Nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP

TS. VŨ NGỌC DIỆP (Bộ môn Ngân hàng Chứng khoán, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Thương mại)

TÓM TẮT:

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được ký kết giữa 11 nước thành viên nằm hai bên bờ Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hiệp định gồm 30 chương với khoảng 6.000 trang văn bản bao trùm rất nhiều vấn đề từ thương mại truyền thống, thương mại ít được biết đến và các vấn đề khác liên quan đến thương mại, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Việc thực thi Hiệp định CPTPP sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho nền kinh tế Việt Nam nói chung, cũng như lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng. Bài viết tìm hiểu về Hiệp định CPTPP, những cam kết trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và thực trạng năng lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng. Đồng thời, đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng trước bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP.

Từ khóa: Năng lực cạnh tranh, ngành Ngân hàng Việt Nam, Hiệp định CPTPP.

  1. Các cam kết trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của CPTPP

CPTPP là một dạng FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao…, do có mức độ cam kết tự do hóa cao nhất, với phạm vi bao trùm nhiều lĩnh vực nhất, tập trung đẩy mạnh tự do hóa không chỉ trong lĩnh vực thương mại hàng hóa, mà còn đối với dịch vụ và đầu tư, trong đó có ngành dịch vụ tài chính. Nội dung cam kết về dịch vụ tài chính nằm trong chương thứ 11 trong tổng số 30 chương của Hiệp định. Giống như WTO hay một số Hiệp định FTA khác, CPTPP đưa ra các qui định cốt lõi như: Đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc; Tiếp cận thị trường và một vài quy định cụ thể về việc cung cấp dịch vụ tài chính qua biên giới. Theo nội dung kết thúc đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, một nhà cung cấp dịch vụ của một nước CPTPP có thể cung cấp dịch vụ tài chính tại thị trường của nước tham gia CPTPP khác, nếu các công ty trong nước hoạt động tại thị trường này được phép cung cấp dịch vụ đó.

Các nước thành viên của CPTPP phải ban hành quy định trường hợp ngoại lệ đối với một số qui tắc trong phụ lục đính kèm theo CPTPP và phù hợp với điều kiện của từng nước, gồm: (i) Các biện pháp hiện hành quy định, bên tham gia phải có nghĩa vụ không áp đặt thêm bất kỳ biện pháp chế tài nào khác trong tương lai, cũng như tuân thủ thỏa thuận tự do hóa trong các hoạt động sau này; (ii) Các biện pháp và chính sách qui định bên tham gia có đầy đủ quyền tự quyết trong tương lai.

Các nước tham gia CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc công nhận chính thức tầm quan trọng của các quy trình thủ tục pháp lý nhằm khuyến khích việc cung cấp các dịch vụ bảo hiểm của các nhà cung cấp được cấp phép và các quy trình để đạt được mục tiêu này. Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cũng đề cập đến các cam kết cụ thể về quan lý danh mục đầu tư, các dịch vụ thẻ thanh toán điện tử và chuyển giao thông tin để phục vụ mục đích xử lý dữ liệu (Trung tâm WTO, 2018).

Điểm khác biệt của CPTPP so với các FTA khác là việc nhấn mạnh khả năng quản lý đối với các tổ chức và thị trường tài chính, các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng, các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính bao gồm các ngoại lệ thận trọng và các ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử nhằm theo đuổi các chính sách tiền tệ (CSTT) hoặc chính sách cụ thể khác. Như vậy, đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính trong CPTPP, mặc dù yêu cầu cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận thị trường và đầu tư qua biên giới nhưng vẫn đảm bảo rằng, các nước trong CPTPP có đủ năng lực điều hành thị trường và các tổ chức tài chính cũng như thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp khủng hoảng.

Tuy nhiên, CPTPP cũng đề cập đến các trường hợp ngoại lệ trong việc bảo hộ quyền tự chủ của các nhà quản lý tài chính của các nước tham gia CPTPP, trong đó họ sẽ được quyền chủ động thực hiện các biện pháp củng cố tính ổn định tài chính và tính thống nhất của hệ thống tài chính của mình, bao gồm: những qui định ngoại lệ mà các quốc gia thành viên xem xét một cách thận trọng và những quy định ngoại lệ về các biện pháp không phân biệt đối xử trong quá trình thiết lập và thực thi các CSTT hay các chính sách khác.

CPTPP cũng có thể tạo sức ép đối với một số quốc gia thành viên trong việc cải cách thể chế, thúc đẩy cạnh tranh, giải quyết và ứng phó với các thách thức mới. Ngành Ngân hàng Việt Nam - đóng vai trò trung gian rất quan trọng trong việc kết nối mọi hoạt động của nền kinh tế, là tiền đề của phát triển kinh tế xã hội, cũng sẽ không nằm ngoài các tác động, ảnh hưởng từ CPTPP. Cùng với sự vận động phát triển của toàn nền kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh (như dệt may, da giày, linh kiện điện tử …), ngành Ngân hàng sẽ phát huy tối đa vai trò là cầu nối, kênh dẫn vốn hiệu quả giữa nền kinh tế và các doanh nghiệp, đồng thời mở rộng hệ thống thanh toán quốc tế giúp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong việc mở rộng hoạt động tới các thị trường mới, qua đó, hiện thực hóa các cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng cần phải chủ động đánh giá các thách thức khó khăn phải đối mặt để có những định hướng, giải pháp phù hợp cho sự phát triển ổn định và bền vững trước bối cảnh mới.

  1. Thực trạng năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu được công bố hàng năm, so với 11 quốc gia ký kết Hiệp định CPTPP, năng lực cạnh tranh của Việt Nam luôn được đánh giá ở mức khiêm tốn. Mặc dù năm 2017, vị trí của Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu nhưng cũng chỉ đứng trên 1 quốc gia là Peru nếu xét trong số các quốc gia thành viên ký kết CPTPP. (Bảng 1).

Các chỉ tiêu đánh giá của WEF được chia thành 3 nhóm chính bao gồm: (i) Yêu cầu cơ bản: thể chế, cơ sở hạ tầng, kinh tế vĩ mô, y tế và giáo dục tiểu học; (ii) Nâng cao hiệu suất: giáo dục cao học, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, thị trường lao động, sự phát triển của thị trường tài chính, trình độ công nghệ, quy mô thị trường; (iii) Sáng tạo: độ tinh vi trong tổ chức của doanh nghiệp và tính đột phá. Thứ hạng về sự phát triển của thị trường tài chính trong WEF được xác định dựa trên kết quả đánh giá của 8 tiêu chí khác nhau, bao gồm: sự sẵn sàng của các dịch vụ tài chính, các dịch vụ tài chính giá thấp, đầu tư thông qua thị trường vốn chủ sở hữu, tiếp cận tín dụng, đầu tư mạo hiểm, sự lành mạnh của các ngân hàng, quản lý thị trường chứng khoán, quyền hợp pháp. Theo kết quả này, sự phát triển của các dịch vụ tài chính Việt Nam cũng luôn đứng ở vị trí trung bình thấp so với 11 quốc gia thành viên CPTPP: (Bảng 2).

Báo cáo của WEF cho thấy mức độ tiếp cận tín dụng và sự lành mạnh của các ngân hàng trong năm 2017 đã khiến cho thứ bậc xếp hạng của sự phát triển thị trường tài chính Việt Nam trong WEF nằm ở vị trí không mấy khả quan so với các quốc gia trong khối CPTPP, đặc biệt độ lành mạnh của các ngân hàng Việt Nam đứng thứ 112 trong số 137 quốc gia.

2.1. Năng lực tài chính

* Quy mô và mức độ an toàn vốn

Năng lực tài chính của NHTM thể hiện trước hết ở quy mô vốn tự có của mỗi ngân hàng. Có thể nói, quy mô vốn tự có của các NHTM Việt Nam còn rất nhỏ bé. Quy mô nhỏ bé này được thể hiện thông qua chỉ tiêu vốn điều lệ, thành phần chính của vốn chủ sở hữu.

Quy mô này nhỏ hơn rất nhiều so với quy mô vốn của các NHTM trên thế giới (Bảng 3). Vốn chủ sở hữu của các ngân hàng càng lớn thì ngân hàng càng có khả năng chống đỡ cao hơn với những “cú sốc” của môi trường kinh doanh. Vốn tự có còn ảnh hưởng đến mức đầu tư vào công nghệ ngân hàng vì ngân hàng chỉ có thể sử dụng vốn tự có để đầu tư vào công nghệ. Vì thế, có thể nói, quy mô vốn tự có nhỏ sẽ là một bất lợi lớn trong lĩnh vực ngân hàng.  (Bảng 3).

* Hệ số an toàn vốn tối thiểu

Trong hoạt động kinh doanh của mình, các ngân hàng cần phải đảm bảo một hệ số an toàn vốn (CAR) nhất định. Theo Ủy ban Basel, để đảm bảo an toàn trong hoạt động, các ngân hàng phải đạt được hệ số CAR tối thiểu là 8%. Theo thống kê và cách tính của World Bank, hệ số CAR của các ngân hàng Việt Nam đã đạt chuẩn mực theo quy định của Basel II (trên 8%), tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với các ngân hàng tại các quốc gia ký kết Hiệp định CPTPP và mức trung bình của thế giới (Bảng 4). Tỷ lệ này đã chỉ cho chúng ta thấy quy mô vốn chủ sở hữu của các ngân hàng càng nhỏ thì càng hạn chế hoạt động của các ngân hàng. Nếu các ngân hàng có quy mô vốn nhỏ mà vẫn mở rộng hoạt động của mình đến mức làm cho tỷ lệ an toàn vốn bị thấp hơn mức tối thiểu 8% thì rủi ro đối với hoạt động của các ngân hàng sẽ là rất lớn.

Trước xu thế mở cửa thị trường dịch vụ tài chính – ngân hàng với nhiều loại hình dịch vụ ngân hàng mới và những yêu cầu khi thực hiện CPTPP, những đòi hỏi về CAR theo chuẩn mực quốc sẽ càng cao hơn để tăng cường năng lực hoạt động, giảm thiểu rủi ro và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các NHTM Việt Nam. (Bảng 4).

* Tỷ lệ nợ xấu

Một hệ thống ngân hàng mạnh khỏe sẽ có sức chống chịu đối với các tác động tiêu cực đến từ cả trong và ngoài quốc gia, đặc biệt là các áp lực theo hiệu ứng domino khi hội nhập diễn ra sâu rộng, điển hình như hiệp định CPTPP. Nợ xấu không phải là chuyện riêng của Việt Nam, mà các nước trên thế giới cũng đang phải đối mặt, nhưng ở các mức độ khác nhau. Theo thống kê của World Bank, nợ xấu của Việt Nam vẫn ở mức cao (chỉ thấp hơn Mexico và Peru trong số 11 quốc gia ký kết CPTPP)..

Trong 5 năm qua (từ 2013-2018), ở Việt Nam, mặc dù VAMC đã đồng hành cùng các tổ chức tín dụng và các công ty AMC khác, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành Ngân hàng về dưới 3%, từ mức 3,61% cuối năm 2013 xuống 2,18% đến tháng 4/2018, tuy nhiên đây vẫn chỉ là biện pháp làm sạch bảng cân đối kế toán của hệ thống ngân hàng, trong khi con số nợ chưa xử lý ước tính lên đến 10,1% tổng dư nợ hệ thống ngân hàng. Trên thực tế, thị trường mua bán nợ Việt Nam còn chưa hoàn thiện, các công cụ xử lý nợ vẫn còn thô sơ và quá trình xử lý các khoản nợ tồn đọng trong nhiều năm qua còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam chỉ có rất ít đơn vị tham gia, bao gồm VAMC, DATC và 28 công ty AMC của các TCTD - vốn có nguồn lực rất mỏng. Ngoài ra, việc định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán nợ xấu cũng là một vấn đề khó khăn và còn gây ra nhiều hạn chế với hệ thống Ngân hàng Việt Nam. Do đó, nếu trong tương lai, các khoản nợ này vẫn chỉ ở giai đoạn “xử lý trên sổ sách” mà chưa thực sự được giải quyết hoàn toàn, hệ thống ngân hàng sẽ lại mang gánh nặng về vốn. Bên cạnh đó, thị trường vẫn còn rất thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần phải học hỏi nhiều kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cả về thành công lẫn thất bại để từ đó cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp phù hợp đảm bảo quá trình tái cơ cấu, xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

2.2. Năng lực quản trị

Hiện nay, các ngân hàng Việt Nam đang tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính theo hướng an toàn, hiệu quả và từng bước đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Sau những tồn tại, yếu kém, tổn thất phát sinh từ nguyên nhân quản trị, điều hành, nhiều ngân hàng đã ý thức và chú trọng hơn trong nâng cao năng lực quản trị ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng Việt Nam mới chỉ đang ở giai đoạn đầu áp dụng các phương thức quản trị hiện đại, cơ cấu quản trị còn tồn tại nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả quản trị thấp. Các ngân hàng đều đã có bộ phận quản trị rủi ro, nhưng chủ yếu tập trung vào rủi ro tín dụng và thiếu kinh nghiệm để xử lý một cách hiệu quả những rủi ro mới và đang càng gia tăng. Hệ thống báo cáo và công bố thông tin vẫn còn thấp hơn so với các chuẩn mực quốc tế dẫn đến khó khăn trong việc phân tích và xử lý rủi ro. Văn hóa quản trị tiếp tục nghiêng nhiều về việc tuân thủ các quy định hơn là đánh giá và giảm thiểu các rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Sự độc lập và kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan quản trị, kiểm soát các TCTD còn mang tính hình thức, từ đó làm giảm hiệu quả của hoạt động quản trị, điều hành là nguyên nhân chủ yếu gây nên sự yếu kém, sa sút trong hoạt động của TCTD.

2.3. Năng lực công nghệ

Đầu tư đổi mới công nghệ là vấn đề sống còn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM Việt Nam. Theo tính toán và kinh nghiệm của các ngân hàng nước ngoài, công nghệ thông tin có thể làm giảm 76% chi phí hoạt động ngân hàng. Song đây là một lĩnh vực đòi hỏi sự đầu tư rất lớn, ví dụ như để xây dựng hệ thống thông tin quản lý cho một NHTM cần phải chi phí tới 500-600 tỷ đồng.

Năng lực công nghệ không chỉ thể hiện ở trình độ hiện đại của trang thiết bị máy móc và công nghệ. Khả năng khai thác các trang thiết bị, công nghệ đó cũng là một yếu tố rất quan trọng. Do sự hao mòn vô hình trong lĩnh vực công nghệ là rất cao nên việc nhanh chóng khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ hiện đại là một yêu cầu hết sức cơ bản, là nhân tố quyết định khả năng duy trì nâng cao lợi thế công nghệ của một ngành. Đây cũng là điểm yếu hiện nay của các ngân hàng Việt Nam. Mặc dù cùng với việc lắp đặt, triển khai các thiết bị công nghệ hiện đại, các ngân hàng đã triển khai hàng loạt các khóa đào tạo, hướng dẫn sử dụng thiết bị công nghệ mới nhưng do những bất cập về nguồn nhân lực cũng như thiếu các hướng dẫn quy trình nghiệp vụ mới, cụ thể, phù hợp với công nghệ hiện đại nên việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động vẫn còn chưa cao.

  1. Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh thực thi Hiệp định CPTPP

Để khắc phục những hạn chế trong hoạt động của các ngân hàng Việt Nam, đồng thời nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn thực hiện CPTPP, cần phải chú trọng vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, xây dựng một môi trường pháp lý hấp dẫn, ổn định với các cơ chế chính sách nhất quán để tạo lập một sân chơi bình đẳng và hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh giúp tất cả các loại hình TCTD phát triển. Một khuôn khổ pháp lý đảm bảo an toàn, mô hình giám sát phù hợp và các chính sách khuyến khích thị trường phát triển lành mạnh là những yếu tố quan trọng để hoạt động ngân hàng đạt kết quả tốt trong dài hạn.

Thứ hai, nâng cao năng lực tài chính, năng lực hoạt động và năng lực quản trị của các ngân hàng Việt Nam:

- Tiếp tục nâng cao năng lực tài chính, tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có của các NHTM và các TCTD phi ngân hàng, bảo đảm mức vốn điều lệ không thấp hơn mức vốn pháp định và đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo qui định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế.

- Nâng cao chất lượng tín dụng, có chính sách quản lý rủi ro tín dụng phù hợp với các quy định mới của NHNN và ngày càng phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế; từng bước xử lý nợ xấu một cách bên vững, hạn chế nợ xấu gia tăng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hỗ trợ vốn tích cực cho nền kinh tế.

- Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử; gia tăng xuất khẩu dịch vụ tài chính; tiếp tục tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính, nhiều rủi ro; ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế nhằm góp phần tái cơ cấu nền kinh tế.

- Hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam; hoàn thiện và áp dụng các qui định về quản trị ngân hàng phù hợp với thông lệ quốc tế; đa dạng hóa cơ cấu cổ đông; yêu cầu các TCTD công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về chiến lược linh doanh, sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị doanh nghiệp theo qui định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Khuyến khích và tạo điều kiện để các TCTD lành mạnh hoặc các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tham gia tái cơ cấu của NHTM cổ phần, các TCTD phi ngân hàng yếu kém; thúc đẩy việc mua bán, sáp nhập trên cơ sở tự nguyện của các TCTD để hình thành các định chế có quy mô lớn và quản trị tốt hơn.

- Tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài hoạt động kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng với các TCTD Việt Nam; khuyến khích các TCTD nước ngoài tham gia hỗ trợ và xử lý các vấn đề khó khăn, yếu kém của các TCTD trong nước; khuyến khích các TCTD nước ngoài đi đầu trong việc phát triển và áp dụng các công nghệ hiện đại, đưa các sản phẩm, dịch vụ mới tới thị trường Việt Nam; hỗ trợ các TCTD trong nước trong việc tiếp cận với các quy trình, sản phẩm, công nghệ mới đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng về sản phẩm và dịch vụ của khách hàng.

- Tạo điều kiện hình thành các ngân hàng lớn, có tầm quan trọng trong hệ thống và khu vực.

Thứ ba, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và tác động của cuộc cách mạng 4.0, xây dựng một chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển của từng TCTD, trong đó bao gồm:

- Cơ cấu, sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tế phù hợp với yêu cầu hoạt động kinh doanh trước mắt cũng như lâu dài.

- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh ngân hàng có trình độ cao, ý thức tuân thủ pháp luật, có đạo đức và tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp tốt.

- Nghiên cứu áp dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý sử dụng nhân lực có hiệu quả.

- Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách đồng đều và vững chắc theo hướng vừa chuyên sâu vừa tổng hợp, có khả năng cạnh tranh cao.

- Có chính sách thu hút các chuyên gia, nhân viên giỏi.

Thứ tư, hiện đại hóa hệ thống công nghệ tạo điều kiện phát triển dịch vụ ngân hàng mới.

Chuyển đổi hệ thống Core Banking của từng NHTM nhằm ứng dụng công nghệ tin học để đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ ngân hàng; mua các giải pháp trọn gói một cách hợp lý nhất để giảm thời gian và giá thành chuyển giao công nghệ đảm bảo ứng dụng vào hoạt động ngân hàng thông dụng với quốc tế; tập trung hóa thông tin khách hàng, thông tin tài khoản theo hướng khách hàng có thể giao dịch tại bất kỳ chi nhánh nào của ngân hàng; triển khai các hệ thống công nghệ trong quản trị nhân sự, quản trị rủi ro, xây dựng hệ thống thông tin quản lý… đảm bảo thông tin tập trung, kịp thời, chính xác, nhằm hỗ trợ đắc lực cho công tác quản trị; đào tạo cán bộ công nghệ thông tin phù hợp với các yêu cầu phát triển của ngân hàng hiện đại.

Tóm lại, với Hiệp định CPTPP là một bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Hiệp định CPTPP sẽ tạo thuận lợi cho ngành Ngân hàng Việt Nam được tiếp cận với nguồn vốn, công nghệ và năng lực quản lý điều hành chuyên nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài mang lại. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng Việt Nam cần giải quyết  những khó khăn, khắc phục những tồn tại để cải thiện khả năng cạnh tranh và tối đa hóa lợi ích mà Hiệp định mang lại. Những thách thức này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của các nhà quản lý, hệ thống các tổ chức tín dụng, từng cá nhân thực hiện các kiến nghị và giải pháp trên để sẵn sàng tiếp nhận CPTPP một cách chắc chắn và hiệu quả nhất.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Minh Hằng (2018), “Năng lực cạnh tranh của ngân hàng Việt Nam trước yêu cầu của Hiệp định CPTPP: Thực trạng và giải pháp”, Tạp chí Ngân hàng, chuyên đề đặc biệt 2018.
  2. Phạm Tiến Đạt, (2018), “Ngành Ngân hàng Việt Nam: Thách thức và cơ hội trước Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái BÌnh Dương”, Tạp chí Ngân hàng, chuyên đề đặc biệt 2018.
  3. Lương Hoàng Thái (2018), “Tổng quan về Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương”, Tài liệu hội thảo CPTPP tại VCCI Hà Nội.
  4. https://www.weforum.org/
  5. http://cafef.vn/bang-xep-hang-von-dieu-le-cua-cac-ngan-hang-da-thay-doi-dang-ke-2018041316144318.chn
  6. World Bank (2018), “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp của Việt Nam”, NXB Hồng Đức.
  7. https://www.thebankerdatabase.com/

IMPROVING THE COMPETITIVENESS OF VIETNAMESE BANKING INDUSTRY IN THE CONTEXT OF IMPLEMENTING  THE CPTPP AGREEMENT

Ph.D VU NGOC DIEP

Department of Stock Market, Faculty of Finance – Banking, Thuongmai University

ABSTRACT:

The Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership (CPTPP) was signed by 11 Asia-Pacific countries 11 countries including Vietnam. The agreement consists of 30 chapters and about 6,000 pages of legally binding rules covering a wide range of issues from traditional trade to fiannce and banking sector. The implementation of the CPTPP Agreement would bring many opportunities and also challenges for Vietnam’s economy in general, the country’s financial and banking sector in particular. This article is to analyze the CPTPP Agreement’s commitments in the baking and financial sector and the current competitiveness of the country’s banking industry, thereby proposing solutions to improve the competitiveness of Vietnamese banking industry in the context of implementing the CPTPP Agreement.

Keywords: Competitiveness, Vietnam’s banking industry, CPTPP Agreement.