Ngành Công nghiệp với công tác phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS

Số người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS trong cả nước đang ngày càng gia tăng. Ngày càng có nhiều trường hợp người bị phát hiện là CBCNV, giáo viên, học sinh, trong đó có cả những CNVC ngành Công ngh

Đợt khảo sát mới đây của Ban Chỉ đạo phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS - Tổng LĐLĐVN và Công đoàn CNVN (từ ngày 26/4-12/5/04) tại một số cơ sở thuộc các ngành Nhựa, Hóa chất, Dệt-May, Bia-Rượu-NGK, Thuốc lá đã cho thấy, ma túy đã và đang len lỏi vào tầng lớp CBCNV có thu nhập cao, chứ không chỉ nhằm vào đối tượng vô công rồi nghề, không có công ăn việc làm như trước đây.
Hiệu quả lớn từ công tác tuyên truyền
Qua khảo sát tại các doanh nghiệp trong ngành Công nghiệp cho thấy, các doanh nghiệp làm tốt công tác tuyên truyền thì đều đạt những kết quả khả quan. Số người mắc nghiện ma túy tại các doanh nghiệp này hầu hết là những người nghiện nặng, có thâm niên và được phát hiện từ năm 2002 trở về trước, ít có trường hợp nghiện mới, một phần do các doanh nghiệp chặt chẽ ngay từ khâu tuyển người, một phần là do làm tốt công tác tuyên truyền nên CNVC luôn cảnh giác để không bị mắc vào cạm bẫy nguy hiểm này.
Có rất nhiều biện pháp tuyên truyền mà các doanh nghiệp đã áp dụng, mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng phổ biến nhất có lẽ vẫn là tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông nội bộ, phát tờ rơi và tổ chức các cuộc thi tìm hiểu. Trên loa đài nội bộ, tất cả mọi vấn đề đều được nhắc đến, trong đó có cả phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Mới nghe tưởng sẽ nhàm chán, nhưng mưa dầm thấm lâu, người lao động sẽ có những thông tin mà họ cần ngay cả khi làm việc. Còn những tờ rơi lại hiệu quả theo một cách khác. “Khi chúng tôi phát tờ rơi cho CNLĐ với nội dung ngắn gọn, súc tích, hình ảnh bắt mắt, thường thì mọi người đọc xong lại mang về nhà cho gia đình xem, nên từ một người lại nhân ra nhiều người, rất hiệu quả”, bà Tôn Thanh Lan - Chủ tịch CĐ Công ty May Thăng Long nói. Đặc điểm của các cuộc thi tìm hiểu thì “do yêu cầu phải viết tay, nên mỗi lần người lao động làm bài thi thì những thông tin cơ bản nhất cũng đã được họ đọc và lưu ý, sau đó họ sẽ giữ lại những thông tin cần thiết để tự bảo vệ mình”, ông Nguyễn Quang Huynh - Chủ tịch CĐ Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa cho biết.
Dù mỗi nơi áp dụng một biện pháp khác nhau, tựu chung lại vẫn đều phải có cái nền cơ bản là sản xuất kinh doanh mạnh, việc làm đảm bảo ổn định, thu nhập năm sau cao hơn năm trước thì mới có khả năng tài chính tổ chức các hoạt động tuyên truyền cho CNLĐ.
Những kinh nghiệm hay
Một kinh nghiệm mà theo Đoàn khảo sát là rất hiệu quả và cần nhân rộng là việc phát phù hiệu có biểu tượng phòng chống HIV/AIDS cho CNLĐ đeo trên ve áo trước khi vào ca tại Công ty May Nhà Bè. Việc làm này đã luôn nhắc nhở mỗi người lao động phải có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội trước những hiểm họa về ma túy, HIV/AIDS đang diễn ra rất phức tạp. Thực tế hơn, những buổi sinh hoạt của Nhà máy Thuốc lá Thanh Hóa, nếu có dịp là ông Lê Hồng Khâm - Chủ tịch CĐ lại kể cho CNLĐ nghe về các tấm gương tày liếp của những gia đình có con bị nghiện dẫn đến nhà tan cửa nát. “Chúng tôi chẳng kể đâu xa, toàn những người trong khu dân cư quanh Nhà máy hoặc của tỉnh Thanh Hóa, những người mà CNLĐ đều biết để họ thấy được sự nguy hiểm của ma túy, tự rút kinh nghiệm cho bản thân và gia đình mình”. Ông Khâm còn kể cho chúng tôi nghe về một câu chuyện có thật tại Thanh Hóa mà vì quá đau khổ, người bố đã phải tiêm một loại thuốc đặc hiệu làm mất trí nhớ của con trai để “thà nhìn nó ngây dại nhưng vô tội còn hơn thấy nó như một con vật mất hết tính người khi lên cơn thèm thuốc”. Đó là câu chuyện đau lòng nhưng có thật - sự thật nghiệt ngã.
Tại Công ty Cổ phần Bia Thanh Hóa, CĐ Công ty còn phối hợp chặt với Công an khu vực để nắm các đối tượng nghiện hút trong khu vực, thông báo cho người lao động biết để cảnh giác và đội bảo vệ của Công ty cũng luôn làm tốt công tác phòng ngừa, bám sát các đối tượng xấu xung quanh địa bàn Công ty, không để người lao động có cơ hội tiếp xúc, tiêm nhiễm những thói xấu của các đối tượng này.
Nhìn chung, vấn đề phòng chống các tệ nạn xã hội luôn được các doanh nghiệp trong Ngành quan tâm và đưa vào chương trình nghị sự trong Đại hội CNVC hàng năm. Thường thì ngay trong nội qui lao động của các doanh nghiệp đã có các qui ước về vấn đề này mà mức xử lý kỷ luật sẽ tùy theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là cần xác định rõ cho mỗi người lao động, trước hết phải tự bảo vệ mình, tự lo cho mình và gia đình mình.  
Kinh phí - Vướng mắc lớn nhất
Một doanh nghiệp đã đi tiên phong trong vấn đề cai nghiện ma túy cho CNLĐ trong ngành Công nghiệp là Công ty Xây lắp Điện I. Sau khi phát hiện 39 CNLĐ mắc nghiện, Công ty đã đứng ra thành lập một trung tâm cai nghiện cho số công nhân này, đem lại kết quả rất khả quan. Ngoài tiền ăn ở, thuốc men tại Trung tâm, mỗi công nhân còn được hưởng nguyên lương trong thời gian cai nghiện và số tiền này, Công ty gửi trực tiếp về gia đình người nghiện coi như họ vẫn đang đi làm xa. Nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm được việc đó. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, nói là đưa vào qui chế, nếu vi phạm nhiều lần sẽ đuổi việc, chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều không làm như vậy. “Chúng tôi có thể đuổi việc họ lắm chứ, nhưng vứt họ ra ngoài xã hội, bị dồn đến chân tường, họ có thể còn trở nên nguy hiểm hơn cho gia đình và cộng đồng, nên đành chúng tôi vẫn luôn rộng đường tạo cơ hội cho họ hoàn lương”, ông Lê Hồng Khâm chân thành nói. Thường thì sau khi phát hiện người lao động bị nghiện, các doanh nghiệp đều cho tạm nghỉ việc để đi cai, có hỗ trợ kinh phí cai nghiện và một phần tiền lương hoặc giữ nguyên lương. Trường hợp công nhân cai nghiện thành công trở về, doanh nghiệp lại tiếp tục cho làm việc, không hề phân biệt đối xử. Số công nhân tái nghiện vẫn tiếp tục được tạo điều kiện cho nghỉ cai nghiện, tất nhiên chế độ ưu đãi không được như lần đầu. Cho đến nay, chưa có đơn vị nào buộc CNLĐ nghiện thôi việc mà thường là người lao động tự bỏ việc sau khi tái nghiện nhiều lần.
Do đó, vấn đề ở đây là nguồn kinh phí được lấy từ đâu để giải quyết cho những trường hợp này. Với những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, sẽ có nhiều cách để có kinh phí hoạt động. Nhưng những doanh nghiệp tầm tầm, chỉ lo đủ công ăn việc làm cho người lao động đã là một nỗ lực lớn thì tìm nguồn kinh phí là việc rất khó khăn. Chưa kể, những hoạt động này phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu lãnh đạo có quan tâm chú ý tới công tác này sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, còn như chỉ lo sản xuất kinh doanh, không coi trọng những hoạt động đoàn thể khác thì kinh phí cho công tác này còn khó khăn hơn nhiều.
Ông Nguyễn Văn Nguyên - Chủ tịch CĐ Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong nêu ý kiến: “Nhà nước cần có qui định cụ thể để có thể hợp thức hóa việc chi tiêu cho công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. Chỉ khi có chế độ, chính sách rõ ràng thì doanh nghiệp mới chủ động được trong chi phí và công tác tuyên truyền mới có kết quả”. Còn bà Tôn Thanh Lan - Chủ tịch CĐ Công ty May Thăng Long nói: “Chúng tôi rất muốn có nhiều tài liệu, tờ rơi phát cho anh em đọc để biết mà tránh, nhưng với số lượng mấy nghìn công nhân, chúng tôi không thể mua để phát hết cho họ được, kinh phí sẽ hạch toán vào đâu?”
Về vấn đề này, ý kiến của Phó Chủ tịch CĐCNVN, ông Nguyễn Ngọc Chiến là: “Cơ chế tài chính cho doanh nghiệp là rất quan trọng. CĐCN sẽ phát động phong trào xây dựng quĩ phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS. 6 tháng cuối năm sẽ phối hợp với Ban Chỉ đạo của Bộ Công nghiệp triển khai công tác này đến các giám đốc doanh nghiệp”.
Hy vọng rằng, với những biện pháp hiệu quả trong thời gian qua và những động thái tích cực trong thời gian tới, ngành Công nghiệp sẽ đi tiên phong trong lĩnh vực phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, làm trong sạch đội ngũ CNVCLĐ của Ngành, chuẩn bị tốt nhất nguồn nhân lực, đảm bảo đủ sức khỏe và tri thức cho hội nhập và phát triển. q

  • Tags: