Hiệp hội Dệt May Việt Nam gửi công văn khuyến cáo

Trước tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra tại Trung Quốc đang có diễn biến phức tạp, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã có công văn số 06/HHMVN gửi các doanh nghiệp hội viên. 

Theo đó, để hạn chế những tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần trao đổi với khách hàng tập trung khai thác nguồn nguyên, phụ liệu trong nước hoặc từ các nước khác để thay thế nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, đảm bảo duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định tinh thần và đời sống, thu nhập của người lao động.

Vinatex tổ chức hội nghị trực tuyến chỉ đạo phòng chống dịch

Sáng ngày 03/02 tại Hà Nội, Tập đoàn Dệt May Việt Nam dưới sự chủ trì của ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị trực tuyến Triển khai công tác phòng chống dịch Corona (nCoV) tới Lãnh đạo các đơn vị thành viên (ĐVTV) và CBCNV trong Tập đoàn tại 2 điểm cầu Hà Nội và TP. HCM.

Đây là cuộc họp trực tuyến toàn quốc đầu tiên sau 2 điện khẩn chỉ đạo hoạt động chống dịch từ ngày 29.1 (mồng 5 Tết).  Đồng thời, lãnh đạo Tập đoàn cũng đã gặp gỡ một số cơ quan báo chí Trung ương để công bố một số chương trình của Tập đoàn và các ĐVTV trong việc triển khai sản xuất khẩu trang kháng khuẩn, cũng như cấp phát miễn phí tại một số địa phương có các DN Tập đoàn trú đóng.

Theo đó, Vinatex đã quyết định cấp khẩu trang miễn phí tại một số điểm thuộc công ty, doanh nghiệp thành viên Tập đoàn như: Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty cổ phần Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty May Hưng Yên, Tổng công ty Dệt May Hòa Thọ...

Dự kiến trong 10 ngày tới, Tập đoàn sẽ cấp phát miễn phí khẩu trang cho người lao động và người dân nửa triệu chiếc khẩu trang tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố nơi có nhà máy, doanh nghiệp sản xuất.

det may
Vinatex tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác phòng chống dịch Corona (nCoV) tới lãnh đạo các đơn vị thành viên

Cũng theo ông Lê Tiến Trường, Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may yêu cầu một số nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới để phòng chống dịch bệnh, không làm gián đoạn tới các hoạt động SXKD. Người đứng đầu các đơn vị sẽ đồng thời là Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch, nhất là các DN thuộc ngành May có lượng lao động lớn. Các DN phải trang bị đầy đủ khẩu trang, dụng cụ vệ sinh cho NLĐ tại các khu vực. Đồng thời siết chặt quản lý về thực phẩm, nhà ăn trong thời kỳ mưa ẩm tại miền Bắc, thực phẩm sau Tết khan hiếm, giá cả leo thang.

Đối với hệ thống y tế trực thuộc Tập đoàn và các đơn vị, Bệnh viện Dệt May phải chủ trì, cũng như hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống của Tập đoàn các công tác phòng chống dịch bệnh tại các khu vực, có biện pháp đo, kiểm tra thân nhiệt đầu giờ làm việc, nhất là đối với các DN May, tránh tình trạng CN đã “ủ bệnh” tới làm việc. Thêm vào đó, hỗ trợ các DN về các dụng cụ, thiết bị y tế khi gặp phải tình trạng khan hiếm, khó khăn ngoài thị trường, không được để cho CN thiếu nước rửa tay, khẩu trang, trước hết là các đơn vị phía Bắc.

Với khoảng 3 triệu lao động, môi trường lao động tập trung và nguy cơ lây bệnh rất cao nên theo ông Trường trách nhiệm đầu tiên của ngành là đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh trong nội bộ doanh nghiệp. Do vậy, ngay từ ngày đầu tiên đi làm sau Tết Nguyên đán, Tập đoàn đã chỉ đạo người đứng đầu các doanh nghiệp trực thuộc phụ trách công tác phòng chống dịch, kiểm tra sơ bộ sức khỏe người lao động khi quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, tại các đơn vị cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang, các thiết bị vệ sinh chân tay cho người lao động để đảm bảo công tác phòng dịch bệnh.

Lãnh đạo Vinatex khẳng định đến giờ phút này, ngành đã sản xuất được vải dệt kim kháng khuẩn với quy mô từ 300.000-400.000 sản phẩm/ngày, riêng vải không dệt để sản xuất khẩu trang sử dụng một lần của Công ty may Đồng Nai cũng đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Dệt kim Đông Xuân vào cuộc

Ông Trần Việt, Tổng Giám đốc Công ty TNHH – MTV Dệt kim Đông Xuân cho biết, Công ty có thế mạnh chuyên sản xuất loại vải dệt kim kháng khuẩn để may thành các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản, đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về trang phục kháng khuẩn của thị trường này.

Mặt hàng vải do công ty tự chủ động nguyên liệu, cơ bản là từ trong nước, chỉ phải nhập khẩu một số lượng nhỏ hóa chất kháng khuẩn từ Nhật Bản.

Do vậy về lâu dài công ty không lo bị thiếu nguyên liệu. Trước tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona, công ty đã sản xuất khẩu trang để phục vụ và trang bị cho nhân viên trong ngành. 

Trong thời gian tới công ty sẽ gia tăng sản xuất sản phẩm và bán ra thị trường phục vụ nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Sản phẩm khẩu trang của công ty bằng vải dệt kim có 2 lớp; trong đó có một lớp kháng khuẩn, tái sử dụng khoảng 30 lần giặt, có thể sử dụng trong phòng dịch.

Khẩu trang sản xuất tại Dệt Kim Đông Xuân giá 7.000đ/chiếc, có thể tái sử dụng 30 lần giặt 

Nguyên liệu hoàn toàn do Công ty Dệt kim Đông Xuân tự chủ sản xuất với công suất 5-8 tấn/ngày, có thể tăng công suất lên 8-10 tấn/ngày, mỗi tấn vải có thể sản xuất được khoảng 40.000 chiếc khẩu trang. Giá bán lẻ sản phẩm là 7.000 đồng/chiếc. 

Hiện nay, mỗi ngày công ty có thể sản xuất được 50.000 chiếc khẩu trang. Trước nhu cầu cấp thiết của thị trường, công ty có thể mở rộng quy mô để sản xuất khẩu trang kháng khuẩn với sản lượng lên đến 300.000 chiếc/ngày, huy động các đơn vị vệ tinh để sản xuất.

Công ty đã trao đổi với Công ty May Hòa Thọ (Đà Nẵng) để phối hợp nâng cao sản lượng khẩu trang. 

Bệnh viện Dệt May thiết lập đường dây nóng

Số ĐT: 19003228 là đường dây nóng của Bệnh viện nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona.

Theo đó công tác thường trực chữa bệnh tại Bện viện đã được chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và giải quyết kịp thời nếu như có bệnh nhân nhiễm loại virus nguy hiểm này đến nhập viện đã được triển khai chu đáo.  

Bác sĩ Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Đình Dũng, Giám đốc Bệnh viện Dệt May Việt nam cho biết, Bệnh viện đã gửi văn bản tới tất cả các doanh nghiệp trực thuộc Tập đoàn và hàng trăm doanh nghiệp dệt may khu vực phía Bắc, là thành viên của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, khuyến cáo về virus Corona và cách phòng tránh, cách xử lý khẩn cấp khi nghi ngờ nhiễm bệnh… Sáng 31/1/2020, bệnh viện cũng đã gửi tặng Văn phòng Công ty mẹ - Tập đoàn Dệt May Việt Nam 300 khẩu trang y tế.

Bệnh viện đã và đang thực hiện phát khẩu trang cho tất cả bệnh nhân tới khám, chữa bệnh, đảm bảo 100% bệnh nhân dùng khẩu trang hợp chuẩn. Bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều được nhắc nhở nghiêm túc thực hiện công tác phòng chống bệnh, kiểm tra nghiệp vụ, được cấp phát nước ngâm tay, xà phòng diệt khuẩn. Đặc biệt, bác sĩ và nhân viên bệnh viện đều thay khẩu trang hàng ngày.

“Trong công tác chuyên môn hàng ngày, Bệnh viện Dệt May đã đặt máy đo nhiệt độ điện tử để phân luồng bệnh nhân ngay từ vòng ngoài, chẩn đoán sớm để nhanh chóng hội chẩn sớm tìm ra nguyên nhân sốt cao của bệnh nhân. Các bác sĩ, nhân viên bệnh viện cũng được tập huấn lại, trang bị kiến thức xử lý đối với bệnh nhân nhiễm virus Corona”.

Tính đến ngày 03/2/2020, Bệnh viện Dệt May chưa phát hiện bệnh nhân nào nhiễm virus Corona. Một số bệnh nhân nhập viện trong những ngày qua có biểu hiện sốt, nhưng qua kiểm tra thì nguyên nhân do viêm phổi và virus khác, không phải bị nhiễm Corona.

Bệnh viện Dệt May thiết lập đường dây nóng cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona theo số ĐT: 1900 3228

Để phòng bệnh, chúng ta nên uống nhiều nước ấm, ăn nhiều rau quả, hoặc uống bổ sung vitamin tăng cường sức đề kháng, sử dụng khẩu trang khi ra ngoài đường và khi tiếp xúc nơi công cộng. Tránh tiếp xúc với người bị sốt, ho. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc các loại nước rửa tay có chứa cồn. Tranh thủ khi trời có nắng ấm mở cửa sổ và cửa chính để ánh nắng tràn vào nhà, hạn chế virus sinh sôi… - bác sĩ Dũng khuyên.