Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp điện tử thông qua phương thức liên kết sản xuất quốc tế

ThS. PHẠM THU HƯƠNG (Khoa Kế toán, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Công nghiệp điện tử (CNĐT) là một ngành công nghệ cao bao gồm nhiều công đoạn với các tính chất phức tạp khác nhau. Cả ngành CNĐT có thể phát triển nếu từng doanh nghiệp thành viên biết dựa vào lợi thế của bản thân mà lựa chọn quyết định tham gia vào khâu nào của quá trình sản xuất và tận dụng được khoa học công nghệ phát triển trên thế giới. Điều này chỉ có được khi các ngành CNĐT liên kết sản xuất (LKSX) quốc tế. Bài viết đi vào phân tích thực trạng ngành CNĐT và tính tất yếu, hướng phát triển phương thức liên kết sản xuất quốc tế.

Từ khóa: liên kết sản xuất quốc tế, công nghiệp điện tử, năng lực cạnh tranh.

1. Đặt vấn đề

Hội nhập kinh tế quốc tế là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển của mỗi quốc gia trên thế giới. Khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển nhưng cũng có hàng loạt những thách thức đặt ra. Các doanh nghiệp điện tử Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt hơn với các hãng điện tử danh tiếng trên thế giới. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh (NLCT) của chúng ta vẫn còn rất yếu cả về năng lực, trình độ quản lý, công nghệ, nhân sự, kỹ thuật,... Vậy, các ngành CNĐT Việt Nam cần phải làm gì trước thách thức lớn này? Thực tế hiện nay đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành liên kết, liên doanh sản xuất với các thương hiệu nước ngoài. Chính nhờ việc này mà thương hiệu và chất lượng sản phẩm của họ đã được nâng cao và có chỗ đứng nhất định trong thị trường điện tử. Điều này thể hiện vai trò của liên kết sản xuất quốc tế trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp điện tử.

2. Vai trò của liên kết sản xuất quốc tế đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

Thứ nhất, LKSX quốc tế giúp ngành CNĐT khắc phục được những bất lợi về quy mô: mỗi doanh nghiệp, mỗi ngành đều có một hoặc một vài lĩnh vực hoạt động chủ đạo, mang tính đặc thù, chuyên biệt. Bên cạnh đó, một loạt các hoạt động phụ mà bản thân ngành không thể thực hiện được, nhưng nó lại không thể thiếu đối với dây chuyền sản xuất chính. Vì vậy, LKSX quốc tế giúp ngành mở rộng được quy mô, giảm thiểu được chi phí sản xuất và tìm kiếm được lợi nhuận cao.

Thứ hai, LKSX quốc tế giúp ngành CNĐT có thể phản ứng nhanh được với sự thay đổi của thị trường. Nhu cầu của thị trường luôn luôn biến đổi, đặc biệt là trong ngành CNĐT, để có được những thay đổi phù hợp với nhu cầu của thị trường, ngành cần phải có thông tin và có đủ khả năng triển khai nhanh các phương án sản xuất mới. Do ngành CNĐT Việt Nam có xuất phát điểm còn thấp, thông tin chưa kịp thời, vì vậy, việc triển khai các phương án sản xuất mới còn gặp nhiều khó khăn. Và chỉ có LKSX quốc tế mới giúp các doanh nghiệp, các ngành nắm bắt được thông tin một cách nhanh nhạy, có điều kiện về vốn, cơ sở vật chất để triển khai được các phương án sản xuất mới một cách hiệu quả.

LKSX quốc tế giúp ngành tiêu thụ sản phẩm một cách nhanh hơn: LKSX quốc tế giúp ngành CNĐT nước ta gắn được với những tên tuổi nổi tiếng như Sony, JVC, LG,… là những thương hiệu mà người tiêu dùng đã biết đến rất nhiều, thị trường tiêu thụ có sẵn. Trong quá trình LKSX sẽ tạo ra những sản phẩm vừa có chất lượng cao, kiểu dáng hợp lý mà lại gắn với những thương hiệu nổi tiếng như vậy, giá thành lại tương đối. Điều này giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm một cách dễ dàng, mang lại nhiều lợi nhuận cao hơn, từ đó, giúp ngành CNĐT nước ta dần dần từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu ngành CNĐT.

LKSX quốc tế giúp ngành có thể tiếp cận nhanh chóng với các công nghệ, kỹ thuật mới. Trong quá trình LKSX quốc tế, các nhà liên kết tiến hành chuyển giao công nghệ mới, hiện đại cho các nhà sản xuất trong nước, từ đó, chúng ta có thể tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật mới một cách dễ dàng.

Thứ ba, LKSX quốc tế giúp ngành có thể giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh. Phát triển sản xuất là một quá trình vận động không ngừng, tích tụ tập trung rồi lại chia tách, sát nhập để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và phù hợp với khả năng nội tại của doanh nghiệp, với mục đích tìm kiếm lợi nhuận cao nhất mà lại giảm thiểu được rủi ro. Quá trình đó diễn ra thực chất là thông qua các hoạt động LKSX. Đứng trước một dự án sản xuất lớn, thị trường tiêu thụ tiềm năng, nếu doanh nghiệp bỏ lỡ sẽ mất cơ hội làm ăn nhưng nếu doanh nghiệp đơn độc một mình thực hiện trong khi năng lực còn yếu sẽ dẫn đến hiệu quả thấp, thậm chí thua lỗ. Để tránh hiện tượng này, nhiều doanh nghiệp đã biết phân tán rủi ro bằng cách mời gọi các doanh nghiệp khác tham gia thực hiện dự án, đặc biệt là những doanh nghiệp nước ngoài có đầy đủ tiềm năng về nguồn lực, vốn, kỹ thuật,… Qua đó, mỗi doanh nghiệp sẽ đảm nhận một phần công việc, tùy theo năng lực của doanh nghiệp. Như vậy, mỗi doanh nghiệp sẽ chịu một phần rủi ro.

Ngành CNĐT là một ngành đòi hỏi vốn đầu tư khá lớn, nhưng độ rủi ro cũng khá cao, trong khi vốn đầu tư trong nước của chúng ta còn hạn chế. Để tồn tại và phát triển, ngành CNĐT cần phải huy động nguồn vốn từ nước ngoài vào và việc LKSX quốc tế giúp ngành huy động vốn, đồng thời cũng giảm thiểu được rủi ro trong kinh doanh.

3. Đánh giá về năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam

NLCT của ngành CNĐT Việt Nam còn yếu ngay cả trên thị trường nội địa, khả năng này rất dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố thị trường dù rất nhỏ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam cũng chưa đủ điều kiện để chủ động nắm bắt thị trường. Cụ thể:

Thứ nhất, về mặt hàng có năng lực cạnh tranh có điều kiện.

- Sản phẩm máy tính và sản phẩm phần mềm: tuy số lượng máy tính hiện có trên cả nước đã tăng với tốc độ nhanh và việc sử dụng máy tính phổ cập hơn nhưng có sự chênh lệch về trang bị máy tính giữa các thành phần kinh tế, giữa các vùng, các ngành nghề khác nhau. Hiện nay, các cơ quan nhà nước chiếm tỷ lệ sử dụng máy tính lớn nhất (70%) so với các thành phần kinh tế khác. Mặt khác, số máy tính phần lớn tập trung tại các thành phố lớn, riêng Hà Nội chiếm 30%, TP.HCM chiếm 40% số máy tính của cả nước. Vì vậy, nhu cầu máy tính còn rất lớn trong các doanh nghiệp quốc doanh, cũng như các hộ gia đình. Thêm vào đó, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đang tăng trưởng đều các mặt và tương đối bền vững, do đó thu nhập bình quân đầu người và sức mua của dân cư cũng tăng lên. Ngoài ra, việc xuất khẩu cũng rất khả quan, khi máy tính thương hiệu Việt Nam có uy tín, giá cả hợp lý thì nhóm sản phẩm máy tính thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh nhất.

- Phần mềm: Việt Nam có điều kiện trong phát triển phần mềm với nguồn lao động dồi dào, có tri thức sáng tạo. Việt Nam lại có lợi thế hơn hẳn một số nước phát triển khác về giá nhân công, về mặt ngôn ngữ (sử dụng phông chữ Latinh). Ngoài ra, phát triển phần mềm không cần đầu tư lớn, nhu cầu và dung lượng thị trường cả trong lẫn ngoài nước đều vô hạn. Nếu có sự đầu tư đúng hướng của Nhà nước và kiểm tra thực thi luật bản quyền tốt thì công nghệ phần mềm Việt Nam sẽ có cơ hội không chỉ phát triển mà còn có khả năng cạnh tranh tốt trên thị trường khu vực và quốc tế.

- Nguyên liệu, linh kiện điện tử và công nghệ thông tin: Đây là ngành đòi hỏi đầu tư lớn, nhưng cũng là ngành có tiềm năng mang lại sự tăng trưởng lớn nếu thu hút được nhiều đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Khi Việt Nam có thể sản xuất được linh kiện điện tử nói chung và linh kiện máy tính có công nghệ cao, có thể cung cấp cho các cơ sở lắp ráp máy vi tính trong nước thì các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành các nhà sản xuất máy tính cạnh tranh được trong khu vực.   

Thứ hai, mặt hàng có năng lực cạnh tranh thấp: điện tử dân dụng.

Sản lượng sản xuất chỉ đạt 30 - 40% công suất thiết kế. Giá năm sau giảm so với năm trước khoảng 3 - 5% tùy chủng loại, không kể loại có mẫu mã cũ. Thế hệ máy thu hình cũng như hàng điện tử dân dụng kỹ thuật số nói chung sẽ là sản phẩm chính trong thời gian ngắn nữa. Do đó, loại sản phẩm hiện nay sẽ càng khó có thể tiêu thụ được trong vòng 2 - 3 năm tới. Việc đầu tư sản xuất hàng điện tử dân dụng kỹ thuật số đòi hỏi phải có sự đầu tư rất lớn cho dây chuyền công nghệ nên các doanh nghiệp Việt Nam không thể một sớm một chiều đáp ứng được. Còn nếu khi đáp ứng được thì giá cả không cạnh tranh được.

Vấn đề lớn nhất là công nghệ và trang thiết bị của chúng ta còn lạc hậu, yếu kém rất nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng sản phẩm, năng suất sản xuất,… Để ngành CNĐT phát triển và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn, chúng ta cần phải tăng cường đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị nhưng do điều kiện kinh tế nước ta còn hạn chế, vốn đầu tư không nhiều. Chính vì vậy, việc tiến hành LKSX quốc tế là một việc làm cần cho các doanh nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay học hỏi được những công nghệ tiên tiến và có được những trang thiết bị hiện đại, từ đó mới dần phát triển và nâng dần công nghệ trong nước.

4. Giải pháp

Các doanh nghiệp mạnh có khả năng công nghệ kỹ thuật cao đóng vai trò hạt nhân thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngược lại, với lợi thế chuyên sâu của mình, các doanh nghiệp nhỏ thực hiện chuyên môn hóa một số chi tiết, bộ phận trong chuỗi giá trị giảm thiểu các chi phí sản xuất cần thiết cho các doanh nghiệp lớn. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước cần:

- Nâng cao nhận thức về LKSX quốc tế: Các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức về hiệu quả của LKSX quốc tế, để từ đó chủ động tìm kiếm các mối liên kết trong hoạt động của mình. Cần chú ý rằng, sự LK được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như liên kết công nghệ, liên kết nhân lực, liên kết trong dây chuyền tạo ra chuỗi giá trị của sản phẩm,… Việc tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp cần phải được triển khai ở tất cả các bộ phận của doanh nghiệp, vì chính những người quản lý cấp trung gian là những người dễ dàng nhận ra các nhu cầu về liên kết nhất và chính họ là người đề xuất để chủ doanh nghiệp lựa chọn và quyết định triển khai các quan hệ liên kết.

- Nâng cao trình độ công nghệ: tiếp tục nâng cao trình độ công nghệ theo phương thức học hỏi và sáng tạo công nghệ, tiếp nhận chuyển giao của các doanh nghiệp điện tử nước ngoài để có thể chuyên môn hóa sâu, từ đó có điều kiện tham gia và mở rộng các mối quan hệ liên kết quốc tế.

- Các doanh nghiệp điện tử trong nước nên lập cho mình một website riêng vừa quảng cáo, giới thiệu sản phẩm của mình vừa thuận tiện cho việc tìm kiếm đối tác. Trong đó, nên có các thông tin về tên gọi, địa chỉ, trụ sở, điện thoại, chủ doanh nghiệp, quy mô, loại hình, phạm vi kinh doanh, thậm chí còn có thể công khai cả mức thuế, đóng góp tài chính của doanh nghiệp trong ngân sách nhà nước, nhu cầu, khả năng hợp tác kinh tế của doanh nghiệp. Các website này nên hỗ trợ bằng tiếng Anh sẽ thuận tiện cho các doanh nghiệp nước ngoài tìm kiếm thông tin về đối tác đầu tư.

- Các doanh nghiệp nên xác định sản phẩm chủ lực của mình, cần xác định sản phẩm chủ lực phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của doanh nghiệp nhằm sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhưng giá thành thấp hơn.

- Trong quá trình liên kết, các doanh nghiệp nên chú trọng vào việc soạn thảo các hợp đồng liên kết, các hợp đồng này cần tuân thủ các quy định của pháp luật, trong đó quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, dự kiến mâu thuẫn, tranh chấp có thể xảy ra và hướng giải quyết mâu thuẫn này để tránh gây hậu quả đáng có do sự thiếu sót của hợp đồng.

- Các doanh nghiệp trong ngành Điện tử nên lập kế hoạch dài hạn về nhân lực, gồm: nhu cầu từng loại cán bộ lãnh đạo hàng năm và dài hạn, nhu cầu về kỹ sư, công nhân bậc cao, kế hoạch tuyển chọn hàng năm và tiêu chí từng loại, chính sách khuyến khích, lương,… Như vậy, thông qua kế hoạch này có thể giải quyết được vấn đề nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng phần nào đó yêu cầu trong các liên doanh, liên kết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phan Trọng Thức (2016), Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
  2. Hoàng Thị Hoan (2018), Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.
  3. Phạm Thị Thu Thủy (2014), Hoàn thiện kế toán hoạt động đầu tư tài chính theo hình thức góp vốn liên doanh, liên kết ở các doanh nghiệp Việt Nam, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Đinh Trọng Thức và Nguyễn Minh Phong (2007), Doanh nghiệp Việt Nam hợp tác và hội nhập, Giáo trình, Nhà xuất bản Tài chính.

Improving the competitiveness of Vietnamese enterrprises in the electronic industry through international production linkages

Master. Pham Thu Huong

Faculty of Accounting, University of Economics - Technology for Industries

Abstract:

Electronic industry is a high-tech sector that includes many poduction stages with different complex properties. If each enterprise in the electronic industry decides to participate into a production stage based on its own business advantages, the whole electronic industry will grow and take advantages of scientific and technological advancements in the world. However, it can only be realized when international production linkages in the electronic industry are established. This paper analyzes the current development of the electronic industry, and the development directions of international production linkages.

Keyworrds: international production links, electronic industry, competitiveness. 

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10, tháng 5 năm 2022]