CPTPP tạm hoãn 22 điểm so với TPP

Trong Hội thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề "Các cam kết cơ bản – Những lưu ý cho doanh nghiệp" diễn ra vào sáng 22/5/2018, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, CPTPP không chỉ tạo ra một nền tảng quan trọng cho hoạt động giao thương và đầu tư trong khu vực mà còn là một sự khích lệ rất lớn đối với tiến trình tự do hóa thương mại đang gặp nhiều trắc trở hiện nay.

Thứ trưởng cho rằng, CPTPP không chỉ là mở cửa cho hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu theo nghĩa truyền thống. Vì thế, các doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ hiệp định này cần phải hiểu rõ tiêu chuẩn, nguyên tắc xuất xứ và tham gia vào chuỗi giá trị.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định, các doanh nghiệp muốn hưởng lợi từ CPTPPcần phải hiểu rõ tiêu chuẩn, nguyên tắc xuất xứ...

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho biết, hiện các doanh nghiệp đang có một sự hiểu lầm lớn về mức độ tham vọng cũng như tiêu chuẩn của CPTPP. Một số ý kiến cho rằng CPTPP có mức độ tham vọng, tiêu chuẩn thấp hơn rất nhiều so với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây vì các nước thành viên thống nhất với nhau tạm hoãn thực thi một số nghĩa vụ quan trọng. Đây là một sự hiểu lầm lớn.

Cụ thể, với CPTPP lợi ích của Việt Nam không còn lớn so với TPP. Tuy nhiên, trong gần 1.000 nghĩa vụ của TPP trước đây, hiệp định CPTTP chỉ tạm hoãn 20 nghĩa vụ, về cơ bản vẫn giữ nguyên, không phải là hiệp định mới hoàn toàn. Những điểm tạm hoãn được đánh giá là tốt cho Việt Nam vì sẽ giảm áp lực, thách thức khi thực hiện CPTPP so với TPP trước đây.

Những điểm khác biệt chính về nội dung giữa CPTPP và TPP

Với Việt Nam, dự kiến, Chính phủ sẽ hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua hiệp định vào kỳ họp tháng 10/2018. “Nếu cuối năm 2018, chỉ cần 6 nước phê duyệt, CPTPP sẽ có hiệu lực từ năm 2019. Do đó cơ hội và thách thức từ CPTPP đã trở nên gần hơn bao giờ hết”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhận định.

Chủ động nắm bắt thông tin, tận dụng ưu đãi từ CPTPP

Cho đến thời điểm này, Việt Nam có nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như hiệp định xúc tiến bảo hộ thúc đẩy đầu tư với nhiều nền kinh tế trên thế giới, nhưng CPTPP vẫn là đỉnh cao nhất của các thỏa thuận về đầu tư, thương mại với nước ngoài, trong đó cam kết mở cửa thị trường là lớn nhất.

Trong Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều điểm cần lưu ý cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia CPTPP

Câu hỏi đặt ra là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì để có sự chuẩn bị một cách chủ động, linh hoạt và đầy đủ để tận dụng tối đa thời cơ, điều kiện tốt cũng như giảm thiểu những nguy cơ, bất lợi...

Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp cần tranh thủ tiếp cận những thông tin về hội nhập, đặc biệt là thông tin về Hiệp định CPTPP.

Đến thời điểm này, rất nhiều ưu đãi về thuế quan từ các hiệp định thương mại đã mở ra cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng cộng đồng doanh nghiệp chỉ tận dụng được 30-40%, nghĩa là đã bỏ lỡ 60-70% những ưu đãi này. “Vì vậy, việc nghiên cứu và tranh thủ thúc đẩy xuất khẩu, tận dụng ưu đãi thuế quan là việc rất quan trọng đối với các doanh nghiệp”, Thứ trưởng nhận định.

Để lưu ý doanh nghiệp Việt Nam trong việc thực thi các cam kết CPTPP, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi các nội dung có liên quan đến quy định, tiêu chuẩn, xuất xứ, đặc điểm tiêu dùng ở các thị trường các thành viên CPTPP; cũng như cần tìm hiểu tác động của CPTPP đối với từng mặt hàng khác nhau.

Những cam kết chính của Việt Nam trong CPTPP

Ngoài ra, doanh nghiệp hãy chung tay với Chính phủ bám sát cam kết của Việt Nam về cải cách thể chế trong Hiệp định CPTPP để thúc đẩy những cải cách thể chế ở trong nước. Bằng cách đó, doanh nghiệp một mặt đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh mặt khác chung tay với Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh. Cả hai việc đó sẽ tác động rất lớn đến sự phát triển của doanh nghiệp", Chủ tịch VCCI nói.

Một lưu ý nữa mà ông Lộc nhắc đến đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm, dịch vụ. Sản phẩm phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm để có thể tiếp cận với thị trường quốc tế tốt hơn hơn.