Ngành Công Thương quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu, lực lượng QLTT tổ chức ngay đoàn công tác đi kiểm tra nắm tình hình thực tế tại các địa phương đang có dịch bệnh và đẩy mạnh truyền thông, cập nhật thông tin kịp thời cho báo chí để định hướng dư luận, bình ổn thị trường.

Trực chốt 24/24, ngăn chặn dịch bệnh lây lan

Trước những diễn biến phức tạp và nghiêm trọng của dịch tả lợn châu Phi đang diễn ra, chiều 14/3/2019, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi.

Báo cáo tóm tắt tình hình diễn biến của dịch tả lợn châu Phi, ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng Cục QLTT cho biết, tính đến trưa ngày 14/3/2019 cả nước đã có 16 tỉnh thành xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi, nhiều địa phương như Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Nội... xuất hiện thêm những ổ dịch mới.

Theo ông Trần Hữu Linh, nguyên nhân xuất hiện và bùng phát dịch bệnh là do tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán tăng.

dịch tả lợn châu phi
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh triệu tập cuộc họp khẩn chỉ đạo các đơn vị chức năng trong Bộ vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi

 

Ngoài ra, lượng khách đi du lịch từ các nước vào Việt Nam qua đường bộ, đường hàng không và đường biển rất lớn, nhất là khách từ các nước Châu Á thường có thói quen mang theo thực phẩm có chứa thịt lợn nên có thể đưa mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam.

Đặc biệt, theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bùng phát dịch bệnh là do phần lớn ngành chăn nuôi nước ta vẫn nhỏ lẻ, mật độ cao, khó hoặc không thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Tổng cục QLTT đã ban nhiều văn bản, công văn chỉ đạo, huy động toàn lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch tại các địa bàn huyện, thành phố, các chốt kiểm dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương.

Tại các địa phương, Cục QLTT 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã đồng loạt tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, các điểm thu gom, tập kết, trung chuyển thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn, trong đó chú trọng vào các địa bàn đông dân cư, các khu công nghiệp nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn, nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

dịch tả lợn châu phi
Ông Trần Hữu Linh cho biết, để kiểm soát, tránh lây lan dịch bệnh, lực lượng QLTT đã cử cán bộ có mặt tại các chốt kiểm dịch 24/24

Đối với những tỉnh, thành phố đã xuất hiện dịch, lực lượng QLTT đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan trên địa bàn tham gia tất cả các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương. Đặc biệt, cử công chức trực 24/24 giờ tại các trạm/chốt kiểm dịch động vật, các điểm nóng về kinh doanh, giết mổ động vật trái phép nhằm kiểm soát có hiệu quả việc kinh doanh, vận chuyển thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch ra - vào địa bàn… và có báo cáo liên tục từng ngày.

Cùng với việc kiểm tra, kiểm soát lực lượng QLTT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, tránh tiếp xúc, ăn thịt lợn mắc bệnh và nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Ngành Công Thương “nóng” cùng dịch bệnh

Báo cáo tại cuộc họp, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - ông Trần Duy Đông cho biết, Vụ đã cùng đơn vị trong Bộ theo dõi sát tình hình cung cầu, không để xảy ra tình trạng bất ổn thị trường; đồng thời đề nghị lực lượng QLTT tăng cường kiểm soát lưu thông hàng hóa, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu kiểm soát đối với thịt lợn nhập khẩu, nhằm ngăn chặn xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh.

Về vấn đề nguồn cung, ngay từ đợt cao điểm Tết Nguyên đán, trước nguy cơ về việc bùng phát dịch bệnh, Vụ Thị trường trong nước cũng đã đi làm việc với các địa phương, những nơi cung ứng thịt lợn nhiều nhất cho thị trường như Đồng Nai, Hà Nam... để đảm bảo nguồn nhập khẩu từ các nước không có dịch bệnh.

dịch tả lợn châu phi
Ông Trần Duy Đông cho biết, để ứng phó với dịch bệnh, Vụ đã cùng đơn vị trong Bộ theo dõi sát tình hình cung cầu, không để xảy ra tình trạng bất ổn thị trường

Theo tính toán hiện nay, lượng lợn bệnh bị tiêu hủy chỉ chiếm 0,03% tổng nguồn cung, do vậy, nguy cơ thiếu cung trên thị trường là không quá lớn. Tuy nhiên, lo ngại hơn cả là những thông tin tuyên truyền chưa chính xác, chưa được kiểm chứng hiện nay sẽ dẫn đến tình trạng giảm cầu, giá thịt lợn giảm mạnh sẽ gây tình trạng bất ổn trên thị trường, ảnh hưởng tới người sản xuất.

“Tổ thị trường trong nước cũng sẽ có kế hoạch đối với nhà sản xuất nếu lượng cầu giảm, tránh ảnh hưởng nguồn cung sau này, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp sản xuất”, Vụ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.

Đối với Cục Xuất nhập khẩu, ngay sau khi có Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2018 và công văn số 10853/VPCP-V.I ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh lợn, các sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc, Cục đã có văn bản tham mưu cho Bộ để góp phần đảm bảo nguồn cung cầu trong nước.

Theo đó, Cục đã rà soát các quy định pháp luật liên quan, trong đó, Luật Quản lý ngoại thương quy định việc khẩn cấp, ban hành việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Cùng với đó, để tạo niềm tin cho người dân, tránh để ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh trong nước, Cục cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ các nước đang có dịch bệnh, đặc biệt là nhập khẩu qua đường mòn lối mở, đường sắt, đường bộ...

Song song với đó, Cục cũng đề xuất, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho những hộ nông dân, những nhà chăn nuôi lợn bị ảnh hưởng trong đợt dịch bệnh này. Đồng thời có những hỗ trợ thương nhân phân phối vay vốn để thu mua, tích trữ thịt lợn cho thời gian tới, đảm bảo nguồn thịt lợn dự trữ.

Đại diện Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, cần có kiểm soát mạnh hơn nữa bởi tình hình dịch bệnh sẽ có ảnh hưởng đến xuất khẩu thịt lợn. Nếu ảnh hưởng đến chất lượng thịt lợn và các sản phẩm từ lợn thì nguy cơ chúng ta bị mất thị trường xuất khẩu là rất lớn, việc này sẽ ảnh hưởng đến giá cả, ảnh hưởng đến toàn bộ kịch bản kinh tế, kịch bản tăng trưởng, CPI của năm…

Ngành Công Thương quyết liệt ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi

Ghi nhận sự chủ động vào cuộc của các đơn vị, lực lượng, tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, diễn biến thực tiễn dịch tả lợn châu Phi vẫn còn rất phức tạp, đòi hỏi chúng ta không chỉ dừng ở những giải pháp đã nêu vừa qua mà phải đi vào thực tế đánh giá, có những kiến nghị cụ thể hơn, hiệu quả hơn.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu tất cả các đơn vị trong Bộ, Tổng cục QLTT phải quán triệt thực hiện nghiêm việc xử lý dịch bệnh để không làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, người dân, doanh nghiệp, đến đời sống kinh tế, xã hội, CPI... và đặc biệt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

dịch tả lợn chau phi
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đưa ra hàng loạt các yêu cầu, giải pháp đối với các Vụ chức năng để kiểm soát, ngăn chặn tình hình lây lan dịch bệnh

Bộ trưởng yêu cầu lực lượng QLTT phải tổ chức 2 đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An và Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT Trần Hữu Linh trực tiếp đi kiểm tra trong tháng 3/2019. Trọng tâm là ở các địa phương đang có ổ dịch lớn, có nguy cơ lây lan nhanh, các địa phương có đường biên giới với các nước có dịch tả lợn và nguy cơ bùng phát của dịch bệnh.

Nội dung kiểm tra căn cứ chính vào Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia và Tổng cục QLTT kiểm tra đánh giá cụ thể nhiệm vụ triển khai tại các địa phương, việc phối hợp với các địa phương trong việc kiểm soát dịch. Trên cơ sở diễn biến tại các địa phương cần làm rõ nguyên nhân, nguy cơ diễn biến phức tạp hơn của dịch bệnh.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục QLTT phải chủ động khai thác các nguồn thông tin để nắm được những trung tâm ổ dịch bệnh, những hoạt động vi phạm pháp luật cũng như các quy định của Chính phủ, chỉ đạo của Chính phủ trong kinh doanh bán các sản phẩm bị dịch bệnh để đảm bảo kiểm soát.

Bộ trưởng cũng đề nghị văn phòng Bộ chủ động phối hợp với lực lượng QLTT để làm tốt công tác thông tin truyền thông nhằm bình ổn thị trường; phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông, cung cấp thông tin kịp thời, đúng đủ, hiệu quả... để định hướng dư luận không làm ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp.

Hạ An