nghiệp còn đắn đo về mặt chi phí, có thể sử dụng các công cụ tạo lập website miễn phí hoặc có chi phí thấp như: Moonfruit, Wix và Weebly,… Chi phí xây dựng và duy trì các loại hình website này dao động trong khoảng từ 0 tới 35 USD/tháng và thường đã bao gồm gói hỗ trợ khách hàng.

3.2. SEO Website - Nâng cao thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm

SEO website giúp trang web của doanh nghiệp được hiển thị ở những vị trí đầu của các kết quả tìm kiếm, từ đó giúp khách hàng dễ dàng nhìn thấy và truy cập vào website của doanh nghiệp. So với những hình thức quảng cáo khác, việc thực hiện một dự án SEO dài hơi sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và mang lại hiệu quả trong thời gian dài.

Vậy làm sao để thực hiện được một dự án SEO hoàn chỉnh và mang lại hiệu quả cao? Đúc kết từ nhiều kinh nghiệm, sau đây là quy trình cơ bản triển khai một dự án SEO:

  • Chọn lựa và phân tích từ khóa: Đây là bước đầu tiên và cũng là bước quan trọng nhất để thực hiện một dự án SEO. Chất lượng của bảng từ khóa ảnh hưởng toàn bộ đến những thao tác SEO sau này. Cần xác định rõ nhu cầu của người dùng là gì, xu hướng tìm kiếm được ưa chuộng nhất và từ khóa đó có mang lại nhiều lợi ích hay không.

-   Chăm chút cho nội dung của website: Google đã trở nên thông minh hơn với vô số những thuật toán đưa ra để siết chặt quy tắc cho việc SEO. Google ngày nay ưa chuộng nội dung độc lạ, chất, hữu ích với người dùng. Nội dung tạo được thiện cảm với Google đồng nghĩa với việc website của doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao hơn, thứ hạng cũng sẽ tăng lên theo từng ngày.

-   SEO website là một công việc phải thực hiện liên tục để luôn giữ vững thứ hạng trên công cụ tìm kiếm. Nếu dừng SEO một thời gian thì khả năng website sẽ bị rớt hạng, đồng thời sẽ bị website của các đối thủ cạnh tranh chiếm vị trí dẫn đầu. Cho nên, Công ty nên thuê thêm một nhân viên chuyên về mảng SEO website để có thể duy trì ổn định thứ hạng của website, hay duy trì sự tiếp cận với khách hàng mục tiêu.

3.3. VM - Video Marketing

Video Marketing là hình thức sử dụng video, clip ngắn trong marketing, thông qua các mạng chia sẻ video (facebook, youtube, instagram, tiktok,...), được tối ưu hóa tìm kiếm giúp doanh nghiệp gửi thông điệp quảng cáo đến với khách hàng. Video Marketing là cách làm social marketing lợi hại nhất hiện nay. Theo Buffer, công ty chuyên phát triển công cụ quản lý marketing trên mạng xã hội, 81% người dùng bị thuyết phục mua các sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ khi xem video quảng bá của nhãn hàng. Năm 2018, 85% người cho biết muốn xem nhiều video của các nhãn hàng hơn. Và khi cân nhắc giữa văn bản và video, 72% người muốn chọn xem video để tìm hiểu về sản phẩm.

Video có thể cung cấp nhiều nội dung thông tin khác nhau. Do đó, để xây dựng chiến lược VM hiệu quả, tùy theo đặc điểm sản phẩm và mục đích marketing ở từng thời điểm, doanh nghiệp cần xác định cần xây dựng loại video nào: video giới thiệu doanh nghiệp, video cảm nhận khách hàng, video quảng cáo sản phẩm, hay video bán hàng,… 

Việc tạo một video ngắn tốn không nhiều chi phí, nhưng truyền tải được rất nhiều nội dung đến khách hàng. Doanh nghiệp có thể giao cho bộ phận Marketing của mình hoặc thuê các Agency để thực hiện việc lên ý tưởng, xây dựng kịch bản và dựng video. Chi phí thuê Agency thực hiện một video marketing giá dao động khoảng 2 - 10 triệu đồng.

3.4. Email Marketing

Email Marketing không phải là công cụ mới mẻ nhưng tầm quan trọng của công cụ này không giảm đi qua thời gian. Email marketing giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, chạy quảng cáo tiếp thị lại đúng đối tượng cho những kênh marketing online khác, thu thập thông tin khách hàng, tăng số lần quay trở lại mua hàng của khách hàng và khiến họ trở thành khách hàng trung thành của doanh nghiệp.

Để tránh trở thành spam email, doanh nghiệp nên chủ động thu thập các danh sách email của khách hàng tiềm năng thông qua việc đặt form thu thập email trên website hoặc chạy quảng cáo facebook cho form đăng ký email. Việc gửi email nên theo lịch cụ thể, tránh gửi ồ ạt. Nội dung của email cần được xây dựng kỹ càng, có tính hợp lý giữa email trước và email sau để khách hàng nhận được nhiều giá trị nhất thay vì chỉ tập trung bán hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu xây dựng mô hình phễu bán hàng bằng email thông qua các dịch vụ gửi mail tự động như Getresponse, Infusionsoft,… nhằm tự động hóa việc bán hàng, tùy chỉnh email theo từng phân khúc khúc khách hàng tiềm năng và nắm bắt được kết quả phân tích dữ liệu marketing vô cùng chính xác.

4. Kết luận

Kỷ nguyên công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ đã cho thấy sức mạnh của marketing online ảnh hưởng rất lớn tới doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Trên đây là một số thông tin về các công cụ marketing online được đánh giá cao bởi hiệu quả truyền thông, đồng thời tối ưu về mặt chi phí. Tùy theo giá trị và khả năng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu của khách hàng tiềm năng, doanh nghiệp cần xác định đúng những mục tiêu cụ thể cần phải đạt được và vận dụng linh hoạt các công cụ trên nhằm sử dụng ngân sách một cách tối ưu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Philip Kotler (2017), Tiếp thị 4.0 dịch chuyển từ truyền thống sang công nghệ số, NXB Trẻ.
  2. Philip Kotler (2007), Marketing căn bản, NXB Lao động Xã hội.
  3. Trương Đình Chiến (2014), Quản trị marketing, NXB Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Buffer (2020), State of Social 2019 Report, <https://buffer.com/state-of-social-2019>, xem 4/6/2020.
  5. Internet World Stats (2020), Top 20 countries with the highest number of internet users, <https://www.internetworldstats.com/top20.htm>, xem 4/6/2020.

 

IMPROVING THE BUSINESS PERFORMANCE BY USING ONLINE MARKETING TOOLS

Master. NGUYEN THI KIM NGAN

Faculty of Natural Resources and Environment Economic,

Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Online marketing is becoming an effective choice for businesses amid the current rapid growth of the Internet. This article analyses and provides solutions to help businesses improve their performance with online marketing tools.

Keywords: The Internet, marketing tool, business performance, online marketing.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]