Những điểm mới của Luật Doanh nghiệp 2014 về bảo vệ cổ đông thiểu số

ThS. TRẦN LƯƠNG ĐỨC (Trưởng Bộ môn Luật, Khoa Quản lý - Luật kinh tế, Trưởng phòng Công tác Chính trị Học sinh sinh viên, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh - Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Bảo vệ cổ đông thiểu số (CĐTS) được coi là một trong những vấn đề cơ bản trong việc quản trị công ty cổ phần (CTCP). Pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chú trọng khá nhiều đến vấn đề bảo vệ CĐTS, điều này cũng đã được thể hiện trong Luật Doanh nghiệp (LDN) 2014 hiện hành. Bài báo tập trung làm rõ các vấn đề bảo vệ cổ CĐTS trong LDN 2014 bằng việc so sánh với LDN 2005 để chỉ ra những điểm mới của LDN 2014 về bảo vệ CĐTS, phân tích đánh giá một số điểm mới cơ bản và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc bảo vệ CĐTS dưới góc độ hoàn thiện pháp luật.

Từ khóa: Luật Doanh nghiệp 2014, cổ đông thiểu số, công ty cổ phần.

1. Đặt vấn đề

CTCP là một mô hình kinh doanh điển hình nhất về loại công ty đối vốn, ở đó các cổ đông góp vốn bằng cách mua cổ phần để trở thành đồng chủ sở hữu của công ty. Đây chính là “sự hấp dẫn” của CTCP đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nhỏ, họ sẽ an tâm đầu tư, sẵn sàng bỏ vốn ra nếu như họ được đảm bảo không chỉ về quyền lợi kinh tế, quyền kiểm soát, điều hành khi hợp tác đầu tư với những nhà đầu tư có nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, đặc trưng của CTCP là sự tách biệt giữa quyền sở hữu và chức năng quản lý điều hành, có những lúc người quản lý không hành động vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận cho toàn bộ các cổ đông. Lúc này, các xung đột về lợi ích giữa cổ đông với người quản lý xuất hiện và phần lớn các trường hợp, người bị thiệt hơn cả là các cổ đông mà đặc biệt là các CĐTS.

Chính vì vậy, bảo vệ CĐTS được coi là một trong những vấn đề cơ bản trong việc quản trị CTCP. Pháp luật trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chú trọng khá nhiều đến vấn đề bảo vệ CĐTS, điều này cũng đã được thể hiện trong LDN 2014 hiện hành.

2. Một số vấn đề cơ bản về CĐTS và bảo vệ CĐTS

2.1. CĐTS và nhóm cổ đông

Về khái niệm CĐTS, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có một định nghĩa về CĐTS hay các đặc điểm của CĐTS. Tuy nhiên, trong các văn bản pháp luật cụ thể đã tồn tại nhiều thuật ngữ dùng để chỉ CĐTS, như cổ đông ít vốn, cổ đông nhỏ. Theo đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 và Luật Chứng khoán 2006 phân biệt cổ đông nhỏ dựa trên những quy định về cổ đông lớn bằng cách đưa ra một tỷ lệ chính xác là 5% để phân định ranh giới giữa cổ đông lớn và loại cổ đông còn lại trong CTCP, lúc này cổ đông sở hữu dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết được coi là cổ đông nhỏ. Có quan điểm khác lại cho rằng, CĐTS là những cổ đông sở hữu ít vốn, tương ứng với một tỷ lệ phần trăm nhỏ cổ phần có quyền biểu quyết trong CTCP, nhưng cách tiếp cận này lại chưa tính đến trường hợp khi các cổ đông nhỏ lẻ tập hợp lại thành nhóm cổ đông chi phối công ty.

Dù tồn tại nhiều quan điểm khác nhau, tuy nhiên theo quan điểm của chúng tôi khi nhận định CĐTS không nên chỉ căn cứ vào việc ấn định tỉ lệ sở hữu vốn cụ thể mà cần phải xem xét khả năng chi phối của cổ đông trong việc xây dựng và phát triển công ty.

Những quy định về nhóm cổ đông, thực tế cho thấy tỷ lệ phần vốn góp mà cổ đông nắm giữ quyết định khả# năng tham gia vào quá trình quản lý, kiểm soát CTCP. Theo đó, cổ đông sở hữu tỷ lệ cổ phần càng cao thì khả năng chi phối công ty càng lớn và ngược lại. CĐTS với số vốn góp hạn chế sẽ gặp phải không ít những bất lợi khi thực hiện quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng trong công ty, để tự bảo vệ mình những CĐTS có tiếng nói chung có thể tập hợp lại, thông qua nhóm cổ đông thực hiện các quyền mà pháp luật cho phép.

Từ Khoản 2, 3 Điều 114 LDN 2014 có thể hiểu là “Nhóm cổ đông là một tập hợp các CĐTS sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”. Nhờ đó, cổ đông tự mình hoặc được gộp các cổ đông nhỏ lẻ thành nhóm cổ đông để thực hiện quyền đề cử, bầu, bổ nhiệm, miễn hội đồng quản trị (HĐQT), ban kiểm soát (BKS); quyền triệu tập họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ)…, những quy định này mang ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp để bảo vệ CĐTS.

2.2. Cơ chế bảo vệ CĐTS

Cơ chế bảo vệ CĐTS bao gồm 03 phương thức chính: (i) Cơ chế tự vệ - Quyền của cổ đông: CĐTS cũng là cổ đông phổ thông, có đầy đủ các quyền của cổ đông phổ thông, ngoài ra, CĐTS còn có những quyền rất đặc thù để có thể tự bảo vệ mình trước các cổ đông lớn; (ii) Cơ chế kiểm soát bên trong - Cơ chế tổ chức nội bộ: CĐTS được bảo vệ bởi các chủ thể bên trong CTCP như thành viên HĐQT, thành viên BKS, GĐ/TGĐ, kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ (nếu có); (iii) Cơ chế kiểm soát bên ngoài: CĐTS được các chủ thể bên ngoài CTCP bảo vệ. Cơ chế bảo vệ bên ngoài bao gồm: Cơ chế hành chính, Cơ chế khởi kiện và Các thiết chế thực thi khác[6].

Trong đó, quyền của cổ đông là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất, các cơ chế kiểm soát bên trong và kiểm soát bên ngoài sẽ là những yếu tố bổ trợ, đảm bảo để CĐTS có thể sử dụng để bảo vệ mình[5]. Căn cứ vào khả năng đảm bảo, quyền của cổ đông được một số học giả phân loại thành hai nhóm quyền lớn: “Quyền mang tính chất phòng ngừa” (prevention rights) bao gồm các quyền về tài sản, về dự họp, biểu quyết tại ĐHĐCĐ, quyền được thông tin… và “quyền mang tính chất khắc phục” (remedy rights) bao gồm các quyền yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ, quyền khởi kiện người quản lý công ty khi họ vi phạm nghĩa vụ gây thiệt hại cho công ty hoặc cổ đông…[2].

Kế thừa quy định của LDN 2005, LDN 2014 không chia quyền của cổ đông thành các nhóm mà liệt kê các quyền theo thứ tự tại các điều luật một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhằm xây dựng một cơ chế để bảo vệ các CĐTS.

3. Bảo vệ CĐTS theo LDN 2014

3.1. Quyền của CĐTS

3.1.1. Nhóm quyền tài sản

Quyền nhận cổ tức: Cũng như những cổ đông lớn, CĐTS có quyền nhận cổ tức với mức theo quyết định của ĐHĐCĐ, so với LDN 2005, Khoản 4, Điều 132 LDN 2014 quy định rõ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp ĐHĐCĐ thường niên CTCP phải thanh toán cổ tức cho cổ đông. Điều này sẽ góp phần hạn chế tình trạng nợ cổ tức, củng cố thêm niềm tin của nhà đầu tư khi đầu tư vào CTCP.

Trường hợp CTCP vi phạm các quy định về trả cổ tức, cổ đông có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc CTCP phải tuân thủ. Nếu các cổ đông có bằng chứng chứng minh CTCP vi phạm các quy định về trả cổ tức thì ngoài việc khởi kiện yêu cầu tòa án buộc công ty thanh toán cổ tức, các cổ đông còn có quyền yêu cầu tòa án đưa ra phán quyết buộc công ty phải thanh toán thêm phần lãi chậm trả cổ tức cho các cổ đông.

Các quyền liên quan đến chuyển nhượng cổ phần, yêu cầu công ty mua lại cổ phần: LDN 2014 duy trì nguyên tắc tự do chuyển nhượng (trừ trường hợp 03 năm của cổ đông sáng lập) từ LDN 2005, ngoài ra, cũng có quy định mới cho phép Điều lệ công ty được quy định hạn chế về chuyển nhượng cổ phần. Theo đó, các cổ đông đã có ý tưởng sáng lập ra công ty thường là những cổ đông lớn, họ phải có trách nhiệm gắn bó với công ty, không được tùy ý từ bỏ công ty. Việc một cổ đông sáng lập rời khỏi công ty phải được sự đồng ý của các cổ đông khác, cụ thể là được ĐHĐCĐ chấp thuận, điều này cũng không nằm ngoài vấn đề bảo vệ CĐTS, đặc biệt là những cổ đông đến mua cổ phần sau khi công ty thành lập.

Bên cạnh đó, cũng giống như các cổ đông khác trong công ty, CĐTS cũng có các quyền khác về tài sản như quyền nhận một phần tài sản khi công ty giải thể hoặc phá sản, quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán…

3.1.2. Nhóm quyền quản trị công ty

Về hình thức tham dự và thực hiện quyền biểu quyết: Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 114 LDN 2014, bên cạnh hình thức tham dự và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo ủy quyền thì còn có “các hình thức khác” do pháp luật, điều lệ công ty quy định. Mặc dù “các hình thức khác” chưa được làm rõ nhưng quy định này không những đã thể hiện được sự chủ động của công ty trong việc lựa chọn các hình thức tham dự cuộc họp phù hợp với tình hình hoạt động (VD: họp trực tuyến, bỏ phiếu điện tử…) còn góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của toàn bộ cổ đông, đặc biệt là các CĐTS trong việc tham dự và thực hiện quyền biểu quyết của mình.

Về điều kiện tiến hành họp: Nếu như trước đây, LDN 2005 quy định tỷ lệ cổ đông dự họp lần thứ nhất, lần thứ hai (khi lần thứ nhất không đủ điều kiện) lần lượt là: ít nhất 65% và ít nhất 51% thì Điều 141 LDN 2014 giảm xuống còn: ít nhất 51% và ít nhất 33%. Điều này đã tạo điều kiện cho các CĐTS thực hiện quyền tiến hành họp ĐHĐCĐ được dễ dàng hơn vì các cổ đông nhỏ thì sở hữu ít cổ phần nên họ phải phối hợp với nhau để tạo thành nhóm cổ đông đạt tỷ lệ đủ điều kiện tiến hành họp ĐHĐCĐ lần thứ hai mà không cần phải chờ đến lần thứ ba.

Nhưng cũng có quan điểm cho rằng, LDN 2005 bảo vệ quyền dự họp của CĐTS được tốt hơn, hạn chế sự chi phối công ty của những cổ đông lớn. Tuy nhiên theo chúng tôi, dù việc bảo vệ CĐTS là cần thiết nhưng phải trên cơ sở hợp lí, bởi thực tế trong thời kỳ LDN 2005 có hiệu lực do CĐTS không tham dự họp ĐHĐCĐ xảy ra khá nhiều, gây khó khăn không nhỏ trong việc họp ĐHĐCĐ tại CTCP.

Về tỉ lệ biểu quyết trong cuộc họp: Điều 144 LDN 2014 quy định tỷ lệ thông qua các quyết định của ĐHĐCĐ: từ 51% đối với quyết định thông thường, từ 65% đối với quyết định quan trọng (LDN 2005 quy định tỷ lệ cũ là 65% và 75%). Xét trên phương diện bảo vệ CĐTS việc giảm tỉ lệ trên dường như gây bất lợi hơn cho CĐTS so với LDN 2005, tuy nhiên đây chỉ là những tỷ lệ tối thiểu; trong trường hợp các bên có thỏa thuận một tỷ lệ lớn hơn thì sẽ áp dụng theo tỷ lệ đó. Do vậy, trong đàm phán ban đầu nếu các cổ đông nhỏ có thể đạt được các thỏa thuận có lợi, trong đó tỷ lệ cổ phần được thông qua lớn hơn những con số trên thì thỏa thuận đó vẫn là hợp pháp và sẽ bảo vệ quyền lợi của cổ đông tốt hơn. Mặt khác, việc giảm tỷ lệ biểu quyết theo quy định tại LDN 2014 còn hạn chế được những trường hợp chỉ vì lợi ích của một CĐTS trong công ty mà ngăn cản những chính sách lớn có lợi cho đa số cổ đông.

Về việc bầu thành viên HĐQT, BKS: So với LDN 2005, LDN 2014 quy định bầu dồn phiếu không còn là phương thức bắt buộc trong việc thực hiện bầu thành viên HĐQT, BKS, việc lựa chọn bầu bằng phương pháp bầu dồn phiếu hay không phụ thuộc vào quyền chủ động của công ty và được quy định trong điều lệ (Khoản 3, Điều 144). Bầu dồn phiếu là một công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ CĐTS, mục đích cơ bản của việc bầu dồn phiếu chính là tăng cường sự hiện diện của các CĐTS trong HĐQT và BKS, đảm bảo điều hòa được quyền hành và kiểm soát công ty giữa các nhóm cổ đông với nhau. Mặc dù sự thay đổi trong LDN 2014 đã trao thêm quyền tự chủ hoạt động cho các CTCP nhưng xét trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi của CĐTS thì quy định này phần nào hạn chế tác dụng của “công cụ pháp lý bầu dồn phiếu”. Bởi rất có thể khi một nhà đầu tư mua cổ phiếu và trở thành cổ đông của công ty thì điều lệ công ty đó đã quy định không áp dụng nguyên tắc bầu dồn phiếu ngay từ đầu.

Về quyền ứng cử, đề cử vào HĐQT, BKS: Khi những CĐTS liên kết lại để hình thành nhóm cổ đông, họ sẽ được quyền cử người vào HĐQT, BKS. Bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện làm thành viên HĐQT, khác với LDN 2005 (quy định thành viên HĐQT phải là cổ đông cá nhân sở hữu ít nhất 5% tổng số cổ phần phổ thông) LDN 2014, không quy định cụ thể số cổ phần mà cổ đông phải nắm giữ. Đây là một tiến bộ lớn tạo cơ hội để CĐTS tiến gần hơn vào bộ máy quản lý của công ty, trực tiếp giám sát các hoạt động của công ty, bảo đảm lợi ích chính đáng cho mình.

3.1.3. Nhóm quyền về thông tin

Quyền được nắm bắt những thông tin về công ty một cách đầy đủ là một trong những quyền cơ bản và quan trọng của cổ đông, là cơ sở để cổ đông thực hiện các quyền cơ bản khác như quyền biểu quyết trong cuộc họp ĐHĐCĐ, quyền bầu và miễn nhiệm HĐQT và cả quyền chuyển nhượng cổ phần. Về nhóm quyền này, kế thừa LDN 2005, Luật DN 2014 quy định đối với các thông tin quan trọng về Báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm, biên bản, nghị quyết của HĐQT, báo cáo của BKS, chỉ khi các CĐTS tập hợp lại thành nhóm cổ đông thì mới có thể thực hiện (Khoản 2 Điều 114). Như vậy, có thể nhận thấy pháp luật Việt Nam đã trao quyền cho CĐTS cơ hội được tiếp cận thông tin để có thể kiểm soát và theo dõi được tình hoạt động của công ty, tuy nhiên với việc hạn chế lượng thông tin bắt buộc phải cung cấp và giới hạn về chủ thể được yêu cầu cung cấp đã phần nào cản trở mục đích bảo vệ CĐTS của nhóm quyền này trên thực tế.

3.1.4. Nhóm quyền mang tính khắc phục

Về quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ: LDN 2014 đã giới hạn lại chủ thể có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ đó là “cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty” (Điều 147). Trước đây, LDN 2005 trao quyền này cho tất cả các cổ đông, mặc dù có lợi hơn cho các CĐTS nhưng lại không tránh được khả năng bị lạm dụng bởi những vi phạm trong quá trình triệu tập và ra quyết định của ĐHĐCĐ rất phổ biến. Việc bảo vệ CĐTS là cần thiết nhưng phải trên cơ sở hợp lí, các quy định của pháp luật vẫn phải tránh việc gây bất lợi cho cổ đông lớn do đó LDN 2014 đã quy định chặt chẽ hơn vấn đề này.

Về quyền khởi kiện đối với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ: LDN 2014 quy định “Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 06 tháng có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ trong một số trường hợp Luật định” (Điều 161). Nếu như trước đây, Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều LDN 2005 quy định cổ đông, nhóm cổ đông nói trên không được trực tiếp khởi kiện ngay từ đầu mà phải thông qua BKS, chỉ sau 15 ngày kể từ ngày BKS nhận yêu cầu mà không tiến hành khởi kiện thì cổ đông, nhóm cổ đông trên mới có quyền trực tiếp khởi kiện. Việc trao quyền trực tiếp khởi kiện các chức danh quản lý cho cổ đông, nhóm cổ đông ngay từ ban đầu mà không phải thông qua BKS theo LDN 2014 sẽ giảm bớt tính phức tạp trong thủ tục khởi kiện những chức danh quản lý của công ty. Thêm vào đó, họ có thể nhân danh công ty khởi kiện người quản lý khi phát hiện người quản lý có các hành vi vi phạm, gây thiệt hại cho công ty để đòi bồi thường thiệt hại sẽ góp phần bảo vệ CĐTS một cách hữu hiệu.

3.2. Ấn định nghĩa vụ cơ bản của người quản lý công ty

Điều 160 LDN 2014 đã quy định chi tiết hơn về bổn phận người quản lý công ty (gồm thành viên HĐQT, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác) có trách nhiệm bảo đảm quyền và lợi ích của cổ đông và công ty theo nguyên tắc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty theo đúng quy định của Luật. Đây là những quy định bổ sung nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi hợp pháp của CĐTS.

Liên quan đến vấn đề trách nhiệm của người quản lý công ty đối với việc thực hiện yêu cầu triệu tập ĐHĐCĐ, LDN 2014 còn quy định thêm một số nội dung như: Cả Chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT đều phải chịu trách nhiệm khi không thực hiện việc triệu tập cuộc họp bất thường theo đúng quy định (mà không phải là Chủ tịch HĐQT phải chịu trách nhiệm như trong LDN 2005). Mặc dù Luật chưa có quy định trong việc xác định mức độ trách nhiệm để bồi thường của các thành viên HĐQT, nhưng đây vẫn là một trong những quy định giúp đảm bảo hơn quyền lợi của CĐTS.

3.3. Kiểm soát các giao dịch tư lợi

Theo LDN 2014, các hợp đồng, giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 10% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ; giữa công ty với thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ và người có liên quan của họ; giữa công ty với các doanh nghiệp mà thành viên HĐQT, Kiểm soát viên, GĐ/TGĐ và người quản lý khác của công ty có sở hữu cổ phần phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận (Điều 159, Điều 162). Trước đó, LDN 2005 quy định “Hợp đồng, giao dịch giữa công ty với cổ đông, người đại diện ủy quyền của cổ đông sở hữu trên 35% tổng số cổ phần phổ thông của công ty và những người có liên quan của họ phải được ĐHĐCĐ hoặc HĐQT chấp thuận”. Việc giảm tỷ lệ như trên đã giúp quyền lợi của CĐTS được bảo đảm hơn rất nhiều.

4. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả việc bảo vệ CĐTS

Như vậy, so với LDN 2005, những quy định trong LDN 2014 đã thiết lập một cơ chế bảo vệ CĐTS trong CTCP tiêu biểu như: Việc mở rộng hình thức tham gia và giảm tỉ lệ tiến hành họp ĐHĐCĐ khắc phục những trường hợp có thể gây khó khăn cho CĐTS trong việc dự họp; hay trao quyền trực tiếp khởi kiện các chức danh quản lý công ty cho CĐTS; bỏ quy định yêu cầu về tỉ lệ sở hữu của thành viên HĐQT để CĐTS có thể tiến gần hơn với bộ máy quản lý công ty… Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả việc bảo vệ CĐTS, trên thực tế chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, như đã trình bày, pháp luật Việt Nam chưa có một định nghĩa nào về CĐTS, đặc điểm của CĐTS, điều này sẽ gây khó khăn cho họ trong việc bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, pháp luật cần đưa ra những quy định về CĐTS, theo đó khi nhận định CĐTS không nên chỉ căn cứ vào việc ấn định tỉ lệ sở hữu vốn cụ thể mà cần phải xem xét khả năng chi phối của cổ đông trong việc xây dựng, phát triển của mỗi công ty. Bên cạnh đó, việc quy định về CĐTS cần phải xem xét trên tổng thể, đảm bảo tính thống nhất trong các văn bản pháp luật và những quy định có liên quan về cổ đông lớn.

Thứ hai, mặc dù LDN 2014 đã có những quy định mới về quyền nhận cổ tức, tuy nhiên theo chúng tôi để giải quyết tình trạng chậm chi trả cổ tức, không chịu chi trả cổ tức cho cổ đông đang diễn ra phổ biến trong thời gian gần đây một cách triệt để cần phải quy định thêm: việc chi trả cổ tức đúng thời hạn là trách nhiệm, nghĩa vụ của người quản lý công ty; nếu không thực hiện đúng thì họ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Bởi nếu chỉ bắt công ty trả thêm phần lãi do chậm trả cổ tức thì thực chất đây vẫn là tiền của cổ đông.

Thứ ba, LDN 2014 đã mở rộng hình thức tham gia họp ĐHĐCĐ bằng cách đưa ra cụm từ “hình thức khác”, tuy nhiên pháp luật cần quy định cụ thể hình thức khác bao gồm những hình thức nào, đối với mỗi hình thức quy định rõ quy trình, thủ tục và các điều kiện thực hiện để tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quy định trên thực tế một cách có hiệu quả.

Thứ tư, bảo vệ quyền tiếp cận thông tin của cổ đông là việc hết sức quan trọng và phải được thực hiện thông qua các cơ chế pháp lý, bởi chúng ta không thể nào trông chờ vào sự trung thực và mẫn cán từ những người quản lý công ty như nghĩa vụ họ phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, pháp luật nên yêu cầu CTCP công bố thông tin cụ thể và chi tiết hơn đặc biệt là những thông tin về người quản lý của công ty, hay những chiến lược kinh doanh của công ty… Bên cạnh đó, cần quy định trách nhiệm của người quản lý công ty trong việc cung cấp thông tin cho cổ đông, mở rộng quyền khởi kiện cho CĐTS khi người quản lý công ty ngăn cản quyền tiếp cận thông tin của mình.

Thứ năm, LDN 2014 quy định cổ đông có quyền yêu cầu tòa án, trọng tài hủy nghị quyết ĐHĐCĐ trong một số trường hợp, điều này nghĩa là trao cho trọng tài thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết của ĐHĐCĐ. Chúng tôi cho rằng, không nên trao cho họ thẩm quyền này bởi việc yêu cầu hủy bỏ quyết định của ĐHĐCĐ không phải là một tranh chấp thương mại, do đó theo Luật Trọng tài thương mại 2010 thì rrọng tài không thể thụ lý giải quyết yêu cầu này.

Thứ sáu, đối với những quy định mới về khởi kiện thành viên HĐQT, GĐ/TGĐ, pháp luật cần làm rõ trong trường hợp nào cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty, trường hợp nào khởi kiện nhân danh chính mình theo để có thể áp dụng quy định này trong thực tế. Bổ sung những quy định về khởi kiện thành viên BKS nhằm tăng cường trách nhiệm của họ đối với việc giám sát HĐQT, GĐ/TGĐ trong việc quản lý và điều hành công ty.

Cuối cùng, LDN 2014 đã trao cho các CĐTS công cụ pháp lý bảo vệ mình, để các công cụ trên phát huy hiệu quả cao nhất, các CĐTS cần phải nắm vững quyền, những phương thức bảo vệ quyền và đứng lên đấu tranh cho quyền lợi của mình,

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Chính phủ (2010), Nghị định 102/2010/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp, ngày 01/10/2010.

2. Bùi Xuân Hải (2011), Luật Doanh nghiệp bảo vệ cổ đông - Pháp luật và thực tiễn, NXB. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, tr.198.

3. Quốc hội (2005), Luật Doanh nghiệp, số 60/2005/QH11, ngày 29/11/2005.

4. Quốc hội (2014), Luật Doanh nghiệp, số 68/2014/QH13, ngày 26/11/2014.

5. Quách Thúy Quỳnh (2010), Quyền của cổ đông thiểu số theo pháp luật Việt Nam, Tạp chí Luật học, tháng 4/2010, tr. 19.

6. Evangelos Perakis (2002), Rights of Minority shareholders (XVIth Congress of the International Academy of Comparative Law), Brisbane (Australia), tr. 743.

7. International Business Law Commission (2015), General Report: Rights of Minority Shareholders, London 2015.

NEW POINTS OF THE ENTERPRISE LAW 2014 ON THE

PROTECTION OF MINORITY SHAREHOLDERS

MA. TRAN LUONG DUC

Head department of Law - Faculty of Management - Economic Law

Head of Office of Student Affairs

University of Economics and Business Administration, Thai Nguyen University

ABSTRACT:

Protection of minority shareholders (MS) is considered as one of the fundamental issues in the management of joint stock companies (JSC). The legal system in the world and the legal system in Vietnam in particular has paid much attention to the protection of MS, which is also reflected in the current Enterprise Law (EL) 2014. The paper focuses on clarifying protection of MS issued in EL 2014 by comparing with the EL 2005 to identify new points in EL 2014. It also assesses some new fundamental changes of the law and proposes solutions to improve the effectiveness of protection of MS.

Keywords: Vietnam Enterprise Law 2014, minority shareholders, joint stock companies.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 07 tháng 06/2017 tại đây