Nguồn cung dầu thô suy yếu, giá dầu thô tiếp tục tăng bất chấp tin tức tiêu cực về dịch Covid-19

Giá dầu thô quốc tế tiếp tục tăng nhẹ trong phiên giao dịch sáng nay (22/6) khi các dấu hiệu cho thấy nguồn cung dầu mỏ đang suy yếu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn đang bị kìm hãm khi số ca nhiễm Covid-19 tăng cao kỷ lục trên toàn cầu.
Khai thác dầu thô tại Mỹ
 Số giàn khoan khai thác dầu thô và khí thiên nhiên tại khu vực Bắc Mỹ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục (Ảnh: Bloomberg)

Lúc 7h09 sáng nay (ngày 22/6, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tương lai đã tăng 9 cents tương ứng 0,2% lên 42,28 USD/thùng; trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tương lai tăng nhẹ 1 cents lên 39,76 USD/thùng.

Tính chung cả phiên giao dịch tuần trước (15/6 – 19/6), cả hai loại dầu thô đã bật tăng mạnh 9%; trong đó, tình trạng “bù hoãn bán” (backwardation) đã xuất hiện trên thị trường giao dịch dầu thô Brent tương lai. Theo đó, giá các hợp đồng giao dầu thô Brent hiện tại đang có giá cao hơn các hợp đồng giao dầu thô Brent có kỳ hạn xa hơn trong tương lai, tình trạng này thường phản ánh nguồn cung dầu thô ra thị trường đang giảm xuống.

Các dữ liệu mới nhất cho thấy số lượng giàn khoan dầu thô và khai thác khí thiên nhiên tại Hoa Kỳ và Canada đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mặc dù việc giá dầu thô bật tăng mạnh trở lại trong thời gian gần đây đã khuyến khích một số hãng khai thác năng lượng tái mở rộng sản xuất trở lại.

Trong ngày 18/5, một uỷ ban kỹ thuật của liên minh OPEC+ cho biết Iraq và Kazakhstan đã cam kết sẽ tuân thủ tốt hơn thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác như đã đề ra. Liên minh OPEC+ bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Ả-rập Xê-út lãnh đạo và các quốc gia khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu hiện đang thực hiện thoả thuận cắt giảm sản lượng khai thác kỷ lục, lên tới 9,7 triệu thùng/ngày tương đương 10% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu trước khai đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trước đó, Nga và Ả-rập Xê-út đã đạt thoả thuận kéo dài mức cắt giảm sản lượng khai thác trên đến tháng 8/2020 thay vì kết thúc vào tháng 6/2020 như thoả thuận ban đầu. Điều này đã tác động tích cực đến giá dầu thô.

Đà phục hồi của giá dầu thô cũng nhận được hỗ trợ khi các dấu hiệu cho thấy nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang dần phục hồi trở lại khi các quốc gia trên toàn cầu tái khởi động nền kinh tế.

Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô vẫn bị kìm hãm trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới thông báo số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới đã tăng cao kỷ lục trong ngày 21/6, đặc biệt là số ca nhiễm mới tại khu vực Bắc và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm mới bất ngờ tăng mạnh tại Bắc Kinh (Trung Quốc) và bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Australia, đã khiến giới chức địa phương tại đây áp đặt trở lại các biện pháp cách ly và hạn chế di chuyển để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Ông Michael McCarthy, trưởng ban chiến lược thị trường tại hãng chứng khoán CMC Markets, nhận định “Giới đầu tư đang chịu tác động từ các rủi ro thiệt hại kinh tế do một đợt bùng phát Covid-19 mới gây ra”

Quang Đặng (Theo Reuters)