Nhu cầu cấp bách xây dựng cơ sở dữ liệu sản xuất hàng hóa

Sự bất ổn định của các yếu tố đầu vào của sản xuất bao gồm cả lao động cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đặt ra cho chúng ta nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về sản xuất hàng hóa, lương thực thực phẩm ở cấp độ nền kinh tế và khu vực.

Ngày 19/8, Việt Nam tham dự hội nghị trực tuyến cấp bộ trưởng APEC về an ninh lương thực (ANLT) trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Hội nghị trực tuyến do Niu Di-lân chủ trì với sự thảo luận của 21 quốc gia thành viên.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Việt Nam đánh giá rất cao nỗ lực của Niu Di-lân với vai trò là nền kinh tế chủ nhà APEC 2021 trong việc thúc đẩy kết nối các thành viên APEC, góp phần tích cực vào tiến trình phục hồi và phát triển bền vững của hệ thống lương thực, thực phẩm khu vực và toàn cầu.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp hiện nay, hội nghị này là cơ hội để các nền kinh tế APEC cùng nhau thảo luận và xây dựng định hướng hợp tác chung từ nay đến năm 2030 hướng tới ANLT trong khu vực và trên toàn thế giới.

Trong những năm qua, với sự nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển bền vững, ANLT và giảm đói nghèo. Nhưng hiện tại, thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đại dịch Covid-19 đã và đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, an sinh xã hội ở quy mô toàn cầu.

Chuỗi cung ứng bị gián đoạn, sản xuất lượng thực, ANLT bị ảnh hưởng, đời sống người dân gặp phải nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tài nguyên cho sản xuất nông nghiệp ngày càng khan hiếm hơn, và đặc biệt là tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, đã và đang là những thách thức lớn để đảm bảo ANLT, an ninh dinh ưỡng cho 7,9 tỉ dân trên toàn thế giới.

Thực trạng trên cho thấy cộng đồng quốc tế còn rất nhiều nhiệm vụ phải làm để chiến thắng trong công cuộc chống đói nghèo, vì sự phồn vinh của nhân loại. Vì vậy, Việt Nam rất hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề của APEC năm nay về các sáng kiến bảo đảm ANLT lộ trình đến năm 2030.

Việt Nam nhận thức sâu sắc cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, cả song phương và các diễn đàn đa phương nhằm kiến tạo những thay đổi cách mạng bền vững, sâu sắc của cả hệ thống lương thực toàn cầu.

Vì vậy, tại hội nghị này, đại diện Việt Nam đã chia sẻ sáng kiến trọng tâm mà Việt Nam mong muốn trong việc hợp tác cùng các đối tác quốc tế:

Một là, sự đứt gãy trong lưu thông hàng hóa là động lực mạnh mẽ để chúng ta kết nối toàn bộ chuỗi giá trị cung ứng từ sản xuất đến phân phối và tiêu dùng, thu hẹp khoảng cách về không gian và thời gian dựa trên nền tảng số như thương mại điện tử, số hóa và cải tiến hệ thống truy xuất nguồn gốc, dịch vụ hậu cần, vận tải, kiểm soát chất lượng an toàn dịch bệnh.

Các công cụ quản lý số mới sẽ tạo ra cơ hội rút ngắn thời gian thanh kiểm tra và thanh toán hàng hóa, giảm thất thoát lương thực trong quá trình vận chuyển.

Thứ hai, sự bất ổn định của các yếu tố đầu vào của sản xuất bao gồm cả lao động cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu sẽ đặt ra cho chúng ta nhu cầu cấp bách trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về sản xuất hàng hóa, lương thực thực phẩm ở cấp độ nền kinh tế, khu vực.

Các dữ liệu đó cần được thống kê đa chỉ số, bao gồm cả sự di chuyển nguồn vốn, công nghệ và lao động để phục vụ công tác thống kê dự báo xu hướng sản xuất, xu hướng thương mại trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai hoặc các xu thế mới trong tiêu dùng lương thực.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số công nghệ 4.0 ngay từ cấp hộ nông dân, doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Việt Nam đang đưa kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp với các mục tiêu cụ thể, bao gồm: thiết lập cơ sở dữ liệu lớn đến năm 2025 có khoảng 75-80% doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng kỹ thuật số và khoa học tiên tiến trong nông nghiệp, thương mại và cung ứng dịch vụ trong nông nghiệp, xây dụng trung tâm sáng tạo hệ thống lương thực thực phẩm.

Đoan Hùng