Họ trở thành nhân tố điển hình cổ vũ cho các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi của ngành Than, là động lực để nhiều người đến với nghề thợ lò - một nghề vốn được coi là "kém sức hút" do sự vất vả và nguy hiểm. Dưới đây là 3 trong số rất nhiều tấm gương thợ lò ở các đơn vị ngành Than.

 

Thợ lò Nịnh A Sềnh luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch

Gắn bó tại Công ty than Thống Nhất (TKV) được 7 năm, thợ lò Nịnh A Sềnh, Phân xưởng Đào lò 1, đã nằm trong danh sách thợ lò có thu nhập cao nhất Công ty.

Thợ lò Nịnh A Sềnh vào ca.

 

Anh Nịnh A Sềnh sinh năm 1987, người dân tộc Sán Chỉ, ở xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên. Sinh ra trong gia đình đông anh em, học hết THCS vì điều kiện gia đình khó khăn, Sềnh phải bỏ học giữa chừng. Suốt quãng thời gian từ năm 2004-2006, Sềnh chỉ ở nhà phụ giúp công việc đồng ruộng cho gia đình.

Năm 2007, tình cờ biết được thông tin TKV về xã tuyển sinh thợ lò, Sềnh đã mạnh dạn đăng ký đi học. “Ở xã lúc đó ai cũng ngại đi làm thợ lò, vì sợ vất vả, nguy hiểm. Khi biết tôi đăng ký học làm thợ lò, nhiều người khuyên không nên. Tôi thì không nghĩ như vậy, vì được trải qua quá trình đào tạo bài bản, tích lũy kinh nghiệm, rồi mới làm nghề, nên tôi yên tâm. Năm 2008 tốt nghiệp ra trường, tôi được gọi đi làm tại Xí nghiệp 86, Tổng Công ty Đông Bắc. Đến năm 2012, tôi chuyển về làm tại Công ty than Thống Nhất và gắn bó đến bây giờ. Tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn” - anh Sềnh chia sẻ với chúng tôi.

Với sự siêng năng, chịu khó, Nịnh A Sềnh luôn hoàn thành vượt mức kế hoạch đơn vị giao. Riêng năm 2017-2018, anh đã tham gia đào được hơn 2.500m lò cơ bản sản xuất. Đặc biệt, anh còn đóng góp 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Trong đó, nổi bật là sáng kiến hợp lý hóa hạ nền lò XV3-35 từ ngã 3 lò 6B-1T vào trong để thoát nước. Sáng kiến này hiện được áp dụng rất hiệu quả tại tuyến lò XV3-35 cánh Tây, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thoát nước tại lò này. Qua đó, giúp lò chợ sản xuất an toàn, tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho việc thoát nước tại khu vực này.

Hiện Nịnh A Sềnh có thu nhập từ 23-25 triệu đồng/tháng. Năm 2018, vợ, chồng anh đã mua được một ngôi nhà tại TP Cẩm Phả trị giá hơn 400 triệu đồng bằng tiền lương tiết kiệm của mình. Tổ ấm gia đình là nguồn động viên lớn nhất để anh tiếp tục cống hiến với nghề.

Anh Nguyễn Mạnh Tùng, Quản đốc Phân xưởng Đào lò 1, đánh giá về thợ lò Nịnh A Sềnh: "Trong công việc, Sềnh là người luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mọi công việc giao, Sềnh thực hiện rất trách nhiệm, tận tâm, tìm tòi đủ cách để hoàn thành. Vì vậy, những ca sản xuất có Sềnh tham gia đều đạt và vượt định mức kế hoạch Phân xưởng giao. Chúng tôi rất tin tưởng tay nghề của Sềnh nên thường giao cho cậu ấy hướng dẫn các sinh viên thực tập, đào tạo tay nghề cho thợ lò trẻ mới vào nghề".

Cây sáng kiến hàng đầu Phạm Đình Duẩn

Ở Công ty CP Than Vàng Danh, nhắc tới thợ lò Phạm Đình Duẩn (32 tuổi) ở Phân xưởng Khai thác 14, ai cũng nể phục. Với thâm niên 14 năm công tác, anh Duẩn không những là công nhân vững vàng về tay nghề, mà còn có mức thu nhập cao nhất đơn vị (từ 20-25 triệu đồng/tháng).

Anh Duẩn cho biết, anh quê ở Thái Bình, nhưng gia đình anh có nhiều người làm nghề mỏ, vì vậy anh cũng muốn theo nghề này. Lúc đầu đi học nghề mỏ ở Quảng Ninh anh còn chưa hình dung ra công việc sẽ bắt đầu từ đâu và sự vất vả của nghề như thế nào; nhưng trong quá trình học, niềm đam mê, tình yêu với nghề cứ lớn dần trong anh. Năm 2005, sau khi hoàn thành khóa học chuyên ngành thợ lò, anh Duẩn vào làm việc tại Công ty CP Than Vàng Danh.

Hơn 14 năm gắn bó với nghề, thợ lò Phạm Đình Duẩn đã đóng góp nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho đơn vị.

 

Theo anh Duẩn, nghề mỏ vừa vất vả lại gian nan, nếu ai không thực sự đam mê sẽ khó bám trụ được. Ngược lại, nếu cống hiến nỗ lực từng ngày thì trình độ tay nghề sẽ ngày càng có nhiều kinh nghiệm. "Trước mỗi tình huống xử lý công việc dưới lò, đòi hỏi ngoài sức khỏe thợ lò cần có sự quan sát tinh tế, làm đúng thao tác, quy trình để đảm bảo an toàn lao động tuyệt đối. Đây là kinh nghiệm để tôi hoàn thành tốt các chỉ tiêu Phân xưởng giao" - anh Duẩn chia sẻ.

Không chỉ giỏi về chuyên môn, Phạm Đình Duẩn còn là một cây sáng kiến hàng đầu của Công ty. Điển hình, anh đã tham gia đóng góp 3 sáng kiến: Đề xuất đào cúp thoát nước từ lò song song xuống lò dọc vỉa 6 mức +0 giếng Vàng Danh; gia công phỗng đong than tại lò chợ III-8-1, khu III giếng Vàng Danh; đề xuất sử dụng lưới thép (loại 0,9mx5m) thay thế chèn bằng cốt hàn, chèn gỗ. Mỗi sáng kiến của anh khi áp dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp tăng năng suất, đảm bảo an toàn lao động.

Với những cống hiến, đóng góp trong nghề, năm 2017 thợ lò Phạm Đình Duẩn được Bộ Công Thương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất giỏi; năm 2018 TKV tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ gặp mặt Đoàn đại biểu công nhân, cán bộ ngành Than.

Thợ lò trẻ tiêu biểu Trần Văn Tiến

Năm 2018 là một năm thành công đối với thợ lò Trần Văn Tiến (29 tuổi), bởi trong cùng một năm anh liên tiếp đón nhận những thành tích rất đáng trân trọng như: Thợ lò trẻ thu nhập cao; tài năng trẻ Đoàn Than Quảng Ninh; Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương; được bầu là  Bí thư Chi đoàn Phân xưởng KT11, Công ty Than Nam Mẫu.

Trần Văn Tiến là một trong 800 thợ lò của TKV có thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

 

Giọng nói nhẹ nhàng, dáng người thư sinh, thoạt nhìn ít ai có thể đoán được Trần Văn Tiến là thợ lò. Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí). Từ nhỏ được tiếp xúc với các bác, các chú thợ lò, lớn lên Tiến tìm hiểu và biết rằng làm lò nếu chăm chỉ thì thu nhập cũng khá cao, công việc thì ổn định, tốt hơn nhiều so với làm nông nghiệp. Vậy là khi vừa học xong lớp 12, Tiến theo học Trường Cao đẳng Nghề mỏ hữu nghị Việt - Xô (nay là Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam), rồi trở thành thợ lò của Công ty Than Nam Mẫu từ năm 2011.

Cần cù, chịu khó, nên ngay từ những ngày đầu đi làm, Tiến rất tích cực học hỏi, nhanh chóng làm quen với công việc. Sau 4 năm làm việc, Tiến đã trở thành thợ giỏi xuất sắc cấp Tập đoàn, rồi đạt danh hiệu thợ trẻ lao động giỏi thu nhập cao khi mới 24 tuổi. Từ thời điểm đó tới nay, anh liên tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, góp phần cùng Phân xưởng KT11 hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Tiến tâm sự: "Nếu chủ nhật mà không bận thì em luôn đăng ký đi làm, vừa có thêm thu nhập, vừa được tính hệ số khuyến khích nhiều công. Em thấy nghề mỏ bây giờ cũng có sức hút riêng, một số bạn trẻ làm việc ngoài mặt bằng đã tình nguyện xin vào lò để có thu nhập cao hơn, đảm bảo cho cuộc sống gia đình".

Gần 9 năm gắn bó với nghề mỏ chưa phải là khoảng thời gian dài, nhưng Tiến đã có cho mình một bộ sưu tập thành tích đáng nể, từ giấy khen, bằng khen cho tới những danh hiệu cao quý khác. Năm 2018, Trần Văn Tiến là một trong số hơn 800 thợ lò của Tập đoàn có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.

Khi được hỏi về dự định sắp tới trong tương lai, Tiến vui vẻ trả lời: “Em chỉ mong có thật nhiều sức khỏe để làm việc, còn trẻ thì còn phải cống hiến và cố gắng nỗ lực từng ngày”.