Ngành Giấy nên được ưu tiên phát triển trong nền kinh tế tuần hoàn

Trong bối cảnh thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc về ô nhiễm môi trường, về vấn nạn từ rác thải nhựa... thì giấy đang được xem như một nguyên liệu thay thế ưu việt, nhiều tiềm năng phát triển mạnh trong nền kinh tế tuần hoàn.

Số liệu cho thấy Việt Nam hiện xếp thứ 68 trên thế giới về diện tích, thứ 15 trên thế giới về dân số nhưng xếp thứ 4 về rác thải nhựa. Nền kinh tế tuần hoàn được xem là một giải pháp thay thế bền vững thông qua tính khôi phục và cải tạo.

Phù hợp “tự nhiên” với mô hình kinh tế tuần hoàn

Trong nền kinh tế tuần hoàn, khái niệm kết thúc vòng đời của vật liệu được thay bằng khái niệm khôi phục chuyển dịch theo hướng sử dụng năng lượng tái tạo, không dùng các hóa chất độc hại gây tổn hại tới việc tái sử dụng và tiến tới giảm thiểu chất thải thông qua việc thiết kế vật liệu, sản phẩm, hệ thống kĩ thuật và cả các mô hình kinh doanh trong phạm vi của hệ thống đó.

Mô hình kinh tế tuần hoàn có khả năng giúp giảm phát thải, thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên góp phần giải quyết các vấn đề về khăn hiếm và bảo tồn tài nguyên, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho nên kinh tế.

rừng trồng nguyên liệu giấy
Rừng nguyên liệu giấy áp dụng theo mô hình Quản lý rừng bền vững đã góp phần giảm phát thải.

Khái niệm kinh tế tuần hoàn tương đối mới với doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, Viện trưởng Viện Công nghiệp Giấy và Xenluy lô, ngành Giấy có bản chất rất gần kinh tế tuần hoàn bởi việc quản lý và tái tạo tài nguyên của Ngành có thể thực hiện theo một vòng khép kín, ít tạo ra phế thải.

Hiện nay có 2 loại nguyên liệu chính được sử dụng trong sản xuất giấy là bột giấy và giấy thu hồi hay còn gọi là “giấy tái chế” (tên tiếng Anh là recycled paper, là giấy sau khi sử dụng được thu hồi, tái chế, chỉ có một số rất ít loại giấy không tái chế được, điển hình là giấy vệ sinh). Thông thường trong quy trình sản xuất giấy từ bột giấy nguyên chất, trải qua nhiều khâu, tiêu hao nhiều nguyên liệu. Ngược lại, tái chế giấy giúp tiết giảm được nhiều khâu, tiết kiệm nhiên liệu.

giấy thu hồi
Tái chế 1 tấn giấy có thể tiết kiệm đến 17 cây gỗ trưởng thành, 4.000kWh điện, 270 lít dầu, 26.000 lít nước và 3,5m3 đất (để trôn lấp); đồng thời giảm được 65% điện năng cần sử dụng (để sản xuất giấy mới); 35% nguy cơ ô nhiễm môi trường; 74% ô nhiễm không khí…

Cần nhiều “đòn bẩy” phát triển theo hướng tuần hoàn

Thực tế, nước ta xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị GDP, bao bì giấy đóng góp rất lớn trong lĩnh vực này, nhất là các ngành như dệt may, thủy sản, da giày, điện tử… Cùng với đó trong những năm gần đây, ngành Giấy Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình khoảng 10-12%/năm, riêng giấy bao bì khoảng 15-17%/năm.

Bối cảnh mới của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, ngành Công nghiệp Giấy Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội mở rộng, hợp tác và phát triển cùng với các doanh nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Với sự phát triển này, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho biết luôn định hướng xây dựng Ngành theo mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng nguồn nguyên liệu thứ cấp, đặc biệt xem giấy thu hồi là nguồn nguyên liệu sản xuất.

Thực tế hàng chục năm trước, Công ty TNHH Giấy Bao bì Đồng Tiến (đơn vị sản xuất giấy bao bì lớn trong nước), đã hợp tác với Công ty Tetra Pak - doanh nghiệp chuyên về bao bì giấy đựng chất lỏng lớn nhất thế giới đầu tư dây chuyền tái chế vỏ hộp sữa đồng bộ đầu tiên tại Việt Nam.

chương trình thu gom vỏ sữa hộp
Tháng 12 vừa qua, Công ty TNHH Giấy và Bao bì Đồng Tiến, Tetra Pak phối hợp với các đối tác khởi động chương trình phân loại, thu gom và tái chế vỏ hộp sữa tại 800 trường mầm non và tiểu học thuộc 16 quận, huyện TP. Hà Nội (tiếp sau TP. Hồ Chí Minh).

Bằng dây chuyền tái chế hoàn chỉnh, bột giấy thu hồi từ tái chế vỏ hộp sữa có chất lượng cao đã được Công ty dùng để sản xuất giấy bề mặt cao cấp cho thùng cactông, phần nhôm/nhựa được làm thành các tấm lợp, với công suất 400-500 tấm/ngày. Mỗi tấm lợp có thể giúp tái chế được đến 8.000 hộp sữa giấy đã qua sử dụng mà trước đó chỉ được đưa đi đốt hoặc chôn lấp.

Hiện các doanh nghiệp ngành Giấy chú trọng áp dụng nhiều giải pháp, công nghệ mới, nhằm sản xuất sạch hơn, mang lại lợi ích lớn về môi trường do tiết giảm tiêu hao năng lượng, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Điển hình, nước sản xuất đang được áp dụng theo hướng tuần hoàn tái sử dụng, các công nghệ mới giảm điện năng và dùng điện năng lượng mặt trời, hóa chất được cắt giảm...

Ví dụ tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) ngoài việc đầu tư hệ thống xử lý chất thải, doanh nghiệp chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn tại tất cả các phân xưởng sản xuất; tăng cường các biện pháp quản lý nội vi, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tiết kiệm trong sản xuất như: sử dụng tiết kiệm năng lượng, điện, nước sạch, vật tư nguyên liệu… từ đó đã tối ưu hiệu quả sản xuất và giảm thiểu lượng chất thải ngay tại nguồn phát sinh…

Giai đoạn 2009-2019, Vinapaco đã có 88 sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hóa sản xuất, tiết giảm định mức kinh tế kỹ thuật (giảm tiêu hao vật tư hóa chất, năng lượng, nguyên liệu đầu vào…)… áp dụng vào sản xuất, tạo giá trị làm lợi trên 50 tỷ đồng.

Theo Tiến sĩ Đặng Văn Sơn, nền kinh tế tuần hoàn sử dụng nguyên liệu thứ cấp trong đó có giấy thu hồi (để tái chế, tái sử dụng) được coi nguyên liệu chính trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên thực tế hiện nay nước ta chưa hiểu đúng bản chất của giấy thu hồi, chỉ xem đây là giấy phế liệu, chưa phải nguyên liệu thứ cấp dùng để sản xuất.

Đại diện VPPA đề xuất để ngành Giấy tận dụng được cơ hội phát triển trong kinh tế tuần hoàn thì Việt Nam cần nâng cao nhận thức, có ứng xử đúng với “giấy tái chế” theo đúng cách gọi của các quốc gia sản xuất giấy hàng đầu là giấy thu hồi, không coi là phế liệu mà là nguyên liêu, tài nguyên với các chính sách khai thác, sử dụng phù hợp.

Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về giấy thu hồi – nguyên liệu thứ cấp, hoạt động thu gom và tái chế giấy để làm cơ sở hiện đại hóa ngành giấy theo hướng thân thiện với môi trường. Cụ thể ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khuyến khích thu gom, tái chế… như từ phân loại rác tại nguồn, thu gom vận chuyển đến nhà máy; tạo thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất của; đồng thời coi giấy thu hồi như loại hàng hóa thông thường...

 

PVinh - Ảnh: VPPA