Người thợ cơ điện có đôi bàn tay khéo léo

Những dây băng tải được thu hồi sau quá trình sử dụng để vận tải than trong hầm lò, qua đôi bàn tay khéo léo của anh công nhân sửa chữa cơ điện Phạm Minh Đức đã trở thành những tấm biển nội quy vận hà

Anh Đức sinh năm 1974, quê ở xã Cái Chiên, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Vào làm việc tại Công ty Than Thống Nhất - TKV từ năm 2004, 14 năm làm công việc sửa chữa cơ điện là từng ấy năm anh gắn bó với khu vực sản xuất Yên Ngựa. Dù đảm nhận công việc gì, anh luôn được anh chị em trong phân xưởng yêu mến vì tính tình vui vẻ, nụ cười thân thiện, rất cần cù chịu khó và có trách nhiệm trong công việc.

Không chỉ là một thợ cơ điện lành nghề, anh Đức còn có đôi bàn tay khéo léo khi những tấm biển Nội quy vận hành các thiết bị ở phân xưởng đều là sản phẩm “của nhà làm được” từ chính đôi bàn tay ấy.


Những tấm băng tải thu hồi sau quá trình sử dụng được tận dụng lại tại phân xưởng KT5

Những dây băng tải thu hồi sau qua trình vận tải than trong hầm lò được anh Đức cắt vuông vắn thành từng tấm nhỏ sau đó được rửa sạch và phơi khô. Những tấm băng tải khô, được lau sạch, sau đó được anh Đức viết những nội quy vận hành vàtreo gần các thiết bị như: Tời, bơm, máng cào, nồi hơi, quạt, các tuyến băng trong hầm lò,... để công nhân trong ca có thể đọc, quan sát, qua đó nắm vững được các nội quy quy định vận hành các thiết bị. Không chỉ những tấm biển nội quy, mà những tấm bảng khẩu hiệu an toàn tại phân xưởng cũng là những “tác phẩm” được vẽ lên từ đôi bàn tay khéo léo của anh Đức.

Là một đơn vị khai thác than ở khu vực Yên Ngựa với diện quản lý rộng và nhiều thiết bị cơ điện - vận tải, nên mỗi thiết bị đều cần có bảng quy định vận hành để đảm bảo an toàn và yêu cầu kỹ thuật. Việc làm của anh Đức tuy nhỏ nhưng thực sự rất có ý nghĩa trong công tác an toàn cho phân xưởng KT5 nói riêng cũng như Công ty Than Thống Nhất - TKV nói chung.

Ngọc Quý