Nhà báo Lê Nghiêm
Nhà báo Lê Nghiêm

Thấy rõ nhu cầu “được biết”

Qua phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, cá nhân tôi cảm nhận rất rõ hai ấn tượng. Thứ nhất, Bộ trưởng nắm khá chắc và sâu sắc những vấn đề thực tiễn của ngành Công Thương hiện nay. Dưới góc độ là người làm truyền thông, tôi thấy Bộ trưởng có phong thái bình tĩnh, tự tin; trả lời chất vấn rõ ràng, rành mạch.

Thứ hai, trong 2 buổi trả lời chất vấn là Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào sự thật, đi thẳng vào vấn đề mà những đại biểu QH nêu lên. Trong trả lời chất vấn, Bộ trưởng sẵn sàng tiếp thu, lắng nghe những ý kiến của các đại biểu, sẵn sàng nhận trách nhiệm cá nhân.

Trong những vấn đề mà đại biểu Quốc hội chất vấn, tôi thấy, có nhiều vấn đề nóng, dư luận đặc biệt quan tâm. Đối với những vấn đề này, tôi thấy Bộ trưởng giải trình thỏa đáng, đưa ra được 1 số biện pháp khả thi để giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt. Như việc giải quyết quá tải trong việc phát triển điện mặt trời, nêu được cam kết có thời hạn.

Qua hai buổi chất vấn vừa rồi của Bộ trưởng Bộ Công Thương, ta rút ra được mấy điều sau. Một là dư luận rất quan tâm đến ngành Công Thương, đây là cơ hội để ngành Công Thương làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, đáp ứng nhu cầu được biết của người dân và đại biểu quốc hội.

Hai là, qua nhu cầu muốn biết rất nhiều của đại biểu Quốc hội và người dân cũng thấy được công tác truyền thông của ngành Công Thương đang đứng trước yêu cầu rất là cao, rất mới. Đây là cơ hội để đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông.

Ba là, những vấn đề thuộc quyền quản lý của ngành Công Thương là đại sự quốc gia, nên người dân muốn biết là chính đáng. Người dân muốn được biết và bàn bạc những vấn đề quốc gia đại sự và góp ý kiến, tham gia thảo luận, phản biện những chính sách, chủ trương và cơ chế của ngành Công Thương. Và đặc biệt, yêu cầu rất mới hiện nay của công chúng là người dân muốn được giám sát quá trình thực hiện cơ chế, chính sách, giải quyết các vấn đề của Bộ, của ngành.

Nhu cầu "được biết" của cử tri và đại biểu Quốc hội với những vấn đề thuộc ngành Công Thương quản lý rất lớn
Nhu cầu "được biết" của cử tri và đại biểu Quốc hội đối với những vấn đề thuộc ngành Công Thương quản lý rất lớn (ảnh minh họa)

Bốn là, cần tạo điều kiện để các kênh truyền thông của cả nước, các kênh truyền thông của Bộ Công Thương mở diễn đàn để người dân được tham gia bàn luận, góp ý kiến, phản biện về các cơ chế, chính sách mà cơ quan quản lý đang xây dựng. Đây chính là truyền thông chính sách.

Thấy những điều cử tri kỳ vọng

Bản thân tôi sau phiên chất vấn này mong đợi công tác truyền thông phải làm tốt hơn, đặc biệt phải tập trung vào những cam kết mà Bộ trưởng đưa ra tại buổi chất vấn. Những cam kết đó bao gồm những biện pháp nêu ra, lời hứa hẹn, thời hạn - lộ trình thực hiện. Việc này chắc chắn dư luận và xã hội sẽ theo dõi, xem việc thực hiện cam kết đó.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tư nhân có quyền đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, tư nhân có quyền đầu tư vào hạ tầng truyền tải điện

Tôi nghĩ là một số biện pháp, giải pháp mà Bộ trưởng đưa ra có tính khả thi, tuy nhiên để làm tốt được cam kết đó phải cố gắng rất cao. Có rất nhiều giải pháp tương đối khả thi, sáng sủa như rất nhiều dự án điện mặt trời, công suất lớn nhưng còn gặp khó khăn truyền tải, phát điện ra, thì giải pháp khá sáng sủa được đưa ra là cho phép tư nhân xây dựng trạm biến áp lớn, tức là tư nhân được phép đầu tư vào quá trình truyền tải điện, Nhà nước vẫn giữ độc quyền quản lý truyền tải điện, mở ra cách thức rất rõ ràng.

Sau đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giải thích, Luật không quy định tư nhân không được phép đầu tư vào quá trình truyền tải điện, mà tư nhân chỉ không được quản lý.

Có nhiều cam kết có tính khả thi nhưng cần sự phối hợp nhiều và tốt hơn nữa của các Bộ, ngành liên quan. Như dự án điện khí Sóc Trăng, rất nhiều đại biểu và Chủ tịch Quốc hội đã nói thời gian 18 tháng như thế là dài, cần phải xong sớm hơn và phải có một cam kết về mặt thời gian, tôi hiểu là quy trình và thủ tục hành chính hiện nay của bộ máy hành chính nhà nước, không chỉ là trách nhiệm chung của Bộ Công Thương, vấn đề là sự tham gia - phối hợp có hiệu quả của rất nhiều Bộ, Ngành khác, nên chậm là một quy trình chung về mặt hành chính hiện nay, chứ không chỉ có một mình ngành Công Thương.

Qua phiên trả lời chất vấn này chắc chắn các Bộ, ngành khác cũng thấy trách nhiệm của mình để có sự phối hợp tốt hơn với Bộ Công Thương để thúc đẩy các dự án chậm tiến độ.