Ngành Công Thương năm 2018: Được mùa cả Công và Thương

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019, Bộ Công Thương tiếp tục ghi nhận những kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động, hoàn thành việc thực hiện lời hứa với Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị ngành năm trước.

Ngày 17/01/2018, báo cáo tổng kết công tác năm 2018 của Ngành Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, có 5 điểm lớn trong đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành Công Thương năm 2018.

Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch đều thực hiện đạt và vượt

Năm 2018 tiếp tục ghi nhận những kết quả đạt được toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động của Ngành Công Thương. Toàn bộ các chỉ tiêu kế hoạch đều thực hiện đạt và vượt được Quốc hội và Chính phủ giao. Trong đó, một số chỉ tiêu đạt được ở mức cao, qua đó đã hoàn thành việc thực hiện lời hứa trước Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công Thương tổ chức ngày 15/01/2018.

Trong đó, ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mặc dù ngành khai khoáng tiếp tục giảm theo định hướng tái cơ cấu chung, nhưng ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ cao, là trụ đỡ và là động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp cũng như đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tính chung cả năm 2018, chỉ số IIP nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12,3%, qua đó đã góp phần bảo đảm cho tốc độ tăng chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp cả năm 2018 đạt 10,2%, vượt mức chỉ tiêu đề ra đầu năm là 9%.

chỉ số sản xuất công nghiệp ngành công thương

 

Điều này không chỉ trực tiếp góp phần vào bảo đảm hoàn thành mục tiêu chung của toàn ngành công nghiệp năm 2018 mà quan trọng hơn đã và đang cho thấy quá trình tái cơ cấu trong lĩnh vực công nghiệp đang đi đúng hướng và có những chuyển biến tích cực, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

Đáng chú ý, năm 2018 có thể được xem là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Tính chung cả năm, xuất khẩu cả nước đã đạt 245 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, vượt xa chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao cho ngành Công Thương (Quốc hội giao ở mức 7 - 8%, Chính phủ giao ở mức 8 - 10%). Khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tương ứng là 15,9% và 12,9%).

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Tính đến hết năm 2018, đã có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập tiếp tục đã được thực hiện có hiệu quả hơn những năm trước.

Ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký kết hiệp định thương mại tự do FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội như: xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc tăng tăng 23,2%, sang thị trường ASEAN tăng 13,7%, sang thị trường Nhật Bản tăng 12,9%; sang thị trường Trung Quốc tăng 18,5%...

Đặc biệt là Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (năm 2017 xuất siêu 32,24 tỷ USD, năm 2018 xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (năm 2017 xuất siêu 26,14 tỷ USD, năm 2018 xuất siêu 28,7 tỷ USD...).

Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm soát khâu nhập khẩu đã được thực hiện có hiệu quả, qua đó đã tạo thặng dư thương mại năm thứ 3 liên tiếp và đạt ở mức rất cao 7,2 tỷ USD (cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017), góp phần bảo đảm cán cân thanh toán và ổn định các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của nền kinh tế, Thứ trưởng nhận định.

Trong công tác tổ chức, phát triển thị trường trong nước, năm 2018, thương mại nội địa tiếp tục giữ vững được đà tăng trưởng với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số (cả năm đạt gần 4,4 triệu  tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017), qua đó đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng để góp phần vào bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh

Với trọng tâm xuyên suốt từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV tới nay, năm 2018 tiếp tục ghi nhận những nỗ lực cải cách của Bộ Công Thương trong công tác sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bố trí lại cán bộ theo hướng tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó là tập trung vào công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử với phương châm lấy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và sự hài lòng của người dân là mục tiêu, là tiêu chí để đánh giá kết quả của quá trình đổi mới.

ngành công thương 2018
Năm 2019, ngành Công Thương sẽ tập trung đánh giá về những điểm nghẽn, điểm hạn chế, bài học kinh nghiệm rút ra trong hoạt động của Ngành năm 2018

 

Sau khi đã cắt giảm 675/1216 điều kiện của 27 ngành, nghề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong năm 2017 và đầu năm 2018 (chiếm tỷ lệ 55,5% tổng số điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ), năm 2018 Bộ Công Thương đã tiếp tục rà soát, ban hành Quyết định số 3720/QĐ-BCT ngày 11 tháng 10 năm 2018 về Phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2019 - 2020. Theo đó, tiếp tục đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa và chuyển hậu kiểm 202 điều kiện trên tổng số 561 điều kiện thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ (tương đương với 36%), nâng tỷ lệ cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương dự kiến đạt 72,1%.

Về đơn giản hóa thủ tục hành chính và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong năm 2018, theo Quyết định số 1408/QĐ-BCT ngày 27/4/2018 về Phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính năm 2018 của Bộ Công Thương, Bộ tiến hành bãi bỏ, đơn giản hóa 54 thủ tục hành chính thuộc 10 lĩnh vực được quy định tại 19 văn bản quy phạm pháp luật. Tính đến thời điểm hiện tại, tất cả 291 thủ tục hành chính thực hiện ở cấp Trung ương đã được Bộ Công Thương triển khai ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; trong đó, có 151 DVCTT ở mức độ 3 và mức độ 4 (Bộ Công Thương trực tiếp thực hiện 143 DVCTT và ủy quyền cho VCCI thực hiện 8 DVCTT) đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, kết nối 11 dịch vụ công trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Xúc tiến bàn giao các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc diện về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước

Trong công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp đối với các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc Bộ. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định qui định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã khẩn trương rà soát, tiến hành bàn giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đối với các Tập đoàn, Tổng công ty thuộc diện chuyển giao về Ủy ban. Đồng thời, Bộ cũng đã chủ động tổ chức các buổi làm việc với Ủy ban để trao đổi, đánh giá kỹ tình hình và cụ thể hóa cơ chế phối hợp để tiếp tục xử lý các vấn đề ở các Tập đoàn, Tổng công ty sau khi được chuyển giao theo đúng qui định của pháp luật và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm quá trình giải quyết công việc liên tục không bị gián đoạn.

Đạt kết quả tích cực trong việc giải quyết các dự án chậm tiến độ, yếu kém

Trong công tác xử lý, giải quyết các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương. Sau 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện nhiệm vụ xử lý 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương theo Nghị quyết số 33/2016/QH14 của Quốc hội và hơn 1 năm triển khai thực hiện Đề án xử lý các dự án theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã tiếp tục cho thấy những kết quả tích cực, bám sát phương án xử lý được phê duyệt và lộ trình xử lý đề ra.

Đến thời điểm hiện nay, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có lãi và từng bước ổn định là Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Nhà máy thép Việt - Trung. Trong số 3 nhà máy trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 2 nhà máy vận hành sản xuất trở lại, cho ra sản phẩm đạt chất lượng tốt là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Các dự án khác đều đang được khẩn trương xử lý các vấn đề còn tồn tại theo đúng phương án, lộ trình xử lý được Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ đề ra.

Cụ thể hóa các chương trình hành động về nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Về các mặt công tác khác như nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực... trong ngành Công Thương năm 2018 đã tiếp tục được tập trung đẩy mạnh. Qua đó các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương và của Chính phủ đều được cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể để thống nhất chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện trong toàn ngành.

Nhìn lại những kết quả đạt được của năm 2018 cho thấy những nỗ lực, cố gắng to lớn của toàn ngành Công Thương, nhưng qua đó cũng bộc lộ những điểm hạn chế, điểm nghẽn trong phát triển của Ngành. Điển hình như, công tác tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao được sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn chậm. Công tác theo dõi, đánh giá và triển khai thực thi các cam kết hội nhập còn những hạn chế. Sự chủ động và năng lực tham gia hội nhập của các doanh nghiệp trong nước ở một số lĩnh vực chưa cao...

8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Công Thương năm 2019

Bước vào năm 2019, xác định những khó khăn, thử thách là rất lớn, song thuận lợi có được cũng hết sức căn bản cho phát triển của ngành Công Thương. Để phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2019, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung đi thẳng vào giải quyết những vấn đề được coi là điểm nghẽn, là hạn chế trong phát triển của Ngành. Trong đó, Bộ xác định năm 2019 sẽ tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tiếp tục tập trung vào xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, khơi dậy các nguồn lực phục vụ cho phát triển các lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Gắn với đó là việc tiếp tục cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.

Nhận thức được yêu cầu căn bản đặt ra trong năm 2019 là phải tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua 3 đột phá chiến lược; ứng phó tốt hơn với các diễn biến tình hình quốc tế. Muốn làm được như vậy cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ Công Thương xác định đây tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực được Chính phủ giao cho Bộ Công Thương.

Hai là, đẩy nhanh quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu trong ngành Công Thương theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gắn với thúc đẩy đổi mới sáng tạo, triển khai mạnh mẽ và thực chất cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư trong các lĩnh vực hoạt động của ngành Công Thương. Trong đó xác định trọng tâm tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo phải được đẩy nhanh thực hiện trên nguyên tắc chất lượng, lấy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của đầu tư, khả năng tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi giá trị toàn cầu làm tiêu chí cho quá trình này.

Ba là, rà soát, cân đối lại tổng thể cơ cấu các nguồn năng lượng và thực hiện các cơ chế chính sách, biện pháp để bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong dài hạn và theo hướng bền vững trên cơ sở huy động sự tham gia mạnh mẽ hơn của khu vực kinh tế ngoài nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; và về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Bảo đảm trong mọi tình huống không để xảy ra thiếu điện phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Bốn là, thực hiện tốt công tác phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để tiếp tục tập trung hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương theo đúng phương án, kế hoạch, lộ trình được phê duyệt.

Năm là, tập trung xử lý một cách căn bản hơn các vấn đề về xuất nhập khẩu, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường ngoài nước. Theo đó, Bộ Công Thương xác định sẽ tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả của cơ chế phối hợp với các Bộ ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn trong việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế như vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Cùng với đó là liên tục hoàn thiện công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Sáu là, thực hiện đổi mới công tác theo dõi, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam hiệu quả và bền vững hơn. Bộ Công Thương sẽ tham mưu với Chính phủ và Ban Chỉ đạo liên ngành về hội nhập tập trung đổi mới công tác tổ chức thực thi các cam kết hội nhập; đặc biệt là sẽ làm rõ cơ chế theo dõi, giám sát, đôn đốc và đề cập rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan có liên quan trong quá trình tổ chức thực thi các cam kết hội nhập để bảo đảm cho quá trình này được thực hiện có hiệu quả hơn.

Bảy là, nhanh chóng tổ chức lại lực lượng quản lý thị trường theo mô hình mới gắn với thay đổi phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn cả nước. Coi đây là biện pháp để tạo bước chuyển quan trọng trong công tác đấu tranh chống kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại. Qua đó, tạo lập môi trường lành mạnh, công bằng cho sản xuất và kinh doanh trong nước, trực tiếp góp phần vào nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Tám là, tổ chức triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và bền vững hơn cho khu vực thị trường trong nước, tiếp tục làm trụ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm tiếp theo.

Bộ Công Thương xác định năm 2019 sẽ là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, là năm tổng kết đánh giá và chuẩn bị nội dung xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá", Bộ Công Thương xin cam kết với Thủ tướng Chính phủ sẽ nỗ lực ở mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Hạ Vũ - Phương Thảo