Nga bán khí đốt cho châu Âu: Đơn giản là bài toán giá cả

Nga đã vượt qua Qatar trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất trên thị trường châu Âu.
nga ban khi dot cho chau au
Tàu chở khí từ nhà máy Yamal LNG đi châu Âu

 

Vào tháng 2/2019, Nga đã cung cấp một khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng kỷ lục cho châu Âu, truất ngôi Qatar để trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất cho thị trường châu Âu. Làm thế nào để giải thích xu hướng này và liệu nó có kéo dài? Dưới đây là những chia sẻ của một chuyên gia về khí đốt từ Trung tâm Năng lượng Skolkovo.

Công ty của Nga Novatek giao 1,41 triệu tấn khí thiên nhiên hóa lỏng cho châu Âu trong tháng 2/2019, theo dữ liệu Refinitiv Eikon trích dẫn bởi Reuters. Như vậy, Nga đã vượt qua Qatar trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất trên thị trường châu Âu.

Lượng khí này đến từ Yamal LNG, một dự án được Novatek đưa vào hoạt đồng từ tháng 12/2017 và một trong những cổ đông lớn nhất là Total của Pháp với 20% cổ phần.

Theo Sergei Kapitonov, một chuyên gia về khí đốt tại Trung tâm Năng lượng Skolkovo, xu hướng này có thể được giải thích bằng giá cả trên thị trường khí đốt châu Âu và châu Á.

"Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tình hình giá cả [...] Trong thời gian gần đây, giá khí ở châu Âu cao hơn, vì vậy việc bán khí đốt sang thị trường này có lợi hơn với các nhà sản xuất Nga", ông nói.

Trên thực tế, giá LNG đã giảm đều đặn kể từ cuối năm 2018 ở cả hai thị trường, nhưng mức giảm này đã lớn hơn ở châu Á vì mùa đông ở đây khá ôn hòa và sự hồi sinh của các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản. Do đó, thị trường châu Âu đã trở nên hấp dẫn hơn.

"Nếu tình trạng này tiếp diễn, khí đốt của Nga sẽ tồn tại [ở châu Âu] trong một thời gian dài", ông Kapitonov nói.

Theo ông, yếu tố có thể chuyển hướng LNG của Nga sang thị trường châu Á bắt đầu từ năm 2020, thời điểm thực thi tất cả các hợp đồng dài hạn giữa Novatek và các đối tác trong dự án Yamal LNG. Vào tháng 12/2017, Giám đốc điều hành Novatek Leonid Mikhelson cho biết những công ty tham gia dự án Yamal quan tâm nhiều hơn đến việc cung cấp LNG cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi giá cao hơn vào thời điểm đó.

Liên quan đến sự cạnh tranh trên thị trường châu Âu, đặc biệt là LNG của Mỹ, ông Kapitonov cho biết LNG của Nga đã tỏ ra khá cạnh tranh.

Novatek dự định sử dụng các công nghệ của Nga trong các dự án mới. Việc sử dụng công nghệ Nga cho dây truyền sản xuất LNG thứ tư tại nhà máy Yamal giúp giảm chi phí sản xuất 550 USD/tấn.

Chuyên gia Kapitonov cũng nhận xét về sự hợp tác giữa Novatek và Total, mà ông mô tả là "chiến lược".

"Có thể nói [đó là một sự hợp tác] chiến lược. Total nắm giữ 20% Yamal LNG và một danh mục đầu tư lớn để mua LNG do Yamal LNG sản xuất. Total tuyên bố muốn mua 10% cổ phần của Arctic LNG 2, một dự án mới của Novatek, với khả năng tăng cổ phần lên tới 15%. Total là một cầu nối giữa Nga với phương Tây", ông Kapitonov nói.

Dây truyền đầu tiên của dự án Yamal LNG đã được khánh thành vào tháng 12 năm 2017. Một năm sau, nó đã đạt công suất tối đa, sớm hơn 12 tháng so với dự tính.

Sau khi Yamal LNG đi vào hoạt động, Nga đã trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ tư ở châu Âu sau Qatar, Algeria và Nigeria, theo thống kê từ Tập đoàn nhập khẩu LNG quốc tế cho năm 2018.

Yamal LNG thuộc một liên doanh quốc tế do tập đoàn Novatek của Nga nắm quyền chi phối với 50,1% cổ phần. Tập đoàn Total của Pháp có 20%, công ty dầu khí Trung Quốc CNPC 20% và quỹ Silk Road Fund của Trung Quốc, 9,9%.