Nga quan ngại việc NATO, EU tăng cường hiện diện ở Balkan

Ông Lavrov cũng cáo buộc Mỹ và EU can thiệp vào các công việc nội bộ của Macedonia bằng cách thúc đẩy thỏa thuận giữa nước này với Hy Lạp về đổi tên nước.

Ngày 7/12, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Moskva quan ngại về ý đồ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) tăng cường sự hiện diện ở khu vực Balkan, cho rằng điều này có thể dẫn tới hậu quả là tạo ra ranh giới mới và gây bất ổn tình hình ở châu Âu.

Trả lời phỏng vấn tờ Efimerida ton Syntakton của Hy Lạp, ông Lavrov nhấn mạnh: "Tình hình ở Balkan gây quan ngại. Chúng tôi chứng kiến NATO và EU đang thúc đẩy các nỗ lực tăng cường sự hiện diện trong khu vực. Họ đề nghị các nước trong khu vực đưa ra lựa chọn sai lầm: sát cánh với Moskva hoặc sát cánh với Washington và Brussels."

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, các động thái như trên "gây bất ổn hơn nữa cấu trúc an ninh của châu Âu," từ đó dẫn tới căng thẳng leo thang và tạo ra ranh giới mới.

Ông Lavrov cũng cáo buộc Mỹ và EU can thiệp vào các công việc nội bộ của Macedonia bằng cách thúc đẩy thỏa thuận giữa nước này với Hy Lạp về đổi tên nước để mở đường cho quốc gia vùng Balkan này gia nhập NATO.

Chính phủ Macedonia và Hy Lạp đã đạt thỏa thuận quốc gia vùng Balkan này đổi tiên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, qua đó chấm dứt tranh cãi kéo dài về tên nước do Hy Lạp cũng có một tỉnh mang tên Macedonia ở miền Bắc nước này. 

Sau cuộc trưng cầu ý dân cuối tháng Chín vừa qua, Quốc hội Macedonia ngày 19/10 đã thông qua những thay đổi hiến pháp nhằm cho phép đổi tên nước theo thỏa thuận với Hy Lạp. Động thái này giúp Skopje dỡ bỏ rào cản để Macedonia gia nhập NATO cũng như trở thành thành viên của EU. 

Theo Ngoại trưởng Nga, Quốc hội Macenodia đã bị gây áp lực để thực hiện động thái này, trong đó có các tác động của các nhà ngoại giao nước ngoài, bao gồm Đại sứ Mỹ.

Cũng tại cuộc phỏng vấn, ông Lavrov khẳng định Nga coi Hy Lạp là một đối tác quan trọng trong việc bảo đảm hòa bình và ổn định ở châu Âu, đặc biệt tại khu vực phía Đông Địa Trung Hải và vùng Balkan.

Cuộc phòng vấn được thực hiện trong bối cảnh Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đang thăm Nga dự kiến hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 7/12.