Những cảnh báo cần thiết

Những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống, qua đó giúp các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Số liệu tại Hội nghị “ Phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại dành cho các cơ quan báo chí ” được tổ chức gần đây cho thấy, nếu như giai đoạn 2005-2010 mới có 25 vụ việc (15 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 3 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, thì con số này trong giai đoạn 2011-2015 là 52 và giai đoạn 2016 đến tháng 9/2021 là 109 (58 vụ việc chống bán phá giá, 16 vụ việc chống trợ cấp, 24 vụ việc tự vệ và 11 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại).

Giai đoạn trước năm 2005, số tổng số vụ việc khoảng 22 vụ, đến nay tổng số đã là 208 vụ việc. Đặc biệt, số lượng các vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do một vài nước cho rằng hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu từ những khu vực đang bị họ áp dụng biện pháp PVTM như thép, nhôm, tôm.

Hiện nay, nước ta đã và đang phải đối đầu với gần 50 vụ việc phòng vệ thương mại, tương đương với 22% tổng số lượng vụ việc từ trước đến nay. Ở chiều ngược lại, tuy bị tác động bởi dịch bệnh nhưng theo số liệu hải quan, nhập khẩu vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt gần 270 tỷ đô-la Mỹ, tăng 28,2% so với cùng kỳ 2020. Điều này tạo nên sức ép không nhỏ đến sản xuất trong nước, khiến nhiều ngành phải thu hẹp sản xuất và thị phần ngay trên sân nhà, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và công ăn việc làm của người lao động.

Theo thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: “Lý do chính của xu thế gia tăng các vụ việc PVTM nhằm vào hàng xuất khẩu từ Việt Nam là do xuất khẩu của ta tăng rất nhanh trong thời gian vừa qua - nhờ tác động tích cực của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đến nay ta đã tham gia tổng cộng 15 hiệp định thương mại tự do (FTA). Nhiều mặt hàng của ta đã tạo ra sức ép cạnh tranh lớn tại thị trường nước nhập khẩu, khiến ngành sản xuất tại các nước này đề nghị Chính phủ họ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM”.

Nếu như kim ngạch xuất khẩu của ta khi ta ký kết, thực hiện Hiệp định thương mại song phương Việt Nam-Hoa Kỳ, mới đạt 15 tỷ USD vào năm 2001, tăn lên gần 50 tỷ USD năm 2007, gần 100 tỷ USD năm 2011 và đạt hơn 280 tỷ USD vào năm 2020. Với kết quả này, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế có quy mô xuất khẩu đứng thứ 22 trên thế giới.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, xu thế sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng gia tăng, cơ quản quản lý nhà nước đã đưa ra một giải pháp tổng thể. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, việc triển khai công tác phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các mặt, từ việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thành lập cơ quan chuyên môn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về phòng vệ thương mại đến việc ban hành một loạt chương trình, đề án lớn nhằm nâng cao năng lực thực thi trong lĩnh vực phòng vệ thương mại.

Cụ thể như xây dựng Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 (có một chương riêng về phòng vệ thương mại, thay thế các Pháp lệnh cũ); Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại cùng các Thông tư hướng dẫn, qua đó, về cơ bản tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với cam kết và thông lệ quốc tế để triển khai công tác phòng vệ thương mại hiệu quả hơn; Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 04 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp PVTM và gian lận xuất xứ; Nghị quyết số 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về một số biện pháp cấp bách nhằm tăng cường quản lý Nhà nước về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại; Quyết định số 755/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Chương trình tổng thể về sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ phát triển một số ngành công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018-2020, xét đến năm 2025; Quyết định số 1347/QĐ-BCT ngày 19 tháng 5 năm 2020 của Bộ Công Thương triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương nhằm nâng cao năng lực phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất trong nước trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các ngành sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp với cơ quan hải quan trong và ngoài nước tăng cường công tác cảnh báo, phổ biến kiến thức pháp luật về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp cho doanh nghiệp và tiến hành kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng đang khẩn trương triển khai Đề án, phối hợp với Bộ Công Thương theo dõi các mặt hàng trong danh sách cảnh báo.

Cục phòng vệ Thương mại, Bộ Công Thương luôn duy trì với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và doanh nghiệp để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Một trong những công việc thường xuyên của Cục là hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bày tỏ các quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm các quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện, hay cơ quan điều tra nước ngoài; cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vụ viêc.

Về phía doanh nghiệp, sau vấp váp ban đầu, một số Hiệp hội doanh nghiệp đã thành thục trong công tác ứng phó (thủy sản, thép, dệt may, da giày…). Nhiều vụ việc có sự tham gia phối hợp chặt chẽ của nhà nhập khẩu; hiểu biết về PVTM và cách ứng phó của doanh nghiệp đã được cải thiện. Thực tế cho thấy, các kết quả khá thuận lợi trong nhiều vụ việc, theo tính toán của VCCI, có khoảng 20-22% vụ điều tra chống bán phá giá không đi tới kết quả áp thuế.

Những nỗ lực trong cảnh báo, siết chặt quản lý, giám sát, hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình xử lý vụ việc đã góp phần nâng cao nhận thức của toàn hệ thống, qua đó giúp các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước chuyển sang áp dụng nhiều hình thức mới trong phòng vệ thương mại, góp phần đảm bảo sự phát triển ổn định của các doanh nghiệp.

Đà Bắc