Những điểm mới trong quy định pháp luật về hoạt động khuyến mại ở Việt Nam hiện nay

ThS. ÂU THỊ DIỆU LINH, ThS. NGUYỄN QUANG HUY (Bộ môn Luật Kinh tế, Khoa Quản lý - Luật Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Đại học Thái Nguyên)

TÓM TẮT:

Khuyến mại là một hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) được thương nhân (TN) sử dụng hiệu quả nhằm lôi kéo và thu hút khách hàng (KH) sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Ngày 22/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2018/NĐ-CP về hoạt động XTTM thay thế Nghị định 37/2006/NĐ-CP. Bài viết này tập trung làm rõ cơ sở lý luận về khuyến mãi (KM) và pháp luật KM, so sánh với những quy định cũ trước đây, qua đó chỉ ra những điểm mới cơ bản của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP về hoạt động KM, phân tích đánh giá một số điểm mới cơ bản và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật KM ở Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Pháp luật, hoạt động khuyến mãi, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP.

1. Đặt vấn đề

Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, đòi hỏi các chủ thể kinh doanh phải có những chiến lược đúng đắn, những giải pháp phù hợp để tồn tại và phát triển. Được xem như một biện pháp hiệu quả nhằm lôi kéo và thu hút KH sử dụng hàng hóa (HH), dịch vụ (DV), hoạt động KM đã trở thành một trong những chế định quan trọng của pháp luật thương mại Việt Nam. Hiện nay, KM được quy định tương đối chặt chẽ trong các văn bản như: Luật Thương mại 2005 và đặc biệt Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động XTTM có hiệu lực ngày 15/7/2018 đã tạo dựng một hành lang pháp lý tương đối vững chắc, làm cơ sở quan trọng trong việc thực thi và áp dụng cho hoạt động KM.

2. Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp so sánh để làm rõ những điểm mới của Nghị định số 81/2018/NĐ-CP so với những quy định trước đây về hoạt động KM; Phương pháp nghiên cứu lý thuyết, phân tích một số quy định pháp luật hiện hành về hoạt động KM, chỉ ra một số hạn chế và đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện một số quy định pháp luật về hoạt động KM ở Việt Nam hiện nay.

3. Cơ sở lý luận

Điều 88 Luật Thương mại 2005 quy định: “Khuyến mại là hoạt động XTTM của TN nhằm xúc tiến việc mua bán HH, cung ứng DV bằng cách dành cho KH những lợi ích nhất định”.

Theo đó, ngoài những đặc điểm chung của hoạt động XTTM, KM còn là một hình thức XTTM có đặc điểm riêng cho phép phân biệt với các hình thức XTTM khác là dành cho KH những lợi ích nhất định để tác động tới thái độ và hành vi mua sắm của họ. Cụ thể:

Chủ thể thực hiện hành vi KM là TN. Để tăng cường cơ hội thương mại, TN được phép tự mình tổ chức thực hiện việc KM, cũng có thể lựa chọn thuê DV KM do TN khác cung cấp. Quan hệ DV này hình thành trên cơ sở hợp đồng DV KM giữa TN có nhu cầu KM và TN kinh doanh DV.

Cách thức XTTM là dành cho KH những lợi ích nhất định. KH được KM có thể là người tiêu dùng hoặc các trung gian phân phối như đại lý bán hàng.

Mục đích của KM là xúc tiến việc mua bán HH và cung ứng DV. Để thực hiện mục đích này, các đợt KM có thể hướng tới mục tiêu lôi kéo hành vi mua sắm, sử dụng DV của KH, giới thiệu một sản phẩm mới, kích thích trung gian phân phối chú ý hơn nữa đến HH của doanh nghiệp (DN), tăng lượng hàng đặt mua… thông qua đó tăng thị phần của DN trên thị trường HH, DV.

Luật Thương mại quy định các hình thức KM, bao gồm 8 hình thức KM: (1) Đưa hàng hóa mẫu, cung ứng DV mẫu để KH dùng thử không phải trả tiền; (2) Tặng HH cho KH, cung ứng DV không thu tiền; (3) Bán hàng, cung ứng DV với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng DV trước đó, được áp dụng trong thời gian KM đã đăng ký hoặc thông báo; (4) Bán hàng, cung ứng DV có kèm theo phiếu mua hàng, phiếu sử dụng DV để KH được hưởng một hay một số lợi ích nhất định; (5) Bán hàng, cung ứng DV có kèm phiếu dự thi cho KH để chọn người trao thưởng theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; (6) Bán hàng, cung ứng DV kèm theo việc tham dự các chương trình mang tính may rủi mà việc tham gia chương trình gắn liền với việc mua HH, DV và việc trúng thưởng dựa trên sự may mắn của người tham gia theo thể lệ và giải thưởng đã công bố; (7) Tổ chức chương trình KH thường xuyên, theo đó việc tặng thưởng cho KH căn cứ trên số lượng hoặc trị giá mua HH, DV mà KH thực hiện được thể hiện dưới hình thức thẻ KH, phiếu ghi nhận sự mua hàng hoá, DV hoặc các hình thức khác; (8) Tổ chức cho KH tham gia các chương trình văn hóa, nghệ thuật, giải trí và các sự kiện khác vì mục đích KM; ngoài ra, TN có thể được thực hiện KM các hình thức khác nếu được cơ quan quản lý nhà nước về thương mại chấp thuận, quy định HH DV được KM, HH dịch dùng để KM, quyền và nghĩa vụ của TN thực hiện KM, thông tin và cách thức thông báo hoạt động KM. Ngoài ra, Luật còn quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động KM và bảo đảm bí mật thông tin về chương trình, nội dung KM đối với hình thức KM được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Kết quả nghiên cứu

4.1. Về chủ thể thực hiện KM

Luật Thương mại 2005 (tại khoản 2 Điều 88) quy định về TN thực hiện KM gồm: TN trực tiếp KM HH, DV mà mình kinh doanh và TN kinh doanh DV KM thực hiện KM cho HH, DV của TN khác theo thỏa thuận với TN đó.

Tuy nhiên, do quy định đối tượng TN thực hiện KM là TN trực tiếp KM HH, DV mà mình kinh doanh nên các hoạt động KM mà trong đó có nhiều hơn 1 TN cùng phối hợp thực hiện chung sẽ gặp vướng mắc về tính pháp lý. Cụ thể, trên thực tế KM theo chương trình tại các siêu thị, trung tâm thương mại được thực hiện chủ yếu bởi tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại trong đó có hàng trăm, hàng nghìn chủng loại HH, DV do 1 hoặc hàng trăm, hàng nghìn TN sản xuất, cung cấp. Họ không trực tiếp KM HH, DV của họ mà chỉ có TN kinh doanh phân phối tập trung thực hiện theo nhu cầu, chiến lược kinh doanh của mình. Vì vậy, việc xác định TN thực hiện KM theo đúng như khái niệm quy định gặp rất nhiều khó khăn. Điều này cũng tương tự như trong các trường hợp các nhà phân phối trung gian, các đại lý trực tiếp thực hiện KM hoặc thực hiện vai trò trung gian trong các chương trình KM của các công ty cung cấp sản phẩm ban đầu. Việc khó xác định chính xác TN thực hiện KM sẽ dẫn đến những khó khăn, vướng mắc cho các DN trong việc hạch toán, quyết toán thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cũng như trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Để giải quyết vấn đề trên, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã mở rộng đối tượng được thực hiện hoạt động KM bao gồm cả TN phân phối của TN sản xuất kinh doanh HH, DV bằng cách đưa ra quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 2 như sau: “TN thực hiện KM, gồm: a) TN sản xuất, kinh doanh HH, DV trực tiếp thực hiện KM hoặc thực hiện KM thông qua các TN phân phối (bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại và các TN phân phối khác theo quy định của pháp luật); b) TN kinh doanh DV KM thực hiện KM cho HH, DV của TN khác theo thỏa thuận với TN đó”.

4.2. Về HH, DV dùng để KM

Điều 93 Luật Thương mại 2005 quy định về HH, DV được KM như sau: (1) HH, DV được KM là HH, DV được TN sử dụng các hình thức KM để xúc tiến việc bán, cung ứng HH, DV đó; (2) HH, DV được KM phải là HH, DV được kinh doanh hợp pháp. Bên cạnh đó, Nghị định số 37/2006/NĐ- CP cũng không có quy định cụ thể về HH, DV được KM mà chỉ quy định về HH, DV dùng để KM theo nghĩa sản phẩm thông thường.

Tuy nhiên, thực tiễn nhiều năm qua cho thấy một số loại hình lợi ích như tiền mặt, lãi suất… được sự dụng khá phổ biến trong các chương trình KM với vai trò làm quà tặng, thưởng (HH dùng để KM) [4]. Do vậy, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định: Tiền có thể được sử dụng như HH, DV phục vụ dùng để KM ngoại trừ trường hợp đưa hàng mẫu miễn phí cho KH, tặng HH, bán HH hoặc cung cấp DV thấp hơn giá trước đó để đảm bảo tính điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực KM. Qua đó, trong trường hợp DN hỗ trợ tài chính cho DN, cá nhân khác bằng tiền, có rủi ro đây sẽ bị coi là một hoạt động KM và phải thông báo trước khi thực hiện.

Mặt khác, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP cũng đưa ra quy định hạn chế một số HH, DV không được KM  bao gồm rượu, xổ số, thuốc lá, sữa thay thế sữa mẹ, thuốc chữa bệnh cho người (trừ trường hợp KM cho TN kinh doanh thuốc) nhằm đồng bộ hóa, tránh sự chồng chéo trong các văn bản pháp luật chuyên ngành.

4.3. Về hạn mức giá trị tối đa dùng để KM

Với quan điểm xuất phát từ chủ trương quy định về hạn mức giá trị tối đa dùng để KM theo hướng nhằm hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, Luật Thương mại và Nghị định số 37/2006/NĐ-CP theo đó đã tạo ra một giới hạn, định mức 50% về giá trị dùng để KM (kể cả mức giảm giá) cho hầu hết tất cả các hoạt động KM của TN.

Thực tiễn hoạt động KM cho thấy điều này đã và đang đi ngược lại với tình hình phát triển của hoạt động kinh doanh, thương mại, vô hình chung tạo thành rào cản cho chính hoạt động KM chính đáng của DN, cũng có nghĩa gián tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, của KH trong các chương trình KM tại Việt Nam do bị hạn chế về cơ hội cũng như giá trị phần quà tặng, thưởng mà mình có thể nhận được. Mặt khác, trên thế giới hiện nay tại rất nhiều quốc gia hàng năm thường có những giai đoạn, thời điểm, tháng mà trong đó hoạt động KM được tổ chức một cách đồng bộ, tổng thể, rộng khắp cả một vùng, quốc gia với những mức giá trị được dùng KM có thể lên tới gần 100% tùy theo khả năng của DN.

Ở Việt Nam, trong những năm qua cũng đã có một số địa phương đã phát động các chương trình tháng KM có hỗ trợ cho việc tổ chức và tham gia chương trình. Các hoạt động hỗ trợ từ phía địa phương cũng chỉ tập trung vào việc quảng bá, hỗ trợ công tác truyền thông. Một số ít trường hợp như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được ngân sách tỉnh cấp kinh phí để hàng năm tổ chức lễ phát động tháng bán hàng KM, giảm giá. Tuy nhiên, khó khăn, vướng mắc chủ yếu mà các địa phương gặp phải khi tổ chức, phát động của chương trình KM như tháng KM, mùa mua sắm là quy định không được giảm giá quá 50%, dẫn đến đa số các DN chưa thấy sự khác biệt, hấp dẫn để tham gia nhiều. [6]

Để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương và DN, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP cho phép DN được KM với mức giảm giá tối đa của HH, DV là 100%, thay vì chỉ giới hạn 50% như trước đây. Đó là các trường hợp: Các chương trình KM tập trung (giờ, ngày, tuần, tháng, mùa KM); Các hoạt động KM trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động XTTM do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Tuy nhiên, việc áp dụng hạn mức giảm giá tối đa khi thực hiện KM giảm giá được loại trừ đối với: (i) HH DV khi thực hiện chính sách bình ổn giá của Nhà nước; (ii) Hàng thực phẩm tươi sống; (iii) HH, DV trong trường hợp DN phá sản, giải thể, thay đổi địa điểm, ngành nghề sản xuất, kinh doanh.

4.4. Về các hình thức KM

Như đã trình bày ở trên, Luật Thương mại 2005 quy định về 8 hình thức KM, trong khi đó, với sự phát triển nhanh chóng và đa dạng của nền kinh tế, của thị trường sản xuất, kinh doanh, cách thức và phương thức thực hiện các hoạt động KM của DN cũng theo đó ngày càng phát triển sôi động, phong phú và đa dạng hơn rất nhiều. Có những DN sử dụng cách thức chiết khấu bán hàng, chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, thưởng theo doanh số, viết bài dự thi qua internet nhận quà tặng, chơi game tích điểm để tặng quà, bán hàng lưu động kèm theo việc thực hiện cung ứng sản phẩm có giá thấp hơn thị trường, đổi HH cũ lấy mới, đấu giá ngược, tham gia dự đoán kết quả các sự kiện trúng thưởng, KM kết hợp nhiều hình thức cùng lúc… Tuy nhiên, nếu đối chiếu với 8 hình thức KM được quy định trong Luật Thương mại 2005 thì không được hoặc khó được xếp vào bất kỳ hình thức KM nào.

Chính vì vậy, để kịp thời điều chỉnh một số hình thức KM khác đang diễn ra khá phổ biến hiện nay Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã bổ sung quy định về KM HH DV có sử dụng internet đối với TN cung cấp DV sàn giao dịch điện tử, website điện tử tại Điều 15: “KM HH, DV mà quá trình thực hiện có sử dụng internet, phương tiện, thiết bị điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin”.

*Về quy định nhận diện hình thức KM tặng HH cho KH, cung ứng DV không thu tiền. Nếu như Nghị định số 37/2006/NĐ-CP quy định về hình thức KM “tặng HH cho KH, cung ứng DV không thu tiền; không kèm theo việc mua, bán HH, cung ứng DV”, trong một số trường hợp đã gây khó khăn cho việc nhận diện hình thức KM “đưa hàng hoá mẫu, cung ứng DV mẫu để KH dùng thử không phải trả tiền” bởi khi TN dùng hàng hóa, DV mà mình được kinh doanh hợp pháp để phát tặng KH mà không kèm theo hành vi mua bán thì khi nào là hàng mẫu, khi nào là quà tặng? Mặt khác, việc quy định trong Nghị định số 37/2006/NĐ-CP đã không thể hiện được mục đích quan trọng của việc tặng HH đó là dùng giá trị của quà tặng để thu hút KH mua hàng hóa, DV của TN, bởi vì với cùng loại hàng hóa có chất lượng tương đương KH sẽ có tâm lí muốn chọn mua hàng hóa đang được KM.

Để đạt được một trong hai vấn đề nêu trên, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm cách thức “Tặng HH, cung ứng DV không thu tiền có kèm theo việc mua bán HH, cung ứng DV” (Khoản 2 Điều 9).

*Về quy định về tổng thời gian thực hiện đối với hình thức KM giảm giá.  Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã nâng tổng thời gian thực hiện KM đối với hình thức giảm giá, cụ thể: Tổng thời gian thực hiện KM bằng hình thức giảm giá đối với một loại nhãn hiệu HH, DV không được vượt quá 120 ngày trong một năm, không bao gồm thời gian thực hiện KM của các chương trình KM bằng hình thức giảm giá trong khuôn khổ các chương trình KM tập trung và các chương trình, hoạt động XTTM do Thủ tướng Chính phủ quyết định (Khoản 5, Điều 10). Như vậy, tổng thời gian thực hiện đối với hình thức KM giảm giá kéo dài hơn so với quy định trong Nghị định số 37/2006/NĐ-CP là 30 ngày, điều này là phù hợp với thực tiễn thực hiện hình thức KM giảm giá của các TN.

Ngoài ra, trong quy định của Nghị định số 37/2016/NĐ-CP cũng cho thấy giữa các hình thức KM thì các nội dung quy định cũng không đồng bộ như có các hình thức KM thì quy định hạn chế cả về hạn mức tối đa dùng để KM và thời gian thực hiện KM (KM giảm giá - Điều 9 Nghị định, KM mang tính may rủi: Tổng thời gian thực hiện KM đối với một loại nhãn hiệu hàng hóa, DV không được vượt quá 180 ngày trong một năm, một chương trình KM không được vượt quá 90 ngày - Điều 12 Nghị định) trong khi các hình thức khác lại không quy định hạn chế về thời gian thực hiện KM. Việc quy định không đồng bộ như vậy dẫn đến sự không rõ ràng về quan điểm quản lý nhà nước, gây khó hiểu cho cả các cơ quan quản lý nhà nước lẫn cộng đồng DN, gây khó khăn trong công tác theo dõi, giám sát và quản lý về thời gian thực hiện KM trong thực tế của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động DN. Do đó, tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã lược bỏ đi quy định về thời gian thực hiện KM trong chương trình KM mang tính may rủi. Như vậy, trong quy định pháp luật về KM hiện nay chỉ có duy nhất hình thức KM giảm giá có quy định hạn chế về thời gian thực hiện KM.

4.5. Về một số nội dung liên quan đến thủ tục hành chính về KM

Nghị định số 81/2018/NĐ-CP có hiệu lực giải quyết những vướng mắc, bất cập trong các quy định trước đây về việc tổ chức tiếp nhận, xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực XTTM (sự không rõ ràng và tính rườm rà, phức tạp của các hồ sơ, biểu mẫu được hướng dẫn tại khoản 2 Điều 16 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP và tại khoản 4 Thông tư số 07/2007/TTLT-BTM-BTC) và nới lỏng khá nhiều thủ tục đăng ký KM cho DN, cụ thể: Trường hợp DN có chương trình khuyến mãi có tổng giá trị giải thưởng dưới 100 triệu đồng, TN không phải thông báo cho Sở Công Thương địa phương, mà được linh hoạt thực hiện ngay; Thủ tục thông báo hoạt động KM được gửi đến Sở Công Thương cũng được rút ngắn tối thiểu trước 3 ngày làm việc (trước khi thực hiện khuyến mãi) thay cho 7 ngày làm việc trước đây; Giảm thời hạn xác nhận hồ sơ đăng ký chương trình KM của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ 7 ngày làm việc xuống còn 5 ngày làm việc; Đặc biệt, các cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, bán hàng qua các sàn như Lazada, Sendo hay Tiki... khi thực hiện khuyến mãi không phải thông báo đến Sở Công Thương mà tự chịu trách nhiệm; Bổ sung nội dung về các bên tham gia KM liên kết vào nội dung thông báo KM.

5. Một số đánh giá và đề xuất

Nghị định số 81/2018/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/7/2018 thay thế Nghị định số 37/2006/NĐ-CP đã tạo ra một “bước rụt rè” [3] nhưng có ý nghĩa cho hoạt động XTTM nói chung và hoạt động KM nói riêng: 

Thứ nhất, Nghị định số 81/2018/NĐ-CP mặc dù vẫn duy trì trần KM ở mức 50% nhưng mở ra trường hợp ngoại lệ cho phép KM lên đến 100% khi DN thực hiện KM theo chương trình do cơ quan nhà nước chủ trì tổ chức hoặc trong các ngày nghỉ lễ và 30 ngày trước tết âm lịch. Quy định ngoại lệ này đã giúp các DN có thêm không gian để có thể thực hiện các chương trình KM phục vụ KH, nhưng vẫn chưa thực sự trao quyền tự chủ cho DN, vẫn có sự can thiệp tương đối lớn của Nhà nước vào hoạt động KM.

Vấn đề này đã phần nào gỡ bỏ rào cản về quyền tự do kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các DN nhỏ, DN mới gia nhập thị trường nhằm thu hút KH, phát triển thị trường và gia tăng thị phần. Tuy nhiên, nếu là việc KM của DN lớn, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường mà có thể ảnh hưởng tới cạnh tranh (cố tình KM sâu để loại bỏ đối thủ cạnh tranh, sau đó nâng giá trở lại và kiểm soát thị trường) thì đã có các công cụ kiểm soát của Luật Cạnh tranh. Những trường hợp còn lại việc KM chỉ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, do đó các quy định ngăn cấm không cần thiết như vậy sẽ là yếu tố cản trở tự do thương mại, không thúc đẩy, khuyến khích cạnh tranh. Mặt khác, việc xác định đúng giá HH, giá cung ứng DV trước thời gian KM, từ đó xác định mức giảm giá có vượt quá quy định của pháp luật hay không là rất khó. Đồng thời, pháp luật cũng không quy định cụ thể nguyên tắc, tiêu chí xác định hạn mức giá trị tối đa dùng để KM. Điều này có nghĩa là, tính khả thi của quy định này không cao và tạo ra những phức tạp không cần thiết. Chính vì vậy, các quy định về hạn mực tối đa giá trị dùng để KM và thời gian KM là không cần thiết và nên được bãi bỏ. Cần quy về một mối, đó là chỉ cần thông qua Luật Cạnh tranh để ngăn ngừa tất cả các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ hai, mặc dù Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm cách thức “Tặng HH, cung ứng DV không thu tiền có kèm theo việc mua bán HH, cung ứng DV”, tuy nhiên để phân biệt trong trường hợp nếu TN dùng HH, DV mà mình được kinh doanh hợp pháp để phát quà tặng không thu tiền của KH, không kèm theo hành vi mua bán thì khi nào là hình thức hàng mẫu, khi nào là hình thức tặng quà? Nếu là hàng mẫu, TN không phải thực hiện bất cứ quy định nào về hạn mức KM, nếu là quà tặng thì phải thực hiện quy định về hạn mức tối đa giá trị hàng hóa dùng để KM. Chính vì vậy, cần bổ sung thêm tiêu chí phân biệt hình thức KM “đưa hàng hoá mẫu, cung ứng DV mẫu để KH dùng thử không phải trả tiền” với hình thức KM “tặng hàng hoá cho KH, cung ứng DV không thu tiền” theo hướng chỉ nên quy định việc tặng quà kèm theo việc mua bán HH, sử dụng DV. Còn lại, các trường hợp đưa HH cho KH không thu tiền sẽ được coi là hình thức hàng mẫu. Tuy nhiên, sự phân biệt này sẽ không còn cần thiết nếu như quy định về hạn mức tối đa giá trị HH, DV dùng để KM được bãi bỏ.

Thứ ba, cần bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân của TN hoặc người đại diện hợp pháp của TN và trách nhiệm cá nhân của người được giao tổ chức chương trình KM, từ đó đảm bảo tính trung thực về giải thưởng và chọn người trúng thưởng trong chương trình KM mang tính may rủi. Thực tế, mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định nghĩa vụ trung thực của TN trở thành một trong những nguyên tắc thực hiện KM, tuy nhiên tình trạng thiếu khách quan hay gian lận trong việc chọn người trúng thưởng vẫn xảy ra. Chính vì vậy, pháp luật cần bổ sung quy định buộc TN hoặc người đại diện hợp pháp của TN, người được giao trách nhiệm hình sự về hành vi gian lận, lừa dối KH trong chương trình KM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chính phủ (2006), Nghị định số 37/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, ngày 04/4/2006.
  2. Chính phủ (2018), Nghị định số 81/2018/NĐ-CP Quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại, ngày 22/5/2018.
  3. Minh Hoa (2018), Quy định mới về trần khuyến mại vẫn gây khó doanh nghiệp, https://baomoi.com
  4. Phạm Nguyễn (2017), Kiểm soát hoạt động khuyến mại, quảng cáo (Kỳ 1), http://www.nhandan.com.vn
  5. Quốc hội (2011), Luật Doanh nghiệp, số 36/2005/QH11, ngày 16/5/2005.
  6. TTXVN (2017), Tháng Khuyến mại Hà Nội 2017: Có 3.000 chương trình khuyến mại. http://thoibaotaichinhvietnam.vn

NEW POINTS IN REGULATIONS ON PROMOTION ACTIVITIES OF VIETNAM

MSc. AU THI DIEU LINH

MSc. NGUYEN QUANG HUY

Department of Law Economic, Faculty Adminitrastion - Law Economic, Thai Nguyen University of Economics and Business Administration

ABSTRACT:

Sales promotion is a trade promotion activity that is effectively used by traders to attract customers to use their goods and services. On May 22, 2018, the Government issued Decree

No. 81/2018/ND-CP on trade promotion activities which replaced the Decree No. 37/2006/ND-CP. The Decree No. 81/2018/ND-CP introduces many new regulations related to trade promotion activities. This article focuses on clarifying the theoretical basis of sales promotion and promotion law and comparing the Decree No. 81/2018/ND-CP with other previous decrees to points out new points of the Decree 81/2018/ ND-CP. This article also analyzes and evaluates the new points of the Decree 81/2018/ ND-CP and proposes some solutions to improve the effectiveness of Vietnam’s law on promotion.

Keywords: Law, promotion activities, Decree No. 81/2018 / ND-CP.