Ngành Bia Việt Nam, góc nhìn trước thềm hội nhập TPP

Khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp đều đang có những kế hoạch riêng để chuẩ

Tác động từ TPP đến ngành Bia

TPP sẽ mở rộng cánh cửa thị trường, cả với doanh nghiệp ngoại và các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước. Quan trọng nhất, mức thuế cho mặt hàng bia, rượu, nước giải khát sẽ về 0%, một điều chưa từng xảy ra trước đó, (ngay cả với quy chế tối huệ quốc thì mức thuế nhập khẩu với bia, rượu vẫn giữ mức 50% và nước giải khát 30%). Các doanh nghiệp bia ngoại muốn tham gia vào thị trường bia Việt Nam hầu như chỉ có cách đầu tư trực tiếp. Tuy nhiên, giờ đây, với việc thuế về mức 0%, điều này không còn là yếu tố quyết định nếu muốn phân chia lại "miếng bánh" thị phần.

Trong các quốc gia tham gia TPP, có những nước có ngành bia rất phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Mexico, Chile. Do đó, sẽ không quá nếu nói rằng, thách thức của ngành Bia là rất lớn, đặc biệt, nếu “sức khỏe”, “khả năng đề kháng” của các doanh nghiệp ngành Bia không tốt.

Bia vốn là một mặt hàng tiêu thụ đặc biệt, vì thế lâu nay, ngoài việc mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, ngành Bia cũng có được những lợi thế nhất định khi chính sách bảo hộ cho ngành phát huy tác dụng và hạn chế phần nào "cơn bão" bia ngoại. Tuy nhiên, lợi thế này cũng sẽ không còn khi chúng ta gia nhập TPP.

HABECO, SABECO - những gam màu chính

Hiện Việt Nam có hai doanh nghiệp sản xuất bia với sản lượng lớn là Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Hà Nội (HABECO) và Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (SABECO). Hai doanh nghiệp này chiếm khoảng 2/3 sản lượng bia tiêu thụ của cả nước. Đây cũng là hai doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng quy mô lớn, kênh phân phối rộng khắp, chuyên nghiệp nhất nhì Việt Nam. HABECO và SABECO đều có hàng chục nhà máy trải dài khắp cả nước, trong đó HABECO tập trung vào thị trường phía Bắc, SABECO tập trung vào thị trường phía Nam.

Không chỉ có hệ thống nhà máy, công ty thành viên và kênh phân phối rộng khắp, cả HABECO và SABECO đều là những doanh nghiệp sản xuất bia với trên 100 năm kinh nghiệm. Thương hiệu của cả hai doanh nghiệp này đã được định vị một cách chắc chắn trong lòng khách hàng.

Về cơ bản, có thể khẳng định, bức tranh toàn cảnh ngành Bia Việt Nam do một số thương hiệu lớn như: HABECO, SABECO, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam, Liên doanh Carlberg - Việt Hà, Liên doanh Carlberg - Huda tạo nên, trong đó, về mặt bia nội, HABECO và SABECO giữ vai trò chủ đạo.

Đón đầu TPP

Trước đây một vài năm, ngành Bia trong nước chủ yếu tập trung vào các sản phẩm tầm trung, ít có sản phẩm cao cấp. Các nhãn hiệu bia cao cấp như Heineken, Tiger, Larue đều nằm trong tay “chủ ngoại” là Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã tích lũy được qua việc nước nhà gia nhập WTO, các doanh nghiệp sản xuất bia nội mà điển hình là HABECO và SABECO đã có những chiến lược, sự ứng biến kịp thời.

Bia Sài Gòn và chiến dịch quốc tế hóa thương hiệu, phát triển dòng sản phẩm cao cấp

Nếu cách đây vài năm, có đến 80% sản lượng tiêu thụ của SABECO đến từ 2 thương hiệu là 333 và bia chai Sài Gòn đỏ, thì cách đây không lâu, SABECO đã chuẩn bị cho cuộc chinh phục khách hàng ở phân khúc cao cấp và chuẩn bị bước tiến ra thị trường thế giới bằng hàng loạt các sản phẩm cao cấp như: Saigon Gold, bia lon Sài Gòn Special và Sài Gòn Lager. Việc quốc tế hóa thương hiệu này một mặt nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, một mặt tấn công trực diện vào lớp người tiêu dùng trẻ, năng động (hiện nay, Việt Nam đang trong thời kỳ có dân số vàng,tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64) tăng lên, hiện chiếm 69% tổng số dân).

Việc SABECO đẩy mạnh quốc tế hóa các thương hiệu còn đồng thời mở ra cơ hội phân chia lại miếng bánh thị phần bia cao cấp. Thực tế cho thấy, thời gian qua, phân khúc cao cấp vẫn còn nhiều tiềm năng. Và theo định hướng của SABECO, doanh nghiệp này sẽ trở thành tập đoàn công nghiệp đồ uống hàng đầu của Việt Nam và khu vực, nên việc cho ra đời các sản phẩm cao cấp là hoàn toàn hợp lý. Bia Sài Gòn đang có sự chuyển dịch khá rõ ràng từ một thương hiệu được định vị ở phân khúc bia bình dân sang thương hiệu cao cấp.


Không chỉ chú trọng đến công tác quản lý chất lượng, quản trị thương hiệu và đa dạng hóa sản phẩm, SABECO còn rất quyết liệt trong việc trẻ hóa đội ngũ nhân sự cao cấp với mong muốn mang đến tư duy quản trị, kinh doanh mới. Cùng với đó là hàng loạt các chương trình marketing rầm rộ. SABECO trở thành doanh nghiệp bia nội “chịu chơi” nhất với việc thực hiện các chương trình marketing quy mô lớn trên phạm vi cả nước. Điển hình như việc SABECO tổ chức Chương trình HYPERSONIC MUSIC FESTIVAL. Đây là liên hoan âm nhạc mang tầm cỡ quốc tế. Lễ hội âm nhạc này gắn liền với việc phát triển thương hiệu và dòng sản phẩm Bia Sài Gòn Special: loại bia cao cấp hướng đến người trẻ cá tính và năng động.

Bia Hà Nội, giữ vững thị trường nội địa, định vị lại khách hàng

Không chịu kém cạnh, HABECO cũng thực hiện hàng loạt các bước đi gây ngạc nhiên, không chỉ với các đối thủ ngành bia, mà cả với các chuyên gia marketing trong và ngoài nước. Gần đây, HABECO tung ra thị trường hàng loạt các sản phẩm mới như: Bia chai Hà Nội nhãn xanh 450ml, Bia Trúc Bạch (lon và chai), nước uống đóng chai - Uniaqua.

Bia chai Hà Nội nhãn xanh 450ml là sản phẩm mục tiêu tập trung phục vụ khách hàng miền Trung, Việt Nam. Đây cũng là một trong những điểm khác biệt của HABECO khi một mặt tung ra sản phẩm bia chất lượng cao (Trúc Bạch) để cạnh tranh ở phân khúc bia cao cấp, một mặt không bỏ rơi thị trường bia nội địa vốn vẫn còn tiềm năng phát triển.

Miền Trung vốn vẫn được coi là vùng đệm của cả HABECO và SABECO, do đó, việc HABECO quyết định tung ra một sản phẩm chiến lược cho thị trường này một lần nữa cho thấy chiến lược phát triển chắc chắn, bền vững, lấy thị trường nội địa làm "bàn đạp" cho việc cạnh tranh với các doanh nghiệp bia ngoại và từng bước vươn ra thị trường quốc tế.

Còn với Trúc Bạch, đây là thương hiệu bia được xây dựng lại sau một thời gian ngừng sản xuất. Bia Trúc Bạch được định vị dành cho các khách hàng khá cao cấp với nguyên liệu thượng hạng, quý hiếm, như: hoa bia quý tộc Saaz, lúa mạch vụ xuân từ những vùng nổi tiếng như Czech, Pháp, Úc… Dù mới xuất hiện trở lại 5 năm nay, nhưng Trúc Bạch đã tạo dựng được một chỗ đứng nhất định trong lòng khách hàng.

Nói về ngành Bia, sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc đến bia hơi, đặc biệt là ở miền Bắc. HABECO với bề dày trên 100 năm lịch sử đã tạo lập một thói quen uống bia riêng có: bia hơi. Mặc dù lợi nhuận từ sản phẩm này không nhiều như các sản phẩm bia chai, bia lon, nhưng bia hơi là một yếu tố quan trọng tạo dựng nên thương hiệu cho HABECO.

HABCO cũng đang dần xây dựng một nét văn hóa bia hơi mới khi xây dựng chuỗi nhà hàng đạt tiêu chuẩn Địa chỉ vàng không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn cả các tỉnh miền Bắc. Cùng với đó, việc cho ra đời các loại bia hơi, bia tươi đóng keg inox cũng là sự đầu tư chiến lược cho mặt hàng này.

Việc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ và có sự góp mặt của các tên tuổi lớn ngành Bia thế giới hơn lúc nào hết đòi hỏi các doanh nghiệp ngành bia Việt Nam phải đa dạng hóa sản phẩm theo hướng cho ra đời các sản phẩm cao cấp, cận cao cấp với bao bì, mẫu mã đẹp, hiện đại và tiện ích, điều mà cả HABECO, SABECO đều đã làm được.

Và bia cho ngành Du lịch, đón đầu xu hướng tiêu dùng mới

Một thương hiệu mới nổi của ngành Bia Việt Nam dành riêng cho ngành du lịch đó là Bia Sagota, sản phẩm của Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây. Điểm khác biệt lớn nhất của Sagota đó là định vị thương hiệu sản phẩm gắn với ngành Du lịch.

Mặc dù chỉ mới ra đời cách đây không lâu, nhưng bằng hoạt động marketing, truyền thông chuyên nghiệp và bài bản, Sagota đã được bình chọn chính thức là bia của ngành Du lịch Việt Nam.

Một điều nữa, Sagota là dòng bia không cồn đầu tiên ở Việt Nam, dòng bia đón đầu xu hướng tiêu dùng mới khi vừa thỏa mãn nhu cầu thưởng thức bia nhưng lại đáp ứng yêu cầu tỉnh táo cho người sử dụng. Theo nhiều chuyên gia ngành bia, thời gian tới, bia không cồn sẽ là xu hướng tiêu dùng mới được nhiều người tiêu dùng Việt Nam chào đón. Việc đi trước, đón đầu của Công ty CP Bia Sài Gòn - Bình Tây một lần nữa cho thấy sự nhạy bén của các doanh nghiệp ngành Bia trong nước.

TPP là một sân chơi lớn với đồng thời cả những cơ hội và thách thức, đặc biệt với các doanh nghiệp ngành Bia Việt Nam. Với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp bia trong nước, ngành Bia Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin vào khả năng làm chủ và dẫn đầu thị trường.