Ngành Nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế

ThS. HÀ THỊ THU THỦY (Khoa Kinh tế cơ sở - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Việt Nam, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế có vị trí quan trọng với khoảng 70% dân số làm nông nghiệp. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, trong những năm qua nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Nhà nước, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bài viết phân tích vấn đề hội nhập kinh tế, quốc tế sẽ giúp chúng ta có cơ hội "làm ăn" bình đẳng hơn theo các "luật chơi" chung của quốc tế hiện nay, giúp cho hàng nông sản Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường toàn cầu dễ dàng và thuận lợi hơn. Song mặt khác, các đối tác thương mại cũng đòi hỏi chúng ta phải mở của thị trường không có sự phân biệt đối xử với họ và hàng hóa của họ. Điều này đặt ngành Nông nghiệp trong nước đứng trước những cơ hội và thách thức mới.

Từ khóa: Nông nghiệp, cơ hội và thách thức, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Cơ hội và thách thức với ngành Chăn nuôi

Trong nông nghiệp Việt Nam, chăn nuôi có vị trí quan trọng. Việt Nam hiện có 11 triệu hộ nông dân, trong đó, trên 8 triệu hộ làm chăn nuôi và hơn 50% số sản phẩm chăn nuôi là theo quy mô nông hộ. Khi Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Chăn nuôi được đánh giá là lĩnh vực dễ bị tổn thương nhất. Cho đến nay, sức cạnh tranh của ngành Chăn nuôi Việt Nam vẫn còn yếu và không bền vững bởi quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, quy trình sản xuất còn đơn sơ, chưa được đầu tư khoa học công nghệ cũng như vấn đề vệ sinh môi trường chuồng trại dẫn đến những nguy cơ các loại vật nuôi dễ bị dịch bệnh, ảnh hưởng đến lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành so với sản phẩm của các nước trong CPTPP, ASEAN.

Việc mở cửa thị trường dịch vụ sẽ là cơ hội cho các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới đổ bộ vào thị trường Việt Nam. Vì thế, để có thể vượt qua thách thức, đón nhận những cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh tốt, ngành Chăn nuôi Việt Nam phải tự đổi mới, chú trọng đầu tư khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên quy mô lớn theo những quy chuẩn cao và khắt khe mà thị trường thế giới đòi hỏi. Một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ đối với ngành Chăn nuôi là thị trường thức ăn và thuốc bảo vệ động vật. Bởi lẽ, các sản phẩm chăn nuôi sau khi được chế biến và xuất khẩu đi các nước trong thị trường CPTPP, ASEAN, đòi hỏi phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng về nguyên liệu sử dụng trong quá trình chăn nuôi, vì thế các doanh nghiệp phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định chung để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Điều này sẽ là lợi thế của Việt Nam bởi trình độ sản xuất các sản phẩm thuốc thú y và thức ăn gia súc của Việt Nam hiện đang được đánh giá tốt. Điều này không chỉ hỗ trợ cho ngành Chăn nuôi phát triển mà còn là cơ hội để Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu chăn nuôi cho các nước. Theo một chuyên gia của ngành Chăn nuôi Việt Nam: "Cơ hội về chăn nuôi hiện nay khá lớn nếu chúng ta biết tổ chức, củng cố lại, tiếp cận nhanh với các tiến bộ kỹ thuật mới, thu hút được các nhà đầu tư mới vào lĩnh vực chăn nuôi. Thu hút được cả công nghệ chế biến và sản xuất theo chuỗi - từ sản xuất đến tiêu thụ. Đặc biệt, phải thay đổi về tư duy, đó là tư duy chấp nhận cạnh tranh".  Còn theo chủ doanh nghiệp Tập đoàn TH True Milk Việt Nam thì khẳng định: "CPTPP ra đời là toàn xã hội được lợi, đặc biệt là người tiêu dùng. Đừng vì những doanh nghiệp khi họ chưa bảo đảm đúng chất lượng để dừng lại hoặc xem đó là khó khăn. Tôi xem thách thức đó là một yếu tố để thúc đẩy cho sản xuất hàng hóa phát triển, buộc những doanh nghiệp ấy phải cạnh tranh một cách khốc liệt và đó là sự lựa chọn thị trường một cách rất tự nhiên".

2. Đối với ngành Trồng trọt

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, Việt Nam đang tiến hành đổi mới ngành Trồng trọt, chuyển đổi cây trồng, phát triển sản xuất quy mô lớn, tập trung gắn với thị trường trên cơ sở phát huy lợi thế các vùng miền. Trong những năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai, bão lũ và biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, song lĩnh vực trồng trọt vẫn đạt được mức tăng trưởng khá. Thời gian qua, cả nước đã xây dựng được hàng nghìn cánh đồng mẫu sản xuất lúa, ngô, lạc, rau, củ, quả… với giá trị thu hoạch cao hơn sản xuất bình thường 15 - 25%; có trên 1/3 số cánh đồng mẫu được doanh nghiệp hỗ trợ ứng vốn để bà con mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, kết quả chuyển đổi cơ cấu đối với sản phẩm lúa gạo đã được khởi động và thực hiện tại những vùng trọng điểm lúa gạo; chuyển những diện tích đất lúa kém hiệu quả, tưới tiêu khó khăn sang gieo trồng các nhóm cây khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản. Năm 2014, cả nước đã chuyển đổi 106 ngàn ha lúa sang trồng các loại rau màu cho hiệu quả kinh tế cao hơn, do xu hướng của thị trường, các loại rau hoa quả được định vị là ngành tiềm năng và mũi nhọn trong tái cấu trúc của lĩnh vực trồng trọt. Cục Trồng trọt đã tích cực phối hợp với các địa phương tập huấn, chuyển giao và triển khai các chương trình thực hành nông nghiệp tốt với khoảng 14.500 ha rau quả được chứng nhận VietGAP, hàng trăm nghìn ha sản xuất "theo hướng VietGAP" nhằm giúp nông dân dễ tiếp cận hơn với sản xuất an toàn. Trong năm qua, có sáu loại cây trồng có tốc độ tăng trưởng cao và mang lại hiệu quả kinh tế lớn nhờ giá trị xuất khẩu tăng, đó là: gạo, cà phê, rau quả, chè, hạt tiêu, hạt điều và sắn. Tuy nhiên, trước thềm hội nhập CPTPP, ngành Trồng trọt Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức do đang trong quá trình tái cơ cấu, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, chưa được đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, quá trình sản xuất gắn với thị trường còn yếu và đặc biệt là các khâu chế biến, bảo quản kém khiến cho tổn thất sau thu hoạch khá cao. Cơ chế chính sách cho doanh nghiệp, người sản xuất, đầu tư hạ tầng, kêu gọi đầu tư vốn FDI còn bất cập. Nông nghiệp chưa thật sự hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam chưa có thương hiệu và phát triển thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt Nam có sức cạnh tranh yếu so với các nước thành viên CPTPP khác.

Để vượt qua những thách thức và nắm bắt cơ hội do CPTPP mang lại, ngành Trồng trọt Việt Nam phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu theo hướng phát triển sản xuất quy mô lớn các loại cây trồng mà Việt Nam có lợi thế, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy nhanh nghiên cứu, khảo nghiệm và đưa vào sử dụng các loại giống tốt, giống chất lượng. Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, thực hành sản xuất tốt; ứng dụng khoa học công nghệ, hiện đại hóa công nghệ, thiết bị chế biến, bảo quản nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất. Đây là một Hiệp định toàn diện thế hệ mới, bao hàm tất cả các vấn đề liên quan đến tự do thương mại, như: Trao đổi hàng hóa, các quy định về xuất xứ, rào cản kỹ thuật, trao đổi dịch vụ, sở hữu trí tuệ và các chính sách của các quốc gia thành viên… Với vị trí là một nước nông nghiệp đang phát triển, Việt Nam chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức khi các điều khoản của Hiệp định có hiệu lực.

Trong lịch sử hình thành và phát triển của Việt Nam, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế có vị trí quan trọng với khoảng 70% dân số làm nông nghiệp. Từ một nước nông nghiệp nghèo nàn lạc hậu, trong những năm qua nhờ có chủ trương, đường lối đúng đắn của Nhà nước, nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, kinh tế hộ gia đình có vai trò chủ yếu và đang chuyển từ kinh tế tự cấp, tự túc sang nền kinh tế hàng hóa, gắn với thị trường. Đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn bằng cách phát triển mạnh các mô hình trang trại lớn, hay các hình thức kinh tế hợp tác khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.

Nhờ những thành tựu đó mà Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo, chè, cà phê và các loại nông, lâm thuỷ sản lớn trên thế giới. Tuy nhiên, trước thềm hội nhập CPTPP, với những quy định khắt khe, minh bạch của pháp luật, sự đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng trong CPTPP, nông nghiệp Việt Nam cần phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội để đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, chuyển đổi sang mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, đăc biệt coi trọng khâu chế biến nhằm bảo đảm chất lượng sản phẩm, tạo khả năng cạnh tranh cao trong môi trường hội nhập nông nghiệp trong CPTPP.

3. Cơ hội và thách thức đối với lĩnh vực nuôi trồng, chế biến thủy hải sản

Việt Nam là một đất nước có điều kiện tự nhiên rất đa dạng với hệ thống sông hồ, kênh rạch chằng chịt và có đến 3.000km bờ biển, bởi vậy có thể nói Việt Nam có điều kiện rất thuận lợi để phát triển kinh tế thủy hải sản.

Trong những năm qua, ngành Thủy hải sản của Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh. Tổng công suất chế biến thủy sản quy mô công nghiệp đạt trên 2 triệu tấn sản phẩm/năm. Sản lượng thủy sản chế biến tiêu thụ nội địa đạt 950 nghìn tấn, tăng trưởng bình quân 3,3%/năm và xuất khẩu đạt khoảng 6 tỉ USD mỗi năm.

Tuy nhiên, những thành tựu này chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam. Để khắc phục tồn tại này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt quy hoạch phát triển chế biến thủy sản toàn quốc đến năm 2020. Theo đó, phấn đấu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu ở mức 10 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 7% năm, tập trung phát triển và giữ vững các thị trường truyền thống và các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi và đặc biệt là các nước tham gia Hiệp định CPTPP.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, năm 2013, 40% thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong khối CPTPP: Hoa Kỳ chiếm hơn 22%, Nhật Bản hơn 17% nhưng giá trị thủy sản của Việt Nam lại thấp do chủ yếu xuất phát từ quy mô nhỏ và thường bị thị trường quốc tế ép giá. Do đó, khi gia nhập CPTPP, thủy sản Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội hợp tác với nước ngoài để nâng cao giá trị sản phẩm.

Là một trong những ngành xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam, song khi tham gia ký kết CPTPP, ngành Thủy sản Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn về khả năng cạnh tranh do giá thành sản xuất nguyên liệu ở Việt Nam đang cao so với mặt bằng chung của các nước tham gia TPP. Ngoài ra, những quy định nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc và các vấn đề liên quan đến quy chuẩn chất lượng trong quá trình chế biến đang trở thành những mối lo của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Theo các chuyên gia của ngành Nông nghiệp, thì CPTPP nói riêng cũng như hàng loạt hiệp định thương mại mà thời gian vừa qua Việt Nam đã ký kết và đã bắt đầu tham gia đã tạo ra một sân chơi rất là lớn cho nông sản Việt Nam. Nông nghiệp Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen với nhau. Hội nhập là một quá trình tất yếu và việc cạnh tranh bình đẳng và tận dụng được cơ hội hay còn gọi là lợi thế cạnh tranh của chúng ta, lợi thế so sánh của chúng ta để chúng ta phát triển nền nông nghiệp, thì đó là quan điểm xuyên suốt mà chúng ta phải thực hiện. Do đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu và hướng tới là phải có những chiến lược để đón đầu.

Có thể khẳng định rằng với tiềm năng và lợi thế của một nước nông nghiệp truyền thống, khi tham gia ký kết CPTPP, Việt Nam sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp. Điều này sẽ mang lại những cơ hội cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam, mang lại cho người tiêu dùng Việt Nam những cơ hội được tiếp cận và sử dụng những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuẩn quốc tế với giá cả cạnh tranh. Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp và các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp Việt Nam thì đây là một bước ngoặt đầy thách thức, buộc họ phải nỗ lực để vượt qua để phát triển và hội nhập.

4. Đánh giá chung

Trước hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Dân số làm trong nông nghiệp bị lão hóa và khó giữ tài năng trẻ làm trong nông nghiệp là những thách thức khác. Theo Tổng cục Dân số, từ năm 2013, Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ lão hóa dân số và hiện vẫn đang là thời kỳ tồn tại song song của lão hóa dân số và dân số vàng, nhưng dân số vàng chỉ kéo dài đến năm 2030 sẽ kết thúc và sau đó mức độ lão hóa tiếp tục tăng lên.

Trong vấn nạn này, nông nghiệp chịu tác động nặng nề hơn bởi nông nghiệp phải chịu cạnh tranh của đô thị, của các ngành công nghiệp và dịch vụ trong thu hút tài năng quản trị cũng như các nguồn nhân lực chất lượng cao. Giữ được nhân lực làm trong nông nghiệp là thách thức, nhất là trong bối cảnh nông nghiệp buộc phải chuyển đổi sang cách làm mới hơn và mạnh mẽ hơn, cũng như trước thảm họa môi trường do con người và do biến đổi khí hậu tạo ra.

Cạnh tranh trong và ngoài nước tăng lên mạnh mẽ, chủ yếu về sức khỏe và an toàn thực phẩm và điều này đã được kiểm chứng.

Vai trò của Nhà nước trong quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội cần phải sắp xếp lại. Trong nông nghiệp cũng vậy, muốn phát triển phải sắp xếp lại quan hệ này, trong đó, Nhà nước có thể tham gia trực tiếp ít hơn trong đầu tư kinh doanh nông nghiệp để nhường chỗ cho doanh nghiệp, nông dân làm nhiều hơn.

Vấn đề tranh chấp tài nguyên nước và vùng biển cũng là vấn nạn lớn của Việt Nam. "Chúng ta rất đau đầu khi con sông Mekong được các nước phía trên thượng nguồn khai thác triệt để và hoàn toàn quên chúng ta phía dưới. Trong khi đó, tranh chấp tài nguyên biển ở biển Đông ảnh hướng lớn đến ngành Thủy sản và phát triển thủy sản Việt Nam".

Và cuối cùng là tác động từ phía công nghệ. Nó có tác động rất tích cực, nhưng đồng thời cũng tạo ra thách thức cho Việt Nam, nhất là về mặt quy chuẩn sản phẩm, cũng như công ăn việc làm giảm đi trong quá trình thay đổi công nghệ, tự động hóa cao,…

Đối với các doanh nghiệp và các hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp Việt Nam thì đây là một bước ngoặt đầy thách thức, buộc họ phải nỗ lực để vượt qua để phát triển và hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Nguyễn Thị Sơn, Nông nghiệp Việt Nam - Những cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập, Tạp chí Khoa học Đại học Sư Phạm Hồ Chí Minh, 2016.

2. Gia Nguyễn, TPP - Cơ hội và thách thức với nông nghiệp Việt Nam, Báo Nhân Dân, 2017.

VIETNAM AGRICULTURE INDUSTRY

BEFORE OPPORTUNITIES AND NEW CHALLENGES

OF INTERNATIONAL ECONOMIC INTEGRATION

Master HA THI THU THUY

ABSTRACT:

In the history of Vietnam's formation and development, agriculture has always been an important economic sector with about 70% of Vietnamese population working in agriculture. From a poor and backward agricultural country, in recent years, thanks to the right guidelines and policies of the state, Vietnam's agriculture has had many positive changes. Economic integration, internationalization will help us have the opportunity to “do business” more equally under the “international rules” of the current international, helping Vietnamese agricultural products access to global markets easier and more convenient. But on the other hand, trading partners also demand that we open our domestic market without discriminating against their goods. This puts agriculture ahead of new opportunities and challenges.

Keywords: Agriculture, opportunities and challenges, international economic integration.