Năng suất lao động: Vấn đề then chốt trong quản trị doanh nghiệp

Rõ ràng các công ty áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và trình độ quản lý cao vào sản xuất sẽ đưa năng suất lao động tăng lên. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho ngành da giầy và túi xách Vi

Ngành da giày sẽ có sức bật tốt hơn trong năm 2018

Đánh giá về triển vọng phát triển của ngành da giày và túi xách trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho rằng, trong năm 2018 ngành da giày nhiều khả năng sẽ có sức bật tốt hơn năm 2017 bởi có nhiều yếu tố thuận lợi.

Theo đó, năm 2017, ngành da giày đạt kim ngạch xuất khẩu 18 tỷ USD, tăng 10,7% so với năm trước, với nhiều sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Năm qua, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI tiếp tục tăng, chiếm 80,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, trong đó FDI chiếm tỷ trọng 80,5% đối với giày dép và 81,1% đối với túi xách.

Ông Nguyễn Đức Thuấn chia sẻ những triển vọng của ngành da giày và túi xách trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 ngành Công Thương

Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của ngành da giày, với 5,835 tỷ USD 11 tháng 2017, tiếp đến là EU với 4,949 tỷ USD.

Nhật Bản đã không còn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành da giày, thế vào vị trí đó là Trung Quốc, với kim ngạch đạt gần 1,2 tỷ USD (số liệu 11 tháng năm 2017).

Xuất khẩu sang Đức cũng đã cán mốc 1.046 tỷ USD, trong khi sang Nhật xấp xỉ 1 tỷ USD.

Đặc biệt, trong năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm giày dép tới trên 100 nước, trong đó 72 nước có kim ngạch xuất khẩu trên 1 triệu USD.

Ví dụ như Nike, thương hiệu giày nổi tiếng thế giới của Mỹ, tiếp tục duy trì lượng đơn hàng ổn định tại 70 nhà máy ở Việt Nam, là động lực chính duy trì sức tăng trưởng xuất khẩu của giày dép Việt sang thị trường này.

Về năng suất lao động của ngành cũng đạt tương đối cao, mỗi lao động đạt từ 25.000-27.000 USD/năm đối với những doanh nghiệp lớn của ngành; các doanh nghiệp trung bình khoảng 18.000 USD/người/năm, doanh nghiệp vừa và nhỏ khoảng 12.000 USD/người/năm.

Cũng trong năm 2017 ngành đã chuyển 40 nhà máy về vùng xâu vùng xa, giải quyết trên 200.000 lao động vùng nông thôn có việc làm.

Năng suất lao động - vấn đề then chốt trong quản trị doanh nghiệp

Theo nhận định ông Nguyễn Đức Thuấn, năm 2018 mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sẽ đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017.

Để đạt được con số này là không hề khó, bởi nhu cầu thời trang về quần áo về giày dép của người tiêu dùng ngày một tăng, dung lượng thị trường thế giời khoảng gần 400 tỷ USD; 70% sản lượng ngành công nghiệp thời trang đang sản xuất ở các nước châu Á gồm Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh… trong đó có Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thuấn cho biết.

Năm 2018 mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành da giày sẽ đạt 20 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017

Tuy nhiên, cũng theo ông Thuấn, trong tương lai, ngành da giày, túi xách cũng đối mặt với một số khó khăn như: đứng trước sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới.

Trên thế giới hiện nay đều tính năng suất lao động trên giờ, các doanh nghiệp áp dụng máy móc tiên tiến đã đạt 1,2 đôi/giờ lao động, trong khi năng suất trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam mới được 0,7 đôi/giờ.

"Rõ ràng các công ty áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ và trình độ quản lý cao vào sản xuất sẽ đưa năng suất lao động tăng lên, đây là một thách thức cho ngành da giày Việt Nam”, ông Thuấn nói.

Để đạt được những mục tiêu trên, Hiệp hội sẽ tăng cường tham gia các hoạt động tham vấn các cơ quan nhà nước trong việc ban hành các chính sách liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong đó sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu phát triển, để làm sao tìm ra được giải pháp tăng năng suất lao động, tuy nhiên mấu chốt để giải quyết vấn đề này là sử dụng các nền tảng tự động số để quản trị doanh nghiệp thí điểm trên một số doanh nghiệp sau đó mở rộng ra các doanh nghiêp khác; việc tiếp theo là áp dụng công nghệ học của hệ thống tích hợp để phù hợp với nền tảng quản trị doanh nghiệp.

Đồng thời đẩy mạnh phổ biến chính sách nhà nước và thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài để phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu da - giày, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm và duy trì phát triển bền vững….

Một giải pháp nữa theo ông Thuấn, đó là doanh nghiệp nên sản xuất sản phẩm có giá trị trung bình và cao không nên sản xuất ở giá trị thấp. Giá trị xuất khẩu trung bình của Việt Nam hiện nay gấp 1,7% so với giá trung bình của thế giới là 8,84%. Như vậy, lợi thế cạnh tranh của chúng ta ở phân khúc này rất tốt nên duy trì hơn nữa giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như tập trung vào các sản phẩm có giá trị cao.

Đồng thời, cần chú trọng hơn về đào tạo lao động trình độ cao cho doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Thuấn, các trường nên chuẩn hóa các bộ môn bởi các trường chưa liên kết được với các doanh nghiệp ngành hàng lớn. Ngành da giày đề xuất, cần có Hội đồng chuyên thống kê về năng suất lao động, không chỉ thống kê doanh nghiệp trong nước mà thống kê doanh nghiệp nước ngoài để doanh nghiệp trong nước biết mình đang đứng vị trí nào.


Hoàng Hòa