Nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức

NGUYỄN DUY NAM (Trường Đại học Hồng Đức)

TÓM TẮT:                                            

Bài viết đã nêu tầm quan trọng của giáo dục pháp luật, cũng như đánh giá thực trạng công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa). Từ đó, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức hiện nay.

Từ khóa: Trường Đại học Hồng Đức, sinh viên, giáo dục pháp luật, tỉnh Thanh Hóa.

1. Đặt vấn đề

Giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức hiện nay là một hoạt động giáo dục cụ thể, gắn với hoạt động giáo dục nói chung. Đây là hoạt động có định hướng, có tổ chức và có chủ đích của Nhà trường thông qua các hoạt động giáo dục chính khóa và ngoại khóa, bằng các phương pháp giáo dục khác nhau. Hoạt động này nhằm trang bị tri thức pháp luật cơ bản, định hướng, phát triển nhân cách và tư cách công dân, nâng cao nhận thức, góp phần điều chỉnh hành vi, hình thành thói quen tự giác chấp hành đúng pháp luật, có ý thức tuân thủ pháp luật và có tri thức pháp luật về chuyên môn nghiệp vụ, ngành nghề, lĩnh vực được đào tạo.

2. Nội dung

2.1. Khái quát về Trường Đại học Hồng Đức

Trường Đại học Hồng Đức được thành lập theo Quyết định số 797/TTg ngày 24/9/1997 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở 3 trường cao đẳng: Sư phạm Thanh Hóa, Kinh tế - Kỹ thuật Thanh Hóa và Y tế Thanh Hóa. Là trường đại học công lập trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hóa, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, cao đẳng, thuộc các lĩnh vực khoa học giáo dục, công nghệ, kỹ thuật, kinh doanh quản lý và nghiên cứu khoa học phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và trong cả nước. Từ tháng 6 năm 2007, Nhà trường được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học ở bậc thạc sĩ.

2.2. Qui mô tuyển sinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp

Sau gần 20 năm kể từ ngày thành lập, qui mô đào tạo hệ chính qui của Nhà trường đã tăng từ 3.486 sinh viên (năm 1997) lên 8.668 sinh viên (năm 2013). Quy mô đào tạo không chính qui từng bước giảm dần, tỉ lệ học viên không chính quy năm 2013 chiếm 30%. Từ năm 2010, Nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở rộng vùng tuyển sinh trong cả nước. Hiện nay, quy mô đào tạo của Nhà trường đạt gần 13.000 học sinh, sinh viên (HSSV), trong đó có 9.000 sinh viên chính quy. Nhà trường phấn đấu đến năm 2022 mở rộng qui mô đào tạo ổn định mức 17.000 HSSV, trong đó có 500 học viên sau đại học, 13.500 sinh viên đại học, 3.000 sinh viên cao đẳng.

Đến nay, Trường đã có 22 khóa đào tạo đại học, cao đẳng; 8 khóa đào tạo thạc sĩ tốt nghiệp, cung cấp cho tỉnh Thanh Hóa và các địa phương trong cả nước trên 33.000 cán bộ trình độ đại học, cao đẳng thuộc các lĩnh vực khoa học giáo dục, kỹ thuật, công nghệ, kinh doanh quản lý. Bên cạnh đó, Nhà trường đã và đang đào tạo trên 200 lưu học sinh cho tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (297 sinh viên đã tốt nghiệp về nước). Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường có việc làm sau 1 năm đạt trên 60%.

2.3. Thực trạng giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức hiện nay

Với chương trình giáo dục pháp luật chính khóa hiện nay, Nhà trường đang đào tạo được 4 khóa sinh viên chuyên ngành Luật học. Ngoài ra, còn có các học phần: Pháp luật đại cương dành cho sinh viên toàn trường; Luật Kinh tế cho riêng sinh viên khoa Kinh tế quản trị kinh doanh; Luật Môi trường cho sinh viên khoa Kỹ thuật công nghệ hoặc các học phần liên quan đến các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh việc triển khai giảng dạy các kiến thức pháp luật đại cương, Trường Đại học Hồng Đức đã đưa các nội dung pháp luật chuyên ngành vào chương trình đào tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn ngành nghề như Luật Kinh tế, Luật Lao động, Luật Môi trường,…

Cùng với quá trình đổi mới giáo dục đại học, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật trong chương trình giáo dục chính khóa tại Trường Đại học Hồng Đức trong thời gian qua đã có những thay đổi theo hướng đa dạng hóa và chuyển dần từ truyền thụ một chiều sang phát huy tính tích cực của sinh viên. Nhiều giảng viên đã đưa ra những tình huống cụ thể và sáng tạo những phương pháp mới nhằm tăng cường tính tích cực, sáng tạo trong học tập, tạo hứng thú và nâng cao hiệu quả giáo dục pháp luật.

Bên cạnh những mặt mạnh, hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật chính khóa trong Trường Đại học Hồng Đức còn một số hạn chế, như: chưa kết hợp hài hòa giữa trang bị kiến thức pháp luật với việc hình thành kỹ năng, hành vi và thói quen pháp luật, cũng như kích thích hoạt động và điều chỉnh hành vi của sinh viên. Trường còn thiếu phương thức hướng dẫn sinh viên rèn luyện, tu dưỡng nhân cách theo những chuẩn mực đạo đức, pháp luật. Mặc dù trong thời gian qua, phương pháp giảng dạy pháp luật trong Trường đã có những thay đổi, tuy nhiên, phương pháp giảng dạy tương tác hai chiều kiểu thảo luận, tranh luận, nêu các tình huống pháp luật thực tế còn ít được vận dụng, chủ yếu vẫn là phương pháp thuyết trình, truyền thụ một chiều, thụ động.

Ngoài việc đưa nội dung giáo dục pháp luật vào chương trình chính khóa hết sức khó khăn do phải đảm bảo chương trình và thời lượng, việc thực hiện giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa có vai trò quan trọng trong giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. Chương trình giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động ngoại khóa, chủ yếu là hình thức thảo luận, tọa đàm về các nội dung, các đề tài pháp luật; tổ chức nghe, nói chuyện chuyên đề pháp luật; tổ chức đi thực tế, dự phiên tòa; tổ chức thi tìm hiểu pháp luật, thi văn nghệ với chủ đề pháp luật, tổ chức giao lưu giữa các trường, các khoa, các lớp; thành lập các câu lạc bộ pháp luật, tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ theo chủ đề pháp luật; tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong cộng đồng; tổ chức phong trào thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật,...

Mặc dù Trường Đại học Hồng Đức đã chú trọng đến việc giáo dục pháp luật ngoại khóa cho sinh viên, tuy nhiên trong thực tế, việc sinh viên tham gia vào các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa còn hạn chế, do tâm lý sinh viên coi đây là hoạt động phụ, trong khi đó hình thức, nội dung còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn.

Về đội ngũ giảng viên giảng dạy pháp luật trong Trường Đại học Hồng Đức, bên cạnh những mặt mạnh, vẫn còn thiếu về số lượng. Hiện nay, sinh viên toàn trường đều phải học học phần pháp luật đại cương. Riêng sinh viên Khoa Kinh tế - Quản trị kinh doanh phải học thêm học phần Luật Kinh tế; sinh viên Khoa Kỹ thuật công nghệ phải học thêm học phần Luật Môi trường. Ngoài ra, Nhà trường đang đào tạo 4 khóa sinh viên chính quy ngành Luật với các môn luật chuyên ngành khác. Trong khi đó,số lượng giảng viên Bộ môn Luật hiện tại là 12 giảng viên (trong đó có 2 giảng viên thử việc; 1 giảng viên nghỉ sinh; 10 người làm công táchành chính). Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.

Về cơ bản, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đã được học đều hiểu biết cơ bản về pháp luật. Đại bộ phận sinh viên có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành nội quy, quy chế của Nhà trường, thực hiện tốt các quy tắc và lối sống công cộng. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận sinh viên có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, thậm chí phạm tội .

2.4. Giải pháp giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức hiện nay

Thứ nhất, tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt các văn bản chỉ đạo, các quy định về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, cần nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy giáo dục và giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. Trường Đại học Hồng Đức phải nhận thức toàn diện, đúng đắn và tích cực hơn về vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật cho sinh viên. Ủy ban nhân dân Tỉnh cũng như Sở Giáo dục và Đào tạo, các cấp, ngành có liên quan cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức hiện nay.

Thứ ba, không ngừng chuẩn hóa nội dung, chương trình, giáo trình giảng dạy pháp luật chính khóa. Những nội dung này phải đảm bảo phục vụ mục tiêu giáo dục đại học, thể hiện được tính liên tục, hệ thống và có kế thừa, đảm bảo tính thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục pháp luật với giáo dục chuyên môn nghề nghiệp.

Thứ tư, đổi mới phương pháp dạy và học pháp luật trong chương trình chính khóa. Việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng giảm số giờ giảng lý thuyết, tăng cường số giờ thảo luận và tự học của sinh viên. Các lớp học cần được tổ chức lại khoảng từ 40 sinh viên trở xuống.

Thứ năm, xây dựng chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa và đổi mới cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khóa. Giáo dục pháp luật ngoại khóa có tác dụng hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giảng dạy chính khóa, kịp thời cập nhật thông tin và tác động trực tiếp đến tình cảm, thái độ của sinh viên. Chương trình giáo dục pháp luật ngoại khóa cần đa dạng hóa các hình thức như tổ chức các báo cáo chuyên đề, thi tìm hiểu về pháp luật, lồng ghép pháp luật vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức các hoạt động sinh viên tình nguyện tham gia bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội,…

Thứ sáu, nâng cao chất lượng giảng viên giảng dạy pháp luật. Giảng viên giảng dạy pháp luật cần được đào tạo tốt cả về kiến thức chuyên môn và phương pháp giảng dạy; đảm bảo đầy đủ tài liệu, trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí phục vụ cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. 

Thứ bảy, tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức. Đây là hoạt động quan trọng của Nhà trường, đặc biệt là của các giảng viên, đồng thời là trách nhiệm của ngành Giáo dục và các ngành có liên quan. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các ngành, các cấp phải tổ chức hỗ trợ, ủng hộ và tạo điều kiện cho công tác giáo dục pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức đạt hiệu quả cao hơn.

3. Kết luận

Sinh viên là đối tượng tiếp cận và chịu ảnh hưởng lớn nhất đối với sự biến động của cơ chế thị trường và xu thế hội nhập của đất nước. Họ thuộc lứa tuổi đang hình thành và phát triển nhân cách, dễ bị chi phối và tác động bởi những yếu tố bên ngoài, bởi vậy việc nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên là rất cần thiết.

Đại học Hồng Đức là một ngôi trường lớn tại tỉnh Thanh Hóa, có vị trí quan trọng trong việc phát triển giáo dục của Tỉnh. Trường Đại học Hồng Đức cũng là nơi hội tụ nhiều sinh viên đến từ các tỉnh khác trên cả nước, sinh viên Lào, và sinh viên hầu hết trên 27 huyện, thị trên toàn tỉnh đến học tập và sinh sống. Tuy nhiên, trước sự hội nhập và phát triển của Tỉnh, những phong tục, tập quán riêng biệt của từng dân tộc, vùng miền đã tác động rất nhiều đến lối sống, suy nghĩ của sinh viên trong trường. Tình trạng vi phạm pháp luật, lối sống buông thả, thực dụng, hưởng thụ đã xuất hiện trong một bộ phận sinh viên. Chính vì vậy, việc nhanh chóng nâng cao ý thức pháp luật cho sinh viên Trường Đại học Hồng Đức tại Thanh Hóa nhằm giúp cho các em sinh viên có tri thứcvà hành trang vững bước vào cuộc sống là việc làm rất cần thiết.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

[1]     Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2013), Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.

[2]     Ttrường Đại học Luật Hà Nội (2016), Giáo trình lí luận nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.

[3]     Nguyễn Thị Hồi (2010): Hướng dẫn ôn tập môn học lí luận nhà nước và pháp luật, Nhà xuất bản tư pháp, Hà Nội.

[4]     Nguyễn Minh Đoan (2011), Ý thức pháp luật, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.

Enhancing the legal awareness of students studying at

Hong Duc University

Master. Nguyen Duy Nam

Hong Duc University

ABSTRACT:

This article is to discuss the importance of legal education and to assess the current state of legal education for student stuyding at Hong Duc University, Thanh Hoa Province, thereby proposing solutions for enhancing the effectiveness of legal education for the university’s students.

Keywords: Hong Duc University, student, legal education, Thanh Hoa Province.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 12, tháng 5 năm 2020]