TÓM TẮT:

Chất lượng kiểm tra kế toán là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quản lý nhà nước và nguồn thu của ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, tại địa bàn thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói riêng và cả nước nói chung, chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM vẫn còn nhiều hạn chế. Bằng phương pháp thống kê mô tả, thống kê so sánh, đánh giá độ tin cậy Cronbach's Alpha, kỹ thuật phân tích nhân tố khám phá (EFA), phân tích hồi quy đã được sử dụng, nghiên cứu này nhằm mục đích xác định các yếu tố tác động đến chất lượng kiểm tra kế toán, để từ đó đưa ra những đề xuất nhằm nâng cao công tác này tại Thanh tra TP. HCM. Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, chất lượng kiểm tra kế toán tại Thanh tra TP. HCM chịu ảnh hưởng bởi 5 nhân tố, bao gồm: Hệ thống chính sách; Tính rõ ràng, minh bạch; Năng lực của cán bộ thanh tra, kiểm tra; Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị; Ứng dụng công nghệ. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số kiến nghị cho chất lượng kiểm tra kế toán tại Thanh tra TP. HCM ngày càng hoàn thiện hơn.

Từ khóa: Nhân tố ảnh hưởng, chất lượng kiểm tra kế toán, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM.

1. Giới thiệu

Thanh tra là hoạt động của cơ quan thanh tra nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân (Trường cán bộ Thanh tra, 2010). Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thanh tra cần có sự đầu tư tốt và phải có cơ chế quản lý phù hợp. Để đáp ứng được yêu cầu đó, chất lượng kiểm tra kế toán là một trong những nhân tố quan trọng góp phần quản lý nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM.

Thanh tra TP. HCM phụ trách 24 thanh tra quận, huyện và 21 sở ngành về quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chất lượng kiểm tra kế toán được hoàn thiện sẽ giúp cho việc thanh tra, kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp được hiệu quả hơn. Thực trạng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp tại Thanh tra TP. HCM còn nhiều hạn chế. Hiện nay đội ngũ còn bộc lộ một số hạn chế như tuy đã đảm bảo về lượng nhưng chưa đáp ứng về chất, xét theo từng mặt thì chất lượng chưa đồng đều, vẫn còn bất cập so với yêu cầu. Cán bộ trẻ tuy được đào tạo cơ bản nhưng chưa có kinh nghiệm trong giải quyết tình huống, thiếu kinh nghiệm trong ứng xử với đơn vị kiểm tra, chưa chịu khó học hỏi kinh nghiệm thực tiễn và chuyên môn. Cán bộ lớn tuổi tuy có kinh nghiệm xử lý công việc nhưng khả năng tiếp cận công nghệ thông tin còn chậm... Do đó, vấn đề hoàn thiện, chất lượng kiểm tra kế toán có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra kế toán tại Thanh tra TP. HCM. Đã có một số nghiên cứu liên quan đến vấn đề này ở Việt Nam như của Trần Thị Quỳnh (năm 2013), Trần Thu Hằng (năm 2014), Phan Thị Thu Mai (năm 2012), Lê Thành Huyên (năm 2014)… Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đánh giá các nhân tố tác động đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM nhằm tăng cường công tác thanh tra kiểm tra phục vụ cho hoạt động thanh tra, kiểm tra kế toán tại Thanh tra TP. HCM.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Chất lượng kiểm tra kế toán là một công việc rất quan trọng trong công tác thanh kiểm tra tài chính của Thanh tra TP. HCM. Hiện tại có rất ít nghiên cứu đi sâu vào công tác kiểm tra kế toán, tài chính về mặt định lượng; phần lớn các nghiên cứu đều đi sâu vào một số mặt như yếu tố ảnh hưởng đến việc giám sát tuân thủ về thuế, ngân sách nhà nước, công tác kiểm toán… Nghiên cứu của tác giả Robert Montgomery (1905) trong tác phẩm “Lý thuyết và thực hành kiểm toán” đã đề cập đến hệ thống kiểm tra, thanh tra kế toán. Chất lượng của hệ thống kế toán sẽ được tăng cường với một hệ thống kiểm soát chặt chẽ. Nghiên cứu để đề ra những vấn đề quan trọng trong lý thuyết kiểm tra kế toán và thực hành kiểm toán nhằm cung cấp thông tin cho công tác quản lý doanh nghiệp. Tác giả Merchant, K.A (1985) về “Control in Business organization” (Kiểm soát trong tổ chức kinh doanh), trong nghiên cứu này, tác giả đã đề cập đến chất lượng của công tác kiểm tra kế toán của doanh nghiệp, các yếu tố được đề cập như lãnh đạo, quy trình kiểm soát, hệ thống sổ sách, hệ thống tổ chức kế toán... Đi sâu vào vấn đề này, khi phân tích về công tác thanh, kiểm tra thì bản chất việc sai sót, gian lận được phân tích theo mô hình tam giác gian lận của Donal (1987). Donal (1987) phân tích gian lận dưới góc độ cố tình làm sai, thông qua cuộc khảo sát 200 trường hợp gian lận nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật trên. Kết quả nghiên cứu Donald đã đưa mô hình tam giác gian lận (Fraud triangle) và hành vi gian lận chỉ được thực hiện trên cơ sở hội đủ 3 nhân tố sau: cơ hội, động cơ và thái độ, cá tính hay hợp lý hóa hành vi gian lận của con người.

Dựa trên các nghiên cứu như nghiên cứu của Dương Thị Hương Liên (năm 2013), “Xây dựng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh và đồng bộ”; nghiên cứu của Đậu Ngọc Châu và Nguyễn Viết Lợi (năm 2009) với giáo trình “Lý thuyết kiểm toán” của Học viện Tài chính và các nghiên cứu khác; Thông qua lược khảo các tài liệu nghiên cứu trong và ngoài nước và thảo luận nhóm (nghiên cứu định tính) với 15 chuyên gia, chúng tôi đã xây dựng được mô hình nghiên cứu được cho là có ảnh hưởng đến chất lượng công tác kiểm tra kế toán.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Việc phân tích được tiến hành qua 3 bước:

Bước 1: Sử dụng hệ số tin cậy Cronbach's Alpha để kiểm định mức độ chặt chẽ của các thang đo tương quan với nhau:

Bước 2: Sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khám phá (EFA) để kiểm định các nhân tố ảnh hưởng và nhận diện các nhân tố được cho là phù hợp với việc phân tích mức độ hài lòng của người dân;

Bước 3: Sử dụng mô hình hồi quy đa biến để đánh giá ảnh hưởng của từng nhân tố đến chất lượng công tác kiểm tra kế toán.

Dữ liệu của nghiên cứu được thu thập theo phương pháp chọn mẫu thuận tiện trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 đến tháng 3/2017. Quá trình thực hiện nghiên cứu đã có khoảng 270 bảng câu hỏi khảo sát được tác giả phát ra với các đối tượng là cán bộ thanh tra thành phố, thanh tra thuế, thanh tra Sở Tài chính, thanh tra 24 quận huyện trên địa bàn TP. HCM. Sau cuộc khảo sát tác giả thu được 255 phản hồi, trong đó có 248 bảng trả lời hợp lệ (vượt trên số mẫu tối thiểu) (Hair và cộng sự, 1992). Thang đo Likert 5 mức độ được sử dụng để đo lường các khái niệm nghiên cứu trong mô hình phân tích nhân tố với mức độ từ 1 đến 5 (với 1: Rất không đồng ý, 5: Rất đồng ý).

3. Kết quả nghiên cứu và thảo luận

3.1. Thông tin mẫu nghiên cứu

Trong 248 mẫu nghiên cứu hợp lệ thu về, thống kê cơ cấu mẫu chúng tôi thấy có sự chênh lệch nhiều về đặc điểm loại hình đơn vị trong đó: Thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo là 94 mẫu (chiếm 32%); Thanh tra lĩnh vực kinh tế - xã hội là 154 mẫu (chiếm 62%). Về giới tính, trong đó tỷ lệ giữa nam là 92 mẫu (chiếm 36,2%), tỷ lệ nữ là 156 mẫu (chiếm 63,8%). Điều này khá đúng với thực tế vì số lượng thanh tra lĩnh vực kinh tế - xã hội chiếm nhiều hơn thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo và phần đa các thanh tra viên kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp thì nhân viên nữ đang làm việc chiếm chủ yếu. Như vậy, mẫu khảo sát có tính đại diện cho đám đông tương đối cao (mẫu tổng thể mẫu từng nhóm theo đặc điểm để phân tích thống kê.

3.2. Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo

Kết quả kiểm định độ tin cậy của thang đo đã cho thấy: Thang đo các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM, hệ số Cronbach's Alpha tổng các thang đo thành phần đa số đều lớn hơn 0,7 (> 0,7), thấp nhất là yếu tố thuộc thang do Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị (BM1 - 0,791), cho thấy thang đo được sử dụng là tốt (Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc, 2008). Các hệ số tương quan biến - tổng đều lớn hơn 0,3, trong đó thấp nhất là yếu tố Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị (BM2 = 0,645 > 0,3). Do vậy, không biến nào bị loại khỏi mô hình.

3.3. Kết quả phân tích nhân tố

Phân tích nhân tố khám phá (EFA) cho biến phụ thuộc là chất lượng kiểm tra kế toán đều có hệ số tin cậy Cronbach's Alpha > 0.6, các biến quan sát này được đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA. Kết quả sau khi phân tích EFA cho thấy hệ số KMO của nhóm biến chất lượng kiểm tra kế toán là 0.755, thỏa điều kiện 0.5 < KMO < 1 với mức ý nghĩa là Sig.= 0.000 trong kiểm định Barletts (Sig<0.05) (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Điểm dừng khi rút trích các nhân tố tại eigenvalues =3.026> 1, tổng phương sai trích được là 75.647%, 27 biến quan sát đều có hệ số tải nhân tố > 0.5; điều này thể hiện kết quả phân tích nhân tố là phù hợp và số nhân tố trích được là 1 hoàn toàn phù hợp với lý thuyết về chất lượng kiểm tra kế toán.

Phân tích EFA cho 5 biến độc lập được thực hiện với giả thuyết H0: Các biến quan sát không có sự tương quan nhau trong tổng thể. Kết quả phân tích thu được tóm tắt như sau: Kiểm định Barlett: Sig = 0.000 < 5%: Bác bỏ giả thuyết H0, các biến quan sát trong phân tích EFA có tương quan với nhau trong tổng thể. Dựa vào kết quả phân tích EFA, các nhân tố rút trích ra của các giả thuyết nghiên cứu chính đều đạt yêu cầu. Do đó, mô hình nghiên cứu để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM, gồm 5 biến thành phần là: (1) Hệ thống chính sách, (2) Tính rõ ràng, minh bạch, (3) Năng lực của cán bộ thanh tra, kiểm tra, (4) Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị, (5) Ứng dụng công nghệ được chấp nhận.

3.4. Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính

Kết quả phân tích hồi quy tuyến tính được trình bày ở Bảng 1.1 cho thấy hệ số R2 hiệu chỉnh là 0.625, điều đó có nghĩa là 62,5% được giải thích bởi các nhân tố được đưa vào mô hình nghiên cứu. Hệ số mức ý nghĩa của mô hình (Sig.F = 0,000) < mức ý nghĩa 5%. Điều đó có ý nghĩa là sự kết hợp của các biến độc lập hiện có trong mô hình có thể giải thích được sự biến thiên của biến phụ thuộc.

Mô hình hồi quy tuyến tính đã xây dựng là phù hợp với tập dữ liệu hiện có. Hệ số Durbin-Watson và hệ số VIF của mô hình cho thấy hiện tượng tự tương quan và đa cộng tuyến không đáng kể. Kết quả phân tích còn cho thấy, các biến đưa vào mô hình thì đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1% (Sig. < 1%).

Mô hình nghiên cứu xác định các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP.HCM với hệ số “Beta” chuẩn hóa được thiết lập có dạng hàm như sau:

CLKT = 0. 481* CN + 0.351* CS + 0.321* NL+ 0. 301* BM + 0. 286* MB

Theo kết quả bảng thông số thống kê của từng biến trong mô hình hồi quy cho thấy tầm quan trọng của các biến này trong mô hình đối với chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM.  

4. Kết luận và đề xuất

Kết quả thu được cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM có 5 nhân tố chính: Hệ thống chính sách; Tính rõ ràng, minh bạch; Năng lực của cán bộ thanh tra, kiểm tra; Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị; Ứng dụng công nghệ. Trong đó, nhân tố có tác động mạnh nhất đến chất lượng kiểm tra kế toán là “Ứng dụng công nghệ” với hệ số Beta chuẩn hóa là (+0,418); thứ hai là “Hệ thống chính sách” với hệ số Beta chuẩn hóa là (+0.351); thứ ba là nhân tố “Năng lực của cán bộ thanh tra, kiểm tra” có hệ số Beta chuẩn hóa là (+0.321); thứ tư là nhân tố “Công tác tổ chức và bộ máy của đơn vị” (Hệ số Beta chuẩn hóa là 0. 301); thứ năm là nhân tố “Tính rõ ràng, minh bạch” (Hệ số Beta chuẩn hóa là 0. 286). Phân tích ANOVA để đánh giá những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra công tác kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM. Đây là cơ sở quan trọng để tác giả đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa trong chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM trong thời gian tới.

Thứ nhất: Đầu tư trang thiết bị làm việc cho cán bộ thanh tra để xử lý số liệu nhanh chóng và chính xác và thường xuyên nâng cấp các phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mới hỗ trợ tối đa công việc xử lý số liệu kiểm tra kế toán. Việc đầu tư vào ứng dụng công nghệ còn giúp cho cán bộ thanh tra góp phần tiết kiệm nhân lực và hỗ trợ phát hiện sai phạm trong quá trình kiểm tra. Đồng thời, gia tăng nguồn thu ngân sách do các sai phạm được phát hiện.

Thứ hai: Không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kế toán. Cần có chiến lược dài hạn trong việc đào tạo bồi dưỡng đội ngũ quản lý, đặc biệt là kế toán trưởng. Đồng thời, có chính sách khuyến khích nhân viên kế toán nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tiếp xúc được với các văn bản hướng dẫn của cấp trên, nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm, kỷ luật và ý thức chấp hành công việc...

Thứ ba: Rà soát lại chế độ kế toán đối với đơn vị sự nghiệp, đảm bảo hạch toán đầy đủ thu, chi. Xây dựng các quy định về tiêu chuẩn, định mức trong sử dụng tài sản công (như trụ sở làm việc, máy móc thiết bị...) trong đơn vị sự nghiệp được quy định và hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh và tình hình thực tế. Đồng thời, cơ quan thanh tra cần xây dựng quy trình kiểm tra kế toán đối với các đơn vị sự nghiệp để giúp cho các công chức trẻ chưa có kinh nghiệm trong việc kiểm tra kế toán làm việc nhanh chóng hiệu quả.

Thứ tư: Rà soát, thống kê trình độ CBCC để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý, đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Cần chú trọng và có kế hoạch, chương trình cụ thể về công tác đào tạo, bồi dưỡng vì đây là tiền đề để bố trí, sử dụng cán bộ công chức các chức danh, vị trí công tác phù hợp. Thường xuyên tổ chức các lớp chuyên sâu về nghiệp vụ thanh tra kế toán tại đơn vị cho toàn bộ công chức tại cơ quan để trao đổi, học tập, rút kinh nghiệm trong thực thi nhiệm vụ. Ngoài ra cần tham gia các khóa đào tạo của ngành trong các đợt tập huấn, trao đổi kinh nghiệm. Cần cử đúng người, đúng số lượng tham gia các khóa đào tạo và có biện pháp khích lệ, khuyến khích tham gia các khóa đào tạo; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực tế sau đào tạo. Thực hiện đào tạo đội ngũ chuyên gia giỏi trong lĩnh vực kế toán để bồi dưỡng họ thành những chuyên gia nòng cốt để làm công tác tham mưu cho lãnh đạo trong việc xử lý các sai phạm trong kế toán…

Thứ năm: Rà soát, đánh giá lại bộ máy kế toán cả về số lượng lẫn trình độ nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức. Trên cơ sở đó tiến hành sắp xếp lại bộ máy kế toán theo hướng tinh, gọn, nhẹ. Bố trí con người phù hợp với năng lực, trình độ, công việc đang đảm nhận nhằm phát huy cao nhất khả năng làm việc có thể của cán bộ. Hàng năm cần xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo cán bộ phù hợp với công việc và hướng phát triển của đơn vị. Có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ tự học tập để nâng cao trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học... Chú trọng đào tạo đối với số cán bộ mới được tuyển dụng.

Tóm lại: Nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng kiểm tra kế toán tại các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM sẽ cho chúng ta thấy rõ hơn các nhân tố ảnh hưởng đến công tác tổ chức kế toán, từ đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở để ban hành chính sách, quyết định nhằm góp phần hiệu quả trong công tác thanh tra, kiểm tra tại đơn vị sự nghiệp trên địa bàn TP. HCM ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1.Merchant, K.A (1985), Control in Business organization, Piman, Boston, MA.

2. Lê Kim Ngọc (2009). Luận án tiến sĩ kinh tế, Tổ chức công tác kế toán với tăng cường quản lý tài chính cơ sở y tế Việt Nam. Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hà Nội.

3. Hair, Anderson, Tatham, Black. (1998). Multivariate Data Analysis,. Prentical-Hall International.

4. Nguyễn Thị Minh Hường (2004). Luận án tiến sĩ kinh kế, Tổ chức kế toán ở các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo. Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Hà Nội.

5. Dương Thị Hương Liên (2013), Xây dựng thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh và đồng bộ, Trang Web: http://tapchitaichinh.vn/co-che-chinh-sach/binh-luan-chinh-sach/xay-dung-thi-truong-dich-vu-ke-toan-kiem-toan-hoan-chinh-va-dong-bo-24946.html, truy cập ngày 11/4/2018

6. Soderstrom, Naomi S., & Sun, Kevin J., (2007). IFRS Adoption and Accounting Quality: A Review, European Accounting Review. Vol 16,Issue 4, pages 675-702.

7. Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM (2017). Báo cáo tổng kết công tác năm 2017, TP. HCM.

8. Huỳnh Nguyễn Thanh Trúc (2015). luận văn Thạc sĩ, Đánh giá các nhân tố tác động đến tổ chức công tác kế toán tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành Xây dựng trên địa bàn TP. HCM. Đại học Công nghệ TP. HCM.

9. Nguyễn Đình Thọ (2011). Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh. NXB Lao động Xã hội.

10. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008). Phân tích dữ liệu nghiên cứu với SPSS. NXB Thống kê.

FACTORS IMPACTING ON THE QUALITY OF ACCOUNTING INSPECTION AT PUBLIC SERVICES UNITS IN HO CHI MINH CITY

● Assoc. Prof, Ph.D. NGUYEN QUYET THANG

Dean of Faculty of Tourism and Hospitality,

Hochiminh City University of Technology (Hutech)

NGUYEN DUY KHANH NGOC

Thanh tra Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

The quality of accounting inspection plays a key role in the State’s revenue management. However, the accounting inspection at public services units in Ho Chi Minh City in particular and in other localities in Vietnam in general has posed some limitations. By using descriptive statistics, comparative statistics, Cronbachs Alpha reliability statistics, Exploratary Factor Analysis (EFA) and regression analysis, this research is to identify factors impacting on the quality of accounting inspection to improve the efficiency of inspection activities in Ho Chi Minh City. The results show that five factors affecting the quality of accounting inspection are (1) Policy system, (2) Transparency, (3) Capacity of inspectors, (4) Structure of units and (5) Technology application. Based on results, the author proposes some recommendations to improve the quality of inspections in Ho Chi Minh City.

Keyword: The influencing factors,  the quality of accounting inspection, the public service units in Ho Chi Minh City.