"Nếu ai nghĩ giá dầu thô đã chạm đáy thì là đang đùa với lửa" - Giá dầu thô được dự báo sẽ còn giảm nữa

Trong bối cảnh giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng, câu hỏi lớn đặt ra hiện nay, liệu giá dầu thô đã thấy đáy chưa? Giới phân tích nhận định giá dầu thô WTI lẫn dầu thô Brent sẽ còn tiếp tục giảm xuống nữa khi các yếu tố nền tảng trên thị trường vẫn ở mức rất yếu.

Giá dầu thô đã lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới 0 USD/thùng hay nói cách khách người bán phải trả tiền cho người mua để đầu thô được đem đi khi giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 5/2020 (CLC1), chốt phiên giao dịch ngày 20/4, đạt mức -37,63 USD/thùng.

Giá dầu thô sụp đổ
Giá dầu thô WTI lần đầu tiên trong lịch sử giảm xuống dưới ngưỡng 0 USD/thùng (Ảnh: Guardian)

Sự sụp đổ của giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 xảy ra trong bối cảnh các kho chứa dầu thô tại Hoa Kỳ đã gần như hết chỗ chứa dầu thô trong khi đó nhu cầu sử dụng dầu thô không chỉ ở Hoa Kỳ mà trên toàn cầu đã sụt giảm mạnh dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, áp lực cắt lỗ của giới đầu tư khi hợp đồng CLC1 cận kề ngày hết hạn giao dịch (ngày 21/4) cũng tạo áp lực mạnh lên giá dầu thô.

Các doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu thô buộc phải trả tiền cho người mua để đem dầu đi thay vì giải pháp ngưng hoạt động do chi phí để đóng một mỏ dầu đang khai thác và sau đó tái mở cửa trở lại cũng như chi phí ngưng hoạt động các cơ sở khai thác, lọc hoá dầu ở mức cao. Nhiều doanh nghiệp khai thác và sản xuất dầu thô hiện đang cố gắng cầm cự duy trì sản xuất với kỳ vọng nhu cầu sử dụng dầu thô sẽ tăng trở lại trong những tháng sắp tới khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động kinh tế dần được khôi phục.

Giá dầu thô WTI chưa tìm thấy đáy

Thị trường dầu mỏ sụp đổ
"Bất kỳ ai nghĩ rằng giá dầu thô đã chạm đáy là đang đùa với lửa và đang cố bắt dao rơi", ông Dave Ernsberger, trưởng bộ phận định giá hàng hoá toàn cầu của hãng tư vấn thị trường S&P Global Platts, nhận định (Ảnh: Reuters)

Hợp đồng CLC1 đã hết hạn giao dịch vào ngày 21/4, thị trường giờ tập trung vào giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 (CLC2) và nhiều bên tham gia thị trường tự hỏi có nên mua dầu thô vào trong những tuần tới không hay giá dầu thô liệu còn tiếp tục giảm nữa hay không?

Ông Dave Ernsberger, trưởng bộ phận định giá hàng hoá toàn cầu của hãng tư vấn thị trường S&P Global Platts, nhận định “Bất kỳ ai nghĩ rằng việc giá thô sụp đổ trong ngày hôm qua (20/4) chỉ là yếu tố kỹ thuật là chưa nhìn thấy toàn bộ các yếu tố trên thị trường”.

Ông Dave Ernsberger phân tích các kho chứa dầu sẽ được lấp đầy vào tháng 6/2020 với mức độ khai thác hiện nay và dung tích các kho chứa dầu dù ở tháng 5 hay tháng 6/2020 là không thay đổi. Cảng chứa dầu thô Cushing, một trong những cảng chứa dầu thô lớn nhất Hoa Kỳ, hiện đã đầy 70% đến 80% về mặt kỹ thuật; điều này đồng nghĩa với việc các kho chứa dầu thô tại đây sẽ ngưng tiếp nhận thêm dầu thô. Do đó, giá dầu thô WTI tháng 6/2020 sẽ còn chịu áp lực giảm xuống nữa, theo nhận định của ông Dave Ernsberger.

Tính từ đầu năm đến nay, giá dầu thô WTI hiện đã giảm 102% và giá dầu thô Brent đã giảm 65%. Vào lúc 15h00 ngày 21/4, giá dầu thô WTI giao tháng 6/2020 đạt 20,31 USD/thùng, giảm 18% so với ngày 20/4. Trong khi đó, giá dầu thô WTI giao tháng 5/2020 tăng lên mức -3 USD/thùng. Một số nhà đầu tư có thể tận dụng mức chênh lệch giá giữa hai hợp đồng để đầu cơ giá lên, mua dầu thô vào thời điểm hiện tại và giữ để bán ra khi hợp đồng dầu thô WTI tháng 6/2020 đến hạn. Mức chênh lệch giá giữa hai hợp đồng hiện là mức cao nhất trong lịch sử.

Tuy nhiên, ông Dave Ernsberger cảnh báo “Bất kỳ ai nghĩ rằng giá dầu thô đã chạm đáy là đang đùa với lửa và đang cố bắt dao rơi”.

Các yếu tố hỗ trợ giá dầu thô trên thị trường hiện vẫn ở mức rất yếu khi đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát hiệu quả; hàng loạt tổ chức tài chính lớn trên thế giới cảnh báo nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng dưới các tác động của dịch bệnh. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nhu cầu sử dụng dầu thô cũng như giá dầu thô khó có thể phục hồi nhanh chóng.

Trong ngày 14/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo ngay cả khi các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19 được nới lỏng vào nửa cuối năm này thì nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu trong năm 2020 vẫn giảm trung bình 9,3 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Đại dịch Covid-19 đã thổi bay mức tích luỹ nhu cầu sử dụng dầu thô của 10 năm qua.

Dầu thô Brent cũng chịu áp lực giảm mạnh

Ông Edward Bell, chuyên gia phân tích thị trường hàng hoá tại hãng Emirates NBD cảnh báo giá dầu thô Brent cũng có thể tiếp tục giảm xuống như giá dầu thô WTI trong bối cảnh lượng tồn trữ dầu thô Brent đang ngày càng tăng cao.

Trong chiều ngày 21/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 6/2020 đạt mức 19,80 USD/thùng – mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây.

Dầu thô Brent vốn trụ vững hơn dầu thô WTI trong cuộc khủng hoảng giá dầu thô là do đặc thù khai thác và yếu tố chất lượng. Trong khai thác, dầu thô Brent thường được các giàn khoan trên biển chuyển thẳng lên các tàu chở dầu và các tàu chở dầu này có thể dễ dàng chuyển dầu đến các khách hàng trên toàn cầu.

Trong khi đó, dầu thô WTI đa phần được khai thác sâu trong nội địa Hoa Kỳ và được lưu trữ tại các kho dầu và đường ống dẫn dầu trong đất liền, điều này hạn chế khả năng bán dầu thô WTI. Bên cạnh đó, dầu thô Brent có hàm lượng lưu huỳnh thấp hơn dầu thô WTI nên được các khách hàng ưa chuộng hơn dầu thô WTI.

Ông Dave Ernsberger cho biết “Theo tính toán của chúng tôi (S&P Global Platts) tổng dung lượng của các kho chứa dầu thô trên toàn cầu sẽ bị lấp đầy vào cuối tháng 5, đầu tháng 6 tới đây”. Giá dầu thô Brent cũng sẽ khó tránh khỏi vết xe đổ của giá dầu thô WTI khi thế giới trở nên thiếu hụt chỗ chứa dầu, ông Dave Ernsberger cảnh báo.

Theo ông Edward Bell, chỉ có duy nhất một cách cứu thị trường dầu mỏ ra khỏi cuộc khủng hoảng lần này là sản lượng khai thác dầu thô phải sụt giảm đủ lớn để cân bằng với mức sụt giảm nhu cầu sử dụng, tiến tới tái lập cân bằng cung – cầu trên thị trường. Việc trữ dầu thô vào các kho chứa chỉ là giải pháp tình thế do các kho chứa cũng đang sắp hết chỗ chứa, do đó giá dầu thô sẽ còn có thể giảm xuống nữa, ông Edward Bell nhận định.

Mặc dù liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu đã đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thô lớn nhất lịch sử vào ngày 12/4 vừa qua, với mức cắt giảm lên tới gần 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trong tháng 5 và tháng 6/2020.

Tuy nhiên, thoả thuận cắt giảm này sẽ được thực thi vào đầu tháng 5, nhiều chuyên gia nhận định vẫn chưa chắc chắn liệu mức cắt giảm này có đủ hiệu quả để hỗ trợ giá dầu thô hay không.

Quang Đặng (Theo CNBC)