Người dân đổ xô đến các chợ đầu mối, chợ bán lẻ ế ẩm

Sự xuất hiện của một số chợ tự phát cùng sự chênh lệch về giá quá lớn khiến người dân tìm đến những chợ đầu mối mua hàng thay vì mua tại các chợ bán lẻ như trước đây.

Chợ bán lẻ “vắng như chùa bà đanh”

Đã quá trưa, chợ cũng đã rất vắng nhưng nhiều tiểu thương tại chợ Yên Hòa, Cầu Giấy vẫn cố ngồi. Chị Hoa tay sắp xếp lại sạp rau, miệng vẫn đon đả mời một vài vị khách muộn. Ngay bên cạnh, một tiểu thương bán chuối đang gục đầu ngủ một cách ngon lành.

Theo chị Hoa, trước đây chị chỉ bán rau buổi sáng, có ngày còn hết hàng rất sớm. Thời gian gần đây chị phải ngồi đến hết buổi chiều, nhiều loại rau vẫn còn chất đầy sạp vì không có nhiều người mua. Thậm chí, gần trưa chị phải bán rau với giá rẻ, tặng kèm một số loại rau gia vị cho hết hàng vì rau củ rất nhanh hỏng.

Chị Hoa lo lắng vì hàng của mình vẫn còn khá nhiều.

Buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương tại các chợ bán lẻphải chuyển nghề hoặc thay đổi mặt hàng bán, một số thìchuyển sang bán thêm các mặt hàng khác. “Rau củ ế quá tôi chuyển sang bán thêm hoa quả. Tuy nhiên, lượng khách vẫn rất ít”. Chị Tâm- một tiểu thương ở chợ Cầu Giấy nói.

Mặc dù giá thực phẩm thời gian gần đây khá bình ổn song sự chênh lệch mức giá giữa chợ lẻ và chợ đầu mối khiến người tiêu dùng có sự so sánh, và thay đổi thói quen tiêu dùng.

Su su ở chợ bán lẻ là 15000 đồng/ 1kg nhưng ở chợ đầu mối chỉ 4000 đồng. Cà chua ở chợ lớn có gía 8000 đồng/ 1kg. Tuy nhiên, khi đưa tới tay người tiêu dùng ở chợ bán lẻ thì mức giá lên tới 15000-20000 đồng/ 1kg, gấp 2 lần. Nếu tính mức chênh lệch của một kg thì không phải số tiền quá lớn song vì người dân có thói quen tích trữ, mua nhiều để tủ ăn dần nên số tiền chênh lệch sẽ nhiều hơn.

Đi chợ đầu mối, mỗi cân su su, người dân tiết kiệm được khoảng 10.000 đồng

Khoảng cách từ các chợ đầu mối đến các chợ lẻ trong nội thành Hà Nội tương đối gần, trung bình khoảng 5- 10 km. Tuy nhiên, giá thực phẩm từ chợ lẻ thường cao gấp hai đến ba lần giá ở chợ đầu mối.

Không chỉ rau củ mà các loại thực phẩm khác như hoa quả, thịt, hải sản cũng có sự khác biệt lớn về giá.

Xoài xanh là hoa quả được ưa chuộng của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là sinh viên. Bạn Lê Nguyệt, sinh viên Đại học Quốc Gia Hà Nội chia sẻ: “Xoài ở chợ bán lẻ rất đắt, thường là 25.000 đồng/ 1kg. Mình thường ra chợ đầu mối Mai Dịch, chọn xoài to ngon với giá chỉ 12.000- 15.000 đồng/1 kg. Rau củ ở đây cũng rẻ hơn một nửa”.

Gía thịt hơi trung bình ở các chợ đầu mối là 55.000- 60.000 đồng/ 1kg. Tới chợ bán lẻ, người tiêu dùng phải mua với mức giá từ 80.000 đồng trở lên.

Các mặt hàng được đề giá rõ ràng. Vì giá thực phẩm tại chợ đầu mối khá mềm nên không ai còn mặc cả.

Có thể thấy, chi phí về thực phẩm chiếm khá nhiều đối với thu nhập của một gia đình hàng tháng nên nhiều người lựa chọn hình thức mua lẻ tại chợ đầu mối để cắt giảm chi tiêu là điều dễ hiểu.

Mặt khác, thời gian gần đây, tại Hà Nội xuất hiện thêm nhiều chợ tự phát, có quy mô lớn, tập trung nhiều thực phẩm như chợ tự phát dưới chân cầu đường Láng. Vì vậy, người dân có thêm nhiều lựa chọn hơn ngoài các chợ bán lẻ.

Chợ đầu mối đông khách đến trưa

Trong khi các chợ lẻ khá vắng vẻ thì các chợ đầu mối phải kéo dài thời gian hoạt động, phục vụ lượng khách bán lẻ tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Anh Tâm, một người buôn bán lâu năm tại chợ đầu mối Mai Dịch cho biết: “Trước đây, chợ chỉ hoạt động muộn nhất đến 6 giờ sáng thì nay thời gian hoạt động cũng kéo dài tới trưa để phục vụ khách hàng mua lẻ. Nếu như trước đây khách lẻ thường chỉ đến vào hai ngày cuối tuần thì nay lượng khách lẻ nhiều hơn cả vào ngày thường”.

10 giờ trưa, các chợ đầu mối vẫn đông nườm nượp. Khách mua sau chủ yếu là sinh viên, những người về hưu hay thậm chí nhiều người tranh thủ trên đường đi tập thể dục thì rẽ vào chợ đầu mối mua thực phẩm với giá rẻ. Người đi chợ ai cũng tay xách nách mang, xe máy lúc nào cũng cồng kềnh bởi túi.

Nhiều người đi chợ cho ba bốn ngày

Chị Miền, một khách hàng quen thuộc của chợ tạm Ngã Tư Sở chia sẻ: “Tôi có thói quen mua thực phẩm để tích trữ trong tủ để tiết kiệm thời gian đi chợ. Nói là mua với giá lẻ nhưng vẫn rẻ hơn nhiều so với giá ở các chợ cóc, chợ bán lẻ hay các siêu thị tiện lợi. Thậm chí nếu tôi mua nhiều có thể được giá gần với giá bán buôn”.

Tại chợ đầu mối, giá các mặt hàng, đặc biệt là rau củ cũng giảm dần khi về trưa. Nhiều người lao động hay sinh viên đi làm về muộn cũng có thể mua được thực phẩm với giá rẻ hơn. Chính vì vậy, ngày càng nhiều người lựa chọn chợ đầu mối thay cho chợ bán lẻ.



Đỗ Chuẩn