Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương

NGUYỄN NHẬT LINH (Quỹ Đầu tư phát triển Hà Tĩnh)

TÓM TẮT:

Trong điều kiện nguồn thu ngân sách khó đảm bảo cho đầu tư phát triển, vốn doanh nghiệp trong nước còn hạn hẹp, vốn đầu tư từ Quỹ đầu tư phát triển địa phương là nguồn “vốn mồi” quan trọng đối với các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn các tỉnh, thành phố. Mặc dù, nguồn vốn hoạt động có mức tăng trưởng cao và phát huy hiệu quả là nguồn vốn quan trọng để thu hút các nguồn lực khác nhưng theo đánh giá của Bộ Tài chính, hệ thống Quỹ chưa đạt được sự phát triển như định hướng, nguồn vốn còn hạn hẹp so với nhu cầu đầu tư của các địa phương. Bài viết bàn về việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với quỹ đầu tư phát triển địa phương.

Từ khóa: Quỹ đầu tư, ngân sách, doanh nghiệp,

1. Mở đầu

Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là một tổ chức tài chính nhà nước tại địa phương thực hiện các chức năng cho vay, đầu tư trực tiếp, góp vốn thành lập doanh nghiệp và thực hiện các nhiệm vụ khác được UBND tỉnh giao, trên khung pháp lý Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng phải bảo toàn và phát huy nguồn vốn.

Trong những năm qua, ngân sách trung ương và ngân sách của các địa phương luôn ở trong tình trạng bội thực ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn ngân sách để đầu tư cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Vì vậy, nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển đang phát huy vai trò kiến tạo giải pháp thiết thực giúp giảm bớt gánh nặng cho ngân sách, đồng hành cùng chính quyền địa phương trong công tác phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, cơ chế quản lý sử dụng nguồn vốn tại các địa phương còn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, bất cập, dẫn đến hoạt động của Quỹ chưa đạt được hiệu quả như định hướng của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP, do đó việc nghiên cứu tìm ra giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đối với Quỹ đầu tư phát triển địa phương là rất cần thiết.

2. Tình hình sử dụng vốn tại Quỹ đầu tư phát triển địa phương

Nguồn vốn hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển được xác định gồm vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Vốn chủ sở hữu bao gồm vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu hợp pháp khác (chủ yếu trích từ lợi nhuận đầu tư). Theo quy định tại Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP thì mức vốn điều lệ tối thiểu khi thành lập Quỹ là 100 tỷ đồng, nhưng trên thực tế tùy theo thời gian hoạt động giữa các Quỹ có mức vốn điều lệ này có sự chênh lệch đáng kể. Một số Quỹ có nguồn vốn điều lệ khá cao như Quỹ đầu tư phát triển TP, Hồ Chí Minh (nay là Công ty Đầu tư tài chính TP. Hồ Chí Minh) khoảng 5.000 tỷ đồng, Quỹ đầu tư phát triển Hà Nội khoảng 2.400 tỷ đồng; bên cạnh đó có 3/45 Quỹ chưa đủ vốn điều lệ tối thiểu, 18/45 Quỹ có vốn điều lệ dưới 100 tỷ đồng. Nguồn vốn hoạt động được xác định là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động của các Quỹ, tuy nhiên cơ cấu tỷ lệ nguồn vốn huy động trung và dài hạn trong tổng nguồn vốn huy động của các Quỹ còn thấp, nguyên ngân là do chưa có biện pháp huy động trên thị trường vốn.

Đến ngày 31/12/2018, số dư vốn hoạt động của hệ thống Quỹ đầu tư phát triển địa phương là 34.980 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007; tổng vốn sử dụng cho các hoạt động cho vay, đầu tư trực tiếp và góp vốn thành lập doanh nghiệp là 18.111 tỷ đồng, gấp 5 lần so với năm 2007, trong đó hoạt động cho vay đầu tư cơ sở hạ tầng là 14.084 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu sử dụng vốn của Quỹ (chiếm 77,7%).

3. Đánh giá chung

3.1. Những kết quả đạt được

- Nguồn vốn cho vay đầu tư của Quỹ đầu tư phát triển địa phương đã bước đầu phát huy hiệu quả nhất định, từ đó huy động được các nguồn vốn khác tham gia vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương. Theo đó, tổng lợi nhuận của toàn hệ thống Quỹ đầu tư phát triển địa phương đến ngày 31/12/2018 là 1.637 tỷ, tăng 6 lần so với năm 2007. Hoạt động của hệ thống Quỹ đầu tư phát triển địa phương có tăng trưởng về quy mô, nguồn vốn hoạt động, góp phần vào việc huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm gánh nặng cho ngân sách địa phương. Nguồn vốn Quỹ đầu tư phát triển địa phương cơ bản được sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng, khả năng sinh lời tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp được Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao về tính hiệu quả.

- Nguồn vốn điều lệ của Quỹ được tập trung những nguồn vốn nhỏ, lẻ tích lũy trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước để hình thành nguồn vốn lớn hơn, phục vụ cho đầu tư phát triển, chuyển hóa từ cấp phát sang cho vay, đảm bảo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng, tăng nhanh vòng quay của vốn. Việc kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau (Vốn Nhà nước, vốn huy động từ các tổ chức trong và ngoài nước, vốn góp tư nhân…) đã đảm bảo khả năng tài chính luôn theo kịp, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

3.2. Một số hạn chế

- Theo thống kê, tỷ trọng vốn vay của Quỹ đầu tư phát triển địa phương tham gia vào từng dự án phần lớn chiếm tỷ lệ khoảng 70% tổng mức đầu tư của dự án, như vậy nguồn vốn của Quỹ mới mang chức năng “cho vay” mà chưa đạt được mục tiêu “vốn mồi” như mong muốn, phần lớn các Quỹ mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ của một tổ chức tín dụng, chưa thực hiện được chức năng của một tổ chức tài chính.

 - Nguồn vốn điều lệ quá nhỏ để có thể sử dụng chức năng “vốn mồi” kêu gọi đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế xã hội quy mô vừa và lớn, trong khi huy động vốn gặp nhiều khó khăn do không cạnh tranh được với các ngân hàng thương mại trên địa bàn (23/45 Quỹ không huy động được vốn), cộng với nợ quá hạn ở mức khá cao (khoảng 6%), khiến nhiều Quỹ không thực hiện được mục tiêu đầu tư vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật; dự án kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao; các dự án nhà ở xã hội và phát triển đô thị mới… Do “đói vốn” nên nhiều Quỹ không đủ tiền để cho vay các dự án giao thông; cấp nước; nhà ở khu đô thị, khu dân cư; di chuyển sắp xếp các cơ sở sản xuất; xử lý rác thải đô thị, cũng như các dự án quan trọng do UBND cấp tỉnh quyết định.

- Mức lãi suất tối thiểu được UBND một số địa phương quy định ở mức thấp, chưa phản ánh được đầy đủ chi phí trong lãi suất cho vay, không đảm bảo bù đắp chi phí quản lý và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương nhằm bảo toàn và phát triển nguồn vốn.

4. Một số giải pháp

- Nghị định số 138/2007/NĐ-CP về tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP được ban hành trên mô hình của một Quỹ đầu tư phát triển địa phương tại một thời điểm nhất định, có thể ví nó như “một chiếc áo sử dụng cho nhiều người mặc” nên điều tất yếu là nó sẽ không phù hợp với mô hình của tất cả các Quỹ, kể cả trong hiện tại và tương lai do theo thực tế từng địa phương thì quy mô, năng lực của từng Quỹ có sự khác nhau rất lớn. Chính phủ cần sớm nghiên cứu để ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP theo hướng mở hơn để phù hợp với sự phát triển quy mô hoạt động khác nhau của từng địa phương, cụ thể bên cạnh các tiêu chí bắt buộc mà Quỹ đầu tư phát triển địa phương cần phải tuân thủ thì một số tiêu chí liên quan đến hoạt động của Quỹ như: đối tượng đầu tư, cho vay; hình thức đầu tư, cho vay; thẩm quyền quyết định đầu tư, cho vay… có thể linh hoạt để phù hợp với đặc điểm, tính chất từng địa phương, không nên gò bó, cứng nhắc.

- Xét trên giác độ tổng thể, việc cấp vốn điều lệ từ ngân sách hay có nguồn gốc từ ngân sách được xem là một khoản “vốn mồi” mà Nhà nước bỏ ra khi thành lập Quỹ để Quỹ có điều kiện hoạt động, tiếp tục huy động các nguồn lực tài chính trong xã hội nhằm tập trung cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nhiệm vụ của từng Quỹ là từ khoản “vốn mồi” đó làm sao thu hút được nhiều nguồn vốn khác để hoạt động đúng hướng, đúng mục tiêu đề ra, đây mới là nguồn vốn chủ yếu cho hoạt động của Quỹ. Vì vậy, có thể nói cơ chế “vốn mồi” được xem là cơ chế dây chuyền xuyên suốt trong hoạt động của Quỹ để khơi dậy các nguồn lực xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn vốn Quỹ sẽ thực hiện chức năng định hướng, dẫn dắt các hoạt động đầu tư trên địa bàn, thu hút rộng rãi các nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế khác nhau để tập trung thành nguồn vốn dồi dào mới có thể phát huy hiệu quả trong các dự án phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

- Cần phải tăng tỷ trọng vốn đầu tư trực tiếp (chiếm khoảng 70% nguồn vốn hoạt động), để làm được như vậy ngoài sự hỗ trợ của địa phương, Quỹ cần phải tăng cường năng lực, đóng vai trò khởi xướng trong việc tìm kiếm, lựa chọn, từ đó đề xuất các dự án có hiệu quả cao để thu hút các nguồn lực đầu tư trực tiếp. Quỹ cần phải cân nhắc, cân đối trong việc cho vay các dự án có tổng mức đầu tư lớn, tỷ lệ vay cao như vậy sẽ tăng tốc độ luân chuyển nguồn vốn, hạn chế rủi ro trong công tác tín dụng.

- Trong bối cảnh nguồn vốn huy động còn hạn chế, mức vốn điều lệ tối thiểu 100 tỷ đồng nên không đảm bảo cho Quỹ có thể quay vòng nguồn vốn để thực hiện nhiều dự án thuộc lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa thúc đẩy việc huy động thêm các nguồn lực khác trên địa bàn cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Vì vậy trong thời gian tới, để đảm bảo Quỹ đầu tư phát triển địa phương khi thành lập có nguồn vốn triển khai hoạt động đúng chức năng, nhiệm vụ, đóng góp hiệu quả vào đầu tư phát triển, cần phải nâng nguồn vốn điều lệ tối thiểu lên 300-400 tỷ đồng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quỹ Đầu tư phát triển Bạc Liêu (2019), Hội nghị thường niên quỹ đầu tư phát triển địa phương năm 2019. http://www.bldif.com.vn/vn/info/c24-a264/Tin-moi/Hoi-nghi-thuong-nien-Quy-.html
  2. Nguyễn Việt Giang (2020). Quản trị rủi ro tại Quỹ Đầu tư phát triển Bắc Ninh. Luận án Tiến sĩ quản trị kinh doanh, Học viện Khoa học xã hội.
  3. Như Chính (2016), Tăng cường quản lý Quỹ Đầu tư phát triển địa phương https://baodautu.vn/tang-cuong-quan-ly-quy-dau-tu-phat-trien-dia-phuong-d44065.html
  4. World Bank (2013). Đánh giá khung tài trợ cho cơ sở hạ tầng địa phương ở Việt Nam. Washington DC; World Bank Group.

Improving the capital efficiency for local development and

investment funds

Nguyen Nhat Linh

Development and Investment Fund of Ha Tinh Province

ABSTRACT:

When the state budget cannot guarantee the development investment and the capital capacity of domestic enterprises is still limited, the investment capital from the local development and investment funds is considered an important initial capital source for socio-economic infrastructure development projects. Although the local development and investment funds enjoy a high growth rate with encouraged performance and their operations have attracted other financial sources, the Ministry of Finance assesses that these development and investment funds have not achieved their set development goals and their capital sources are inadequate for localities’ investment needs. This paper is to deeply analyze the improvement of capital efficiency for the local development and  investment funds.

Keywords: Investment fund, budget, enterprise.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 22, tháng 9 năm 2020]