Những năm gần đây, Nhà máy Alumin Tân Rai luôn đạt và vượt công suất thiết kế, đặc biệt năm 2018, lần đầu tiên Nhà máy cán đích 675.000 tấn alumin, lợi nhuận toàn bộ Dự án (cả phần hạch toán ở Công ty) đạt trên 1.800 tỷ đồng. Không còn gì để nghi ngờ tính hiệu quả của Dự án, nhưng ít ai biết, đằng sau thành công đó là những lo toan, trăn trở, là những đêm không ngủ, là nước mắt, thậm chí cả máu…

Gần 9 năm trước, Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng - TKV (LDA) ra đời với sứ mệnh: Chuẩn bị bộ máy và các điều kiện để tiếp quản và làm chủ vận hành Tổ hợp Bauxite - Nhôm Lâm Đồng. Những người LDA khi đó đã bước đi trong tư thế của những người "dò đá qua sông", vừa làm, vừa học, vừa nghiên cứu tìm hướng đi...

Khắc nghiệt thay, con đường của họ đi không hề đơn giản và bằng phẳng mà đầy khó khăn, gian khổ, đầy thử thách, có những lúc tưởng chừng như bế tắc, ngừng hoạt động, ăn lương chờ việc. Có những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua; có những thất bại, vấp ngã phải trả giá và cũng có những mất mát mãi mãi không thể lấy lại được... Nhưng điều mà họ tự hào nhất là những trái tim nóng, đau đáu vì sự phát triển của Công ty, của Dự án, sự nhiệt huyết, sự sáng tạo và hơn cả là “biết vì công việc chung mà phấn đấu.

Không có hoa hồng và sự lãng mạn nào cho một Công ty non trẻ ngày đó khi những nguồn dư luận trái chiều về tính hiệu quả của Dự án, vấn đề môi trường, vấn đề xã hội… lại là một ngành công nghiệp hoàn toàn mới. Với họ chỉ có thể là công việc và hiệu quả.

“Nhiều đêm tôi không ngủ được. Áp lực quá lớn từ một ngành công nghiệp hoàn toàn mới, những khó khăn tưởng không thể vượt qua. Có những thời điểm, chúng tôi đã phải tự xiết tay để lên dây cót cho chính bản thân mình”, Tổng Giám đốc Công ty Vũ Minh Thành chia sẻ. Một ngành công nghiệp mới sẽ đi về đâu và những hệ lụy khủng khiếp nếu Công ty vận hành không ổn định? Đời sống của gần 1.500 lao động và cộng sinh thêm hàng ngàn người khác nữa sẽ ra sao?... Cứ như vậy, họ đã đặt cả danh dự, uy tín của mình vào công việc.

Đằng sau ánh hào quang của thành công là những gian khổ, mất mát khó có thể gói gọn thành lời. Với những người LDA, hình ảnh của những người công nhân ngày đêm tận tụy, miệt mài trên khai trường, nhà máy; những nhân viên mẫn cán, miệt mài với công việc; hình ảnh những mái đầu chụm bên nhau suốt đêm để bàn tính công việc, hối hả cùng nhau xử lý những sự cố; hình ảnh những ánh mắt quầng thâm vì mất ngủ, những mái tóc bạc trắng vì trăn trở, lo toan và áp lực; hình ảnh những đôi vai gầy nhỏ nhắn nhưng gánh vác đầy trọng trách công việc... là những hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí.

Đó là kết tinh của tâm huyết, sáng tạo, đoàn kết và không ngừng vươn lên. “Chính những hình ảnh đáng trân trọng đó đã làm nên vinh quang, thương hiệu, văn hóa và vị thế của LDA ngày hôm nay” - ông Thành khẳng định.

Còn nhớ, nguyên Chủ tịch HĐTV TKV Trần Xuân Hòa đã từng nói, ông cảm kích và tự hào về những người LDA - những người đã cùng lãnh đạo Tập đoàn đặt những viên gạch đầu tiên cho một ngành công nghiệp mới mẻ, đầy thử thách.

LDA đã đi qua 3 giai đoạn (Giai đoạn đầu thành lập - tham gia kiến thiết cơ bản và chuẩn bị sản xuất; giai đoạn II: Tiếp quản nhà máy, làm chủ công nghệ; giai đoạn III: Tăng tốc, đạt và vượt công suất thiết kế) và ở giai đoạn nào, họ cũng ghi những dấu ấn riêng, khẳng định những nỗ lực không mệt mỏi của mình.

Trong lĩnh vực điều hành sản xuất, Ban lãnh đạo Công ty chỉ đạo thiết lập và dần hoàn thiện một số mô hình tổng thể làm xương sống cho việc điều hành sản xuất toàn tổ hợp như: mô hình bố trí điều hành sản xuất theo 2 cụm mỏ - tuyển và Nhà máy alumina; mô hình kết nối điều hành sản xuất hàng ca, xây dựng lịch tác nghiệp - giao ban sản xuất hàng tuần; mô hình tổ chức khai thác mỏ - dự phòng quặng nguyên khai tại kho tối ưu, phù hợp với điều kiện tự nhiên và khí hậu khu vực Tây Nguyên…

Song song đó, xác định giảm giá thành sản xuất là yếu tố then chốt quyết định giá thành sản phẩm, ban lãnh đạo và Tổng Giám đốc Công ty nghiên cứu xây dựng chi tiết sơ đồ công nghệ và quy trình khai thác quặng bauxite phù hợp, tối ưu tại mỏ Tân Rai; chỉ đạo, động viên đội ngũ kỹ sư, thợ vận hành khu vực Nhà máy alumina nỗ lực, sáng tạo tiếp quản làm chủ công nghệ, khống chế tốt các quá trình sản xuất, bảo đảm chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thiết kế và tiêu chuẩn tiêu thụ trên thị trường quốc tế; động viên, khuyến khích, tạo cơ chế và quyết định cho áp dụng nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất; mạnh dạn cho thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ mới… nhằm tăng hiệu quả, hiệu suất vận hành, giảm tiêu hao nguyên vật liệu, hạ giá thành sản xuất… Chính việc tiếp cận quản lý và giải quyết các vấn đề công nghệ một cách bài bản, sáng tạo đã từng bước thiết lập, duy trì vận hành thành công ở mức tải xấp xỉ 100% công suất thiết kế. Hầu hết các chỉ tiêu tiêu hao đều giảm so với thiết kế.

Cùng với đó là các biện pháp quản trị công nghệ, giao khoán, quản trị chi phí theo các định mức đã tạo ra kết quả hết sức ấn tượng và có ý nghĩa trong việc giảm giá thành sản xuất. Nếu giá thành vận hành năm 2014 hết 5.181.000 đồng/tấn alumin thì năm 2018 giảm xuống 4.377.000 đồng/tấn. Điều này đã góp phần quan trọng đem lại hiệu quả kinh tế cho Dự án; tổ chức sản xuất có hiệu quả cao, đảm bảo các điều kiện an toàn - môi trường đề ra.

Đi trong khuôn viên Nhà máy Alumin Tân Rai hôm nay, một màu xanh chủ đạo mát mắt, những bông hồng khoe hương sắc. Thanh bình, êm đềm như Dự án chưa từng “dậy sóng”.

Ở thời điểm hiện tại, Công ty đã tiếp cận sâu và làm chủ về mặt thiết bị. Từ một ngành công nghiệp hoàn toàn mới, để phục vụ yêu cầu quản lý, Công ty đã chủ động đầu tư công sức, huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống định mức quản lý thiết bị. Bắt đầu từ hồ sơ thiết kế của nhà thầu, hồ sơ kỹ thuật của thiết bị đến hệ thống thống kê kỹ thuật và phân tích khoán chi phí…

Sau nhiều năm khảo sát, phân tích, thu thập dữ liệu, Công ty đã cơ bản hoàn thiện ngân hàng dữ liệu về thông số kỹ thuật thiết bị cũng như quy cách, tiêu chuẩn của các vật tư, phụ tùng thay thế, được mã hóa và quản lý trên các phần mềm máy tính dùng chung trong toàn Công ty. Một số thiết bị, chi tiết quan trọng, thiết bị đo lường, thiết bị điều khiển đã được chuyển dần sang dùng thiết bị của các các nước tư bản, các hãng lớn, uy tín, tin cậy, hiệu quả cao hơn.

LDA hôm nay đang ở giai đoạn IV - Giai đoạn tối ưu hóa sản xuất kinh doanh và các mặt quản lý, tạo ra giá thành sản xuất kinh doanh tối ưu nhất, không ngừng nâng cao sức cạnh tranh và sức mạnh của doanh nghiệp. Nhà máy vận hành ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, đời sống của CBCNV - LĐ không ngừng tăng cao. Sản phẩm của Nhà máy đạt chất lượng cao, được các khách hàng Ấn Độ, Trung Đông (UAE), Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan... ưa chuộng. Cụ thể, đến cuối năm 2018, Dự án Tân Rai nộp ngân sách địa phương và Trung ương 2.815 tỷ đồng. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2017, Dự án chuyển sang có lãi, rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch 1 năm (năm 2017 lãi 379 tỷ đồng, năm 2018 lãi trên 1.800 tỷ đồng).

Trên nền tảng vững chắc đã tạo dựng, họ lại cùng kề vai, sát cánh bên nhau tiếp tục thực hiện lộ trình tiến về phía trước, nâng công suất Nhà máy lên mức 750.000 - 800.000 tấn alumina quy đổi, tiếp tục hướng tới tầm nhìn chiến lược: "Trở thành doanh nghiệp sản xuất alumina dẫn đầu Việt Nam - Có thương hiệu, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường alumina thế giới ".