Ngành gỗ đặt mục tiêu cán mốc 15 tỷ USD vào 2025

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 kim ngạch xuất khẩu lâm nghiệp hướng tới mục tiêu 9 tỉ USD, tạo tiền đề để đạt 15 tỉ USD vào năm 2025.

Ngày 8/8/2018, tại Tp. Hồ Chí Minh, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu” nhằm đánh giá thực trạng và phân tích những cơ hội, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, những năm qua, ngành lâm nghiệp đang dần khẳng định vị thế là ngành kinh tế xã hội quan trọng của đất nước. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam, chiếm 6% thị phần thế giới, đứng đầu trong khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành chế biến gỗ và lâm sản phải khắc phục hạn chế, phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản phải đạt 18-20 tỷ USD

Sản phẩm gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Xuất khẩu lâm sản, đặc biệt là mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đạt mức tăng trưởng bình quân 13%/ năm trong giai đoạn 2010 - 2017. Riêng năm 2017, xuất khẩu lâm sản đạt trên 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng 4.500 doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu lâm sản, trong đó khu vực tư nhân chiếm 95% đã tạo ra khoảng 500.000 việc làm trong các cơ sở chế biến và cho hàng triệu lao động trồng ở khu vực nông thôn miền núi, góp phần ổn định an sinh xã hội, phát triển kinh tế bền vững.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, năm 2017, giá trị thương mại đồ nội thất toàn cầu khoảng 428 tỷ USD, và dự kiến sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam hiện đang chiếm khoảng 6% thị phần thương mại đồ gỗ thế giới. Như vậy, ngành chế biến gỗ của Việt Nam còn rất nhiều cơ hội phát triển nếu các doanh nghiệp biết tận dụng những lợi thế sẵn có.

“Do đó, toàn ngành hướng tới mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lâm nghiệp đạt 9 tỉ USD năm 2018, tạo tiền đề để đạt 15 tỉ USD vào năm 2025, phát triển bền vững hướng tới mục tiêu bảo vệ môi trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, ngành gỗ và sản phẩm gỗ đã trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu đứng thứ 6 của Việt Nam

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả đạt được của ngành chế biến gỗ và lâm sản trong thời gian vừa qua. “Tôi đánh giá cao, biểu dương nông dân trồng rừng, doanh nhân và người lao động trong ngành chế biến gỗ đã đóng góp công sức cho sự phát triển của ngành chế biến gỗ và lâm sản”.

Bên cạnh việc đánh giá biểu dương, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành chế biến gỗ và lâm sản cần phải khắc phục những hạn chế, nhược điểm như: Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ; chất lượng gỗ nguyên liệu còn thấp, gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ chưa cao; sản phẩm xuất khẩu thô, giá trị thấp như dăm gỗ còn nhiều; liên kết chuỗi còn hạn chế...

“Từ những thực tế trên, tôi giao Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chính trong phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản sao cho trong 10 năm tới ngành này phải trở thành một ngành mũi nhọn trong sản xuất, xuất khẩu của nền kinh tế. Phấn đấu để Việt Nam trở thành một trung tâm toàn cầu về sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ có thương hiệu, có uy tín trên thế giới. Năm 2018 xuất khẩu gỗ và lâm sản phải phấn đấu đạt kim ngạch tối thiểu 9 tỷ USD, năm 2019 đạt từ 10-11 tỷ USD; năm 2020 đạt 12-23 tỷ USD và đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản phải đạt 18-20 tỷ USD”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao nhiệm vụ.

Để đạt được những mục tiêu đã đặt ra, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, tạo ra nhiều sản phẩm mới, có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. “Các doanh nghiệp việt Nam, các doanh nghiệp FDI, hợp tác xã, hộ sản xuất... tôn trọng luật pháp quốc tế trong việc sử dụng nguồn nguyên liệu hợp pháp, trong việc nghiên cứu thị trường để phòng tránh những tranh chấp có thể xảy ra”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị.

Hạ Vũ