Nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại Việt Nam

LÊ TẤN PHƯỚC (Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại (NHTM) đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực ngân hàng điện tử nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh cũng như mở rộng thị phần. Nghiên cứu này được thực hiện nhằm đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại Việt Nam. Bằng phương pháp phân tích nhân tố khẳng định (CFA) với mẫu 214 khách hàng có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại các NHTM Việt Nam, tác giả xác định được các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại Việt Nam. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng.

Từ khóa: CFA, ngân hàng điện tử, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam hiện đang được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, để có thể tồn tại và phát triển buộc các NHTM phải hội nhập vào xu hướng chung của nền kinh tế tài chính thế giới, đặc biệt là phải đầu tư để nắm bắt kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại của hệ thống ngân hàng mà tiêu biểu nhất là hệ thống ngân hàng điện tử. Nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam ngày càng tăng đã thúc đẩy các NHTM đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực ngân hàng điện tử nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh cũng như mở rộng thị phần của mình. Do đó, để việc đầu tư trên trở nên hiệu quả, các NHTM cần phải biết chính xác những nhân tố nào đang tác động đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, để từ đó có thể có những chiến lược tối ưu nhất.

2. Mô hình nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình TAM mở rộng được trình bày như Hình 1:

Để đánh giá các nhân tố ảnh hưởng đến sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng, tác giả sử dụng phương pháp phân tích nhân tố khẳng định (Confirmatory Factor Analysis - CFA).

3. Thống kê mô tả dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu phục vụ nghiên cứu được tác giả thu thập từ 214 khách hàng cá nhân có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của 26 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Để thu thập các thông tin cần thiết cho nghiên cứu, tác giả tiến hành khảo sát các khách hàng này thông qua phỏng vấn trực tiếp và gián tiếp bằng bảng câu hỏi đã được thiết kế sẵn. Kết quả thống kê mô tả mẫu được trình bày trong Bảng 1 sau:

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Kiểm định sự phù hợp của mô hình

Kết quả CFA đạt được như sau:

- Chi-square = 577.579; df = 341, P = 0.000 (P < 0.05): thỏa mãn yêu cầu

- Chi-square/df = 1.694 (< 3): thỏa mãn yêu cầu

- GFI = 0.844 (< 0.9): chưa thỏa mãn yêu cầu

- TIL = 0.914 (> 0.9) và CFI = 0.928 (> 0.9): thỏa mãn yêu cầu

- RMSEA = 0.057 (< 0.08): thỏa mãn yêu cầu

Vậy tất cả các yêu cầu đều thỏa mãn trừ chỉ số GFI nhỏ hơn 0.9, tuy nhiên rất khó có mô hình nào có thể đạt được tất các các yêu cầu cùng một lúc, do đó ta có thể chấp nhận kết quả phân tích CFA trên và kết luận mô hình đạt độ tương thích với dữ liệu thị trường.

4.2. Kiểm định độ tin cậy tổng hợp và phương sai trích

Độ tin cậy tổng hợp (ρc) (Joreskog, 1971) và tổng phương sai trích (ρvc) (Fornell và Larcker, 1981) được tính theo công thức sau:

Trong đó: λi là trọng số chuẩn hóa theo biến quan sát thứ i

1 - λi2 là phương sai của sai số đo lường biến quan sát thứ i

ρ là số biến quan sát của thang đo

Bảng 2, kết quả trên cho thấy các thang đo đều đạt yêu cầu về chỉ tiêu ρc > 0.5 và ρvc > 0.5

4.3. Kết quả kiểm định các giả thiết

5. Thảo luận kết quả

Kết quả phân tích của mô hình TAM mở rộng cho thấy các nhân tố ảnh hưởng đến thái độ hướng đến sử dụng dịch vụ NHĐT của khách hàng bao gồm: Ảnh hưởng xã hội (SI), sự hiểu biết về dịch vụ và lợi ích của nó (AW), mức độ tự tin vào khả năng sử dụng công nghệ (SE), niềm tin vào hệ thống NHĐT (TR), hình ảnh ngân hàng (BI), nhận thức dễ sử dụng (PEOU) và nhận thức hữu ích (PU). Các nhân tố này đều có ảnh hưởng thuận chiều đến thái độ hướng đến sử dụng dịch vụ của khách hàng. Xét giữa các nhân tố tác động gián tiếp đến thái độ hướng đến sử dụng thì sự tự tin có ảnh hưởng lớn nhất, ảnh hưởng yếu nhất đó là ảnh hưởng xã hội. Nếu xét đến các nhân tố tác động trực tiếp đến thái độ của khách hàng thì nhân tố nhận thức dễ sử dụng có ảnh hưởng mạnh nhất, ảnh hưởng yếu nhất là nhân tố hình ảnh ngân hàng. Tổng hợp lại, ta thấy, thái độ hướng đến sử dụng dịch vụ chịu ảnh hưởng mạnh nhất từ nhân tố nhận thức dễ sử dụng, tiếp đó là biến nhận thức sự hữu ích của dịch vụ.

Hai nhân tố thái độ hướng đến sử dụng dịch vụ (ATT) và nhận thức hữu ích (PU) có tác động tích cực đến ý định chấp nhận sử dụng dịch vụ của khách hàng. Ngoài 2 nhân tố trên có ảnh hưởng mạnh đến ý định chấp nhận thì trong nhân tố tác động gián tiếp, nhận thức dễ sử dụng có ảnh hưởng đáng kể nhất đến ý định chấp nhận, thứ hai là nhân tố hiểu biết về dịch vụ, thấp nhất là hình ảnh ngân hàng.

6. Các giải pháp thúc đẩy sự chấp nhận sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng

6.1. Các biện pháp nâng cao nhận thức hữu ích của khách hàng

- Tiếp tục đưa ra các tiện ích và sản phẩm mới dành riêng cho dịch vụ ngân hàng điện tử. Ngân hàng nên liên kết thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ để khách hàng có thể thanh toán hóa đơn trực tiếp trên web mà không cần phải chuyển khoản để thanh toán như hiện nay. Ngoài ra, ngân hàng nên mở thêm các tính năng xuất hiện bảng thông báo các mức phí cụ thể có thể phát sinh cho từng loại giao dịch trước khi khách hàng hoàn tất thao tác, điều này sẽ giúp khách hàng nắm rõ nội dung các khoản phí bị thu và cân nhắc trước khi thực sự thực hiện lệnh trên hệ thống.

- Cải thiện dịch vụ SMS banking: Tuy rằng xu hướng phát triển của internet là điều rất rõ ràng, tuy nhiên các ngân hàng nên quan tâm hơn đến nhóm khách hàng có thói quen sử dụng điện thoại di động hơn là mạng internet như khách hàng lớn tuổi, khách hàng trình độ tin học còn thấp hoặc các khu vực tỉnh thành chưa phát triển.

- Quảng bá dịch vụ ngân hàng điện tử: Cần đưa thông tin đến các khách hàng hiện hữu và tiềm năng để gia tăng lượt giao dịch cũng như số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ.

- Chủ động lắng nghe ý kiến, đóng góp phản hồi của khách hàng: Ngân hàng nên định kì làm khảo sát về trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử để từ đó có thể tự điều chỉnh, khắc phục hạn chế của dịch vụ cũng như bổ sung thêm các tính năng hữu ích, thiết thực được đóng góp từ phía khách hàng.

6.2. Các biện pháp để nâng cao nhận thức dễ sử dụng dịch vụ ở khách hàng

- Mở rộng số lượng trình duyệt web, hệ điều hành tương thích với các phiên bản của ngân hàng điện tử nhằm giúp khách hàng có nhiều lựa chọn để dễ dàng truy cập vào hệ thống.

- Nên thiết kế các giao diện của phiên bản ngân hàng điện tử sinh động và thân thiện với người dùng. Tránh các hình ảnh rườm rà, rối mắt khiến khách hàng khó chịu trong quá trình sử dụng. Các tính năng, tiện ích liên quan với nhau nên được đặt gần nhau để khách hàng dễ dàng xác định. Ngân hàng nên bổ sung thêm phiên bản tiếng Anh để các khách hàng người nước ngoài cũng có thể thao tác một các dễ dàng.

- Đơn giản hóa thủ tục đăng kí sử dụng dịch vụ và hình thức lấy lại thông tin đã mất.

6.3. Các biện pháp nâng cao niềm tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ NHĐT

- Tăng cường tính năng bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử bằng cách đầu tư và áp dụng những công nghệ hiện đại nhất.

- Quản lý chặt chẽ, thực hiện phân quyền hạn hợp lý đối với nhân viên nội bộ, thiết lập hệ thống phân quyền hợp lý. Cần xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của từng bộ phận, từng cá nhân để có thể vận hành hệ thống ngân hàng điện tử hoạt động một cách trôi chảy, hạn chế những nhầm lẫn do lỗi nghiệp vụ, tác nghiệp của nhân viên.

- Nâng cao tính an toàn cho mật khẩu, cũng như nâng cao nhận thức khách hàng về các rủi ro giao dịch.

- Khuyến cáo khách hàng về việc sử dụng chung thiết bị điện tử với người khác và giới thiệu cho khách hàng các kênh để liên hệ với ngân hàng ngay khi những thông tin quan trọng bị đánh cắp.

6.4. Các biện pháp để nâng cao hình ảnh và thương hiệu của ngân hàng

- Cải thiện chất lượng dịch vụ và sản phẩm ngân hàng điện tử: Rút ngắn thời gian xử lý giao dịch, liên kết với nhiều nhà cung cấp dịch vụ để tăng thêm các thanh toán.

- Thực hiện các cam kết về dịch vụ ngân hàng điện tử với khách hàng.

- Đầu tư nhiều chi phí phát triển hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử.

- Tổ chức các hoạt động PR, thực hiện nhiều hoạt động cộng đồng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp với khách hàng.

6.5. Một số giải pháp khác

- Giảm phí dịch vụ cho các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng điện tử bằng các chương trình khuyến mại, ưu đãi định kỳ.

- Hoàn tiền, chiết khấu cho các giao dịch thanh toán hóa đơn.

- Miễn, giảm các loại phí dịch vụ tài chính cá nhân như phí quản lý tài khoản, phí kiểm đếm, phí xác nhận số dư,… dành cho các chủ tài khoản có sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử.

Ngoài ra, ngân hàng nên tiếp tục quan tâm đầu tư đến nguồn nhân lực:

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: Thường xuyên mở các lớp đào tạo nội bộ hoặc các khóa học e-learning mỗi khi ngân hàng có những sản phẩm, dịch vụ mới, để giúp nhân viên cập nhật kiến thức kịp thời, từ đó có thể tư vấn, hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

- Nâng cao chất lượng phục vụ: Các ngân hàng nên xây dựng bộ chuẩn mực về thái độ, phong cách phục vụ khách hàng.

- Hiện đại hóa nghiệp vụ: Các ngân hàng cần ứng dụng các công nghệ hiện đại vào quy trình nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn cũng như giúp việc quản lý trở nên khoa học và hợp lý hơn; tiến gần hơn với chuẩn mực hiện đại quốc tế từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Cơ cấu lại các quy trình, thủ tục rườm rà và không cần thiết để phù hợp hơn với tính chất kinh doanh thị trường là nhanh chóng và chuẩn xác.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tania Modesto Veludo-de-Oliveira Marcelo Augusto Falciano Renato Villas Boas Perito (2014). Effects of credit card usage on young Brazilians compulsive buying. Young Consumers, Vol. 15 Iss 2 pp. 111 - 124.

2. Olokoyo, F. (2011). Determinants of Commercial Banks Lending Behavior in Nigeria. International Journal of Financial Research, 2(2), 61-72.

3. Guo, K., & Stepanyan, V. (2011). Determinants of Bank Credit in Emerging Market Economies. International Monetary Fund Working Paper, European Department, No. WP/11/51.

FACTORS AFFECTING THE USAGE

OF E-BANKING SERVICES IN VIETNAM

● LE TAN PHUOC

University of Economics, Ho Chi Minh City - UEH

ABSTRACT:

The increasing demand for e-banking in Vietnam has encouraged commercial banks to invest more in e-banking to enhance their competitive position as well as expand their market. This study was conducted to assess the factors affecting the usage of e-banking services in Vietnam. By means of confirmatory factor analysis (CFA) with the sample of 214 customers using e-banking services at Vietnamese commercial banks, the author identified the factors affecting the usage of e-banking service in Vietnam. Based on the research results, the authors proposed solutions to promote the usage of e-banking services.

Keywords: CFA, electronic banking, commercial banks.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây