Sáng ngày 30/9/2015, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức tọa đàm Dệt May - Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tới dự và chủ trì buổi tọa đàm. Đại diện lãnh đạo các cơ quan văn phòng Chính phủ, các Cục, Vụ, Viện liên quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và hơn 90 đại biểu là đại diện lãnh đạo Vinatex, BIDV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các đơn vị doanh nghiệp dệt may Việt Nam tham dự.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm

Hội nghị đã tập trung phân tích những thông tin tổng quan về cơ hội và thách thức của ngành Dệt May hiện nay, đồng thời đưa ra một số khuyến nghị chính sách với Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước, Bộ, ngành liên quan để nâng cao năng lực ngành.

Theo ông Trần Quang Nghị - Chủ tịch HĐTV Vinatex: Sức sống của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam rất mãnh liệt và có ý chí, Vinatex luôn thể hiện màu cờ sắc áo đặc thù của ngành Dệt May cùng với màu cờ sắc áo của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ quyết tâm tìm đường đi thông minh nhất để hội nhập và hội nhập tối đa. Tuy nhiên, trước những cơ hội và thách thức lớn khi hội nhập, Vinatex cũng đề xuất những kiến nghị cụ thể với Nhà nước, Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan nên có ưu tiên về cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp để các doanh nghiệp phát triển, tận dụng tốt những cơ hội hưởng lợi khi Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do.

Thách thức nhiều hơn cơ hội

Mặc dù ngành Dệt May Việt Nam phát triển sớm, là ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp vào sự phát triển của kinh tế đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển đó còn thiếu đồng bộ, ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn nguyên liệu phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu, chủ yếu nhập từ thị trường Trung Quốc (nội địa hóa mới chỉ đạt 46%).

Trong quá trình hội nhập, ngoài áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ tăng lên, thì rào cản thuế quan được dỡ bỏ sẽ đi kèm với sự gia tăng của các rào cản mới, như để hưởng được các ưu đãi mà các hiệp định mang lại, các doanh nghiệp dệt may phải đầu tư lớn về mọi mặt, chủ động nguyên liệu đầu vào, nâng cao năng lực sản xuất, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng, môi trường lao động… Bên cạnh đó, các địa phương hiện nay không ưu tiên giành quỹ đất để phát triển dệt may do vấn đề ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, việc đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp dệt may hiện còn yếu.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS: Nếu chúng ta không có chính sách đối ứng kịp thời thì người được hưởng lợi chính từ FTA lại là các doanh nghiệp FDI

Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam hiện nay là các FTA đã thu hút nguồn vốn FDI lớn vào dệt may, 8 tháng đầu năm vốn nước ngoài đăng ký vào ngành lên tới 2,8 tỷ USD, cao hơn của cả năm 2014 là 2 tỷ USD. Cùng đó, khoảng 67% tỷ trọng xuất khẩu của ngành hiện thuộc về các doanh nghiệp FDI, nếu không có đối sách phù hợp thì các doanh nghiệp này mới là đối tượng hưởng lợi chính từ các FTA.


Bà Trương Thị Thanh Hà - Tổng Giám đốc DOXIMEX: Đứng dưới góc độ nhìn nhận của một doanh nghiệp, chúng tôi đang phải đối mặt với thách thức nhiều hơn cơ hội

Tham luận tại Hội nghị, bà Trương Thị Thanh Hà - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân (DOXIMEX) cho rằng: Không thể phủ nhận hội nhập kinh tế quốc tế mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may, nhưng đứng dưới góc độ là một doanh nghiệp trực thuộc Vinatex có bề dày lịch sử phát triển hơn 55 năm, năng lực sản xuất xuất khẩu đạt hơn 90% và chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy rằng, doanh nghiệp đang gặp phải thách thức nhiều hơn là cơ hội. Nguyên nhân xuất phát từ những hạn chế nội tại từ chính các doanh nghiệp dệt may, bởi chủ yếu các doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may theo hình thức gia công truyền thống để giải quyết nhiều công ăn việc làm cho xã hội, năng lực sản xuất, thiết kế, nguồn nhân lực quản trị chưa đáp ứng được khi hội nhập. Bên cạnh đó, những thách thức bên ngoài do môi trường đầu tư, chính sách pháp luật, văn bản hướng dẫn chưa rõ ràng, chính sách ưu đãi đầu tư chưa thỏa đáng, các rào cản về kỹ thuật thương mại, trách nhiệm xã hội… là những nguyên nhân khách quan làm khó khăn cho các doanh nghiệp khi quyết định đầu tư.

Ông Bùi Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP May Sông Hồng:Trước những thách thức, buộc các doanh nghiệp phải tính toán lại phương án đầu tư, chúng tôi sẽ đầu tư chiều sâu và tạm dừng đầu tư mở rộng

Ông Bùi Đức Thịnh - Tổng Giám đốc Công ty CP M Sông Hồng còn cho rằng: Chúng tôi biết ơn Chính phủ đã gian nan mở đường cho kinh tế Việt Nam hội nhập, nhưng một số cánh cửa vô hình khác lại khép lại. Cơ hội có, nhưng thách thức và lực cản là do chính nội lực doanh nghiệp, cộng thêm một số thách thức hiện nay như chính sách tăng lương tối thiểu là một ví dụ. Thực tế các doanh nghiệp hiện nay không ai trả theo mức lương tối thiểu cho người lao động, mà phải trả cao hơn mức lương tối thiểu gấp 2 - 3 lần, bởi nếu trả theo mức lương tối thiểu sẽ không thể thu hút được lao động. Nhưng nếu thực hiện chính sách tăng lương tối thiểu như hiện nay thì chính người lao động đang mất đi cơ hội việc làm, mất đi số tiền trước mắt hàng tháng bởi các khoản đóng góp BHXH, BHYT, BHTN và các khoản phí công đoàn… Hiện nay, Công ty có vốn điều lệ khoảng 230 tỷ đồng, với mức chia cổ tức hàng năm đạt 25 - 35%, với tổng số 8.500 công nhân. Công ty đã từng có tham vọng sẽ mở rộng quy mô sản xuất, phát triển nguồn nhân lực lên 15.000 người, nhưng tham khảo ý kiến từ các chuyên gia trong ngành trước thách thức về các chính sách quy định hiện nay như: tăng tiền lương tối thiểu, các rào cản kỹ thuật thương mại, thuế quan… thì Công ty đã tạm dừng đầu tư, tính toán lại phương án đầu tư và kế hoạch sản xuất, tìm biện pháp tập trung đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị và công nghệ để sử dụng ít lao động hơn, sẽ chỉ dừng lại ở con số 10.000 người lao động trong những năm tới.

Trao đổi bên lề tọa đàm, đại diện lãnh đạo Tổng công ty CP Dệt May Hà Nội cũng cho rằng: Hiện nay, chuỗi cung ứng dệt may trong nước chưa hoàn thiện, đang bị đứt đoạn, đặc biệt là yếu và thiếu ở khâu dệt nhuộm và hoàn tất. Sản phẩm sợi của Việt Nam chưa đa dạng và phong phú, chất lượng và số lượng mới chỉ đáp ứng được 20-25% cho nhu cầu ngành may xuất khẩu. Chỉ số lao động trong sản xuất dệt may của Việt Nam chỉ đạt 2.4, trong khi đó Trung Quốc và Indonexia tương ứng là 6.9 và 5.2. Cụ thể đối với ngành Sợi, hao phí lao động tính trên 1 vạn cọc sợi của Việt Nam là 80 - 90 người, trong khi Trung Quốc chỉ từ 40 - 60 người. Đối với ngành may, trong sản xuất sản phẩm Polo, một lao động Việt Nam làm được 45-50 chiếc/ngày, trong khi một lao động Trung Quốc làm được 100 - 105 chiếc/ngày.

Tuy nhiên, trước xu thế phát triển tất yếu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hầu hết các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đều thể hiện ý chí quyết tâm và xác định rõ những điểm mạnh, lợi thế, cũng như những hạn chế, yếu kém, từ đó xây dựng những chương trình hành động cụ thể để đón đầu các thời cơ, đẩy lùi những khó khăn thách thức, tận dụng sự chia sẻ, hỗ trợ của Nhà nước về vốn, cơ chế, chính sách, nguồn lực con người để phát triển bền vững.

BIDV sẵn sàng chia sẻ với doanh nghiệp dệt may

Để chung sức đồng hành cùng với các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam vượt qua những thách thức trên, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) cho biết: Trong 3 năm từ 2014 - 2016, BIDV cam kết tài trợ khoản vốn lên tới 600 triệu USD cho Vinatex thực hiện các dự án đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kèm theo các sản phẩm tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế. Ngay trong tháng 9/2015, BIDV đã ban hành chính sách khách hàng doanh nghiệp xuất khẩu quan trọng giai đoạn 2015-2016 với quy mô tín dụng lên tới 15.000 tỷ đồng. Theo đó, khách hàng là các doanh nghiệp thuộc Vinatex được xếp vào nhóm khách hàng quan trọng, với ưu đãi về lãi suất cho vay, phí giao dịch được giảm tối đa 20% theo doanh số giao dịch, cơ chế giao dịch kinh doanh vốn và tiền tệ linh hoạt. Việc ký kết cùng với Vinatex thỏa thuận nguyên tắc tài trợ vốn trị giá 600 triệu USD trong giai đoạn 2014 - 2016 đã đạt được một số kết quả đáng kể, dư nợ tính đến cuối năm 2014 đạt 1.080 tỷ đồng. Hiện BIDV đang triển khai sản phẩm tài trợ ngành Dệt May với nhiều tính năng ưu đãi trong trình tự, thủ tục, điều kiện cấp tín dụng đối với các doanh nghiệp với tỷ lệ tài trợ tối đa 100% giá trị hợp đồng. Sản phẩm này từ khi triển khai đã được các doanh nghiệp dệt may đón nhận tích cực.

Trước những cơ hội và thách thức khi hội nhập, BIDV luôn sát cánh, chia sẻ và ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp dệt may

Kết luận tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đánh giá cao Vinatex là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chủ động cung cấp, cập nhật những thông tin giá trị, dự báo những rủi ro, thách thức về các hiệp định thương mại đến với các doanh nghiệp thành viên, từ đó tập hợp những đề xuất, kiến nghị thỏa đáng tới các cơ quan Bộ, ngành, Chính phủ về cơ chế chính sách phù hợp để cùng tháo gỡ khó khăn, hướng đến phát triển ngành đồng bộ và bền vững. Thứ trưởng đã hoan nghênh BIDV là đơn vị có nhiều đóng góp và chia sẻ, đồng hành cùng sự phát triển của các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là với Vinatex trong suốt thời gian qua.