Người Việt từ “chiếu cố” đến "tìm dùng" hàng Việt

Câu chuyện hưởng ứng “Cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” đến nay đã 10 năm xong nhiều chuyên gia cho rằng đã đến thời điểm hàng Việt trở thành đối tượng để người Việt tìm chọn.

“Vàng” thử “lửa”

Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, thực tế cho thấy làm thị trường nội địa khó hơn xuất khẩu rất nhiều. Để làm được thị trường nội địa, doanh phải trả lời thêm ba câu hỏi: bán với thương hiệu nào, thiết kế như thế nào, quy mô bao nhiêu, màu sắc ra sao; phân phối ở đâu; tài chính cho làm nội địa. Làm xuất khẩu chỉ trong vòng 90 ngày là tiền về đến nơi, còn làm nội địa từ lúc thiết kế tới khi đưa được sản phẩm ra thị trường mất hơn một năm (12 tháng).

Trong khi đó 95% doanh nghiệp dệt may Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực tài chính còn hạn chế thì thực sự nếu không có bước đi tính toán thật phù hợp với năng lực cũng như nguồn lực của mình thì không thể tồn tại lâu dài và phát triển được.

Ở góc độ nghiên cứu, nhắc lại lịch sử, ông Dương Trung Quốc kể, trong cuốn sách của nhà ngoại giao, nhà báo Xô Viết kể lại câu chuyện, vào một buổi sáng thời điểm khi chúng ta mới giành thống nhất đất nước – miền Bắc năm 1954 đất nước còn rất khó khăn, kinh tế đang khôi phục, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số nhà báo, nhà ngoại giao đến nơi làm việc của mình và tự tay Người pha cà phê. Sau khi mời mọi người uống xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng: “Tôi cam đoan với các bạn cà phê Việt Nam thuộc loại ngon trên thế giới. Tôi nói với tư cách không phải là một Chủ tịch nước, mà với tư cách là người đã từng trải qua những khách sạn, trong bếp núc ở châu Âu”.

Và người ta ghi nhận rằng, sau đó những tấn cà phê đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu sang Ucraina. “Sau 10 năm chúng tư ưu tiên, hiểu theo nghĩa "chiếu cố" một chút chăng, chúng ta hoàn toàn tự tin, tự hào về sản vật của mình. Trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ đã đến lúc tâm thế chúng ta không chỉ là ưu tiên hiểu theo nghĩa “chiếu cố” mà ưu tiên là sự chinh phục. Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Và hàng Việt Nam chinh phục thế giới bằng chính phẩm chất của nó, trong đó chứa đựng tri thức của mỗi người đối với sự phát triển hàng Việt”, ông Dương Trung Quốc khẳng định.

“Chúng ta tự hào về lao động, sản vật của doanh nghiệp Việt nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm quảng bá nó. Chúng ta là người vừa được hưởng thụ, vừa phải đóng góp, đó là trách nhiệm công dân”, nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ khi nói về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

"Giải mã" phát triển hàng Việt

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường nội địa ngành dệt may, ông Trường bộc bạch, để giải quyết bài toán phát triển hàng Việt, dệt may đã tập trung vào tăng cường thiết kế đưa ra mẫu mã phù hợp với người Việt như số đó, nhân trắc. Cùng nhau liên kết, phân công để mỗi đơn vị sản xuất một loại mặt hàng tránh tràn lan, khó khăn về quy mô, tiếp cận chuyên sâu hơn về thị trường ngách. Do đó, tốc độ tăng trưởng thị trường nội địa của dệt may liên tục tăng trên 10% mỗi năm. Hàng dệt may Việt Nam ở các trung tâm đô thị có thị phần trên 70%.

Hàng hoá Việt Nam được người tiêu dùng chủ động lựa chọn tức là bản thân doanh nghiệp phải mang đến những giá trị có lợi thế thực sự so với các hàng hoá khác, có năng lực cạnh tranh cao

Nhận định, sau 10 năm tham gia cuộc vận động, ông Trường cho rằng, phải bước sang giai đoạn mà hàng hoá Việt Nam được người tiêu dùng chủ động lựa chọn tức là bản thân doanh nghiệp phải mang đến những giá trị có lợi thế thực sự so với các hàng hoá khác, có năng lực cạnh tranh cao.

Do đó, Vinatex định hướng xây dựng sản phẩm thời trang có bản sắc riêng, hiện đại, khác biệt, giá trị sử dụng cao. Tiếp tục đi sâu vào nhân trắc của người Việt, thời trang riêng của Việt, mà chỉ có doanh nghiệp Việt Nam mới sản xuất được sản phẩm thời trang Việt hoàn toàn phù hợp với kích cỡ người tiêu dùng Việt, văn hoá Việt. Tiếp tục mở rộng kênh phân phối, trước đây tập trung vào các đô thị, các thị trấn là chính thì nay thiết kế sản phẩm phù hợp với nông thôn, nơi có số lượng dân cư đông nhất, sức tiêu thụ cao nhất nhưng thu nhập còn hạn chế. Đây cũng chính là mục tiêu của dệt may để thị trường nội đia ngày càng có vai trò quan trọng hơn, giống như phao cân bằng trong hệ thống kinh doanh của dệt may bao gồm cả xuất khẩu và nội địa.

Ở một lĩnh vực khác, với 30 năm hoạt động, thực hiện Chương trình tự hào hàng Việt, doanh số Saigon Co.op tăng trưởng 30 ngàn lần, ông Nguyễn Anh Đức - Phó Tổng giám đốc thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) cho biết, để có được kết quả này, bản thân, Saigon Co.op tạo ra những sân chơi khác nhau cho hàng Việt thông qua những mô hình kinh doanh khác nhau, như: Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng thực phẩm an toàn tiện lợi Co.op Food, cửa hàng Bến Thành, khu phức hợp SC Vivo City, cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile… tạo nên những phân khúc để hàng Việt tập trung vào những phân khúc là thế mạnh của mình từ đó chọn sân chơi phù hợp cho mình hơn đồng thời đáp ứng được nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.

Một điểm nữa mà ông Đức rất tâm huyết, đó là bản thân những nhà cung cấp tham gia với Saigon co.op vì thị trường, vì cộng đồng như chương trình bình ổn thị trường- bình ổn giá, đưa hàng Việt về nông thôn, xây dựng nông thôn mới… được thực hiện hơn 10 năm qua góp phần cho hàng Việt có góc nhìn khác hơn về hình thức, chất lượng, tính sáng tạo của người Việt và được ghi nhận không chỉ ở Việt Nam mà cả trên phạm vi toàn cầu.

“Trong giai đoạn mới, hướng của Saigon Co.op là sẽ là đầu mối quan trọng cùng đưa hàng Việt vượt ra khỏi biên giới Việt Nam qua hệ thống Hợp tác xã” ông Đức nói.

Việc các doanh nghiệp chú trọng trong phát triển bền vững, định hướng hàng Việt theo xu hướng bền vững liên quan tới tiêu dùng xanh, tiêu dùng hữu cơ. Đưa hàng Việt áp dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo nhằm kết nối giá trị chung của hàng Việt, đáp ứng tiêu chuẩn chung của thị trường quốc tế đã đưa hàng Việt lên vị thế mới với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp