Nhiệt điện Phú Mỹ: Nâng cao hiệu suất làm mát thiết bị

Nâng cao hiệu suất làm mát thiết bị giúp Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ tăng công suất cũng như hệ số sử dụng cho các tổ máy.

Tháng 9/2017, sau khi đưa vào vận hành hệ thống nước làm mát bổ sung bằng nước sông cho các tổ máy GTs Phú Mỹ 4, hệ thống lọc rác nước sông thường xuyên báo động sai áp làm cho tiến trình rửa ngược lặp lại liên tục với tần suất khoảng 20 lần/ngày. Nguyên nhân là do tiến trình rửa ngược đạt hiệu suất thấp, rác còn bên trong lược rất nhiều làm sai áp lược tăng cao. Việc rửa ngược lặp lại liên tục trong thời gian ngắn đã gây quá nhiệt động cơ cần gạt, kéo theo sự cố dây chuyền trong hệ thống: sai áp tăng cao -> Lưu lượng nước giảm thấp -> dẫn đến bơm làm mát bị ngừng khẩn, dẫn đến nguy cơ tổ máy phải vận hành ở tải thấp hoặc ngừng hoạt động do thiếu nước làm mát.

Theo thiết kế, hệ thống làm mát bổ sung bằng nước sông lấy nước trực tiếp từ hệ thống làm mát chính (MCW). Nước được bơm tiếp sức tăng áp cung cấp đến các bộ trao đổi nhiệt nước/nước sông để giải nhiệt cho nước tuần hoàn kín cho các tổ máy tua bin khí.  

Tuy nhiên do hệ thống lấy nước trực tiếp từ nước sông nên trên hệ thống phía sau bơm tiếp sức có thiết kế lắp đặt 01 hệ thống lọc rác tự động rửa ngược để lọc sạch rác có kích thước > 200µm trước khi đưa đến các bộ trao đổi nhiệt.

Cấu tạo hệ thống lọc rác
Cấu tạo hệ thống lọc rác
Hình ảnh tháo chi tiết để vệ sinh
Hình ảnh tháo chi tiết để vệ sinh
Rác nghẹt tại khe hở bộ Ejector
Rác nghẹt tại khe hở bộ Ejector

Để xử lý việc sai áp tăng cao này, các đơn vị phải tiến hành tháo rã toàn bộ khoang lược hệ thống lọc rác để vệ sinh trực tiếp bằng tay từng ống lược. Công tác này tốn rất nhiều nhân lực và thời gian do phải thực hiện liên tục để đảm bảo duy trì cho tổ máy vận hành.

Chứng kiến và cảm thông với sự nhọc nhằn của các công nhân, Anh Trần Thiện Phú, một kỹ sư trẻ của Phân xưởng Vận hành 1 đã quyết tâm bắt tay vào nghiên cứu để tìm giải pháp khắc phục. Bắt đầu từ tài liệu thiết kế, tìm hiểu từng thông số, chi tiết nhỏ của hệ thống, kết hợp bám sát hiện trường trong tất cả các lần tháo lược xử lý, vệ sinh.

Sau một thời gian theo dõi, đánh giá phân tích, anh đã xác định được nguyên nhân chính là do hệ thống lọc rác được nhà thầu thiết kế lắp đặt bổ sung sau nên chưa đồng bộ với hệ thống hiện hữu, khe hở giữa ống ejector và thành ống cần gạt nhỏ hơn rất nhiều so với kích thước lưới chắn rác của hệ thống nước làm mát chính. Do đó, khi rửa ngược, các phần tử rác có kích lớn sẽ bị dính lại khe hở này không thoát ra được nên làm tắc đường thoát rác của các ống lược. Vì vậy tiến trình rửa ngược bị mất tác dụng, các ống lược nhanh chóng bị nghẹt gây sai áp lược tăng cao liên tục dù rửa ngược nhiều lần.

Dựa vào việc phân loại, đánh giá kích cỡ rác thu gom được, Anh đã tính toán cho gia công, hiệu chỉnh lại khe hở ống ejector tăng từ 5mm lên 10mm để phù hợp với điều kiện môi trường nước sông khu vực. Nhờ đó, rác có thể lọt qua khe này đi ra ngoài mà không bị kẹt lại như trước. Sau khi gia công lại ống ejector, Phân xưởng đã vận hành thử nghiệm và nhận thấy hệ thống lọc rác được rửa ngược rất tốt, không còn hiện tượng sai áp lược tăng cao liên tục nữa. Hệ thống vận hành ổn định, góp phần nâng cao độ tin cậy của các tổ máy.

Hiện tại đã hơn 6 tháng vận hành kể từ khi thực hiện cải tạo, hệ thống lọc rác nước sông vẫn đang vận hành ổn định, không còn hiện tượng sai áp tăng cao bất thường. Tiến trình rửa ngược chỉ còn thực hiện tự động định kỳ, không cần phải tháo rã lược vệ sinh bằng tay lần nào.

Cùng với nhiều sáng kiến hợp lý hóa sản xuất khác, giải pháp này đã giúp Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ luôn duy trì vận hành đạt công suất thiết kế và nâng cao hệ số khả dụng của các tổ máy phát điện.

Thủy Duyên