Ngành Công Thương Hà Nội: Cải thiện môi trường kinh doanh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Những tháng cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội xác định nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển.

Sáng 19/6/2019, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm “Cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công thương”.

Báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, giá trị ngành Công nghiệp tăng 7,72% so với cùng kỳ năm 2018, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,14%; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tăng 10,7% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 10,9%; kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn tăng 5,4% so với cùng kỳ...

ngành công thương hà nội
Tọa đàm thu hút nhiều ý kiến đóng góp để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển 

Ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, dù có những tín hiệu tích cực nhưng công nghiệp 6 tháng đầu năm trên địa bàn tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất hoặc đầu tư xây dựng mới... Do đó, tình hình thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là vấn đề thương mại, trong bối cảnh những năm gần đây, người dân có xu hướng thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, tốc độ tăng tổng mức bán ra và tổng mức bán lẻ có xu hướng chững lại, ông Lê Hồng Thăng nhận định.

Nói về những khó khăn mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ phải đối mặt trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, hiện, Hà Nội có gần 300.000 doanh nghiệp trong đó khoảng 97% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối diện với 18 sự cạnh tranh lớn gồm: Giá, chất lượng dịch vụ; chiến lược, đội hình, độ chuyên nghiệp; số lượng sản phẩm và quy mô; các gói giải pháp về bán hàng; thông tin thị trường; công nghệ; quản trị về mặt rủi ro...

Do vậy, ông Mạc Quốc Anh đề nghị, Thành phố Hà Nội cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào những lĩnh vực có đóng góp cho xã hội, trong đó chú trọng đến lĩnh vực đầu tư sản xuất, vì hiện nay số doanh nghiệp gia nhập thị trường chủ yếu là kinh doanh dịch vụ, rất ít các doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, cần nghiên cứu đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, đổi mới tác phong phục vụ doanh nghiệp…

ngành công thương hà nội
Những tháng cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội sẽ chú trọng cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển

Là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực khoa học công nghệ, ông Lưu Hải Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ mới Nhật Hải chia sẻ, mặc dù, Chính phủ mong muốn phát triển khoa học công nghệ, coi đây là động lực phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo ra các đột phá của doanh nghiệp, nhưng bằng sáng chế của doanh nghiệp các ngân hàng lại không coi là tài sản nên doanh nghiệp không thể thế chấp để vay vốn.

Do đó, ông Lưu Hải Minh kiến nghị, thành phố và Sở Công Thương Hà Nội có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp khoa học công nghệ trên địa bàn, đồng thời, cần có những hình thức cải cách công tác xúc tiến thương mại.

Thay vì các cách thức tổ chức Hội chợ truyền thống thì cần mời các chuyên gia về đào tạo cho các doanh nghiệp trong quảng bá, xúc tiến sản phẩm trên kênh thương mại điện tử, ông Lưu Hải Minh kiến nghị.

Ghi nhận các giải pháp kiến nghị, ông Lê Hồng Thăng cho hay, Sở sẽ chuyển ý kiến đến các đơn vị phụ trách của Sở Công Thương cũng như, Sở ngành liên quan, UBND thành phố Hà Nội để từ đó có các giải pháp quyết liệt, điều chỉnh chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp.

Thực tế, để hỗ trợ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn, từ đầu năm 2019, Sở Công Thương đã tham mưu, trình UBND Thành phố ban hành nhiều quyết định, văn bản bãi bỏ thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm; triển khai hoạt động truyền thông, quảng bá cho các doanh nghiệp; thực thi nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển các cụm công nghiệp...

Với những nỗ lực đó, năm 2018, thành phố Hà Nội đã vươn lên thứ 9 (tăng 4 bậc so với năm ngoái) và lần đầu tiên đứng trong Top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Kết quả này khẳng định, Hà Nội đã và đang có sự chuyển biến mạnh mẽ và liên tục trong những năm gần đây; thể hiện rõ tinh thần cầu thị, quyết tâm thay đổi thứ hạng và trên hết là vì mục tiêu phục vụ doanh nghiệp.

Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm đó là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, trọng tâm là cải thiện các chỉ số cạnh tranh còn thấp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội nhấn mạnh.

 

Phương Thúy