"Ngấm đòn" Covid-19, GDP Quý I chỉ tăng 3,82%

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến trên toàn cầu đã tác động mạnh đến sự tăng trưởng của kinh tế thế giới nói chung và trong nước nói riêng.

Chiều 27/3/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ kế hoạch và Đầu tư) họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội Quý I/2020.

Công bố tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2020, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2020 ước tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

Đây là mức tăng khá thấp nếu so với các năm trước (Quý I/2018 tăng 7,38%; Quý I/2019 tăng 6,79%). Tuy nhiên, mức tăng trưởng của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm; những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) đang chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng Quý I dù thấp nhưng đã cho thấy hiệu quả trong chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc chống dịch Covid-19 và duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh (không bị rơi vào tình trạng tăng trưởng âm).

"Chúng ta có tăng trưởng vẫn là tín hiệu tích cực hơn", Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhận định.

dgp tăng 3.82%
GDP Quý I chỉ tăng 3,82%, song Tổng cục Thống nhận định, chúng ta có tăng trưởng vẫn là tín hiệu tích cực hơn

Cơ quan thống kê của quốc gia đánh giá, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, còn có dịch cúm gia cầm và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản. Sản xuất thủy sản cũng tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Khu vực công nghiệp và xây dựng ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên đạt mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm trước. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có mức tăng thấp nhất giai đoạn 2016 - 2020. Đặc biệt, ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô giảm mạnh.

Về giá tiêu dùng, do giá xăng dầu thế giới giảm mạnh và nguồn cung gia cầm dồi dào là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,72% so với tháng trước. Đây là chỉ số CPI thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 và bình quân quý 1/2020 so với cùng kỳ năm trước đều ở mức cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2020.

Cụ thể, trong mức giảm 0,72% của CPI tháng 3.2020 so với tháng trước có 7/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, trong đó nhóm giao thông giảm nhiều nhất. CPI bình quân quý 1/2020 tăng 5,56% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 3 tăng 0,34% so với tháng 12.2019 và tăng 4,87% so với cùng kỳ năm 2019.

Để khắc phục những khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 mang lại, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần tích cực hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 để tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế...

Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh; có chính sách đặc biệt hỗ trợ ngành nông nghiệp, giao thông, du lịch; thực hiện chính sách thuế như: miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế xuất/nhập khẩu; trợ cấp việc làm và bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động.

Cùng với đó, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Ngoài ra, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Quan tâm khai thác, thúc đẩy thị trường trong nước phát triển, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế với gần 100 triệu dân.

 

Hạ An