Nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và những nhân tố tác động đến phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam

ThS. NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA - ThS. NGUYỄN THU HIỀN (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Du lịch (DL) bền vững đã trở thành nhu cầu tất yếu đối với tất cả những quốc gia muốn duy trì sự phát triển một cách hiệu quả và lâu dài. Bài viết nghiên cứu lý luận và thực tiễn, từ đó đề xuất bộ tiêu chí đánh giá và nghiên cứu 4 nhân tố tác động đến phát triển DL bền vững tại Việt Nam như: Năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về DL; Ý thức trách nhiệm của khách DL, cơ sở kinh doanh DL và cộng đồng dân cư địa phương; Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đối với phát triển DL và mức độ ổn định của môi trường pháp lý, chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng; Sự liên kết, hợp tác DL giữa các địa phương trong nước và quốc tế, giữa DL và các ngành, lĩnh vực liên quan.

Từ khóa: Tiêu chí đánh giá, nhân tố tác động, du lịch bền vững, phát triển du lịch.

1. Đặt vấn đề

Ngày nay, DL đã trở thành một nhu cầu cần thiết trong đời sống, xã hội. Trong xu hướng phát triển, DL ngày càng được coi trọng trong cán cân kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác một cách hợp lý và đảm bảo tính lâu dài của tài nguyên DL lại là điều thực sự cần phải xem xét.

Trên thực tế, phát triển DL dựa vào hai yếu tố tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Nếu một trong hai trụ cột này bị mất đi thì DL phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trầm trọng. Do vậy, để phát triển DL, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất mà rất nhiều quốc gia trên thế giới đã lựa chọn đó là “Phát triển DL bền vững”.

DL bền vững đã và đang trở thành một xu hướng mới không chỉ của riêng một quốc gia mà còn là của toàn thế giới. Trong quá trình phát triển kinh tế toàn cầu, môi trường đang ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng. Sự phát triển bền vững của một quốc gia nói chung phải được đảm bảo một cách thống nhất và đồng thời trên cả ba mặt: Kinh tế, Văn hóa xã hội và Môi trường. Tức là, phải phát triển hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, các mục tiêu xã hội và bảo vệ môi trường.

Ý thức được điều này, ở Việt Nam, quan điểm phát triển DL bền vững cũng đã và đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều điểm và khu DL. Việt Nam có tiềm năng DL rất lớn với những lợi thế về cảnh sắc thiên nhiên, nhiều điểm đến DL hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển DL hiện nay, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi những vấn đề bất cập chung của ngành DL.

Hiện nay, Việt Nam đang phải gánh chịu những hậu quả của việc quy hoạch phát triển DL một cách tự phát chỉ vì những mục đích thương mại trước mắt mà không có tầm nhìn xa về tương lai. Điều này gây ra những ảnh hưởng xấu cho môi trường và sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để phát triển DL Việt phải đi đôi với việc bảo tồn các di tích, các giá trị truyền thống vốn có, cũng như bảo vệ cảnh quan môi trường.

Vì vậy, việc nghiên cứu các tiêu chí đánh giá và các nhân tố tác động đến phát triển DL bền vững tại Việt Nam hiện nay là rất cần thiết và cấp bách. Từ đó, giúp DL bền vững phát triển và trở thành hướng đi mới, tạo lợi thế cạnh tranh cho DL Việt trong giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Các tiêu chí đánh giá phát triển DL bền vững

Nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra các bộ chỉ số bền vững trong phát triển DL, một trong số đó phải kể đến Bộ tiêu chuẩn DL bền vững toàn cầu do Hội đồng DL toàn cầu (GSTC) xây dựng, bao gồm 4 nhóm chỉ số thể hiện như Bảng sau: (Xem Bảng)

Bảng. Bốn nhóm chỉ số

bon_nhom_chi_so

Trong đó:

- Quản lý bền vững, hiệu quả, gồm: (1) Thực hiện một hệ thống quản lý bền vững, lâu dài, phù hợp với quy mô và thực lực, quan tâm giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, chất lượng, sức khỏe và an toàn; (2) Tuân thủ pháp luật và các quy định quốc gia, quốc tế; (3) Nhân viên được đào tạo định kỳ về vai trò trong quản lý áp dụng về môi trường, kinh tế - xã hội, văn hóa, sức khỏe và an toàn; (4) Đánh giá sự hài lòng của khách hàng để có sự điều chỉnh phù hợp; (5) Quảng cáo sản phẩm DL đúng sự thật, cam kết bền vững và không hứa hẹn những điều không có; (6) Thiết kế, xây dựng, cải tạo và vận hành cơ sở hạ tầng đảm bảo tuân thủ pháp luật, quy hoạch, tôn trọng di sản, sử dụng vật liệu địa phương; (7) Sở hữu hợp pháp đất đai và tài sản theo các quy định pháp luật của địa phương; (8) Cung cấp thông tin, diễn giải về thiên nhiên, di sản, văn hóa cũng như hướng dẫn cách ứng xử phù hợp cho du khách khi tham quan tại điểm đến DL.

- Gia tăng lợi ích kinh tế - xã hội cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu các tác động tiêu cực, gồm: (1) Tích cực ủng hộ các sáng kiến phát triển cơ sở hạ tầng xã hội và hỗ trợ phát triển cộng đồng; (2) Cộng đồng địa phương được ưu tiên tuyển dụng và đào tạo; ưu tiên sử dụng hàng hóa và dịch vụ sản xuất tại địa phương, trừ khi sản phẩm không phù hợp; (3) Tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất nhỏ của địa phương phát triển và bán các sản phẩm bền vững dựa trên những đặc thù về thiên nhiên, lịch sử văn hóa của khu vực; (4) Có quy tắc xử sự phù hợp với các hoạt động của cộng đồng bản địa; (5) Chống bất kỳ hành vi khai thác và áp bức nào về thương mại và tình dục, đặc biệt đối với trẻ em, phụ nữ và người thiểu số; (6) Đối xử công bằng trong tuyển dụng các lao động phụ nữ và người dân tộc thiểu số, không được sử dụng lao động trẻ em; (7) Tuân thủ các quy định của pháp luật quốc gia và quốc tế về quyền của người lao động; (8) Các hoạt động DL không được gây nguy hiểm cho nguồn dự trữ cơ bản hay hệ thống vệ sinh của cộng đồng; (9) Các hoạt động DL không gây ảnh hưởng đến sinh kế của người dân địa phương.

- Gia tăng lợi ích đối với các di sản văn hóa và giảm thiểu những tác động tiêu cực, gồm: (1) Tuân thủ các hướng dẫn và quy tắc ứng xử khi tham quan các điểm văn hóa hay lịch sử nhạy cảm; (2) Các đồ tạo tác lịch sử hoặc giả cổ không được phép mua bán, kinh doanh hay trưng bày, trừ khi được phép; (3) Đóng góp cho công tác bảo tồn di tích, tài sản giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ, có ý nghĩa tinh thần, tuyệt đối không cản trở việc tiếp cận của cư dân địa phương; (4) Tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của cộng đồng địa phương khi sử dụng các yếu tố về nghệ thuật, kiến trúc hoặc di sản văn hóa địa phương trong hoạt động kinh doanh, thiết kế, trang trí, ẩm thực.

- Tối đa hóa lợi ích đối với môi trường và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực, gồm: (1) Bảo tồn các nguồn tài nguyên; (2) Giảm ô nhiễm; (3) Bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên.

Bộ tiêu chuẩn nói trên đã đưa ra các chỉ số khá chi tiết về DL bền vững. Song chưa đề cập nhiều đến các chỉ số đánh giá bền vững về kinh tế; nhiều tiêu chí không thể định lượng nên việc áp dụng còn gặp khó khăn.

Trong nước, nhiều công trình nghiên cứu đã đưa ra một số tiêu chí về phát triển DL bền vững ở các mức độ cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có một bộ tiêu chí thống nhất cũng như chưa có bộ tiêu chí nào đề ra đầy đủ các giá trị cụ thể cần đạt được trong mỗi nhóm tiêu chí.

Từ nghiên cứu và phân tích, nhóm tác giả đề xuất một bộ tiêu chí đánh giá phát triển DL bền vững có thể áp dụng và khả thi hơn trong điều kiện thực tế của các địa phương Việt Nam.

Quan điểm xây dựng bộ tiêu chí:

- Xác định các giá trị, giới hạn cần đạt được.

- Các tiêu chí phải phù hợp với nội dung của phát triển DL bền vững, đồng thời có khả năng tính toán hoặc điều tra được ở mức độ cao nhất có thể trong điều kiện của các địa phương.

- Các giới hạn cần đạt của tiêu chí được đề xuất phù hợp với yêu cầu, nguyên tắc phát triển DL bền vững; đồng thời phải khả thi trong điều kiện thực tế của các địa phương cấp tỉnh ở Việt Nam hiện nay.

Nội dung bộ tiêu chí:

+ Tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế bền vững

  • Tốc độ tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng giá trị tăng thêm của DL: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đề ra chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm của Việt Nam là 6,5 - 7%/năm. Do đó, nhóm tác giả đề xuất giới hạn của tiêu chí này là không dưới 7%/năm. Giới hạn này cần đạt được ổn định, liên tục không dưới 5 năm.
  • Đóng góp của giá trị tăng thêm ngành DL vào GRDP của địa phương: Đóng góp của giá trị tăng thêm ngành DL vào GRDP địa phương ngày càng tăng.
  • Sự phù hợp với lợi thế địa phương, tính đa dạng, bền vững của sản phẩm DL: Mức độ phù hợp để đánh giá sự phát triển bền vững của sản phẩm DL là phải phù hợp với chiến lược phát triển sản phẩm DL của địa phương đó, bởi chiến lược của mỗi địa phương thường được xây dựng trên cơ sở đã cân nhắc, tính toán khoa học các yếu tố liên quan, hướng tới khai thác, phát huy tốt nhất đặc thù tiềm năng, lợi thế tài nguyên DL.
  • Lượng vốn và cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho DL: Được huy động và cơ cấu phù hợp với phân kỳ theo quy hoạch tổng thể phát triển DL của địa phương.
  • Số lượng, chất lượng nguồn lao động DL: Các chỉ số về phát triển nguồn nhân lực DL, bao gồm cả số lượng và chất lượng, đã được tính toán phù hợp và cân đối với các mục tiêu phát triển bền vững khác.
  • Mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường và công nghệ thông tin: Mức độ phải tăng dần liên tục, đồng thời giai đoạn 2020 - 2025 có bình quân trên 60% cơ sở kinh doanh DL sử dụng Internet phục vụ hoạt động quảng bá, giới thiệu hình ảnh và có sự chủ động áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong các hoạt động liên quan đến đầu tư, kinh doanh DL. Tỷ lệ này phải tăng lên 10% cho mỗi giai đoạn 5 năm tiếp theo.
  • Tăng trưởng lượng khách DL: Giới hạn cần đạt của chỉ số này được xác định tương ứng với giới hạn của chỉ số về tăng trưởng giá trị tăng thêm (chỉ số đầu của bộ tiêu chí), cụ thể là không dưới 7%/năm, ổn định không dưới 5 năm.
  • Chi tiêu bình quân của khách DL: Tăng dần liên tục không dưới 5 năm; không thấp hơn trung bình chỉ số này của DL cả nước.
  • Mức độ hài lòng của du khách: Không dưới 80%, ổn định.

- Tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế bền vững thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội và gắn liền với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa

  • Tỷ lệ người dân được lấy ý kiến về quy hoạch, chủ trương đầu tư dự án DL trước khi triển khai: 100% chủ hộ trong vùng dự án.
  • Mức độ tạo việc làm cho cộng đồng địa phương từ DL: Cao hơn tỷ lệ tạo việc làm mới bình thường trước khi có dự án DL trên địa bàn, không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
  • Đóng góp cho xóa đói giảm nghèo và tạo cơ hội nâng cao thu nhập, hưởng lợi cho cộng đồng bản địa từ DL: Tăng dần, không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
  • Đóng góp của DL cho bảo vệ tài nguyên DL nhân văn: Chủ động, tích cực, không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận.
  • Mức độ hài lòng của cộng đồng địa phương đối với hoạt động DL: Không dưới 80% người dân trong cộng đồng ghi nhận, ổn định.

- Tiêu chí đánh giá tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ tài nguyên DL tự nhiên và môi trường sinh thái

  • Tỷ lệ các khu, điểm tài nguyên DL được quy hoạch: 100%.
  • Tỷ lệ khu, điểm tài nguyên DL đang khai thác được đầu tư tôn tạo và bảo vệ đáp ứng yêu cầu chống suy giảm tài nguyên, bảo vệ môi trường: Tăng dần liên tục không dưới 5 năm; giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 60%, mỗi 5 năm tiếp theo, tỷ lệ này tăng thêm không dưới 10%.
  • Chất lượng môi trường (nước, không khí, rác thải, âm thanh, ánh sáng...) tại các khu, điểm DL: Không vượt ngưỡng theo các quy chuẩn, tiêu chí và chỉ tiêu cụ thể về môi trường do cơ quan chức năng quy định cho từng thời kỳ.
  • Ý thức trách nhiệm của du khách với tài nguyên DL và môi trường: Tuân thủ nội quy, quy chế bảo vệ tài nguyên, môi trường tại nơi DL; tỷ lệ bị xử lý vi phạm dưới 1% so với tổng số du khách; không có vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
  • Ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư bản địa với tài nguyên DL và môi trường: Tuân thủ quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường của địa phương và tuân thủ cam kết bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tỷ lệ vi phạm bị xử lý hàng năm dưới 1% so với tổng số người dân của cộng đồng; không có vi phạm dẫn tới hậu quả nghiêm trọng.
  • Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh DL với tài nguyên DL và môi trường: Tuân thủ nội quy, quy chế bảo vệ tài nguyên, môi trường tại nơi DL; tỷ lệ bị xử lý vi phạm hàng năm dưới 1% so với tổng số cơ sở; không có vi phạm đem lại hậu quả nghiêm trọng.

2.2. Những yếu tố cơ bản tác động đến phát triển DL bền vững

Sự phát triển của DL chịu tác động của nhiều yếu tố như năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về DL, ý thức trách nhiệm của các chủ thể tham gia quan hệ DL, tài nguyên DL, môi trường chính trị, kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khu vực, địa phương, các yếu tố toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu toàn cầu.

  • Năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về DL

Theo Điều 10 Luật DL của Việt Nam, quản lý nhà nước về DL nói chung bao gồm các nội dung: (1) Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển DL; (2) Xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật trong hoạt động DL; (3) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và thông tin về DL; (4) Tổ chức, quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ; (5) Tổ chức điều tra, đánh giá tài nguyên DL để xây dựng quy hoạch phát triển DL, xác định khu DL, điểm DL, tuyến DL, đô thị DL; (6) Tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về DL; hoạt động xúc tiến DL ở trong nước và nước ngoài; (7) Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về DL phù hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý phát triển DL; (8) Cấp, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận về hoạt động DL; (9) Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về DL.

  • Ý thức trách nhiệm của khách DL, cơ sở kinh doanh DL và cộng đồng dân cư địa phương

Khách DL:

Khách DL chính là người tạo nên thu nhập DL và trực tiếp tác động đến tài nguyên DL. Yếu tố trách nhiệm của du khách có tác động, ảnh hưởng quan trọng đến phát triển DL bền vững. Chiều hướng tác động tùy thuộc vào mức độ trách nhiệm, thái độ và hành vi ứng xử của du khách với tài nguyên DL, với cộng đồng dân bản địa khi tiêu dùng sản phẩm DL.

Cơ sở kinh doanh DL:

Hoạt động của cơ sở kinh doanh DL tác động trực tiếp đến tài nguyên DL, môi trường tự nhiên, xã hội và cộng đồng dân cư nơi có hoạt động DL. Cơ sở kinh doanh có trách nhiệm sẽ có ý thức sử dụng hiệu quả, hợp lý tài nguyên và các nguồn lực DL khác để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế DL bền vững, chia sẻ lợi ích với cộng đồng, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Ngược lại, sẽ gây ảnh hưởng lớn đến phát triển DL bền vững.

Cộng đồng địa phương:

Cộng đồng địa phương cũng là những người trực tiếp, thường xuyên tiếp xúc với tài nguyên DL. Do đó, ý thức trách nhiệm của cộng đồng địa phương có tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển DL bền vững, với chiều hướng và mức độ tác động tùy thuộc mức độ trách nhiệm của cộng đồng khi tham gia các hoạt động DL.

  • Trình độ phát triển kinh tế - xã hội, chính sách đối với phát triển DL và mức độ ổn định của môi trường pháp lý, chính trị - xã hội, an ninh - quốc phòng

Nhân tố này có tác động rất lớn đến khả năng và xu hướng phát triển bền vững ngành DL của đất nước, địa phương đó. Kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương phát triển ở trình độ nào thì ngành DL sẽ có được cơ sở, tiền đề, nền tảng (bao gồm cả nền tảng về hạ tầng, cơ sở vật chất, nguồn lực tài chính, nền tảng về văn hóa, trình độ tổ chức xã hội, trình độ dân trí) và môi trường, điều kiện cho sự phát triển của mình ở mức độ đó. Quan điểm cũng như chính sách của địa phương và quốc gia đối với ngành DL có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển DL bền vững.

  • Sự liên kết, hợp tác DL giữa các địa phương trong nước và quốc tế, giữa DL và các ngành, lĩnh vực liên quan

Mức độ liên kết, phối hợp giữa các ngành liên quan với DL là yếu tố hết sức quan trọng, có tác động trực tiếp đến phát triển DL bền vững. Nếu phối hợp tốt sẽ tác động tích cực, giảm chi phí phát triển, giảm nguy cơ xung đột quan điểm phát triển, sự liên kết theo chuỗi còn tác động trực tiếp đến hiệu quả tăng trưởng của từng ngành, để mỗi ngành đều có sự phát triển bền vững hơn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững chung của cả nền kinh tế.

3. Các kết quả nghiên cứu dự kiến và hạn chế

Lợi ích mà DL bền vững mang lại là rất lớn, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách DL và người dân bản địa mà còn bảo tồn các nguồn tài nguyên cho việc phát triển DL trong tương lai. Nghiên cứu đã đề xuất bộ tiêu chí dựa trên quan điểm về việc xác định các giá trị, giới hạn, tiêu chí phù hợp với nội dung, yêu cầu, nguyên tắc của phát triển DL bền vững, đồng thời phải khả thi trong điều kiện thực tế của các địa phương ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đã xác định được các nhân tố tác động đến phát triển DL bền vững. Từ đó, góp phần tích cực vào việc quản lý và phát triển du lịch bền vững tại Việt Nam.

Tuy đề tài đã tìm ra các nhóm nhân tố ảnh hưởng đến phát triển DL bền vững, nhưng vẫn còn nhiều nhân tố khác ảnh hưởng mà trong nghiên cứu chưa đề cập. Đây cũng là một trong những hướng phát triển của đề tài trong thời gian tới.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn (2015), Đại học Charles De Gaulle - Lile 3, “Toàn cầu hóa du lịch và địa phương hóa du lịch, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, TP. Hồ Chí Minh.
  2. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2005), Luật Du lịch, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  3. Thủ tướng Chính phủ (2002), Quyết định số 97/2002/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển DL Việt Nam 2001 - 2010, Hà Nội.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2004), Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg về việc ban hành Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam), Hà Nội.
  5. Thủ tướng Chính phủ (2013), Quyết định số 201/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
  6. Tổng cục Du lịch Việt Nam và Quỹ phát triển bền vững Tây Ban Nha (2003), Dự án xây dựng năng lực cho phát triển Du lịch ở Việt Nam, Hà Nội.

 

A STUDY ON CRITERIA FOR EVALUATING FACTORS AFFECTING THE SUSTAINABLE TOURISM DEVELOPMENT IN VIETNAM  

Master. NGUYEN THI TUYET NGA

Master. NGUYEN THU HIEN

Ho Chi Minh City University of Natural Resources and Environment

ABSTRACT:

Sustainable tourism has become an indispensable need for all countries that want to maintain their development in an effective and long-term approach. This study examines in theoretical and practical terms of sustainable tourism, thereby proposing criteria to evaluate four impact factors which affect Vietnam’s sustainable tourism development. These four impact factors are Capacity and effectiveness of state management of tourism; Awareness of responsibilities of tourists, tourism businesses, and local communities; Socio-econoomic development level, tourism development policies and the stability of the legal, political-social, security-defense environment; and Tourism linkages and cooperations between domestic and international destinations, among the toursim industry and related industries.

Keywords: Evaluation criteria, impact factors, sustainable tourism, tourism development.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 16, tháng 7 năm 2020]