Nâng cao vai trò của hiệp hội nghề nghiệp với quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán

ThS. NGUYỄN THỊ BÌNH (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Bài báo đề cập đến vai trò và chức năng của hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán Việt Nam trong xu thế hội nhập sâu rộng về mặt dịch vụ đặc thù này. Trong đó, phần đầu là tổng quan về xu thế hòa nhập và toàn cầu hóa trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán - kiểm toán trên thế giới; sau đó là thực trạng hoạt động dịch vụ này ở Việt Nam; cuối cùng là một số đề xuất giải pháp để nâng cao vai trò của hoạt động Hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán Việt Nam trong điều kiện hiện nay.

Từ khóa: Nghề nghiệp, kế toán, kiểm toán, toàn cầu hóa.

1. Giới thiệu

Theo dự thảo lộ trình của Bộ Tài chính, Việt Nam sẽ tiến tới áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế bắt buộc cho các công ty niêm yết kể từ năm 2025. Trong thời gian chuẩn bị, Bộ Tài chính sẽ huy động các nguồn lực, chuyên gia, hiệp hội nghề nghiệp chuẩn bị các điều kiện cần thiết triển khai thực hiện Đề án như công bố bản dịch IFRS ra tiếng Việt, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các hướng dẫn áp dụng IFRS…

Việc áp dụng IAS/IFRS được coi là phù hợp với thông lệ quốc tế và trong khu vực. Trong 166 khu vực và quốc gia được khảo sát, có tới 87% khu vực và quốc gia đã áp dụng IAS/IFRS trong công bố thông tin tài chính và có tới 144 nước áp dụng bắt buộc cho mọi lĩnh vực (IFRS, 2018). Cùng với quá trình cải cách về tài chính, thành lập thị trường vốn tự do hóa, hầu hết các nước đều cần có sự hoàn thiện và xây dựng về năng lực quản trị tài chính và phát triển con người. Tuy nhiên, trong bài báo này, vấn đề phát triển và phát huy vai trò, chức năng của Hiệp hội nghề nghiệp kế toán sẽ được nhấn mạnh.

2. Vai trò của hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán trong bối cảnh hội nhập

2.1. Bối cảnh

Sau chiến tranh thế giới thứ II, quá trình toàn cầu hóa mọi mặt được khởi xướng bởi Mỹ đã thúc đẩy hoạt động hợp tác trên các lĩnh vực đầu tư và cắt giảm rào cản thương mại (Frieden, Jeffry, 2018). Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của tổ chức như Liên Minh Châu Âu (EU), Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) là những bước tiến và thành tích lớn. Đặc biệt, Trung Quốc và Việt Nam đã tích cực thay đổi hệ thống kinh tế hướng tới kinh tế thị trường, mở rộng hợp tác, giao lưu kinh tế (Frieden, Jeffry, 2018).

2.2. Xu hướng hội nhập trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán kiểm toán trên thế giới

Trong điều kiện phát triển kinh tế với xu hướng toàn cầu hóa, các báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, thường phải đáp ứng các yêu cầu của chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Do đó, xu hướng áp dụng chuẩn mực Kế toán báo cáo tài chính quốc tế IFRS và khuynh hướng hội tụ kế toán quốc tế đã và đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu, điều này cũng đặt ra những động lực thúc đẩy hoạt động của các hiệp hội kế toán chuyên nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu mới, bao gồm cả sự hợp tác và cạnh tranh mạnh mẽ.

2.2.1. Nhu cầu hòa hợp kế toán trên thế giới

Trước khi thành lập Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế năm 1973, các nước trên thế giới có rất nhiều sự khác biệt trong kế toán; ví dụ ở Anh, Australia và New Zealand, các công ty có thể đánh giá lại tài sản cố định nhưng ở Mỹ và Canada, điều này không được phép. Những sự khác biệt này còn lớn hơn nữa giữa các nguyên tắc kế toán được chấp nhận phổ biến (GAAP) của các nước Anh - Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu và các nước khác. Khi thương mại quốc tế có sự mở rộng mạnh mẽ trên toàn thế giới, các hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và các giao dịch thương mại xuyên biên giới cũng phát triển nhiều hơn. Chính vì thế, nhu cầu thông tin tài chính cần được lập trên cơ sở các thông lệ chung đảm bảo sự so sánh tương đối.

Do đó, chuẩn mực kế toán quốc tế ra đời xuất phát từ nhu cầu của thị trường, các công ty đa quốc gia, các thị trường chứng khoán, các tổ chức cho vay quốc tế và các tổ chức khác để hạn chế sự khác biệt trong kế toán, gia tăng sự hòa hợp giữa các chuẩn mực.

2.2.2. Xu hướng hòa hợp, hội tụ trong lĩnh vực kế toán trên thế giới

Hòa hợp trong kế toán là quá trình làm giảm sự khác biệt, hội tụ là việc áp dụng một hệ thống chuẩn mực kế toán chung trên toàn thế giới. Hòa hợp và hội tụ trong kế toán là một quá trình diễn ra lâu dài. Hòa hợp kế toán diễn ra có thể là sự hòa hợp trong các chuẩn mực kế toán hoặc hòa hợp trong thực tiễn hành nghề kế toán. Nhiều tổ chức quốc tế đã tham gia, ủng hộ vào những nỗ lực hòa hợp, hội tụ kế toán ở cấp độ khu vực hay thế giới. Hai tổ chức quan trọng nhất trong nỗ lực này chính là Liên minh châu Âu (EU) và Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế. Tổ chức Các Ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO), Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC), Diễn đàn quốc tế về Phát triển nghề nghiệp kế toán (IFAD) cũng đã và đang có những nỗ lực về sự hòa hợp kế toán trên thế giới.

a. Liên minh châu Âu

Mục tiêu của Liên minh châu Âu là tạo ra một môi trường kinh doanh đồng nhất, cố gắng hòa hợp các quy định trong thực tiễn lập BCTC trong cộng đồng kinh tế bằng cách ban hành các chỉ thị mà quốc gia thành viên phải kết hợp chặt chẽ các quy định về luật pháp. Hai hướng dẫn với mục đích hòa hợp trong lĩnh vực kế toán: Hướng dẫn Thứ 4 (1978) liên quan đến các quy định trong đánh giá giá trị, yêu cầu về trình bày và hình thức của BCTC; và Hướng dẫn Thứ 7 (ban hành 1983) liên quan đến BCTC hợp nhất.

Từ tháng 1/2005, tất các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán đều phải áp dụng IFRS để lập BCTC hợp nhất, các công ty chưa niêm yết được khuyến khích áp dụng. Ngoài ra, EU đề ra các bước đi thích hợp bao gồm việc hình thành cơ chế phê chuẩn các IAS cụ thể áp dụng tại EU, cơ chế xử lý những vấn đề kỹ thuật, cơ chế giám sát việc tuân thủ.

Vào năm 2014, Ủy ban châu Âu đã thực hiện dự án quan trọng về đánh giá ảnh hưởng của Quy định IAS (IAS Regulation) về việc yêu cầu các công ty niêm yết áp dụng IFRS. Kết hợp với các Hiệp hội nghề nghiệp, Viện Kế toán Công chứng Anh và Xứ Wales (ICAEW) đã ban hành bản tổng kết “Moving to IFRS reporting: Seven lessons learned from the Europe experience” đưa ra những bài học khi áp dụng chuẩn mực.

b. Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế

Bên cạnh sự kiện có liên quan đến Liên minh châu Âu, các dự án tăng cường tính so sánh của các BCTC cũng được diễn ra, nổi bật và quan trọng là các hoạt động diễn ra vào năm 1989 - ban hành Khuôn khổ chung về Lập và Trình bày BCTC và cho đến năm 1993, hoạt động được mô tả như giai đoạn thứ 2 của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế.

Việc hình thành nên IASB, với sự thay đổi từ tập trung vào sự hòa hợp trong kế toán sang sự hội tụ hay thiết lập một hệ thống chuẩn mực kế toán toàn cầu là điểm nhấn để IASB ban hành các chuẩn mực về lập BCTC quốc tế (IFRS).

c. Các tổ chức và hội nghề nghiệp trên thế giới

Áp lực hòa hợp trong nghề nghiệp kế toán toàn cầu làm gia tăng tầm quan trọng của các tổ chức nghề nghiệp xuyên quốc gia như Ủy ban Chuẩn mực kế toán IASB và Liên đoàn Kế toán quốc tế IFAC. Chính phủ nhiều nước đã sử dụng các mô hình được giới thiệu bởi các tổ chức quốc tế làm hướng dẫn cho hoạt động nghề nghiệp của họ. Các tổ chức nghề nghiệp của các quốc gia đã và đang phát triển được Chính phủ giao cho thực hiện các chức năng, nhiệm vụ tương tự như các chức năng, nhiệm vụ của các Hội nghề nghiệp quốc tế. Về chức năng của các Hội nghề nghiệp cụ thể bao gồm các nội dung:

- Công bố các Chuẩn mực kế toán, Chuẩn mực kiểm toán có 3 cách thức triển khai: (1) Giao cho Hội nghề nghiệp thực hiện, (2) Hội nghề nghiệp nghiên cứu, soạn thảo trình chính phủ ban hành và công bố, (3) Cơ quan của chính phủ có sự phối hợp với hội nghề nghiệp nghiên cứu, soạn thảo, ban hành và công bố.

- Tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề có 2 cách thức triển khai: (1) Hội nghề nghiệp thực hiện được Nhà nước thừa nhận; (2) Cơ quan nhà nước có sự phối hợp của Hội nghề nghiệp tổ chức thực hiện.

Từ sau năm 1900, làn sóng toàn cầu hóa đầu tiên của ngành Kế toán có một số biểu hiện như: có sự “bắt chước” tên và cấu trúc nghề nghiệp đã được thiết lập ở Anh Quốc nhiều chi nhánh hội kế toán bùng nổ ở các quốc gia khác như ACCA, CPA… và khuynh hướng tổ chức một hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu, cho phép kế toán viên tự do di chuyển giữa các quốc gia, tạo ra chứng chỉ được chấp nhận toàn cầu. Thêm vào đó, các chứng chỉ kế toán của ACCA, AICPA, CPA dần vươn xa và có giá trị ở nhiều khu vực.

d. Các quốc gia ASEAN

Trong những năm qua, các quốc gia ASEAN đã có sự phát triển khá nhanh trong lĩnh vực kế toán kiểm toán, thu hút nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài điển hình là các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới (Big4), các công ty trong nước được thành lập ngày càng nhiều để thực hiện các dịch vụ kế toán, kiểm toán.

ASEAN có Hội nghề nghiệp tầm khu vực là Liên đoàn kế toán khu vực ASEAN (AFA) và Liên đoàn Châu Á - Thái Bình Dương (CAPA). Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia ASEAN đều có hội nghề nghiệp kế toán kiểm toán và là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA). Đến năm 2014, số hội nghề nghiệp thuộc 10 quốc gia ASEAN lên đến con số 14 với số hội viên khoảng 177.000 kế toán viên chuyên nghiệp, trong đó Thái Lan dẫn đầu về số lượng với 57.000 người.

Hiện nay các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán viên như ACCA, CPA Australia, ICAEW,… đã có mặt ở các quốc gia ASEAN và góp phần phát triển đội ngũ kế toán viên đạt tiêu chuẩn quốc tế. Các quốc gia ASEAN đã ký thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau trong việc cung cấp dịch vụ kế toán kiểm toán, trong đó các nước có thể thừa nhận lẫn nhau về chứng chỉ hành nghề tạo ra những cơ hội lớn trong việc hội nhập về dịch vụ kế toán kiểm toán.

3. Thực trạng hoạt động nghề nghiệp kế toán - kiểm toán ở Việt Nam

3.1. Tổng quan

Từ năm 1991, Bộ Tài chính thành lập hai công ty đầu tiên là doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực kiểm toán, đó là VACO và AASC. Sau đó, các công ty kiểm toán khác lần lượt ra đời, cùng với đó là sự gia nhập của các công ty kiểm toán hàng đầu thế giới cũng thúc đẩy thị trường này hoạt động chuyên nghiệp hơn. Việt Nam dần hình thành một thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán mới mẻ đầy triển vọng trong nền kinh tế nhiều thành phần, đa sở hữu, một thị trường dịch vụ cao cấp, hoạt động trong sự hỗ trợ và quản lý của Hội nghề nghiệp.

Theo số liệu năm 2014 của Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đã có 10.886 người tham gia làm việc trong lĩnh vực này, trong đó có 9.543 người là nhân viên chuyên nghiệp. Tại Việt Nam, số hội viên ACCA có khoảng 1000 hội viên so với tổng số 170.000 hội viên ACCA trên toàn cầu. So với số hội viên ACCA tại Singapore có gần 8.000, Malaysia có 11.000, Việt Nam vẫn có sự chênh lệch khá xa về số lượng và chất lượng lao động ngành Kế toán.

Kế toán Việt Nam gặp một số rào cản như khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế, điều này sẽ có thể là một bất lợi lớn khi thỏa thuận tự do di chuyển lao động trong 8 lĩnh vực, trong đó có kế toán - kiểm toán thuộc khuôn khổ AEC phát huy hiệu lực. Bên cạnh đó, các kỹ năng mềm và tính tích cực của kế toán viên Việt Nam vẫn còn hạn chế. Đây đều là những thách thức đối với ngành Kế toán - Kiểm toán Việt Nam trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh hợp tác kinh tế trong khu vực và hội nhập thế giới mạnh mẽ hơn.

Đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức các kỳ thi kế toán viên và kiểm toán viên Việt Nam và đã cấp khoảng 10.000 chứng chỉ. Những năm gần đây, số người có chứng chỉ này tăng thêm bình quân mỗi năm 1000 người. Hiện có khoảng hơn 2.000 người có chứng chỉ kế toán viên quốc tế. Bên cạnh đó, còn có một bộ phận kế toán viên hành nghề tự do làm việc cho các công ty hoặc cá nhân có nhu cầu lập báo cáo kế toán hoặc tư vấn thuế... dù không chính thức.

3.2. Các tổ chức nghề nghiệp kế toán - kiểm toán Việt Nam

Tại Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực nghề nghiệp kế toán - kiểm toán có các hội nghề nghiệp như Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA), Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) và một số hội khác như Hội Kế toán viên hành nghề, Câu lạc bộ Kế toán trưởng… Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) thành lập năm 1994 và là thành viên của Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) và Hiệp hội Kế toán các nước Đông Nam Á (AFA) vào năm 1998. VAA được Bộ Tài chính ủy nhiệm tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, quản lý hành nghề kế toán kiểm toán, tham gia cùng Nhà nước ban hành các vấn đề về quản lý dịch vụ kế toán, tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ kế toán.

Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) được thành lập năm 2005, là tổ chức nghề nghiệp quản lý các kiểm toán viên hành nghề tại Việt Nam. VACPA được Bộ Tài chính ủy quyền kiểm tra trực tiếp các công ty kiểm toán về kiểm soát chất lượng dịch vụ kiểm toán và nghiên cứu soạn thảo và cập nhật hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, tham gia phát hồ sơ dự thi kiểm toán viên, tổ chức ôn thi và tham gia hội đồng thi và tổ chức kỳ thi kiểm toán viên.

Tuy nhiên, khác với phần nhiều các hội nghề nghiệp trên thế giới, các hội nghề nghiệp ở Việt Nam chưa có thẩm quyền trong việc ban hành các chuẩn mực kế toán, kiểm toán, các qui định về kiểm soát chất lượng dịch vụ kế toán kiểm toán, tổ chức thi và cấp chứng chỉ nghề nghiệp... Thẩm quyền này vẫn thuộc về Bộ Tài chính và Bộ Tài chính mới chỉ ủy quyền hoặc chuyển giao cho các hội nghề nghiệp thực hiện một số chức năng nhất định. Thời gian vừa qua các hội nghề nghiệp VAA, VACPA đã có nhiều hoạt động góp phần nâng cao vị thế quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp, thực hiện nhiều nỗ lực trong việc tự do hóa việc cạnh tranh về giá cả và chất lượng dịch vụ kế toán, nâng cao công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ kế toán viên/kiểm toán viên hành nghề, các nhà quản lý trong lĩnh vực kế toán; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng dịch vụ… Song, vai trò của các hội nghề nghiệp vẫn còn khá mờ nhạt, nguyên nhân chính là do các cơ quan quản lý nhà nước chưa mạnh dạn giao phó và cho các hội được quyền chủ động trong các hoạt động chuyên môn nghề nghiệp.

Hiện nay các tổ chức nghề nghiệp quốc tế về kế toán viên như ACCA, CPA Australia, ICAEW… đã có mặt ở Việt Nam khiến thị trường dịch vụ cao cấp này nhộn nhịp và gia tăng chất lượng hơn. Ngoài Big 4 (PwC, KPMG, E&Y, Deloitte), cả nước đã có 14 công ty kiểm toán là thành viên các hãng kiểm toán quốc tế, 10 công ty kiểm toán là thành viên Hiệp hội và 3 là Hội viên liên kết.

3.3. Vai trò của các hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán ở Việt Nam

Nhận thức được tầm quan trọng của hội nghề nghiệp với hệ thống kế toán mới và sự cần thiết có một tổ chức quản lý trực tiếp với hoạt động kế toán - kiểm toán viên hành nghề, lần lượt các Hội nghề nghiệp đã được thành lập. Thực hiện Quyết định số 47/2005/QĐ-BTC ngày 14/07/2005 và Thông tư số 72/2007/TT-BTC ngày 27/06/2007 của Bộ Tài chínhgiao cho hai hiệp hội lần lượt là Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam (VAA) và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) quản lý hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ kế toán và kiểm toán,bước đầu Hội đã triển khai và thu được một số kết quả.

Nhìn chung, hoạt động dịch vụ và sự phát triển của các hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán ở Việt Nam trải qua lịch sử hơn 20 năm được đánh giá là chưa tương xứng với điều kiện và nhu cầu thực tế. Những hạn chế được cho là bắt nguồn từ điều kiện địa chính trị của Việt Nam, khá giống với một số nước có đường lối chính trị và phát triển tương tự như Romania, Czech.

Trước hết, các hiệp hội nghề nghiệp vẫn chưa thực sự có dấu ấn mạnh mẽ và vai trò quyết định tới sự hoàn thiện của chuẩn mực, chế độ cũng như hệ thống dịch vụ kế toán - kiểm toán ở Việt Nam. Thay vào đó, cơ quan quản lý nhà nước, mà đặc biệt là Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý có liên quan về kế toán mới thể hiện rõ quyền lực và tác động của mình trong hệ thống.

Bên cạnh đó, các hiệp hội vẫn chưa thể hiện được vai trò của mình, chưa thể hiện được tiếng nói và uy tín trong khối doanh nghiệp và cộng đồng nghề nghiệp. VAA và VACPA đang hướng đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn của hiệp hội nghề nghiệp hiệu quả, nhưng còn phụ thuộc nhiều vào các cơ quản quản lý. Hoạt động của hai hiệp hội vẫn còn bị giới hạn bởi một số tiêu chí nhất định chỉ định bởi Bộ Tài chính như trách nhiệm đào tạo và hợp tác quốc tế. Năng lực tài chính của các hiệp hội này cũng vẫn còn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, chưa tạo ra nguồn hu bền vững để có thể phát triển và thực hiện được các dự án nhằm phát triển nghề nghiệp.

4. Giải pháp nâng cao vai trò của hiệp hội nghề nghiệp kế toán - kiểm toán ở Việt Nam

4.1. Tăng cường vị thế độc lập của các hiệp hội nghề nghiệp

Các tổ chức nghề nghiệp về kế toán và kiểm toán phải thực sự trở thành các tổ chức tự quản, mang tính nghề nghiệp cao, có uy tín và danh tiếng để thu hút hội viên đẳng cấp cao hướng đến mục tiêu ngang tầm khu vực và quốc tế. Việt Nam cần thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, tránh sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào hoạt động nghề nghiệp.

Các tổ chức nghề nghiệp Việt Nam VAA, VACPA cần nâng cao năng lực hoạt động, chủ động hơn về tổ chức và hoạt động để thực sự là một tổ chức độc lập, mang tính nghề nghiệp cao. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn chưa có một tổ chức nghề nghiệp nào được quốc tế thừa nhận, đây là một trở ngại trong quá trình hội nhập về nghề nghiệp kế toán kiểm toán.

4.2. Áp dụng thông lệ quốc tế trong tổ chức, quản lý

Nhà nước cần tạo thuận lợi cho các tổ chức nghề nghiệp quốc tế hoạt động tại Việt Nam để tận dụng các cơ hội học tập những kiến thức chuyên môn theo thông lệ quốc tế cho đội ngũ nhà quản lý nhà nước, giảng viên, những người làm nghề. Bên cạnh đó là sự gia tăng khả năng lựa chọn thi chứng chỉ quốc tế phù hợp cho người Việt Nam, Nhà nước cần có lộ trình chuyển giao các công tác quản lý hành nghề, đào tạo cấp chứng chỉ KTV, kiểm soát chất lượng kế toán kiểm toán cho VACPA, VAA. Qua đó, tạo thế chủ động và vai trò của các hội nghề nghiệp, phù hợp với mô hình quản lý của các nước trên thế giới hiện nay.

Những trách nhiệm cần được thực hiện bởi các hiệp hội như VACPA, VAA có thể bao gồm: đảm bảo chất lượng của các thành viên, giám sát và xử lý việc tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, xử lý khiếu nại và đưa ra các hình thức kỷ luật đủ nghiêm minh và răn đe ngăn chặn các hành vi thao túng BCTC, đào tạo...

4.3. Hướng đi phù hợp với lộ trình hội nhập khu vực và hợp tác quốc tế

Để giúp nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh AEC đã hình thành, dịch vụ kiểm toán là một trong 8 lĩnh vực được phép có sự di chuyển thể nhân tự do trong khu vực ASEAN, Việt Nam cần có ít nhất một hiệp hội nghề nghiệp trong nước đáng tin cậy với quyền lực và thẩm quyền để điều chỉnh và thay mặt cho các thành viên của mình trong nghề kế toán vì lợi ích công chúng. Điều này có nghĩa là việc hình thành các hiệp hội mới là cách tốt nhất để chuyển tiếp.

Bộ Tài chính trong “Chiến lược Kế toán và Kiểm toán đến năm 2020, Tầm nhìn đến năm 2030” cũng xác định nhu cầu tăng cường các hiệp hội nghề nghiệp trong nước và vị thế của các tổ chức này bằng cách ủy thác các trách nhiệm bổ sung và cung cấp cho họ quyền tự chủ hơn. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các hiệp hội có uy tín trên thế giới về kế toán kiểm toán như Hội Kế toán viên công chứng Anh Quốc, Hội Kế toán viên công chứng Mỹ… Các công ty dịch vụ cũng phải có kế hoạch tham gia vào các mạng lưới, thành viên của các hãng kiểm toán quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Tài chính (Việt Nam), Công khai danh sách kiểm toán viên hành nghề và doanh nghiệp kiểm toán, truy cập tại http://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/btc/r/lvtc/ktkt/ckdsktvhnvdnkt (31/7/2017).
  2. Hopper, T., Lassou, P. and Soobaroyen, T., 2017. Globalisation, accounting and developing countries. Critical Perspectives on Accounting, 43, pp.125-148.
  3. Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam - VACPA, 2016, Báo cáo tổng kết 25 năm hoạt động kiểm toán độc lập và phương hướng hoạt động đến năm 2030.
  4. ICEAW, (2015). “Moving to IFRS reporting: Seven lessons learned from the Europe experience”.
  5. Frieden Jeffry (2018). “The backlash against globalization and the future of the international economic order”.The Crisis of Globalization: Democracy, Capitalism and Inequality in the Twenty-First Century(2018): 43.
  6. Nobes, C., Parker, R.B. and Parker, R.H., (2017). Comparative international accounting. Pearson Education.
  7. IFRS foundation, (2018). Use of IFRS Standards around the world https://cdn.ifrs.org/-/media/feature/around-the-world/adoption/use-of-ifrs-around-the-world-overview-sept-2018.pdf

ENHANCING THE ROLE OF VIETNAM ASSOCIATION OF ACCOUNTANTS AND AUDITORS IN THE INTERNATIONAL INTEGRATION PROCESS

● Master. NGUYEN THI BINH

Banking Academy

ABSTRACT:

This paper addresses the role and function of Vietnam Association of Accountants and Auditors in the context of the accounting and auditing field’s intensive international integration. The first part of this paper presents an overview of the integration and globalization trend of the accounting and auditing field in the world. Then the second part introduces the current development of accounting and auditing services in Vietnam. Finally, the third part proposes some solutions to enhance the role of Vietnam Association of Accountants and Auditors in the present conditions.

Keywords: Professional, accounting, auditing, globalization.