Nghiên cứu mối quan hệ giữa trường đại học và doanh nghiệp: Thực trạng và kiến nghị

ThS. NGÔ BỈNH DUY (Khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Hiện nay, trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, sự chuyển dịch cơ cấu của nền kinh tế đã mở ra nhiều cơ hội giao lưu, chuyển dịch nguồn lao động giữa các quốc gia. Đây vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đặt ra cho các trường đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực vừa có kiến thức chuyên môn, vừa có kinh nghiệm thực tế để đáp ứng nhu cầu. Việc liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là một bước quan trọng trong tiến trình đào tạo của các nhà trường, là cơ sở đảm bảo cho chất lượng đào tạo nhân lực đáp ứng với nhu cầu của xã hội.

Từ khóa: Doanh nghiệp, trường đại học, liên kết, thực trạng, Việt Nam.

I. Thực trạng một số mô hình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam

1. Nhu cầu liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp

Qua một số công trình nghiên cứu cho thấy, hiện có trên 80% doanh nghiệp quan tâm đến việc xây dựng kỹ năng cho sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp, khoảng 30% - 35% doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp và chỉ có khoảng 4% doanh nghiệp hợp tác với nhà trường trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Việc liên kết đào tạo giữa các trường đại học và doanh nghiệp là mối liên kết xuất phát từ lợi ích của cả 2 bên. Các trường đại học luôn muốn đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trong đó có các doanh nghiệp. Nhu cầu của thị trường lao động rất đa dạng và nhiều biến động. Điều này sẽ tác động rất lớn đến những sinh viên vừa tốt nghiệp khi muốn tìm cho mình một công việc phù hợp. Trên thực tế, các nhà tuyển dụng luôn đòi hỏi sinh viên ra trường phải có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm làm việc thực tế. Điều này dẫn đến thực trạng sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm sẽ không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp và rơi vào tình trạng thất nghiệp. Trên thực tế, không thể đánh giá chất lượng đào tạo của nhà trường dựa trên thực trạng sinh viên ra trường có tìm được việc làm hay không, bởi lẽ trường đại học có danh tiếng, triển vọng, nhưng vẫn không tránh khỏi tình trạng sinh viên thất nghiệp nhiều. Như vậy, vấn đề đặt ra là các cơ sở đào tạo cần phải nắm bắt được nhu cầu của thị trường tuyển dụng việc làm mà ở đó chính các doanh nghiệp là cầu nối thông tin, cung cấp cho các trường nhu cầu thị trường đang cần. Có như vậy, các trường mới có thể định hướng được phương thức đào tạo cho thực sự phù hợp và đáp ứng yêu cầu thực tế. Về phía các doanh nghiệp, để có thể phát triển công việc kinh doanh thì trước hết cần phải có đội ngũ lao động chất lượng. Việc tìm kiếm được đội ngũ chất lượng là một vấn đề quan trọng với các doanh nghiệp. Nếu các trường đại học có thể cung cấp cho doanh nghiệp được những sản phẩm đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu thì đối với doanh nghiệp là điều lý tưởng nhất. Chính vì vậy, việc liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp là sự tất yếu, mang lại lợi ích cho cả nhà trường và doanh nghiệp.

2. Thực trạng một số mô hình liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam

Nhìn lại thực tế giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy rằng, trong mô hình đào tạo truyền thống, sinh viên chính là sản phẩm cuối cùng của quá trình đào tạo. Mặc dù trong quá trình đào tạo có những tương tác giữa giảng viên và người sử dụng lao động, giữa môi trường học tập và làm việc nhưng sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp là không nhiều. Nguyên nhân chính là do sự tách biệt về thời gian và không gian, tức là khi sinh viên ra trường làm việc thì nhà trường mới kiểm tra được khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trên thực tế, các trường đại học đã đưa ra nhiều phương thức đào tạo gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Thứ nhất, phương thức sinh viên là người lao động. Phương thức này được nhiều trường đại học áp dụng. Tuy nhiên, sinh viên chỉ được tiếp xúc với doanh nghiệp trong khoảng thời gian thực tập, nên thực tế, sinh viên chỉ chú trọng đến vai trò chính của mình là sinh viên, còn vai trò thứ hai lại không được chú trọng, và chỉ xem công việc được thực hành tại doanh nghiệp như một môn học. Thực trạng sinh viên đi thực tập không coi trọng quan sát học hỏi mà chỉ chú trọng vào kết quả thực tập diễn ra khá nhiều.

Thứ hai, phương thức giảng viên đóng vai trò là người sử dụng lao động. Các trường đại học đang nỗ lực gắn kết giữa giảng viên, là người có thế mạnh về lý thuyết với người sử dụng lao động, là người có thế mạnh về kinh nghiệm thực tiễn. Phương thức này yêu cầu kinh nghiệm của giảng viên, đi thực tế, thiết kế và thực hiện các khóa học của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng được mời vào giảng dạy cho sinh viên. Phương thức này đã tạo ra một số tín hiệu khả quan trong phương thức đào tạo, tuy nhiên vẫn còn mang tính hình thức mà chưa có chiến lược trong môi trường cụ thể.

Thứ ba, phương thức mô phỏng môi trường học tập và làm việc. Theo đó, các trường đại học đã xin ý kiến các doanh nghiệp để biên soạn chương trình đào tạo để môi trường học tập có nhiều tương quan với môi trường làm việc. Tuy nhiên, quy mô và phạm vi thực hiện lấy ý kiến của các doanh nghiệp còn nhỏ nên chưa đảm bảo được tính đại diện của phương thức.

Thực tế, liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp là xu hướng phổ biến trên thế giới, được đánh giá là giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Trên thế giới cũng đã có nhiều quốc gia áp dụng mô hình này và đạt được những thành công nhất định, tiêu biểu như: Mô hình liên kết của Trường Đại học Khoa học tự nhiên FH Mainz của Đức với thành viên của chương trình đối tác Đại học SAP; Mô hình thành lập công ty trong các trường đại học ở Anh để trực tiếp đầu tư nghiên cứu và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu;…

Xét về tổng thể, việc hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở Việt Nam còn hạn chế về số lượng, chất lượng đào tạo, chuyển giao công nghệ còn chưa theo kịp sự thay đổi của nền kinh tế. Theo số liệu của Vụ Giáo dục đại học, kết quả nghiên cứu ở 8 trường tham gia dự án giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp ứng dụng do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai cho thấy, phần lớn các trường chỉ thiết lập được khoảng 10 doanh nghiệp đối tác, số lượng doanh nghiệp hợp tác ngắn hạn, chưa thường xuyên… Có thể thấy rằng, liên kết giữa các trường đại học và doanh nghiệp còn gặp khá nhiều bất cập, nhưng không thể không kể đến một số mô hình hợp tác tương đối thành công ở Việt Nam khi đã gắn kết được đồng thời tất cả các yếu tố. Điển hình như mô hình “Mở rộng giảng đường đại học đến doanh nghiệp” ở Đại học Kinh tế quốc dân, hay mô hình của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hợp tác với Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, xây dựng hai phòng thí nghiệm chung đặt tại trường và cả công ty…

II. Một số kiến nghị để duy trì và phát triển mối liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, chương trình đào tạo là do chính các trường đại học xây dựng dựa trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, để chương trình có thể đáp ứng yêu cầu của xã hội, tức là thỏa mãn được đa số doanh nghiệp thì chương trình khung cần được xây dựng một cách quy mô. Nhà nước và Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đứng ra khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp về những kiến thức, kỹ năng cơ bản tương ứng với ngành nghề và trình độ đào tạo. Từ đó, xây dựng chương trình khung kiến thức, kỹ năng chuẩn để các trường tự xây dựng chương trình đào tạo của mình. Trên cơ sở đó, các trường cần tăng cường cơ chế hợp tác với các doanh nghiệp để biên soạn chương trình đào tạo, đẩy mạnh việc tổ chức các hội thảo khoa học có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Có thể thấy, đây là phương pháp hiệu quả để các trường có thể trao đổi kiến thức cũng như yêu cầu đối với người lao động của các doanh nghiệp. Khi đã có cơ sở là chương trình đào tạo, các trường phải thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương trình để thích ứng với nhu cầu xã hội luôn thay đổi.

Thứ hai, trong hoạt động thực tập của sinh viên, các doanh nghiệp nơi tiếp nhận sinh viên đến thực tập cần giữ thêm vai trò của giảng viên. Các doanh nghiệp sẽ trở thành người đánh giá kết quả quá trình thực tập của sinh viên thay vì để cho các trường đánh giá thông qua báo cáo thực tập như hiện nay. Như vậy, doanh nghiệp sẽ đánh giá được chính xác hơn trình độ của sinh viên thông qua những hoạt động thực tế tại doanh nghiệp. Sinh viên sẽ có ý thức hơn, đầu tư cho quá trình quan sát học hỏi tại doanh nghiệp nâng cao kiến thức, kỹ năng của mình.

Thứ ba, mối tương tác giữa giảng viên với doanh nghiệp cần được hoạch định cụ thể. Giảng viên tiếp cận với những hoạt động thực tế của doanh nghiệp dựa trên kiến thức và kỹ năng của mình, doanh nghiệp tham gia vào quá trình giảng dạy tại các trường cần đặt mục tiêu của nhà trường vào trong bài giảng của mình để phù hợp.

Thứ tư, giống như mô hình liên kết của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các trường đại học khác có thể áp dụng thành lập những Trung tâm Nghiên cứu ngay tại trường để phục vụ cho doanh nghiệp. Một mặt, nhà trường có thể sử dụng chính nguồn lực của mình tạo cơ hội cho sinh viên được tiếp cận luôn với kỹ năng thực tế sau khi đã được học lý thuyết tại trường. Trong quá trình đó, doanh nghiệp có thể tham gia hướng dẫn cụ thể từ bước đầu cho sinh viên. Thông qua mô hình này, nhà trường có thể chuyển giao những kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp để tạo ra thu nhập và có thể tái đầu tư nghiên cứu.

Thứ năm, doanh nghiệp có thể tham gia hỗ trợ nhà trường tuyển dụng trực tiếp sinh viên đáp ứng những nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp hoặc bằng hình thức cấp học bổng hỗ trợ cho những sinh viên tiềm năng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà trường phát động các cuộc thi để tìm kiếm những sinh viên có khả năng vì mục đích doanh nghiệp.

Thứ sáu, hoàn thiện hệ thống chính sách định hướng phát triển liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp dựa trên hành lang pháp lý thuận lợi, quy định cụ thể quyền và trách nhiệm, phương thức hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp. Nhà nước khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư cho giáo dực, tăng cường quyền tự chủ cho các trường đại học, khuyến khích các tổ chức nghề nghiệp hợp tác đào tạo và nghiên cứu với trường đại học.

III. Kết luận

Liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp ở Việt Nam đang ở trong giai đoạn bắt đầu phát triển, vì thế không có ít khó khăn, thách thức đặt ra, đòi hỏi hai bên phát huy hết khả năng của mình. Sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp mang lại những thành quả là đòn bẩy phát triển nền kinh tế theo hướng nền kinh tế tri thức. Doanh nghiệp với vai trò chủ đạo trong việc xây dựng kỹ năng thực hành cho sinh viên, đóng góp nhiều công sức hỗ trợ nhà trường đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, để hoạt động của nhà trường và các doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả cao thì sự hỗ trợ của Nhà nước và các bộ, ban ngành có liên quan là vô cùng cần thiết. Trên cơ sở những quy định chung, nhà trường và các doanh nghiệp sẽ cụ thể hóa các phương pháp tiếp cận để phù hợp với đặc thù của từng trường, từng doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vũ Văn Tuấn, Nguyễn Phương Anh (2013), Khảo sát mối quan hệ hợp tác trường đại học và doanh nghiệp, Dự án POHE, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Trịnh Thị Hoa Mai, Liên kết đào tạo giữa nhà trường đại học với doanh nghiệp ở Việt Nam, Tạp chí Khoa học Đại học quốc gia Hà Nội, Kinh tế - Luật 24 (2008).

3. Chính phủ (2005), Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Nghị quyết 14/2005/NQ-CP.

4. http://nistpass.gov.vn:81/tin-chien-luoc-chinh-sach/1241-lien-ket-giua-truong-dai-hoc-va-doanh-nghiep-kinh-nghiem-quoc-te-va-lien-he-voi-viet-nam.html

5. http://automation.net.vn/Sinh-vien-Tuoi-tre/Khi-hop-tac-giua-nha-truong-va-doanh-nghiep-la-nhu-cau-thiet-yeu.html

STUDYING THE RELATIONSHIP BETWEEN UNIVERSITIES AND ENTERPRISES: CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS

MA. NGO BINH DUY

Faculty of Acounting, University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

In the context of current international integration process of Vietnam, the economic restructuring process of the country has provided many opportunities for the labour movements among countries. These phenomenons have brought not only opportunities but also challenges for Vietnamese universities to train workforces which have both professional knowledge and practical experience in order to meet the demand of the country’s development. Establishing linkage between universities and enterprises plays an essential role in increasing training quality of universities.        

Keywords: Enterprise, university, linkage, current situation, Vietnam.


Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây