Ám ảnh nguồn lực tài chính

Các nhà bán lẻ nước ngoài tham gia vào thị trường Việt Nam đã lâu. Nhưng lấy mốc 2015, năm Việt Nam cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài, cùng với các chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ… khiến nhiều doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài tràn vào Việt Nam.

Chỉ trong một thời gian ngắn có hàng chục hãng bán lẻ nước ngoài hiện diện, mở rộng kinh doanh tại Việt Nam: Aeon, Lotte Mart, Parkson, Auchan, Central Group, BigC, Letee Mart, 7-Eleven, Takashimaya, Bibo Mart, GS25, E-Mart, Family Mart… Theo bước chân gia nhập thị trường là những kế hoạch đồ sộ: Aeon đặt mục tiêu có 20 trung tâm thương mại vào năm 2020; kế hoạch của Lotte đến năm 2020 khai trương 60 trung tâm thương mại; 7 - Eleven dự định mở 100 cửa hàng trong 3 năm đầu và tăng gấp 10 lần con số này trong 7 năm tiếp theo; Auchan hé lộ chiến lược đầu tư 500 triệu USD, mở 300 siêu thị và cửa hàng…

Choáng ngợp với những kế hoạch khổng lồ, một số dự báo đã đưa ra bức tranh khá “xám” cho doanh nghiệp bán lẻ trong nước. TS. Vũ Đình Ánh, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (tại thời điểm đó) cho rằng, trong cuộc cạnh tranh nội-ngoại ở lĩnh vực bán lẻ, rất dễ thấy những lợi thế của nhà bán lẻ nước ngoài. Nếu các doanh nghiệp Việt không có “đấu pháp” hợp lý thì hậu quả khó mà lường được!

Một chuyên gia khác, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận định, điểm yếu cố hữu của nhà bán lẻ trong nước là tài chính và tầm nhìn.

Nói đông nói tây gì thì cái mà doanh nghiệp bán lẻ trong nước lo nhất vẫn là tài chính. Bởi thế, tháng 1 năm 2007 Việt Nam gia nhập WTO thì tháng 3 cùng năm, bốn nhà bán lẻ lớn nhất lúc bấy giờ gồm Satra, Saigon Co.op, Hapro và Phú Thái đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển hệ thống phân phối (VDA) nhằm tạo ra một doanh nghiệp đủ lớn trước giờ “G” Việt Nam mở cửa cho nhà bán lẻ nước ngoài.

Nhìn vào chiến lược 2 giai đoạn của VDA: Giai đoạn một, 2007 đến 2008 đầu tư 1.500 tỷ đồng; Giai đoạn hai, từ 2008 đến 2010, tăng vốn điều lệ từ 1.000 lên 2.000 tỷ đồng, cũng đủ thấy nỗi lo của nhà bán lẻ trong nước, cũng như nhận thức chung của xã hội lúc ấy là, với nguồn lực tài chính mạnh mẽ, nhà bán lẻ nước ngoài sẽ thôn tính các nhà phân phối nhỏ bé trong nước. Thậm chí, có một báo cáo nhận định rằng, khi một siêu thị nước ngoài mở ra, trong vòng bán kính bao nhiêu km xung quanh đó, nhiều cửa hàng, chợ truyền thống, siêu thị trong nước sẽ không trụ vững nổi.

Ám ảnh về nguồn lực tài chính lớn đến nỗi, gần 1 thập kỷ sau, khi VDA đã được đánh giá hoạt động không hiệu quả, và giờ “G” đã qua đi, nhà bán lẻ trong nước đang nắm thị phần lớn thì ở đâu đó trên diễn đàn, trong hội nghị vẫn có những đề xuất liên kết nhiều nhà phân phối trong nước lại để “đấu” với nhà bán lẻ nước ngoài.

Ngậm ngùi kẻ ở người đi

Trái với dự đoán, sau hơn 4 năm kể từ giờ “G” 2015, số lượng siêu thị của nhà bán lẻ nước ngoài (Big C, Lotte Mart, Aeon, MM Mega Market…) cộng lại chưa bằng Co.op Mart.

Tháng 10 năm 2018, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 nhà bán lẻ uy tín 2018.  Bảng xếp hạng được phân thành hai nhóm. Đối với “Nhóm Hàng tiêu dùng nhanh và siêu thị”, có 3 nhà bán lẻ nước ngoài, gồm BigC, Aeon và Lotte giữ ở vị trí thứ 2, thứ 4 và thứ 6. Trong khi đó, 7 nhà bán lẻ trong nước gồm Vinmart, Saigon Co.op, Sasco, Satra, Hapro, Lan Chi, Nasco giữ vị trí thứ 1, 3, 5, 7, 8, 9, 10. Ở Top 10 “Nhóm hàng lâu bền, điện máy, điện lạnh, vàng bạc”, hoàn toàn là doanh nghiệp trong nước như Thế giới di động, PNJ, FPT, DOJI, Siêu thị Điện máy Chợ Lớn… Nhìn trên tổng thể, hiện chuỗi bán lẻ ngoại chiếm 27% thị phần, 73% còn lại do chuỗi bán lẻ nội chiếm.

Không chỉ chiếm thị phần khiêm tốn, chuỗi bán lẻ ngoại còn chứng kiến sự ra đi của nhiều tên tuổi lớn. Parkson, nhà bán lẻ hàng đầu Malaysia có tuổi đời trên 30 năm, đã ngậm ngùi ra đi vào năm 2018. Auchan, chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất nước Pháp cũng đuối sức và rút lui khỏi thị trường vào tháng 5 vừa qua. Trước Auchan, hãng Casino Group (Pháp) đã bán lại hệ thống siêu thị Big C cho Tập đoàn Central Group Thái Lan. Một nhà bán lẻ khác của Đức, Metro Cash & Carry cũng bán lại hệ thống của mình cho Tập đoàn TCC cũng của Thái Lan…

Nhiều người đã lặng lẽ ra đi, nhưng số người ở lại còn đông hơn: Lotte Mart, Aeon, Letee Mart, 7-Eleven, Takashimaya, Bibo Mart, GS25, E-Mart, Family Mart… Cuộc cạnh tranh nội-ngoại trong lĩnh vực bán lẻ vẫn tiếp diễn.

auchan

Sau hơn 2 tháng tuyên bố rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Auchan vẫn khiến nhiều người chưa hết ngạc nhiên.

Lực cầu chuyên biệt còn yếu

Sau hơn 2 tháng tuyên bố rút lui khỏi thị trường Việt Nam, Auchan vẫn làm nhiều người chưa hết ngạc nhiên. Vì sao chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất nước Pháp và đứng thứ 11 trên thế giới, được mệnh danh là “Walmart” của xứ sở hình lục lăng lại ra đi khi mới hiện diện hơn 4 năm? Nhưng với các chuyên gia bán lẻ, chuyện ra đi của Auchan là lẽ tất nhiên khi họ chọn hợp tác với các doanh nghiệp bất động sản để mở siêu thị ở hàng loạt chung cư hiện đại: I-Home, Sunny Plaza, Era Town, Useful… Phục vụ cho các thượng đế ở chung cư cao cấp này là hàng hiệu nhập khẩu. Tương tự, Parkson đi theo hướng kinh doanh những mặt hàng cao cấp, hàng hiệu và chọn mặt bằng bán hàng tại những khu đất đắt giá ở những thành phố lớn.

Kết cục, hai tên tuổi lớn của làng bán lẻ châu Âu, châu Á đã thất bại. Lý do là lực cầu những mặt hàng chuyên biệt (như hàng hiệu, hàng cao cấp) ở nước ta chưa đủ mạnh. Nếu đến một huyện vùng cao phía Bắc, hoặc Tây Nguyên, chúng ta có thể vào một cửa hàng tạp hóa hỏi mua dây lưng, quần áo, trái cây, thuốc thú y, thậm chí cả… cân sức khỏe. Sự tồn tại của loại cửa hàng “tổng hợp của các loại tổng hợp” là đương nhiên khi nhu cầu của dân cư trên địa bàn còn thấp, nhà bán lẻ không thể kinh doanh chuyên biệt một loại hình tạp hóa, trái cây, quần áo, hay thuốc thú y… như ở đô thị lớn được. Cũng như vậy, có thể 7-10 năm nữa, mô hình kinh doanh của Auchan, Parkson là đắc địa, nhưng hiện giờ thì chưa.

Big C, Metro Cash & Carry rút lui khỏi thị trường, nhượng lại cho các tập đoàn của Thái Lan lại là một câu chuyện khác. Sự ra đi của họ không hẳn vì kinh doanh thất bại, mà do chiến lược kinh doanh trên toàn cầu của hãng mẹ: Bán ở nơi này để tập trung nguồn lực vào nơi kia; bán lại lĩnh vực kinh doanh này để tổ chức lại lĩnh vực kinh doanh khác…

Bản địa hóa

Trong khi đó, Lotte Mart,  Aeon, BigC (đã thuộc về Central Group), Metro Cash & Carry (đã thuộc về Tập đoàn TCC và đổi tên thành MM Mega Market)… tiếp tục ăn sâu bén rễ và cùng nhau tạo ra một thế giới mới, thế giới của sự bản địa hóa thị trường bán lẻ.

Central Group rất thành công với Chương trình “Sinh kế Cộng đồng”, phát triển chuỗi cung ứng cho nông sản và sản phẩm thủ công, chủ động thu mua nông sản đặc sản như cam sành Hàm Yên, nhãn lồng Hưng Yên, vải thiều Lục Ngạn… Hoặc biến siêu thị của mình thành điểm trình diễn, quảng bá cho cá Sông Đà, su su trên đất cát Nghệ An, Xoài Sơn La, Gạo nếp Tú Lệ, Yên Bái…

Tương tự, tại hệ thống bán lẻ Aeon Mall (Nhật Bản) hay Lotte (Hàn Quốc) chỉ bày bán những mặt hàng thế mạnh của quốc gia như đồ gia dụng Nhật Bản hay hàng mỹ phẩm Hàn Quốc, còn trên 85% số hàng hóa tại siêu thị là sản phẩm nông sản, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm đóng gói, đồ uống và hàng Việt Nam nói chung. LOTTE Mart liên kết với nhà sản xuất trong nước đưa các sản phẩm Việt Nam vào danh mục nhãn hàng Choice L (thương hiệu độc quyền của Lotte Mart tại thị trường Việt Nam) nhanh chóng được người tiêu dùng yêu thích. Đến nay Choice L đạt doanh thu xấp xỉ 30% so với doanh thu của toàn hệ thống.

Thành công hay thất bại, nhà bán lẻ nước ngoài cũng vẽ nên một bức tranh đặc trưng trên thị trường bán lẻ nước ta: Nhu cầu tăng trưởng mạnh, quy luật sinh tồn khắc nghiệt, lực cầu ở những phân khúc chuyên biệt mới bước đầu phân hóa, chưa đủ mạnh để phát triển thành thị trường riêng.