Những thuận lợi và thách thức với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

PGS.TS. VŨ CÔNG GIAO (Khoa Luật - Trường Đại học quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích các vấn đề cơ bản liên quan đến mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, bao gồm: khái niệm, nguồn gốc, đặc điểm, tính chất, lịch sử hình thành, các dạng thức và xu hướng phát triển của nó. Theo tác giả, nhà nước kiến tạo phát triển không phải là một kiểu nhà nước, mà chỉ là một mô hình quản trị quốc gia mà trong đó Nhà nước đóng vai trò dẫn dắt, định hướng sự phát triển kinh tế của đất nước. Đây là mô hình nằm giữa nhà nước thị trường tự do kiểu phương Tây và nhà nước kế hoạch hóa tập trung kiểu các nước XHCN trước đây. Hiện tại, mô hình này vẫn có sức hấp dẫn mạnh với các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, nó đã chuyển biến từ nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển với đặc trưng là tính chuyên chế cao, sang nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ mà trong đó có sự hiện diện của các nguyên tắc về quản trị quốc gia tốt, như: pháp quyền, sự tham gia của người dân, công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước.

Tiếp theo đó, tác giả tập trung phân tích các yếu tố thể chế của nhà nước kiến tạo phát triển và những thuận lợi, thách thức với Việt Nam trong việc theo đuổi mô hình này từ góc độ thể chế. Bên cạnh đó, tác giả cũng đề xuất một số giải pháp để vượt qua những thách thức về thể chế khi xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.

Từ khóa: Nhà nước kiến tạo phát triển, phát triển kinh tế, dân chủ, quản trị quốc gia, Chalmers Johnson.

1. Khái quát về nhà nước kiến tạo phát triển

“Nhà nước kiến tạo phát triển” là thuật ngữ mới được sử dụng gần đây ở Việt Nam để chuyển dịch ý nghĩa của từ “developmental state” - lần đầu tiên được nêu ra bởi Chalmers Johnson, trong cuốn “MITI và Sự thần kỳ Nhật Bản: Chính sách tăng trưởng công nghiệp giai đoạn 1925-1975” (Ministry of International Trade and Industry - Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế của Nhật Bản)?và sau đó được giới học thuật quốc tế sử dụng một cách phổ biến để chỉ một mô hình phát triển kinh tế rất thành công ở một số quốc gia Đông Á (Nhật Bản, Hàn Quốc...).

Trong tác phẩm nêu trên và một số tác phẩm khác về cùng chủ đề, Chalmers Johnson xác định: “nhà nước kiến tạo phát triển là một mô hình phát triển nằm giữa hệ thống kinh tế tư bản thị trường tự do (free market capitalist economic system) và hệ thống kinh tế kế hoạch tập trung (centrally planned economic system). Mô hình này có những đặc điểm cụ thể sau đây:

- Có các quy tắc quản trị ổn định và vững chắc do giới tinh hoa chính trị - quan liêu thiết lập nên, tạo ra vị thế tương đối tự chủ của nhà nước trước các sức ép chính trị từ xã hội mà có thể gây trở ngại đến việc thực hiện các chính sách kinh tế.

- Có sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư (nhà nước và doanh nghiệp). Sự hợp tác đó được bảo đảm và giám sát thực hiện bởi một cơ quan chuyên trách (ví dụ: MITI của Nhật Bản).

- Nhà nước đầu tư mạnh vào giáo dục, y tế và thực hiện các chính sách nhằm bảo đảm công bằng xã hội.

- Có một Chính phủ mạnh, thậm chí chuyên chế, song nắm rõ và vận dụng tốt các quy luật của kinh tế thị trường.

Từ những đặc điểm nêu trên, có thể khẳng định nhà nước kiến tạo phát triển không phải là một kiểu nhà nước, tuy nhiên, từ góc độ quản trị quốc gia, hoàn toàn có thể coi đó là một mô hình nhà nước, giống như mô hình nhà nước thị trường tự do (hay nhà nước điều tiết), nhà nước kế hoạch hóa tập trung, nhà nước phúc lợi.

Theo UNDP, không có một hình mẫu chung, điển hình của nhà nước kiến tạo phát triển. Trong thực tế, các nhà nước kiến tạo phát triển có thể chia thành hai dạng chính, đó là: (1) Những nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển (classical developmentat state) có xu hướng độc tài, chuyên chế (authoritarian developmentat state) trong nửa cuối thế kỷ XX, mà tiêu biểu là các “con Hổ Đông Á” (East Asian Tigers) như Hàn Quốc, Đài Loan; (2) Những nhà nước kiến tạo mới nổi (emergent developmentat state) có tính chất dân chủ (democratic developmentat state) trong thế kỷ XXI, ví dụ như Mauritius, Botswana… - một mô mình đã được UNDP cổ vũ.

Một câu hỏi đặt ra là liệu “developmental state” có phải là con đường duy nhất đưa các quốc gia đi đến thịnh vượng hay không? Câu trả lời rất khác nhau. Trong khi có khẩu hiệu cho rằng: “no developmental state, no development” (tạm dịch: không thể phát triển nếu không theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển), thì có tác giả đã khẳng định kỷ nguyên của mô hình nhà nước kiến tạo phát triển đã kết thúc cùng cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (năm 1997), mà sau đó buộc các quốc gia kiến tạo phát triển Đông Á phải tiến hành các cải tổ kinh tế theo xu hướng tự do (neoliberalism). Ngoài ra, còn có ví dụ mang tính phản biện khác đó là Hoa Kỳ. Mặc dù trung thành với hệ thống kinh tế tư bản thị trường tự do (chủ nghĩa tân tự do), kinh tế Mỹ vẫn ổn định và tăng trưởng trong những năm gần đây và vẫn có sức chi phối cả thế giới.

2. Những triển vọng và thách thức về thể chế với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Giống như nhiều quốc gia khác, Việt Nam cũng có những thuận lợi và thách thức khi theo đuổi mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Dưới đây, tác giả chỉ đề cập đến những vấn đề thuộc về thể chế.

Có nhiều định nghĩa về thể chế (institution). Từ góc độ quản lý nhà nước, có thể hiểu thể chế là: “… những “luật chơi” chính thức và phi chính thức do nhà nước lập ra hoặc chấp nhận để ràng buộc các tương tác trong xã hội, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế trong dài hạn”. Thuật ngữ thể chế tuy không được nêu cụ thể, song nội dung của nó được hàm chứa và nhấn mạnh trong phân tích của tất cả các học giả và tổ chức quốc tế về đặc trưng của nhà nước kiến tạo phát triển. Cụ thể, trong các bài viết của Chalmers Johnson, Adrian Leftwith và trong tài liệu của UNDP…, có thể rút ra các các quy tắc thể chế cơ bản cần được xác lập và bảo đảm trong nhà nước kiến tạo phát triển đó là:

Thứ nhất, quy tắc giữa các nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước (hay rộng hơn là giữa các bộ phận của chế độ/hệ thống chính trị) với nhau: “Luật chơi” này thể hiện ở việc trong khi duy trì hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước với các nhánh quyền lực truyền thống, các nhà nước kiến tạo phát triển có xu hướng “ưu tiên” hơn cho cơ quan hành pháp (Chính phủ). Thực tế cho thấy tất cả các nhà nước kiến tạo phát triển đều có chính phủ mạnh, có thẩm quyền lớn, có tính tự chủ cao trước các cơ quan lập pháp và tư pháp. Bối cảnh này hàm chứa những rủi ro nhất định về sự lạm quyền của hành pháp, tuy nhiên, rủi ro đó được giảm đi bởi thực tế là hành pháp trong các nhà nước kiến tạo phát triển thường là tập hợp của những nhà kỹ trị ưu tú. Đặc biệt, người đứng đầu hành pháp thường có tầm nhìn rộng, có tâm huyết cao, có năng lực vượt trội, là một nhà “độc tài thông thái”. Thêm vào đó, trong các nhà nước kiến tạo phát triển, chính phủ thường nhận được sự ủng hộ của giới trí thức và có sự giúp việc đắc lực của đội ngũ công chức tận tụy, liêm khiết, liêm chính - đây là những “túi khôn” giúp hạn chế sự lạm quyền của nhánh hành pháp.

Thứ hai, quy tắc giữa nhà nước và doanh nghiệp (hay giữa khu vực công và khu vực tư): “Luật chơi” này thể hiện ở việc nhà nước kiến tạo phát triển có mối liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp. Mối liên hệ đó được thiết lập thông qua việc nhà nước tích cực và tận tâm hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động sản xuất, đặc biệt là xuất khẩu, của các doanh nghiệp. Trong mối quan hệ giữa nhà nước kiến tạo phát triển và doanh nghiệp, nhà nước thực sự là “nhà nước hành động”, “nhà nước phục vụ” doanh nghiệp, không phải là nhà nước quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu doanh nghiệp. Mối quan hệ giữa nhà nước kiến tạo phát triển và doanh nghiệp mang tính cộng sinh: nhà nước tồn tại và đạt được các mục tiêu phát triển đề ra nhờ có các doanh nghiệp (đóng thuế), trong khi các doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao trong hoạt động kinh doanh nhờ có chính sách, định hướng đúng đắn và sự hỗ trợ của bộ máy nhà nước.

Thứ ba, quy tắc giữa nhà cầm quyền và giới tinh hoa trong xã hội: “Luật chơi” này thể hiện ở việc giới cầm quyền tạo được thiện cảm, thiết lập được mối quan hệ tốt và qua đó nhận được sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của giới tinh hoa trong xã hội. Khái niệm giới tinh hoa ở đây cần hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các trí thức, mà cả những nhà quản lý, các công chức nhà nước cao cấp và trung cấp, cũng như các doanh nhân và thậm chí cả những nhà hoạt động xã hội. Đây là những lực lượng đóng vai trò như là “bộ não” và “động cơ” cho sự vận hành và phát triển của một xã hội. Để phát triển đất nước, nhà cầm quyền không thể không thu hút sự tham gia và sử dụng những lực lượng này. Trong các nhà nước kiến tạo phát triển, giới cầm quyền tạo được thiện cảm và thu hút được sự tham gia, đóng góp của các lực lượng này trước hết thông qua nhiệt huyết, quyết tâm đưa đất nước phát triển giàu mạnh.

Thứ tư, quy tắc giữa nhà nước (hay rộng hơn là giữa chế độ/hệ thống chính trị) và người dân: Luật chơi này thể hiện ở việc một số tương đối lớn người dân chấp nhận những sự giới hạn/hạn chế, thậm chí ngặt nghèo, về quyền và tự do dân sự nhất định do nhà nước đặt ra với lý do để tập trung phát triển kinh tế. Có thể gọi đây là việc “đổi dân chủ lấy phát triển” hay “hy sinh dân chủ cho phát triển”. Nó thể hiện ở việc trong nhiều nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển, mà tiêu biểu là Hàn Quốc, ở thời kỳ đầu, chính sách đối nội của nhà nước rất khắc nghiệt. Các quyền và tự do dân sự bị hạn chế nghiêm ngặt, sự chỉ trích, phê phán, đặc biệt là những hành động đòi cải tổ, thay đổi chính quyền bị đàn áp khốc liệt. Tất cả đều được biện minh bằng mục tiêu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự oán hận của người dân với những hành động chuyên chế của nhà nước được bù đắp bởi đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, các chính sách xã hội (giáo dục, y tế, văn hóa...) ngày càng tốt, vị thế của quốc gia ngày càng được củng cố trên trường quốc tế do thành công của các chính sách kinh tế mà nhà nước thực hiện.

Xem xét các yếu tố nêu trên ở Việt Nam, có thể thấy như sau:

- Về tổ chức bộ máy nhà nước, và rộng hơn là tổ chức của hệ thống chính trị

Đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam là nhất nguyên, tức là chỉ do một đảng chính trị duy nhất là Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hiện tại, về cơ bản hệ thống chính trị Việt Nam vẫn theo khuôn mẫu của các nhà nước xã hội chủ nghĩa trước đây. Điều này vừa là thuận lợi, vừa là thách thức với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển. Thuận lợi thể hiện ở chỗ trong các nhà nước theo hệ thống chính trị nhất nguyên, các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế của quốc gia một khi đã được xác định sẽ được tổ chức thực hiện một cách tập trung, nhất quán, có tính bền vững hơn so với hệ thống chính trị đa nguyên, nơi mà sau mỗi kỳ bầu cử, đường lối, chính sách kinh tế của quốc gia có thể bị thay đổi theo sự thay đổi của đảng chính trị cầm quyền. Còn thách thức thể hiện ở chỗ, trong một hệ thống chính trị nhất nguyên kiểu xã hội chủ nghĩa, vai trò của nhà nước thường bị tác động bởi đảng cầm quyền, và vai trò của nghị viện thường được đề cao, trong khi vai trò của chính phủ thường mờ nhạt. Những yếu tố này, cùng với truyền thống theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, có thể gây trở ngại cho xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển mà vốn đòi hỏi phải có một chính phủ với vị trí, vai trò và thẩm quyền lớn để có thể chủ động và tự quyết trong hoạch định và điều hành chính sách kinh tế.

- Về mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp

Trước khi Đổi mới, nhà nước Việt Nam đồng thời là chủ thể xây dựng, vừa là chủ thể chính thực hiện các chính sách kinh tế. Đây là mô hình kinh tế đặc trưng của các nhà nước xã hội chủ nghĩa thời Liên Xô - Đông Âu, nơi mà chỉ có hai thành phần kinh tế được tồn tại là kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể, đồng nghĩa với việc chỉ có các doanh nghiệp nhà nước và các hợp tác xã mà bản chất cũng do nhà nước thành lập và quản lý. Tuy nhiên, kể từ khi Đổi mới, ngoài hai thành phần kinh tế đã nêu, còn có thêm các thành phần kinh tế tư bản, tư nhân khác cùng tồn tại, Nhà nước chủ yếu chỉ xác định những chiến lược, định hướng phát triển cho nền kinh tế, còn các hoạt động kinh tế cụ thể để cho các doanh nghiệp tự xác định dựa trên cơ sở cung – cầu của thị trường. Quan hệ giữa nhà nước và khối doanh nghiệp ngày càng được cải thiện.

Mặc dù vậy, sự chuyển biến nêu trên nhìn chung mới chỉ ở bước đầu. Tư duy của một nhà nước điều hành trong thời kỳ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung vẫn còn khá nặng nề trong bộ máy nhà nước ta hiện nay, thể hiện qua việc một số cơ quan nhà nước vẫn còn can thiệp nhiều và sâu vào nhiều hoạt động kinh tế thông qua các mệnh lệnh hành chính. Mô hình hợp tác công - tư vẫn còn sơ khai. Tình trạng đối xử bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế vẫn còn diễn ra, trong khi hiện vẫn còn thiếu một số yếu tố của một khuôn khổ thể chế đồng bộ cho sự vận hành của một nền kinh tế thị trường dẫn đến nguy cơ về một dạng “chủ nghĩa xã hội thân hữu”, nơi mà một số cơ quan và/hoặc công chức nhà nước cố kết với một số doanh nghiệp để thao túng thị trường và hoạt động của bộ máy nhà nước, làm tổn hại đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Ngoài ra, căn bệnh quan liêu, cửa quyền và nhũng nhiễu của bộ máy nhà nước với doanh nghiệp hiện vẫn còn khá nặng. Tất cả những điều này cho thấy cần phải có thêm nhiều nỗ lực và thời gian để hiện thực hoá các khẩu hiệu “nhà nước hành động”, “nhà nước phục vụ” người dân và doanh nghiệp ở nước ta.

- Về mối quan hệ giữa Nhà nước và giới tinh hoa

Ở Việt Nam, kể từ khi được thành lập, Đảng và Nhà nước đã có quan điểm, chính sách rõ ràng và đã tạo lập được mối quan hệ và thu hút được sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đông đảo trí thức và các thành phần khác của giới tinh hoa. Kể từ khi Đổi mới, vai trò của trí thức, doanh nhân càng được đề cao như là những lực lượng chủ chốt dẫn dắt sự phát triển của đất nước. Đây là những thuận lợi cho việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển.

Tuy nhiên, giống như ở bất kỳ quốc gia nào khác, ở Việt Nam từ trước đến nay, giới tinh hoa cũng có quan điểm đa dạng trong tất cả các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá. Ngay cả trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập, thống nhất dân tộc đã có sự chia rẽ trong giới trí thức về con đường đi lên của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, sự chia rẽ đó vẫn còn và có phần sâu sắc hơn trong một số khía cạnh, do nhiều nguyên nhân trong đó bao gồm cả tình trạng yếu kém và tham nhũng của bộ máy nhà nước.

Trong khi cần thấy rằng sự khác biệt về quan điểm là bình thường và cần được tôn trọng ở một quốc gia dân chủ, để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, cần thu hẹp những bất đồng về quan điểm trong giới tinh hoa bằng những biện pháp thích hợp, nhằm mục đích tạo sự đồng tâm, hiệp lực của họ với các hoạt động của Đảng và Nhà nước. Đây cũng có thể coi là một thách thức lớn trong quá trình xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam.

- Về mối quan hệ giữa chế độ/nhà nước và nhân dân

Ở Việt Nam, ngọn cờ cách mạng giành độc lập, tự do, thống nhất cho dân tộc trước đây và xây dựng nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân hiện nay đã tạo ra sức hút và sự ủng hộ của một bộ phận lớn người dân với Đảng và Nhà nước. Kể từ Đổi mới, các nguyên tắc nền tảng cho các đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam là xây dựng nhà nước pháp quyền và lấy dân làm gốc, vì vậy đã tạo ra một hình thái mới cho mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân. Tất cả những điều này có thể coi là thuận lợi với việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển từ góc độ quan hệ giữa nhà nước và người dân.

Tuy nhiên, sự trì trệ trong quản lý và tình trạng quan liêu, tham nhũng, lạm quyền, thiếu dân chủ diễn ra khá phổ biến trong bộ máy nhà nước đã và đang tàn phá niềm tin của người dân với Đảng và Nhà nước, tạo ra một thách thức lớn không chỉ cho việc xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, mà còn cho việc duy trì sự ổn định về chính trị của đất nước.

3. Hoàn thiện thể chế để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Từ những phân tích ở phần trên, có thể thấy rằng để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, Việt Nam cần phải cải cách, hiện đại hóa thể chế. Dưới đây là một số gợi mở:

Thứ nhất, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị: Để xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, cần tiếp tục cải cách hệ thống chính trị theo hướng làm rõ và cụ thể hơn mối quan hệ lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội, bảo đảm không có sự trùng chéo giữa hai hệ thống, Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay và không can thiệp bất hợp lý gây trở ngại cho hoạt động của bộ máy nhà nước. Đối với Nhà nước, cũng cần tiếp tục cải cách để làm rõ hơn mối quan hệ giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, đặc biệt là giữa Quốc hội và Chính phủ, đảm bảo vị thế chủ động, tự quyết ở mức độ thích đáng của Chính phủ trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Trong vấn đề này, cần bảo đảm Chính phủ: i) Có khả năng lập và thực thi các kế hoạch phát triển kinh tế dài hạn; ii) Không bị chi phối bởi lợi ích nhóm; iii) Có khả năng thuyết phục, huy động nguồn lực từ khu vực tư và trừng phạt các doanh nghiệp không tuân thủ các tiêu chí, ưu tiên chính sách mà Nhà nước đặt ra.

Nhà nước cần đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương để đảm bảo Chính phủ có thể tập trung vào vai trò kiến tạo phát triển thay cho trực tiếp điều hành nền kinh tế. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ theo hướng xây dựng một bộ máy quản lý hành chính gọn nhẹ, chuyên nghiệp, hiệu quả và liêm chính - điều mà không thể thiếu trong các nhà nước kiến tạo phát triển. Để đạt được mục tiêu này, cần rà soát, điều chỉnh một cách toàn diện từ chế độ tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, điều chuyển cho đến tiền lương của công chức theo các nguyên tắc cơ bản đó là: i) Việc tuyển dụng công chức phải dựa trên năng lực chuyên môn; ii) Có các chính sách đãi ngộ hợp lý để khuyến khích sự thăng tiến nghề nghiệp của công chức (như lương, bổng, bảo hiểm v.v); iii) Có các chính sách đảm bảo sự tôn vinh và thẩm quyền chính đáng của các công chức.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo đảm không một cá nhân và nhóm nào có thể lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng hoặc cản trở, phá hoại quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu này, việc bảo đảm các quyền tự do lập hội, tự do báo chí, tự do ngôn luận để tạo cơ sở cho người dân giám sát hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, và cải cách tư pháp theo hướng bảo đảm tính độc lập của tòa án là những biện pháp quan trọng có tính cốt yếu.

Thứ hai, củng cố, mở rộng mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp: Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các biện pháp thắt chặt mối liên hệ và hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp. Cần có những biện pháp mạnh mẽ để hiện thực hoá các khẩu hiệu “nhà nước hành động”, “nhà nước phục vụ” người dân và doanh nghiệp mà Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần tuyên bố gần đây.

Để kết nối tốt với các doanh nghiệp, điều quan trọng đầu tiên là Nhà nước phải bảo đảm sự ổn định, rõ ràng, minh bạch của hệ thống chính sách, pháp luật. Hệ thống pháp luật, chính sách phải bảo vệ các quyền kinh doanh và quyền sở hữu một cách hiệu quả và bình đẳng với mọi thành phần kinh tế. Thêm vào đó, Nhà nước cần khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua những chính sách và biện pháp đa dạng, linh hoạt về tín dụng, đầu tư, thuế… Mọi chính sách kinh tế của Nhà nước cần lấy lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp làm nền tảng.

Ngoài ra, cần hoàn thiện các cơ chế về sự hợp tác công - tư giữa Nhà nước và doanh nghiệp, qua đó giúp giảm thiểu sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế, giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước, đảm bảo nền kinh tế vận hành theo đúng quy luật của thị trường.

Thứ ba, củng cố, mở rộng mối quan hệ giữa Nhà nước và giới tinh hoa: Củng cố, mở rộng mối quan hệ với giới tinh hoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hoá và nền kinh tế tri thức. Để làm được việc này ở Việt Nam, cần nêu cao ngọn cờ độc lập, đoàn kết dân tộc, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, nỗ lực cải cách thể chế, xây dựng nhà nước pháp quyền để thu phục nhân tâm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những chính sách đối xử, đãi ngộ hợp lý, thích đáng về vật chất và tinh thần với từng nhóm tinh hoa, dựa trên sự đóng góp của họ. Tất cả những vấn đề này giúp củng cố sự tin tưởng, đồng thuận và hợp tác của giới tinh hoa với hoạt động của Nhà nước.

Thứ tư, củng cố mối quan hệ giữa chế độ/nhà nước và nhân dân: Ngay trong các nhà nước kiến tạo phát triển truyền thống ở Đông Á trước đây, mặc dù tính chuyên chế trong quản trị quốc gia là rất cao, song mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân cũng rất được chú trọng, thể hiện qua những chính sách xã hội của nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam không thể xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển theo mô hình truyền thống của các nước Đông Á, mà cần theo mô hình dân chủ (nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ) do Liên hợp quốc đề xuất và cổ vũ. Yếu tố “dân chủ” đó càng đòi hỏi phải củng cố mối quan hệ giữa chế độ/nhà nước và nhân dân.

Xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ đồng nghĩa với việc Nhà nước tập trung vào kiến tạo phát triển kinh tế, song vẫn phải vận hành theo các nguyên tắc của quản trị tốt (good governance), bao gồm: Bảo đảm sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội (participatory), định hướng đồng thuận trong xã hội (consensus oriented), trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước (accountable), sự minh bạch (transparent) và kịp thời (responsive) trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, tính hiệu lực (effective) và hiệu quả (efficient) trong quản trị công, tính bình đẳng và không loại trừ chủ thể nào (equitable and inclusive) và tuân thủ pháp quyền (follows the rule of law). Ở đây, việc tuân thủ các nguyên tắc của quản trị tốt cũng là một biện pháp khắc phục sự lạm quyền, chuyên chế trong hoạt động của nhà nước, qua đó xây dựng và củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và người dân ngay trong quá trình thực thi các chính sách kinh tế.

Ở tầm vĩ mô, để củng cố mối quan hệ giữa nhà nước và nhân dân, cần nhất quán thực thi hình thái mới của mối quan hệ giữa hai bên, trong đó mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhà nước chỉ là chủ thể được người dân trao quyền thay mình quản lý xã hội; người dân được bảo đảm các quyền tự do dân chủ, bao gồm quyền giám sát, phản biện, chỉ trích, phê bình hoạt động của Nhà nước, tham gia quản lý xã hội cùng với Nhà nước. Bên cạnh đó, cần có những biện pháp quyết liệt, thực chất và hiệu quả để bảo đảm trong mọi hoạt động, Nhà nước thể hiện tính chất “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Cần cải cách chế độ bầu cử và quy chế tổ chức, hoạt động của các cơ quan dân cử để bảo đảm tính thực chất của dân chủ đại diện. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy dân chủ trực tiếp theo hướng tổ chức thực thi tốt luật trưng cầu ý dân và mở rộng áp dụng các hình thức dân chủ trực tiếp khác như sáng kiến công dân, sáng kiến chương trình nghị sự.

Cuối cùng, cần cải cách các chính sách xã hội về giáo dục, văn hoá, bảo trợ các nhóm dễ bị tổn thương để xoá đói giảm nghèo, giới hạn khoảng cách giàu - nghèo, bảo đảm sự công bằng thu nhập ở mức độ tương đối, chấp nhận được giữa các nhóm trong xã hội. Điều này để chứng minh với người dân rằng nhà nước kiến tạo phát triển mang lại lợi ích về mọi mặt cho tất cả mọi người chứ không chỉ cho riêng các giới doanh nhân, kỹ trị và giới tinh hoa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Adrian Leftwich, Bringing Politics Back in: Towards a Model of the Developmental State, The Journal of Development Studies, 31 (3).

2. Chalmers Johnson, (1982), MITI and the Japanese Miracle; The Growth of Industrial Policy 1925-1975, Stanford University Press, tại http://faculty.arts.ubc.ca/tiberg/MPA_Asia_Apr_2010_readings/Johnson,%20Chalmers.%201982.%20MITI%20and%20the%20Japanese%20Miracle%20Ch.%201.pdf

3. Chalmers Jonhson (1985), Political institutions and economic performance: The government-business relationship in Japan, South Korea and Taiwan, in Asian Economic Development: Present and Future, tr. 73-89.

4. Chalmers Johnson, (1999), “The Developmental State: Odyssey of A Concept”, in: Woo-Cumings, M. (ed.) (1999), The Developmental State, Cornell University Press.

5. Evans, Peter B. (1995). Embedded Autonomy: States and Industrial Transformation. Princeton. Princeton University Press.

6. International IDEA (2008), Direct Democracy: The International IDEA Handbook, tại http://www.idea.int/publications/catalogue/direct-democracy-international-idea-handbook.

7. Kỳ Duyên, “Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp cả nước”, http://kinhdoanh.vnexpress.net/tong-thuat/doanh-nghiep/thu-tuong-doi-thoai-voi-doanh-nghiep-ca-nuoc-3394927.html, ngày 29/4/2016, truy cập 24/3/2017.

8. Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển/Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam: Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ, tr.92, tại https://openknowledge.worldbank.org/.

9. Nguyên Hà, Thủ tướng: “Sẽ là Chính phủ kiến tạo và phục vụ”, http://vneconomy.vn/thoi-su/thu-tuong-se-la-chinh-phu-kien-tao va-phuc-vu-20160504105050759.htm, truy cập ngày 05/3/2017.

10. UNDP (2012), Democratization in a Developmental State: The Case of Ethiopia - Issues, Challenges, and Prospects, tại http://www.et.undp.org/content/ethiopia/en/home/library/democratic_governance/developmentbrief_democratisationinadevelopmentalstate_democraticgovernance.html

11. UN ECA and AU, Economic Report on Africa (2011): Governing Development in Africa - the Role of the State in Economic Transformation. Addis Ababa: UN ECA tại http://www.uneca.org/sites/default/files/PublicationFiles/era2011_eng-fin.pdf

12. Woo-Cumings, Meredith, ed. (1999) The Developmental. State. Cornell, CA; Cornell University Press, tại http://www.bresserpereira.org.br/Terceiros/Cursos/09.Woo-Cumings,Meredith_The_developmental_State_Odyssey_of_a_concept.pdf

13. Website Chính phủ (2016), Phát biểu giải trình, trả lời chất vấn trước Quốc hội của Thủ tướng Chính phủ ngày 17/11/2016, http://thutuong.chinhphu.vn/.

14. Website Chính phủ (2016), Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2016 ngày 09/12/2016, http://thutuong.chinhphu.vn

BUILDING A CONSTRUCTIVE DEVELOPMENTAL STATE IN VIETNAM: ADVANTAGES AND CHALLENGES

Assoc. Prof. PhD. VU CONG GIAO

School of Law - Vietnam National University, Hanoi

ABSTRACT:

The paper firstly analyzes core issues on the developmental state model, including the concept, origin, characteristics, nature, historical development, types and perspective. As argued by the author, the developmental state is not a new kind of state, it is rather a model of state governance in which the state plays a leading role in driving the country's economic development. This is a model in between the Western free-market state and the centrally planned state of the former socialist countries. At present, the developmental state model is still attractive to developing countries, however, it has evolved from the classical developmental state with high authoritarian characteristic to democratic classical developmental state in which good governance principles such as rule of law, public participation, openness, transparency and accountability of the state apparatus are also respected.

Subsequently, the author focuses on analyzing the institutional elements of the developmental state model, and the advantages and challenges for Vietnam in pursuing this model from an institutional perspective. Lastly, the author proposed some solutions to overcoming institutional challenges in building a developmental state in Vietnam.

Keywords: Developmental state, economic development, democracy, state governance, Chalmers Johnson.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 08 tháng 07/2017 tại đây.