Nhóm sinh viên tạo ra giống 'siêu' cao lương bằng phép lai

Bằng việc sử dụng ưu thế lai đời F1, cây cao lương được tổ hợp có năng suất sinh khối cao nhằm phục vụ thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua cho gia súc.

Đây là kết quả nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Cái Thị Đức, Hồ Thanh Phong, Trương Thị Hạnh và Phạm Văn Đạt - cùng là sinh viên ĐH Nông lâm TP.HCM.

Nhóm sinh viên tạo ra giống 'siêu' cao lương bằng phép lai - 1

Các thành viên nhóm và giáo viên hướng dẫn thực nghiệm phép lai trong một khu vườn cao lương tại TP.HCM. Ảnh: NVCC.

 

Cao lương không thể thua ngô

Theo tìm hiểu của nhóm, hiện nay lượng cung cấp thức ăn chăn nuôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Không chỉ nhập khẩu thành phẩm, ngành chăn nuôi còn đang phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất…

Mặt khác, vấn đề biến đổi khí hậu đã làm cho diện tích đất hoang hóa ngày càng gia tăng. Điều này đã ảnh hưởng đến nền nông nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Nhằm giảm áp lực nguồn thức ăn cung cấp cho ngành chăn nuôi, việc chọn tạo ra loại cây dễ trồng, yêu cầu dinh dưỡng thấp, có thể chống chịu được với điều kiện bất lợi của môi trường là nhiệm vụ cấp bách.

Ở Việt Nam, cao lương được trồng phổ biến ở các khu vực núi cao như Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Điện Biên, khu vực Tây Nguyên. Cao lương là loại thực vật dễ trồng, ít kén đất, sinh trưởng khỏe, canh tác tương tự như sản xuất ngô nhưng chưa được trồng phổ biến tại Việt Nam.

Nguyên nhân chính là do năng suất các giống cao lương ăn hạt thấp (1,5 - 2,5 tấn/ha) và chưa được cải thiện, trong khi chương trình ngô lai đã đạt được bước tiến vượt bậc với năng suất hạt (5,0 - 7,5 tấn/ha) cao gấp hai đến ba lần so với cao lương.

Vì thế, các thành viên nhóm hướng nghiên cứu chọn tạo giống cao lương ưu thế lai có ý nghĩa thực tiễn lớn trong phát triển nguồn nguyên liệu phục vụ cho ngành chăn nuôi.

Tăng năng suất cao lương

Cái Thị Đức, trưởng nhóm cho hay, cây cao lương có thể tạo ra những tổ hợp lai có tính ưu việt như: năng suất sinh khối cao, rút ngắn thời gian sinh trưởng nhằm phục vụ thức ăn thô xanh, thức ăn ủ chua.

“Ngoài ra, cao lương còn có thể lấy hạt để cung cấp thức ăn giàu tinh bột cho chăn nuôi. Hướng sử dụng cao lương ngọt làm nhiên liệu sinh học đang mở ra triển vọng cho cây trồng này tại Việt Nam"- Đức chia sẻ.

Theo đó, quy trình lai tạo cây cao lương gồm các bước: Chọn cây bố mẹ; Khử đực, bao cách ly trước khi lai; Thụ phấn, đánh dấu tổ hợp lai và chăm sóc cây lai.

Sau quá trình thí nghiệm, nhóm đã chọn được 2 tổ hợp lai có năng suất thân lá cao, thời gian sinh trưởng trung bình thích hợp cho việc lấy sinh khối.

Để có được những kết quả đó nhóm gặp không ít khó khăn. Theo Trương Thị Hạnh, thành viên nhóm, khi mới bắt đầu lai do còn chưa quen thao tác khử đực nên hầu hết những cây ban đầu đều không đạt yêu cầu và phải cắt bỏ.

“Có những hôm trời mưa to không lấy được phấn nên tỷ lệ đậu hạt rất thấp. Khó khăn nhất là vào tháng 11/2017. Có một trận bão khá bất ngờ, nhà lưới nơi chăm sóc cây lai bị hư hỏng nặng. Có những cây đã tạo được hạt lai bị gãy ngang làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện nghiên cứu”- Hạnh nhớ lại.

Nhưng với sự quyết tâm của các thành viên trong nhóm cùng với sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè nhóm đã tiếp tục tạo đủ hạt lai để có thể trồng ngoài đồng và đánh giá ưu thế lai.

Nhóm sinh viên tạo ra giống 'siêu' cao lương bằng phép lai - 2

Một công đoạn trong quy trình lai cây cao lương. Ảnh: NVCC.

 

Tuy nhiên, theo các thành viên nhóm, kết quả nghiên cứu mới là một bước trong tiến trình chọn tạo giống, để có thể áp dụng trong thực tế cần phải tiếp tục nghiên cứu các tổ hợp lai trong thí nghiệm để xác định một cách chắc chắn các tổ hợp này cho năng suất sinh khối cao.

Từ đó đề xuất các tổ hợp lai tốt cho khảo nghiệm giống. Thực hiện nghiên cứu các tổ hợp lai ở các đời tiếp theo để đánh giá được mức độ ưu thế lai của con lai qua các thế hệ.

Để một giống được sản xuất đại trà thì cần phải trải qua quá trình: chọn giống, khảo nghiệm, sản xuất thử và công nhận giống.

Theo ThS. Hồ Tấn Quốc, Giảng viên ĐH Nông lâm TP.HCM, kết quả nghiên cứu của nhóm là cơ sở tạo ra giống cao lương F1 có sinh khối cao phục vụ cho chăn nuôi bò.

“Tuy nhiên cần phải mở rộng thêm các nghiên cứu khác trên cây cao lương như quy trình kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh hại, nghiên cứu thành phần dinh dưỡng trên cây cao lương”- ThS. Quốc nói.

 

 
Theo Khampha.vn