Chỉ trong 4 ngày của tháng 8 năm 2018 này, Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đã tổ chức 2 hội thảo ở 2 thành phố thuộc loại lớn nhất của Canada là Montreal và Toronto, cách Việt Nam gần 13 ngàn cây số. Đường sá xa xôi, giữa Việt Nam - Canada lại chưa có hiệp định thương mại tự do song phương (FTA), vậy điều gì khiến dệt may nước ta quyết chinh phục thị trường Bắc Mỹ có diện tích lớn thứ 2 thế giới này?

Nhìn trên tổng thể, từ 2000 đến nay, dệt may vẫn luôn dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Canada. Trong 7 tháng đầu năm nay, nhóm hàng dệt may đứng đầu về kim ngạch với 367 triệu USD, chiếm 21,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa các loại sang thị trường này, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Con số xuất khẩu tuyệt đối chưa nhiều, nhưng đây lại chính là dư địa cho hàng dệt may nước ta khi Canada là quốc gia có mức tiêu dùng hàng may mặc bán lẻ thuộc loại cao, khoảng hơn 20 tỉ đô la Canada (tương đương 18 tỉ USD) mỗi năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp thời trang nước này lại phụ thuộc nhiều vào sợi nhập khẩu. Mặt hàng này phải chịu mức thuế dao động từ 9% (đối với sợi len) tới 16% (đối với sợi dệt). Thuế này cộng với chi phí lao động tương đối cao ở Canada làm cho giá bán hàng may mặt nội địa cao hơn nhiều so với hàng nhập khẩu. Do đó, hàng may mặc nhập khẩu có giá thấp sẽ có nhiều cơ hội thâm nhập được vào mảng thị phần hàng giá thấp và trung bình ở Canada. Đây là lý do vì sao sản phẩm dệt may của Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia hay Bangladesh đã thành công ở thị trường này.

Trong các nước dẫn đầu xuất khẩu hàng dệt may vào Canada có Trung Quốc (40%), Bangladesh (12%), Việt Nam và Campuchia cùng 10%. Tuy nhiên, CPTPP đã mở ra lợi thế cho Việt Nam đẩy mạnh tốc độ phát triển dệt may tại thị trường Canada khi có hiệu lực từ đầu năm sau. Từ mức thuế trung bình trên 10% về 0%, xuất khẩu dệt may nước ta sẽ nhanh chóng vượt qua Bangladesh hay Campuchia, nhanh chóng khỏa lấp khoảng cách với Trung Quốc là những nước nằm ngoài CPTPP.

2 cuộc hội thảo ở Motreal, Toronto nói trên đã thu hút sự quan của Hiệp hội May mặc Canada và các nhà nhập khẩu, các nhà bán lẻ lớn có danh tiếng trong lĩnh vực dệt may của Canada như Moose Knuckles, Dynamite, Giant Tiger, Reitmans, Penningtons, Lululemon,… Các đối tác đã tìm hiểu và làm việc với từng doanh nghiệp của Vinatex như Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội, Tổng Công ty CP Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty Đức Giang – CTCP, Công ty CP Quốc tế Phong Phú… để tìm hiểu thêm chi tiết từng mặt hàng dệt kim, áo khoác, quần áo nữ, quần áo trẻ em, khăn, denim,…

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao từng dòng hàng mà các đơn vị thành viên Vinatex hiện đang sản xuất. Tại buổi gặp gỡ, nhiều đối tác đã tiến tới những thỏa thuận hợp tác ban đầu với các doanh nghiệp như: Công ty CP Quốc tế Phong Phú, TCT CP Dệt May Hòa Thọ,… và mong muốn có những bước tiến xa hơn, xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài, bền vững giữa hai bên nhằm nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam – Canada.

Mặc dầu có 2 lợi thế cơ bản: Hưởng thuế suất 0% từ CPTPP và, Canada luôn có nhu cầu về mặt hàng may mặc làm từ sợi tự nhiên, phù hợp với mặt hàng may mặc Việt Nam, nhưng theo đánh giá, xuất khẩu dệt may nước ta khó mà vượt qua được công xưởng may mặc khổng lồ của Trung Quốc đối với thị trường Canada. Tuy nhiên, trong vài năm tới, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may sang Canada được dự báo khoảng trên dưới 20% mỗi năm, vẫn có thể coi Việt Nam sẽ làm một  cuộc “lật đổ” ngoạn mục, đó là “lật đổ” sự phổ biến quá mức của hàng dệt may Trung Quốc tại thị trường Canada nhiều năm qua, luôn cao hơn nhóm 3 nước dẫn đầu còn lại.