Nguyên tắc của pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan

VŨ QUANG TOÀN (Học viên, Học viện Khoa học xã hội)

TÓM TẮT:

Hội nhập kinh tế bên cạnh việc mang lại những cơ hội giao lưu, phát triển kinh tế cũng đặt ra không ít những khó khăn, thách thức cho Việt Nam, đặc biệt là sự gia tăng các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan. Trên cơ sở phân tích khái niệm, đặc điểm và tác hại của buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan, bài viết đưa ra một số nguyên tắc điều chỉnh pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: buôn lậu, gian lận thương mại, hải quan, pháp luật, kinh tế.

1. Khái niệm, đặc điểm về buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan

"Buôn lậu" là thuật ngữ rất phổ biến trong hoạt động thương mại từ xưa đến nay, có ý nghĩa là buôn bán những hàng hóa trốn thuế và hàng cấm. Công ước quốc tế về giúp đỡ hành chính giữa các nước nhằm ngăn ngừa, điều tra, trấn áp các hành vi vi phạm hải quan năm 1977 (gọi tắt là Công ước Nairobi) [1] đưa ra khái niệm: “Buôn lậu là gian lận thương mại nhằm che giấu sự kiểm tra, kiểm soát của Hải quan bằng mọi thủ đoạn, mọi phương tiện trong việc đưa hàng hóa lén lút qua biên giới”[2]. Theo tài liệu của Tổ chức Hải quan thế giới dành cho các điều tra viên về gian lận thương mại thì hành vi buôn lậu được khái niệm như sau: “Đó là hành vi đưa hàng hóa vào trong lãnh thổ một quốc gia hay đưa hàng hóa ra khỏi lãnh thổ đó mà vi phạm pháp luật hay các quy định hiện hành của quốc gia đó, trốn tránh hay có ý định trốn tránh nộp thuế Hải quan bằng cách không khai báo hoặc trốn tránh không chịu sự kiểm tra của cơ quan chức năng”.

Ở Việt Nam, dù không gọi tên rõ ràng, nhưng hành vi buôn lậu đã được mô tả ở Quốc triều Hình luật của triều Lê (1428-1788). Đến trước năm 1985, thuật ngữ "tội buôn lậu" đã được đề cập trong một số văn bản pháp luật nước ta như Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh sát nhân dân (20/7/1962); Pháp lệnh trừng trị các tội đầu cơ, buôn lậu, làm hàng giả, kinh doanh trái phép (30/6/1982). Song về cơ bản tội danh "buôn lậu" lúc đó chưa được hướng dẫn nhận diện đầy đủ với các yếu tố cấu thành và dấu hiệu pháp lý đặc trưng. Năm 1985, Bộ luật Hình sự ra đời (27/06/1985) đã chính thức ghi nhận tội danh buôn lậu. Điều 97 của Bộ Luật Hình sự tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định: "Người nào buôn bán trái phép hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý hoặc vật phẩm thuộc di tích lịch sử, văn hóa thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm…". Bắt đầu từ đây, tội danh buôn lậu đã được xác định với bốn yếu tố cấu thành tội phạm (các mặt khách thể, mặt khách quan, mặt chủ thể, mặt chủ quan) và những dấu hiệu pháp lý đặc trưng, nên đã có tác dụng hướng dẫn nhận thức cũng như chỉ đạo thực phi pháp luật. Đến năm 1999, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 10, ngày 21/12/1999, Quốc hội đã thông qua việc sửa đổi, bổ sung, sửa đổi Bộ luật Hình sự, tại Điều 153 của Bộ luật, tội buôn lậu được quy định thành một tội độc lập, đã tách tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới được quy định tại Điều 154 Bộ luật Hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2017, Điều 188 quy định: “Người nào buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý…”, tội danh buôn lậu đã xác định rất rõ 4 yếu tố cấu thành tội phạm.

“Gian lận thương mại” theo Từ điển tiếng Việt là "dối trá, lừa lọc" trong lĩnh vực thương mại. Dân gian thường gọi là “buôn gian, bán lận”. Định nghĩa về gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan mới được Hội đồng Hợp tác Hải quan quốc tế đưa ra trong Công ước quốc tế Nairobi về hỗ trợ hành chính lẫn nhau trong ngăn chặn, trấn áp và điều tra các vi phạm Hải quan: "Gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan là hành vi phạm pháp luật Hải quan trong đó một cá nhân lừa dối Hải quan để nhằm lẩn tránh một phần hoặc toàn bộ việc nộp thuế xuất nhập khẩu, việc áp dụng các biện pháp cấm hoặc hạn chế do luật pháp Hải quan quy định, hoặc thu được một khoản lợi nhuận nào đó qua việc vi phạm pháp luật này".

Khái niệm gian lận thương mại tiếp tục được củng cố sau này, đáng chú ý là tại hội nghị quốc tế lần thứ V về chống gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan do Tổ chức Hải quan thế giới triệu tập tại Brussels (Bỉ) từ ngày 9/10/1995 đến ngày 13/10/1995 đã xem xét lại khái niệm về gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan và thống nhất đưa ra một khái niệm mới như sau:

"Gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan là hành vi vi phạm các điều khoản pháp quy hoặc pháp luật vềHải quan nhằm:

- Trốn tránh hoặc cố ý trốn tránh việc nộp thuế hải quan, phí và các khoản khu khác đối với việc di chuyển hàng hóa thương mại và/hoặc:

- Nhận và có ý định nhận việc hoàn trả trợ cấp hoặc phụ cấp cho hàng hóa không thuộc đối tượng đó và/hoặc:

- Đạt được hoặc cố ý đạt được lợi thế thương mại bất hợp pháp gây hại cho các nguyên tắc và tập tục, cạnh tranh thương mại chân chính".

Ở Việt Nam cho đến nay, gian lận thương mại không phải là một tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự.

Nhìn chung, khái niệm buôn lậu và gian lận thương mại chưa được phân biện rõ ràng ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam. Nhiều nước coi buôn lậu cũng là hành vi gian lận thương mại. Tổ chức Hải quan Thế giới tại hội nghị lần thứ 5 về chống gian lận thương mại đã xếp buôn lậu vào một trong những hình thức gian lận thương mại nhưng coi đó là loại hình gian lận thương mại đặc biệt nguy hiểm. Ở Việt Nam hiện nay, buôn lậu được coi là hành vi vi phạm pháp luật, không đồng nhất với gian lận thương mại, mà buôn lậu là hành vi gian lận thương mại nhưng ở mức cao hơn, tính chất phức tạp và nghiêm trọng hơn, nó là trường hợp đặc biệt của gian lận thương mại. Vì vậy, phạm vi của khái niệm gian lận thương mại rộng hơn khái niệm buôn lậu. Nếu xét ở mức độ nguy hiểm đối với nền kinh tế thì hành vi buôn lậu mang ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nhiều. Nếu xét ở khía cạnh xử lý thì xử lý gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan khó khăn hơn và xử lý vi phạm nhẹ hơn. Nếu xét ở góc độ nhận biết thì buôn lậu dễ nhận thấy hơn, còn gian lận thương mại thông thường núp dưới những vỏ bọc hợp pháp,…

2. Ảnh hưởng tiêu cực của hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan và nguyên tắc pháp luật phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan

Ngày nay, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ, hành vi buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan cũng là một hiện tượng phổ biến trên thế giới và ở Việt Nam. Buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan có tác hại rất lớn đối với nền kinh tế, xã hội, đối với an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, hiệu quả quản lý kinh tế và sức khỏe cộng đồng,… cụ thể như sau:

Thứ nhất, tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Buôn lậu, gian lận thương mại có nguy cơ kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế, tạo thành một lực cản lớn đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hàng hóa nhập lậu là hàng gian lận, trốn thuế sẽ làm mất tính cân bằng trong cạnh tranh thương mại giữa hàng nội và hàng ngoại, đồng thời làm thất thu thuế xuất, nhập khẩu và các sắc thuế khác dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước. Sự mất cân đối giữa hàng hóa nội địa và hàng ngoại còn gây thiệt hại cho người sản xuất và người tiêu dùng. Mặt khác, buôn lậu và gian lận thương mại còn làm cho đất nước thất thu lớn về thuế xuất, nhập khẩu và các sắc thuế khác gây ảnh hưởng đến quá trình cân đối thu - chi ngân sách của Nhà nước.

Thứ hai, ảnh hưởng tiêu cực về xã hội. Buôn lậu, gian lận thương mại gây nên những hậu quả phức tạp và nặng nề về mặt xã hội. Tăng cơ hội cho thương nhân kinh doanh bất chính, giảm cơ hội cho thương nhân chân chính, đồng thời ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn xã hội. Tệ nạn buôn lậu, gian lận thương mại là nguyên nhân làm suy thoái đạo đức xã hội, ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. Đạo đức kinh doanh bị thách thức, thương nhân làm giàu dựa vào hành vi bất chính, cán bộ hải quan và cơ quan quản lý bị tha hóa khi tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Thậm chí, những hàng hóa nhập lậu và gian lận thương mại là những hàng hóa bị cấm, trái với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Thứ ba, đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Những hậu quả do buôn lậu, gian lận thương mại dẫn đến sự yếu kém trong quản lý nhà nước, thậm chí còn ảnh hưởng đến chủ quyền và an ninh quốc gia thông qua một số mưu đồ thực hiện “biên giới mềm” hay “cuộc chiến tranh không có khói lửa - chiến tranh kinh tế”, đặc biệt là ở những điểm nóng như khu vực biên giới bởi, bảo vệ an ninh biên giới không chỉ là việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà thực chất là bảo vệ các tiềm năng - yếu tố cơ bản của phát triển kinh tế.

Thứ tư, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý kinh tế - xã hội. Buôn lậu và gian lận thương mại là một trong những nguyên nhân làm hàng hóa nội địa bị đình trệ trong khâu phân phối và tiêu dùng, sản xuất trong nước bị đình đốn. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ra hàng hóa không cạnh tranh nổi trên thị trường, nợ nần chồng chất dẫn đến phá sản, kéo theo sự gia tăng của “đội quân thất nghiệp”. Buôn lậu, gian lận thương mại còn là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến các tệ nạn xã hội, đó là tham nhũng, tha hóa, rượu chè, cờ bạc, trộm cắp,…. Thực trạng trên làm cho công tác quản lý của Nhà nước thêm khó khăn, phức tạp. Mặt khác, buôn lậu và gian lận thương mại trực tiếp dẫn đến thất thu về thuế xuất, nhập khẩu và các sắc thuế khác, đây là khoản thu lớn của ngân sách nhà nước. Điều này ảnh hưởng đến các kế hoạch về kinh tế, tài chính, khiến Nhà nước mất cân đối về thu - chi ngân sách. Buôn lậu, gian lận thương mại còn phá vỡ sự bình ổn của thị trường, tạo nên cơn sốt về hàng hóa và giá cả, làm cho Nhà nước không quản lý được hoạt động xuất nhập khẩu; việc hoạch định chính sách, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bị sai lệch… Những hậu quả của buôn lậu, gian lận thương mại đối với quản lý vĩ mô đã trực tiếp và gián tiếp ảnh hưởng đến quản lý vi mô. Đặc biệt, việc quản lý của cơ quan hải quan gặp nhiều khó khăn, do sự lũng đoạn thị trường của hàng ngoại nhập lậu.

Thứ năm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng. Hàng giả, hàng nhái hoặc những loại hàng kém phẩm chất, không đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước tuồn vào tiêu thụ trong nội địa, đặc biệt là các loại hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về y tế, tiêu chuẩn chất lượng, như: tân dược, đồ chơi trẻ em, mũ bảo hiểm, rượu, nước giải khát,… Những hàng hóa này trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe đại bộ phận người tiêu dùng.

Trước những tác động tiêu cực của buôn lậu và gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan, Chính phủ các nước đã sử dụng pháp luật là công cụ hữu hiệu nhất để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan. Theo đó, pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan là hệ thống các quy phạm pháp luật được ban hành bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được bảo đảm thực hiện nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh liên quan đến phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan.

Pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan có vai trò vô cùng quan trọng, bởi: (1) Đây là một trong những công cụ hữu hiệu nhất nhằm điều chỉnh các hoạt động thương mại, giao thương buôn bán trên thị trường, giúp ngăn chặn các hành vi hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại; (2) Đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, các thương nhân thực hiện việc kinh doanh trên thị trường và công bằng xã hội giúp nền kinh tế đất nước phát triển mạnh mẽ; (3) Hướng dẫn các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Đặc điểm của pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan là phạm vi điều chỉnh các quan hệ phát sinh giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới. Phương pháp điều chỉnh thể hiện rõ là phương pháp hành chính, mệnh lệnh. Bởi tính chất xuyên biên giới của hàng hóa nhập khẩu nên nguồn luật điều chỉnh của pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực hải quan khá rộng, bao gồm: các quy định luật quốc tế[3]; pháp luật Việt Nam; các tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan. Theo đó, pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản sau:

Thứ nhất, nguyên tắc đảm bảo việc áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến Hải quan. Tập quán, thói quen thương mại, thông lệ quốc tế có vai trò rất to lớn không chỉ trong việc điều tiết các quan hệ xã hội, mà còn trong việc chi phối các nền tảng của tư duy con người trong hoạt động thương mại. Đặc biệt, việc áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về: “Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng theo hướng tôn trọng thỏa thuận của các bên giao kết hợp đồng, không trái đạo đức xã hội, không xâm phạm trật tự công cộng, phù hợp với tập quán, thông lệ thương mại quốc tế”[4]. Theo đó, việc áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan được thực hiện như sau: (1) Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại của Việt Nam thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó. (2) Đối với những trường hợp mà văn bản pháp luật của Việt Nam, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên chưa có quy định thì có thể áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế liên quan đến Hải quan, nếu việc áp dụng tập quán và thông lệ quốc tế đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam[5].

Thứ hai, pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan là cả một hệ thống các văn bản pháp luật từ điều ước quốc tế đến hệ thống các văn bản pháp luật chung và luật chuyên ngành. Trong đó, Luật Hải quan là văn bản luật quy định, điều chỉnh toàn bộ mọi nội dung, hoạt động liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về Hải quan, quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của lực lượng đấu tranh phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; địa bàn hoạt động; hợp tác quốc tế về phòng, chống gian lận thương mại...

Thứ ba, pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại trong lĩnh vực Hải quan thể hiện rất rõ vai trò quan trọng của ngành Hải quan. Đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài,... là nhiệm vụ quan trọng mà Đảng và Nhà nước đã giao cho ngành Hải quan. Vai trò, vị thế của Hải quan ngày càng trở nên quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước. Những năm qua, các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước thể hiện sự quyết tâm xây dựng, phát triển ngành Hải quan thực sự trở thành “người chiến sỹ gác cửa của quốc gia, là một trong những binh chủng đặc biệt trên mặt trận kinh tế, chính trị, an ninh, đối ngoại...”[6]. Bởi vậy, hệ thống các văn bản pháp luật phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại cần thấy rõ vai trò quan trọng của ngành Hải quan trong xây dựng và ban hành quy phạm pháp luật điều chỉnh.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Công ước này do các nước thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới (World Customs Organization, WCO) họp tại Thủ đô Nairobi của nước Cộng hòa Kênia ngày 09/6/1977 thông qua.

[2] Xem điểm d, Điều 1 Công ước Nairobi năm 1977.

[3] Năm 2002, dù Việt Nam chưa gia nhập WTO, nhưng Việt Nam đã tiến hành nội luật hóa một số quy định của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) trong Nghị định số 60/2002/NĐ-CP ngày 06/06/2002 của Chính phủ.

[4] Nghị quyết 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

[5] Điều 5, Luật Hải quan năm 2014.

[6] Tổng cục Hải quan, 60 năm Hải quan Việt Nam (1945 - 2005), Nxb. Công an nhân dân, tr.213.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2014). Luật Hải quan năm 2014.
  2. Tổng cục Hải quan (2005), 60 năm Hải quan Việt Nam (1945 - 2005), Nxb. Công an nhân dân.
  3. GATT (1947), Hiệp định chung về thuế quan và thương mại.
  4. Liên Hiệp quốc (2003), Công ước quốc tế về giúp đỡ hành chính lẫn nhau, điều tra, ngăn ngừa và trấn áp các vi phạm Hải quan (Nairobi ), Brúcxen.

 

LEGAL PRINCIPLES GOVERNING THE LAW ON ANTI-SMUGGLING

AND COMMERCIAL FRAUD IN VIETNAM

VU QUANG TOAN

Graduate Academy of Social Sciences

ABSTRACT:

Besides economic development opportunities, the economic integration also brings many difficulties and challenges including the increase in the number of smuggling and commercial frauds to Vietnam’s economy. By analyzing the concept, characteristics and negative impacts of smuggling and commercial frauds, this paper proposes some legal principles governing the law on anti-smuggling and commercial fraud in Vietnam.

Keywordssmuggling, trade fraud, customs, law, economics.