TÓM TẮT:

Hiện nay, quá trình thực hiện chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và vướng mắc. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do sự thiếu vắng quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề pháp lý phát sinh trong quá trình chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp. Bài viết này sẽ đánh giá, phân tích thực trạng các quy định pháp luật và những vướng mắc phát sinh trong thực hiện chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam.

Từ khóa: Hợp tác xã, chuyển đổi, doanh nghiệp.

1. Khái niệm và bản chất pháp lý của hợp tác xã

Hợp tác xã được hiểu là tổ chức kinh tế tập thể, với hạt nhân là “hợp tác” giữa các thành viên, được ra đời và phát triển trên cơ sở hợp tác tự nguyện, tự chủ và cùng có lợi của các thành viên. Hoạt động của hợp tác xã góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam hiện nay.

Hợp tác xã có tư cách pháp nhân, là một chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm trong các quan hệ pháp luật. Số lượng thành viên tối thiểu của hợp tác xã là “7 thành viên” và không hạn chế tối đa. Theo Luật Hợp tác xã 1996, thành viên chỉ là “cá nhân” những người lao động có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra theo quy định của pháp luật. Theo quy định hiện hành, thành viên đã được mở rộng có thể là “cá nhân, hộ gia đình, pháp nhân” tự nguyện thành lập, gia nhập nhằm hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của các thành viên.

Hợp tác xã có thể hiểu là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân. Theo Luật Hợp tác xã 2003 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể… hoạt động như một loại hình doanh nghiệp, có tư cách pháp nhân”. Tuy vậy, đến Luật Hợp tác xã 2012, quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân”. Như vậy, quan điểm của nhà làm luật đã có sự thay đổi về bản chất của hợp tác xã, khi loại bỏ quy định “Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” trong luật hiện hành.

Đến nay, vẫn có nhiều ý kiến khác nhau về bản chất của hợp tác xã và sự khác biệt so với bản chất của doanh nghiệp (được quy định trong Luật Doanh nghiệp). Hợp tác xã có phải là một loại hình doanh nghiệp không? Nếu không phải thì hợp tác xã khác biệt gì so với các loại hình doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Theo đó,  có 2 quan điểm về bản chất của hợp tác xã.

Quan điểm thứ nhất: Hợp tác xã là tổ chức kinh tế do thành viên lập ra nhằm mục đích hỗ trợ cho những hoạt động sản xuất, kinh doanh, “tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên”. Sự bình đẳng và dân chủ của các thành viên trong quản lý hợp tác xã được thể hiện khi “mỗi thành viên, hợp tác xã thành viên hoặc đại biểu thành viên tham dự đại hội thành viên có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên”1.

Quan điểm thứ hai: Bởi hợp tác xã cũng có những đặc điểm, như: các thành viên cùng nhau góp vốn, góp sức, nhằm thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, vì thế hoạt động của hợp tác xã như một loại hình doanh nghiệp với những đặc điểm riêng, đặc thù. Vì thế, về bản chất không khác gì các loại hình doanh nghiệp. Cần thiết phải quy định hoạt động của hợp tác xã như một loại hình doanh nghiệp (được ghi nhận trong Luật Hợp tác xã 2003, nhưng đã bỏ quy định này trong Luật Hợp tác xã 2012). Việc ghi nhận sẽ bảo đảm sự bình đẳng với các loại hình doanh nghiệp.

Có thể thấy rằng, về cơ bản, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp có đặc điểm chung: (i). Đều là tổ chức kinh tế; (ii). Có tư cách pháp nhân (trừ trường hợp doanh nghiệp tư nhân); (iii). Được thành lập theo trình tự, thủ tục pháp luật quy định; (iv). Có tài sản và vốn góp. Các đặc điểm trên hình thành tư cách chủ thể của hợp tác xã trong các quan hệ pháp luật.

Hai loại hình tổ chức kinh tế là hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp có nhiều điểm khác biệt, như:

Thứ nhất, về mục tiêu thành lập. Mục tiêu thành lập của hợp tác xã là: “hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”2. Còn các loại hình doanh nghiệp được thành lập “nhằm mục đích kinh doanh” hay nói cách khác “nhằm mục đích sinh lợi”3.

Thứ hai, về tư cách của thành viên. Các xã viên hợp tác xã vừa có tư cách là chủ sở hữu của hợp tác xã, vừa có tư cách là sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, theo đó thành viên có nghĩa vụ “sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ”4. Trong khi đó, đối với doanh nghiệp, các thành viên hoặc cổ đông có tư cách là các nhà đầu tư.

Thứ ba, về quyền biểu quyết của thành viên. Các xã viên của hợp tác xã “có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động của hợp tác xã”5. Trong biểu quyết của đại hội thành viên hợp tác xã thì “Mỗi thành viên… có một phiếu biểu quyết. Phiếu biểu quyết có giá trị ngang nhau, không phụ thuộc vào số vốn góp hay chức vụ của thành viên”6. Như vậy, hợp tác xã quản lý theo nguyên tắc bình đẳng, các thành viên có quyền ngang nhau trong việc biểu quyết các vấn đề của hợp tác xã không phụ thuộc vào phần vốn góp của mình.

Như vậy, mặc dù có một số đặc điểm giống nhau, nhưng hợp tác xã và doanh nghiệp là hai loại hình tổ chức có bản chất pháp lý khác nhau, được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Khi chuyển đổi hình thức từ hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp có rất nhiều những vấn đề pháp lý phát sinh mà cần thiết phải được dự liệu trong các quy định pháp luật.

2. Thực trạng pháp luật và những vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật về chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp

Hiện nay, việc chuyển đổi loại hình hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác được quy định tại điều 62 Luật Hợp tác xã 2012, theo đó, những hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập trước ngày Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực (từ ngày 1/7/2013) mà tổ chức và hoạt động không phù hợp với các quy định thì phải đăng ký lại hoặc chuyển sang loại hình tổ chức khác trong thời hạn 36 tháng.

Nghị định số 193/2013/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Hợp tác xã 2012 quy định “Trường hợp cần đăng ký thay đổi, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động thì tiến hành đại hội thành viên để quyết định việc thay đổi hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã, giải thể tự nguyện hoặc chuyển đổi sang loại hình tổ chức khác theo quy định của pháp luật”7. Ngoài những quy định trên đây, đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc chuyển đổi hình thức từ hợp tác xã sang doanh nghiệp.

Trong thực tiễn, có hai trường hợp chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác: Thứ nhất, trường hợp tổ chức và hoạt động của hợp tác xã không phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã 2012, bắt buộc phải đăng ký lại nhằm chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã phù hợp với Luật Hợp tác xã 2012. Thứ hai, có nhu cầu chuyển đổi từ hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác và không rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán theo quy định của Luật Phá sản 2014. Nhìn nhận cách khác, việc chuyển đổi hình thức hợp tác xã có thể chia ra: chuyển đổi theo quy định của pháp luật và chuyển đổi bởi tự nguyện.

Tuy vậy, đến nay, quá trình thực thi pháp luật về hợp tác xã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp. Trong đó, có thể nhận thấy những vấn đề đặt ra như:

Một là, đến nay, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn là các hợp tác xã chưa thể thực hiện việc chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp để hoạt động một cách có hiệu quả hơn. Trong khi, Luật Hợp tác xã thì giao trách nhiệm cho Chính phủ “quy định chi tiết” về việc chuyển đổi, nhưng trong Nghị định số 193/2013/NĐ-CP bỏ ngỏ nội dung này. Trong Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định “trường hợp cần đăng ký thay đổi, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động thì tiến hành đại hội thành viên để quyết định”. Quy định này cho thấy việc thay đổi, giải thể hoặc chuyển đổi hình thức là 3 thủ tục khác nhau mà hợp tác xã có thể thực hiện theo quyết định của đại hội thành viên.

Ngày 5/6/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Văn bản hướng dẫn số 3763/BKHĐT-HTX về việc chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình tổ chức khác. Theo đó, việc chuyển đổi từ loại hình hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo 3 bước: “Bước 1: Tiến hành đại hội thành viên để đưa ra các quyết định về việc giải thể tự nguyện để chuyển đổi hợp tác xã; Bước 2: Thực hiện giải thể tự nguyện hợp tác xã; Bước 3: Thành lập doanh nghiệp mới theo quy định pháp luật”.

Hai là, về bản chất của việc chuyển đổi hợp tác xã: Văn bản hướng dẫn số 3763 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì việc chuyển đổi bắt buộc hợp tác xã phải thực hiện giải thể tự nguyện hợp tác xã sau đó thành lập doanh nghiệp mới. Về bản chất, theo hướng dẫn này, pháp nhân mới được hình thành và pháp nhân hợp tác xã không có mối liên hệ với nhau, hoàn toàn độc lập với nhau, không kế thừa các quyền, nghĩa vụ dân sự từ hợp tác xã sang doanh nghiệp. Hợp tác xã bị giải thể và chấm dứt hoạt động, còn doanh nghiệp mới được thành lập theo quy định của pháp luật. Như vậy, vấn đề đặt ra là theo Văn bản số 3763 có phải chuyển đổi loại hình hợp tác xã không? Cơ sở pháp lý nào cho việc chuyển đổi hợp tác xã như trên?

Trong nội dung Công văn trả lời số 1214/TCT-KK về việc hướng dẫn thực hiện chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp, Tổng Cục thuế có ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với trường hợp chuyển đổi từ hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp có đưa ra hai trường hợp8: Trường hợp thứ nhất: Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản hướng dẫn cho phép chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp mà không thực hiện giải thể hay chấp dứt hoạt động của hợp tác xã (không làm thay đổi pháp nhân), doanh nghiệp chuyển đổi được kế thừa toàn bộ trách nhiệm, nghĩa vụ của hợp tác xã và hợp tác xã được giữ nguyên mã số thuế. Trường hợp thứ hai: Nếu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định hợp tác xã khi chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp mà phải giải thể hay chấm dứt hoạt động của hợp tác xã (thay đổi sang một pháp nhân mới), hợp tác xã phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực của mã số thuế.

Thông qua việc Tổng cục Thuế đưa ra 2 ý kiến về trường hợp trên, cho thấy các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay vẫn chưa xác định đúng bản chất của việc chuyển đổi hình thức của hợp tác xã, từ đó đưa ra được trình tự, thủ tục chuyển đổi hợp lý và đảm bảo giải quyết tất cả các vấn đề pháp lý phát sinh khi chuyển đổi hợp tác xã.

Ba là, về bản chất chuyển đổi loại hình pháp nhân. Hợp tác xã có tư cách pháp nhân kể từ ngày được thành lập hợp pháp. Theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì chuyển đổi hình thức của pháp nhân sẽ dẫn đến hệ quả: “Sau khi chuyển đổi hình thức, pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm pháp nhân chuyển đổi được thành lập; pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi”9. Việc chuyển đổi từ loại hình này sang loại hình khác về bản chất là thay đổi về hình thức pháp lý của tổ chức đã được quy định trong pháp luật, trong đó có sự thay đổi căn bản về quan hệ sở hữu, quan hệ kinh tế, quan hệ phân phối và mức vốn góp tối đa khi tham gia hợp tác xã.

Như vậy, nếu căn cứ vào quy định trên, việc chuyển đổi loại hình từ hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp là thay đổi hình thức pháp lý này bằng một hình thức khác theo sự tự nguyện hoặc theo quy định của pháp luật. Việc chuyển đổi loại hình sẽ không làm chấm dứt hay thay đổi nghĩa vụ trả nợ của chủ thể đối với bên thứ ba.

Trong nội dung Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục tăng cường công tác trển khai thi hành Luật Hợp tác xã 2012 có giao trách nhiệm cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc: “Nghiên cứu hướng dẫn thủ tục đăng ký chuyển đổi các hợp tác xã sang doanh nghiệp và các loại hình kinh tế khác theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính tạo điều kiện để việc chuyển đổi thuận lợi”. Tuy vậy, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ chưa ban hành một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh nội dung này. Những hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã theo Văn bản số 3763 vừa chưa thể hiện được bản chất của việc chuyển đổi hình thức hợp tác xã, vừa chưa giúp đơn giản thủ tục chuyển đổi.

3. Kết luận

Với những phân tích trên đây, những quy định pháp luật hiện hành chưa tạo ra cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện “thuận lợi trong việc chuyển đổi từ hợp tác xã thành doanh nghiệp”10 dẫn đến những khó khăn, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần thiết phải sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hợp tác xã 2012 theo hướng quy định các vấn đề của việc chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình doanh nghiệp nhằm tạo cơ sở pháp lý cho quá trình thực hiện trong thực tiễn.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN VÀ THAM KHẢO:

1Khoản 3, điều 34 Luật Hợp tác xã 2012.

2Khoản 1, điều 3 Luật Hợp tác xã 2012.

3Khoản 16, điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014.

4Khoản 1, điều 15 Luật Hợp tác xã 2012.

5Khoản 3, điều 7 Luật Hợp tác xã 2012.

6Khoản 3, điều 34 Luật Hợp tác xã 2012.

7Khoản 2, điều 32 Nghị định số 193/2013/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết một số điều Luật Hợp tác xã 2012.

8Công văn 1214/TCT-KK của Tổng cục Thuế về việc hướng dẫn thực hiện chuyển đổi hợp tác xã sang loại hình doanh nghiệp.

9Điều 92, Bộ luật Dân sự 2015.

10Hoàng Vũ Quang (2017), Kinh nghiệm phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Hoa Kỳ, Tạp chí Châu Mỹ ngày nay.

SHORTCOMINGS OF THE LAW

ENFORCEMENT PROCESS ON CONVERSION

OF COOPERATIVES INTO ENTERPRISES

PhD. VU QUANG

Hanoi University of Science and Technology

ABSTRACT:

Currently, the process of implementing cooperatives to enterprises still faces many difficulties. One of the leading reasons is the absence of legal provisions governing arising legal issues in the process of converting cooperatives into enterprises. This article assesses and analyzes the current situation and shortcomings of legal regulations in converting cooperatives into enterprises in Vietnam.

Keywords: Cooperatives, transformations, businesses.