Nhà máy chế biến gỗ MDF: Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm từ rừng

Lào Cai là tỉnh có lợi thế rất lớn từ rừng trồng và rừng sản xuất. Nắm được thế mạnh của địa phương, Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên đã đầu tư hơn 750 tỷ đồng xây dựng dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF Bảo Yê

Đầu tư quy mô lớn

Nhà máy chế biến gỗ MDF Bảo Yên được xây dựng với tổng công suất 210.000m3 sp/năm, tương đương với 165.000 tấn sp/năm, trong đó bao gồm: Nhà máy sản xuất ván tre: Công suất 30.000 m3 sp/năm (tương đương với 30.000 tấn sp/năm); 05 nhà máy sản xuất ván dán: Tổng công suất 100.000 m3 sp/năm (tương đương với 75.000 tấn sp/năm); Nhà máy sản xuất ván MDF: Công suất 60.000 m3 sp/năm (tương đương với 45.000 tấn sp/năm); Nhà máy sản xuất ván thanh: Công suất 20.000 m3sp/năm (tương đương với 15.000 tấn sp/năm). Ngoài ra, Công ty còn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cho phép bổ sung thêm 02 nhà máy sản xuất ván dán, công suất 100.000 m3/năm (tương đương 75.000 tấn sp/năm). Như vậy, tổng công suất Nhà máy chế biến gỗ MDF Bảo Yên giai đoạn 2016-2020 sẽ là 310.000 m3, tương đương với 240.000 tấn sp/năm.

Theo ông Nguyễn Cảnh Hoàng Danh - Giám đốc Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên cho biết, tính đến nay, tổng kinh phí đã đầu tư cho dự án là 182 tỷ đồng. Về cơ bản, Nhà máy tre đã hoàn thành xong các hạng mục đầu tư và đang trong quá trình sản xuất thử nghiệm tấm lót đường, ván lót sàn container, hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn của đối tác nước ngoài. Cùng với đó, Nhà máy sản xuất tấm coppha tre, tấm tre nội thất phục vụ tiêu dùng trong nước. Nhà máy ván dán vừa hoàn thành lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động sản xuất tháng 6/2016, đã xuất được lô hàng mẫu để tiến tới ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm ván ép chất lượng cao cho đối tác Nhật Bản trong tháng 12/2016. Trong tháng 7/2016, Nhà máy đã xuất lô hàng ván ép đầu tiên cho đối tác Hàn Quốc. Nhà máy sản xuất ván MDF được khởi công tháng 6/2013, dự kiến hoàn thành và đi vào sản xuất tháng 6/2018. Nhà máy sản xuất ván thanh được khởi công tháng 6/2016, dự kiến hoàn thành 6/2017.

Công ty đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại

Song song với việc đầu tư xây dựng để sớm đưa các nhà máy đi vào sản xuất, Công ty vừa khởi công xây dựng thêm 6.000m2 nhà xưởng để phục vụ cho việc lưu trữ, bảo quản nguyên liệu và thành phẩm; đồng thời tiếp tục mở rộng đường nội bộ di chuyển giữa các nhà máy trong Công ty, xây dựng nhà ăn, nhà nghỉ giữa ca cho công nhân;....

Nơi tiêu thụ sản phẩm rừng lớn nhất

Theo công suất thiết kế của nhà máy và kế hoạch sản xuất kinh doanh của Công ty, mỗi tháng, Nhà máy tre cần tới 7.500 tấn nguyên liệu vầu, luồng, tương đương với 90.000tấn/năm. “Để đáp ứng nguyên liệu cho Nhà máy Tre hoạt động, Công ty đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bảo Yên và một số nhà cung cấp ở Yên Bái, Hà Giang về việc thu mua nguyên liệu luồng, vầu. Hiện tại, khối lượng thu mua đạt khoảng 1.000-1.500 tấn/tháng. Công ty đang tiến hành làm việc với các đơn vị: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn, Chi cục Lâm nghiệp Bảo Yên, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Bảo Yên để cung ứng cây vầu, luồng cho Nhà máy tre, với sản lượng dự kiến đạt 2.500 tấn/tháng” - Giám đốc Nguyễn Cảnh Hoàng Danh cho biết thêm.

Về nhu cầu nguyên liệu gỗ cho nhà máy là 16.600m3/tháng, tương ương với 200.000m3/năm, Công ty đã ký kết thu mua ván bóc nguyên liệu từ các nhà cung cấp trên địa bàn tỉnh Lào Cai và các tỉnh lân cận như Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang thông qua Hợp đồng mua bán và các phụ lục chi tiết. Với tiềm năng sẵn có của địa phương, kỳ vọng đây sẽ trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm ván bóc thô lớn nhất trên địa bàn để làm nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất của Nhà máy.

Phát huy vai trò dự án

Dự kiến, nhu cầu lao động cho toàn bộ dự án Nhà máy chế biến gỗ MDF Bảo Yên giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 1.445 người. Có thể nói, dự án không chỉ giúp tạo việc làm cho lao động nông thôn, mà còn góp phần thúc đẩy phong trào phát triển kinh tế từ nghề trồng rừng, giúp người dân thoát nghèo và làm giàu.

Việc đầu tư xây dựng và đưa Nhà máy chế biến gỗ MDF vào hoạt động của Công ty Cổ phần MDF Bảo Yên theo đúng chủ trương của Nhà nước và của tỉnh Lào Cai. Đây sẽ là thị trường ổn định đầu ra cho sản phẩm của rừng trồng, rừng sản xuất trên địa bàn; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người trồng rừng và nhiều lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách ở địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng trưởng kinh tế của tỉnh Lào Cai nhanh và bền vững.

“Thời gian qua, Công ty luôn được sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, các sở, ngành tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên tạo điều kiện thuận lợi để dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động. Cán bộ, công nhân viên, người lao động Công ty chúng tôi quyết tâm nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn để dự án phát huy được vai trò, ý nghĩa cao nhất” - Giám đốc Nguyễn Cảnh Hoàng Danh nhấn mạnh.